CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC, ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
3.5. Đánh giá công tác quản lý tài sản công tại Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên
3.5.1. Những kết quả đạt được
Trong thời gian vừa qua, công tác quản lý và sử dụng TSC tại ĐH Khoa học đã đạt được một số kết quả khả quan như sau:
Thứ nhất, Luật quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 đã có hiệu lực, Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành, tổ chức thực hiện nhiều văn bản quy phạm pháp luật về công tác quản lý TSC, giúp cho công tác quản lý TSC trong ĐH Khoa học từng bước đi vào nề nếp, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai minh bạch và sử dụng có hiệu quả TSCĐ, CCDC phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Nhà trường.
Thứ hai, về quản lý quá trình hình thành TSC. Kế hoạch mua sắm được lập định kỳ; Quy trình mua sắm được xây dựng khá bài bản; Công tác hạch toán kế toán được thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật; Luôn công bố công khai nguồn hình thành TSC.
Thứ ba, về quản lý quá trình khai thác và sử dụng TSC. ĐH Khoa học đã ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về quản lý và sử dụng TSC, đồng thời kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp với những tình huống phát sinh; Phân cấp trong quản lý và quy định cụ thể nhiệm vụ và chức năng của các cá nhân, tập thể trong
trường, cụ thể, cơ chế quản lý TSC tại ĐH Khoa học theo 2 cấp (Trường – Phòng/Trung tâm) và 3 cấp (Trường – Khoa – Bộ môn – Phòng thực hành/Thí nghiệm); Định kỳ kiểm kê tài sản một cách khoa học và minh bạch; Quy trình và thủ tục đề xuất bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định, công cụ dụng cụ đơn giản, gọn nhẹ, không rườm rà.
Thứ tư, về quản lý quá trình kết thúc sử dụng TSC. ĐH Khoa học đã quy định chi tiết và rõ ràng về quy trình và điều kiện thanh lý TSC; Hoạt động hạch toán kế toán tài sản thanh lý được tiến hành đúng quy định của pháp luật.
Thứ năm, về quản lý quá trình thanh tra, kiểm tra TSC. ĐH Khoa học tổ chức thường xuyên và định kỳ các cuộc thanh tra, kiểm tra về TSC. Ngoài ra còn tiến hành thanh tra đột xuất để tăng hiệu quả hoạt động thanh tra; Thông qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý kịp thời, tránh tổn thất về TSC cho Nhà trường.
3.5.2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả khả quan nêu trên, công tác quản lý TSC tại ĐH Khoa học hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
Một là, nhận thức, quan điểm về các chủ trương, giải pháp phân cấp quản lý TSC giữa Ban Giám hiệu, các Phòng, Khoa, Trung tâm hiện đã rõ ràng, rành mạch.
Tuy nhiên, việc thực hiện còn chưa nhất quán, lo ngại phân cấp mạnh cho cấp dưới không quản lý được dẫn đến tình trạng ôm đồm ở cấp trên. Công tác tổ chức chỉ đạo về quản lý TSC còn thiếu quyết tâm, chưa mạnh dạn ban hành cơ chế, tiêu chuẩn, định mức cho phù hợp với hoạt động thực tiễn của Nhà trường. Hàng năm, tuy đã xây dựng báo cáo đánh giá về quản lý TSC của các đơn vị trong trường, nhưng báo cáo mới chỉ dừng lại ở việc nêu ra thực trạng TSCĐ, CCDC mà các đơn vị quản lý, chưa phân tích sâu nguyên nhân, rút kinh nghiệm cũng như đề xuất giải pháp về công tác quản lý TSC trong trường.
Hai là, về quản lý quá trình hình thành TSC. Cần cập nhật nhanh chóng hơn nữa thông tin đấu thầu mua sắm TSC để thu hút thêm và có nhiều hơn sự lựa chọn nhà thầu, tăng hiệu quả đấu thầu; Định kỳ và thường xuyên tổ chức khảo sát ý kiến của cán bộ, giảng viên và sinh viên về nhu cầu sử dụng và sự cần thiết mua sắm các loại TSC phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
Ba là, về quản lý quá trình khai thác và sử dụng TSC. Việc bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định, công cụ dụng cụ tiến hành chưa được nhanh chóng và kịp thời; Chế tài xử phạt vi phạm đối với tài sản công chưa mang tính răn đe cần thiết.
Bốn là, về quản lý quá trình kết thúc sử dụng TSC. Thông tin về thanh lý tài sản chưa được công bố rộng rãi và kịp thời.
Năm là, về quản lý quá trình thanh tra, kiểm tra. Việc kiểm tra, giám sát chưa gắn với trách nhiệm cụ thể của lãnh đạo các cấp, do vậy các quy định của Ban Giám hiệu Nhà trường về giám sát chưa thực sự đi vào thực tế công việc. Hệ thống chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh, dẫn đến trách nhiệm chưa rõ ràng giữa các chủ thể quản lý TSC, nên các sai phạm về quản lý TSC vẫn còn xảy ra mà công tác kiểm tra, giám sát không phát hiện ra. Hơn nữa, hệ thống tiêu chí giám sát còn giản đơn, do chưa hình thành hệ thống kênh thông tin, báo cáo và liên lạc định kỳ để nắm bắt tình hình sử dụng TSC tại các đơn vị trực thuộc trường. Đặc biệt, phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động TSC còn mang tính định tính. Vì thế, công tác giám sát chủ yếu dựa trên báo cáo tài chính định kỳ hàng năm của Phòng Kế hoạch – Tài chính và Báo cáo kiểm kê của Phòng Quản trị - phục vụ nên phần nào đã hạn chế hiệu quả của công tác giám sát. Ngoài ra, cần tổ chức thêm các cuộc thanh tra đột xuất để phát hiện thêm những vi phạm về TSC, vừa nhằm đảm bảo sử dụng giữ gìn TSC, vừa tránh mọi tổn thất, thất thoát về TSC của Nhà trường.
3.5.3. Nguyên nhân của những hạn chế
Những hạn chế trong quản lý TSC thời gian qua của ĐH Khoa học có thể được rút ra một số nguyên nhân chính như sau:
- Trong giai đoạn 2017 – 2019, các văn bản pháp luật về quản lý và sử dụng TSC mới bắt đầu có hiệu lực, các ĐVSNCL còn khá lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng những quy định mới. Mặc dù văn bản mới thừa kế lại nhiều từ văn bản cũ nhưng những điểm mới mẻ của văn bản mới cần có những hướng dẫn cụ thể và rõ ràng. Chính vì lẽ đó, các ĐVSNCL trong đó có ĐH Khoa học, Đại học Thái Nguyên đã gặp chút khó khăn trong phân cấp quản lý cũng như trong quá trình thanh tra, kiểm tra và giám sát sử dụng TSC.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý TSC của đơn vị trực
thuộc trường còn chưa tốt, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ và cả giảng viên, sinh viên trong việc sử dụng TSC còn chưa cao, dẫn đến vi phạm Quy định quản lý và sử dụng TSC của đơn vị.
- Các chế tài về xử lý các sai phạm trong quản lý TSC còn chưa đồng bộ, chưa thiết thực; việc tổ chức xử phạt còn chưa kiên quyết, dẫn đến các tài sản hỏng hóc do nguyên nhân chủ quan phải sử dụng nguồn kinh phí NSNN để sữa chữa và khắc phục.
- Do cán bộ làm công tác quản lý TSC của Nhà trường đảm nhiệm khối lượng công việc khá lớn nên sắp xếp, bố trí thời gian công việc chưa khoa học, chưa dành nhiều thời gian cho công tác quản lý tài sản, dẫn đến việc tham mưu cho Ban Giám hiệu Nhà trường bị hạn chế.
- Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc trường chưa nhận thức hết tầm quan trọng của công tác quản lý TSC; chưa cập nhật thường xuyên các quy định của Nhà nước, của ĐH Khoa học về quản lý TSC. Đồng thời, do khối lượng công việc quản lý, công việc chuyên môn của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc rất lớn, nhiều khi chểnh mảng và thiếu thời gian cho công tác quản lý TSC. Do đó, việc theo dõi, ghi chép sổ theo dõi TSCĐ và sổ theo dõi CCDC còn chưa kịp thời; việc kiểm kê, kê khai, lập báo cáo tài sản còn bị coi nhẹ, cho nên việc tổng hợp báo cáo về tài sản của phòng Quản trị - Phục vụ còn gặp nhiều khó khăn.
- Cơ chế quản lý TSC về mặt hiện vật mặc dù đã được ĐH Khoa học ban hành bằng quy chế cụ thể, song vẫn chưa gắn kết chặt chẽ giữa tài sản với yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và hoạt động của các Phòng, Khoa, Trung tâm; quy định chưa cụ thể chế tài xử phạt đối với các hành vi phá hoại, làm hư hỏng, thất thoát TSC của Nhà trường, dẫn đến hiệu lực của Quy định quản lý và sử dụng TSC không cao.
- Do việc tuyên truyền, giáo dục sinh viên về ý thức giữ gìn TSC chưa được chú trọng, chưa lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hoạt động của sinh viên, dẫn tới vẫn còn xảy ra tình trạng sinh viên làm hư hỏng các thiết bị, dụng cụ trong các phòng thực hành, thí nghiệm, ảnh hưởng tới chất lượng TSCĐ, CCDC của Nhà trường.