CHƯƠNG 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU 3.1. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG THUỶ SẢN TẠI THỪA THIÊN HUẾ
3.2. ẢNH HƯỞNG CỦA SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG BIỂN FORMOSA TẠI TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
3.2.2. Ảnh hưởng của sự cố đối với các xã nghiên cứu
Do đặc điểm di chuyển của mức độ ô nhiễm môi trường biển Formosa ảnh hưởng xuất phát từ tỉnh Hà Tỉnh vào Thừa Thiên Huế. Để đánh giá mức độ tác động của sự cố Formosa lên hoạt động KTTS và sinh kế của ngư dân đề tài đã lựa chọn 3 điểm nghiên cứu đi từ Bắc vào Nam dọc theo địa hình ven biển để đánh giá mức độ tác động của sự cố môi trường năm 2016. Các điểm được lựa chọn bao gồm: xã Quảng Công (Quảng Điền), Phú Diên (Phú Vang) và thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) thuộc các xã bãi ngang, ven biển Thừa Thiên Huế. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế sinh kế của ngư dân ven biển chủ yếu là KTTS, NTTS, chế biến thủy sản và kinh doanh dịch vụ biển. KTTS biển gồm hoạt động khai thác xa bờ và hoạt động KTTS ven bờ. Phần lớn ngư dân ở các xã bãi ngang ven biển Thừa Thiên Huế còn gặp nhiều khó khăn về đời sống, nên hoạt động KTTS của hộ chủ yếu tập trung vào các hoạt động khai thác ven biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự cố.
Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế là một xã nằm ở phía Đông của huyện Quảng Điền, cách trung tâm huyện 6 km và cách thành phố Huế 12 km, là vùng đất nằm giữa biển và đầm Phá Tam Giang. Phía Bắc giáp xã Quảng Ngạn và Biển Đông; phía Nam giáp xã Hải Dương, huyện Hương Trà và phá Tam Giang;
phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp với phá Tam Giang. Xã Quảng Công có tổng diện tích tự nhiên là 1290 ha, gồm 9 thôn: Thôn 1, thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn 14, thôn An Lộc, thôn Tân Thành, thôn Hải Thành, thôn Cương Gián. Trong đó, 4 thôn tham gia vào hoạt động khai thác thuỷ sản ven biển và chịu ảnh hưởng lớn từ sự cố môi trường biển 2016 là thôn An Lộc, Tân Thành, Hải Thành và Cương Gián và có 1 thôn đánh bắt thuỷ hải sản chủ yếu trên đầm phá Tam Giang (thôn 14).
Xã Phú Diên, huyện Phú Vang là một xã ven Biển và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai nằm về phía Đông huyện Phú Vang, với diện tích tự nhiên là 258,42 ha, có quốc lộ 49B đi qua, giao thông đi lại khá thuận tiện kể cả đường bộ và đường thuỷ, cách thành phố Huế khoảng 25 km về hướng Đông. Xã Phú Diên có địa giới hành chính: phía Bắc giáp xã Phú Hải và biển Đông; phía Nam giáp xã Vĩnh Xuân và Phá Tam Giang; phía Đông giáp biển Đông và phía Tây giáp phá Tam Giang. Xã Phú Diên gồm 7 thôn:
Thôn Diên Lộc, thôn Kế Sung, thôn Kế Sung Thượng, thôn Mỹ Khánh, thôn Phương Diên, thôn Thanh Dương, thôn Thanh Mỹ. Trong đó, trong nghiên cứu này, tập trung vào các thôn: Phương Diên, Diên Lộc, Kế Sung Thượng, Thanh Mỹ, Mỹ Khánh là các thôn chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển 2016. Xã Phú Diên có điều kiện thuận lợi phía đông giáp biển Đông với chiều dài 7,5 km và phía tây giáp phá Tam Giang do đó có nguồn thủy hải sản dồi dào, sinh vật đa dạng có tiềm năng lớn để khai thác nguồn lợi thủy sản trên biển và phát triển hoạt động nuôi trồng thủy sản trên đầm phá.
Số hộ tham gia vào hoạt động khai thác thủy sản chủ yếu tập trung 3 thôn: Phương Diên, Mỹ Khánh, Diên Lộc. Có thể nói ngành khai thác thủy sản là ngành kinh tế quan trọng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của xã Phú Diên. Như vậy, nhìn
chung xã có vị trí địa lí thuận lợi cho việc phát triển nghề khai thác thủy hải sản của vùng. Bên cạnh đó, xã Phú Diên có quốc lộ 49B đi qua, giao thông đi lại khá thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong việc lưu thông hàng hóa.
Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế là một thị trấn của huyện Phú Lộc, nằm trên quốc lộc 1A, hướng về phía nam và nằm dưới chân đèo Hải Vân có vị trí địa lí nằm giữa 3 trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thế giới là: Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An và Khu Thánh địa Mỹ Sơn với bán kinh là 70 km, chiều dài bờ biển hơn 8 km chạy dài từ chân đèo Phú Gia đến chân đèo Hải Vân, là khu vực có bãi cát biển đẹp, khu nghỉ dưỡng gần cảng Chân Mây nằm trên tuyến đường sắt Bắc- Nam cách thành phố Đà Nẵng 30 km. Thị trấn Lăng Cô là một tiểu vùng địa lý thống nhất có một lưu vực độc lập của sườn phía đông núi Hải Vân, được tụ thuỷ dòng chay về Đầm Lăng Cô. Nằm ở phía nam của Huyện Phú Lộc và của Tỉnh Thừa Thiên Huế với diện tích tự nhiên là 104.10 km2 . Lăng Cô là địa bàn có 09 thôn: An Cư Đông 1, An Cư Đông 2, An Cư Tây, An Cư Tân, Hói Dừa, Lập An, Đồng Dương, Loan Lý và Hải Vân. Ngày 20 tháng 12 năm 2002 Chính phủ ban hành Nghị định 105/NĐ-CP thành lập thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế là đô thị loại 5 được cơ cấu kinh tế theo định hướng Dịch vụ - du lịch, ngư nông lâm.
Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của sự cố môi trường, nghiên cứu tiến hành xem xét đánh giá ảnh hưởng của sự cố đến cộng đồng KTTS ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế dựa trên một số chỉ tiêu: (1) hộ KTTS ven biển (hộ), (2) tỷ lệ hộ KTTS ven biển bị ảnh hưởng (hộ), (3) số tàu thuyền khai thác ven biển (chiếc), (4) tỷ lệ tàu thuyền ven biển bị ảnh hưởng (chiếc), (5) lao động KTTS ven biển (lao động), (6) tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng (%). Những chỉ tiêu được lựa chọn nhằm phản ánh được mức độ nghiêm trọng của sự cố; phản ánh quy mô ảnh hưởng đến hoạt động sinh kế và đời sống của ngư dân và những thiệt hại của sự cố mang lại cho cộng đồng. Các chỉ tiêu được thu thập số liệu thông qua các nguồn báo cáo của UBND tỉnh, của các xã/thị trấn và phỏng vấn người am hiểu tại các điểm nghiên cứu. Tỷ lệ hộ bị ảnh hưởng được tính bằng %, giữa những hộ bị tác động/tổng số hộ. Tương tự tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng cũng tính bằng
% giữa lao động bị ảnh hưởng/tổng lao động.
Kết quả ảnh hưởng của sự cố cộng đồng KTTS ven biển tại Thừa Thiên Huế được tổng hợp ở bảng 3.4.
Bảng 3.4. Ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đến cộng đồng KTTS ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế
Chỉ tiêu
Tỉnh Thừa Thiên Huế
Xã Quảng
Công Xã Phú
Diên Thị trấn Lăng Cô
Hộ KTTS ven biển (hộ) 30.422 382 473 548
Tỷ lệ hộ bị ảnh hưởng (%) 3,7 37,2 30,9 22,9
Số tàu thuyền KT ven biển (chiếc) 2.493 426 303 344
Tỷ lệ tàu thuyền ven biển bị ảnh hưởng (%)
100 100 100 100
Lao động KTTS ven biển (LĐ) 124.943 925 984 459
Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng (%) 19,6 23,9 17,4 24,0
Nguồn: Báo cáo Tổng kết công tác bồi thường thiệt hại của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2016) và UBND các xã Quảng Công, Phú Diên, TT Lăng Cô (2018) và Phỏng vấn người am hiểu tại các xã nghiên cứu 2018.
Kết quả khảo sát cho thấy, số hộ KTTS ven biển bị ảnh hưởng trên toàn tỉnh là 42.735 hộ, trong đó hộ khai thác biển ven biển là 30.422 hộ chiếm đến 71,19%. Điều này cho thấy hoạt động KTTS ven biển hầu như là hoạt động tạo nguồn thu chính ở địa bàn khảo sát. Đặc điểm của cộng đồng dân cư sống ven biển có hoạt động KTTS ở tỉnh Thừa Thiên Huế có hoạt động KTTS tương đối đa dạng, gắn liền với biển, đầm phá và cửa biển. Vì vậy, tỷ lệ KTTS ven biển với các phương tiện khai thác ở quy mô nhỏ là hoạt động khai thác phổ biến.
Với số hộ bị ảnh hưởng chiếm phần lớn như vậy sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống cũng như sinh kế của người dân tại vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Tỷ lệ hộ bị tác động phản ánh mức độ nghiêm trọng của sự cố đến đời sống của ngư dân KTTS.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hộ bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển Formosa tại các điểm nghiên cứu có sự dao động, tại Quảng Công tỷ lệ hộ chiếm 37,2%, Phú Diên chiếm 30,9 và Lăng Cô chiếm tỷ lệ này 22,9%. Sự chênh lệch tỷ lệ hộ bị ảnh hưởng phụ thuộc vào số hộ KTTS trên tổng số hộ của xã/thị trấn và phụ thuộc vào vùng khai thác của ngư dân. Tại Quảng Công và Phú Diên, các hộ KTTS chủ yếu hoạt động ven biển nên khi sự cố tác động đến khu vực ven biển tỷ lệ hộ bị ảnh hưởng tương đối lớn. Trong khi đó tại thị trấn Lăng Cô thì tỉ lệ hộ tham gia vào KTTS ven biển chỉ chiếm hơn nữa trong tổng số hộ KTTS nên tỉ lệ hộ bị ảnh hưởng bởi Fomosa thấp hơn.
Số tàu thuyền bị tác động cũng phản ảnh được thiệt hại mà sự cố môi trường tác động đến đời sống của ngư dân. Trong hoạt động KTTS biển, ở đây có hình thức, nhiều hộ cùng tham gia khai thác trên một (01) tàu cũng tương đối phổ biến. Do điều kiện về kinh tế bị hạn chế, một nhóm hộ họ cùng nhau đầu tư để thực hiện các hoạt động KTTS trên biển, chia sẻ khó khăn về nguồn lực kinh tế, tận dụng tối đa nguồn lao động và chia sẻ rủi ro cùng nhau khi thực hiện các hoạt động trên biển. Số tàu thuyền trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng là 2.493 chiếc. Số tàu thuyền bị ảnh hưởng tại Quảng Công là 426 chiếc, chiếm tỷ lệ 17,1%; tại Phú Diên số tàu thuyền bị ảnh hưởng là 303 chiếc,
chiếm tỷ lệ 12,2%; tại thị trấn Lăng Cô số tàu thuyền bị ảnh hưởng 344 chiếc, chiếm tỷ lệ 13,8%. Như vậy, tỷ lệ tàu thuyền bị ảnh hưởng giữa các xã/thị trấn nghiên cứu biến động không nhiều, cao nhất là xã Quảng Công, tiếp đến là thị trấn Lăng Cô và xã Phú Diên. Số tàu thuyền của hộ KTTS ven biển đều chịu ảnh hưởng từ sự cố môi trường biển (100% số tàu thuyền khai thác ven biển). Kết quả này cũng phản ánh tác động thực tế tại các địa phương với mức độ đầu tư cho KTTS. Xã Phú Diên ngư dân còn nghèo nên khả năng đầu tư cho hoạt động KTTS ít hơn so với các địa phương khác.
Sự cố không chỉ tác động trực tiếp đến hộ KTTS mà các khía cạnh xã hội và các ngành nghề liên quan cũng bị ảnh hưởng theo. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trên toàn tỉnh khá cao, chiếm tỷ lệ 19,6%. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng tại Lăng Cô và Quảng Công khá tương đương (24%, 23,9%) và cao hơn so với mức trung bình của toàn tỉnh (19,6%). Trong khi tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng tại Phú Diên thấp hơn 17,4%. Điều này được giải thích lao động hoạt động gián tiếp trong các sinh kế liên quan đến thủy hải sản ở Phú Diên ít hơn ở thị trấn Lăng Cô, xã Quảng Công và một số địa phương khác ven biển Thừa Thiên Huế.
Nhìn chung, các thống kê về mức độ ảnh hưởng do sự cố Formosa về số hộ, lao động, tàu thuyền từ các báo cáo thứ cấp của các cơ quan chức năng cho khái quát về mức độ ảnh hưởng tương đối lớn do sự cố gây ra đối với ngư hộ vùng ven biển Thừa Thiên Huế. Mức độ tác động của sự cố môi trường biển 2016 là nghiêm trọng đối với cộng đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến ngư dân KTTS ven biển.