CHƯƠNG 2: ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ KHAI THÁC HỒ ĐẬP NHỎ VÙNG MIỀN NÚI PHÍA BẮC
2.3. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn quản lý đầu tư xây dựng và quản lý khai thác hồ đập nhỏ trong những năm qua
2.3.1. Đánh giá chung về thực trạng xã hội hóa xây dựng hồ đập nhỏ
Nhìn chung nhiều công trình đang bị xuống cấp, hiệu quả khai thác còn thấp, do vậy việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển hồ đập nhỏ là yêu cầu bức thiết. Mặc dù nhu cầu đầu tư hồ đập là rất lớn nhưng các tỉnh vẫn trông chờ chủ yếu từ trung ương.
Ngoài chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới thì hầu như các tỉnh chưa thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình.
Hiện nay đã có một số chính sách hỗ trợ xây dựng thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng, tuy nhiên các thủ tục trong đầu tư còn quá phức tạp, đặc biệt là chính sách thuê đất đai, thuế, tín dụng. Một số chính sách, cơ chế khuyến khích hỗ trợ đầu tư, tín dụng ưu đãi đều có nhưng các ưu đãi này không đủ để nhà đầu tư thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng công trình. Đó là nguyên nhân chính làm cho việc có rất nhiều chính sách nhưng không đi vào thực tiễn được.
Một số bài học kinh nghiệm từ lịch sử đầu tư và thực trạng xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ đập vùng MNPB cho thấy, để huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng hồ đập, ao chứa nhỏ các vấn đề cần quan tâm như sau:
+ Đối với doanh nghiệp:
- Lợi ích thu được của nhà đầu tư;
- Chủ động sản xuất loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trên phần diện tích đất sản xuất;
- Cơ chế hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm;
58 + Đối với hộ sử dụng nước:
- Nhu cầu đầu tư là thiết yếu cho sinh kế của người dân;
- Lợi ích thu được cụ thể, có thể tính toán được;
- Chủ động sản xuất loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trên phần diện tích đất sản xuất;
- Yêu cầu kỹ thuật không quá phức tạp;
- Người dân có đủ nguồn lực để thực hiện;
Hiện nay, mặc dù nhu cầu đầu tư xây dựng hồ đập nhỏ vùng MNPB là rất lớn nhưng tập trung chủ yếu vào loại hình sửa chữa nâng cấp công trình, trong đó đối tượng sử dụng nước lại bao gồm nhiều hộ sản xuất manh mún, loại cây trồng thông thường có giá trị kinh tế không cao (lúa, hoa màu). Để huy động doanh nghiệp đầu tư công trình hồ đập trước mắt phải đáp ứng được các qui hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hàng hóa, thực hiện tích tụ ruộng đất và có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn bao hàm cả các chi phí liên quan đến đầu tư xây dựng công trình;
Đối với các hộ gia đình, các tỉnh khuyến khích thực hiện phát triển cây ăn quả, cây trồng hàng hóa trên diện tích đất vườn tạp hoặc đất vùng đồi đồng thời có cơ chế ưu đãi về vốn vay để các hộ gia đình có điều kiện thực hiện.
2.3.2. Đánh giá chung về thực trạng xã hội hóa quản lý hồ đập nhỏ + Kết quả đạt được
Từ kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng xã hội hóa quản lý hồ đập nhỏ vùng MNPB cho thấy, mức độ xã hội hóa quản lý công trình thủy lợi, hồ đập nhỏ vùng MNPB đã đạt được một số chỉ số sau đây:
- Thực hiện phân cấp quản lý công trình thủy lợi, hồ đập trong đó các công trình hồ đập có yêu cầu kỹ thuật cao được các công ty quản lý, các công trình hồ đập nhỏ do tổ chức cộng đồng thực hiện quản lý.
- Các tỉnh đã thực hiện phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi, hồ đập và thành lập/củng cố các tổ chức cộng đồng để thực hiện quản lý khai thác công trình thủy lợi, hồ đập;
59
- Qui định mức trần phí thủy lợi nội đồng làm cơ sở để các tổ chức cơ sở huy động cộng đồng tham gia đóng góp phục vụ quản lý khai thác công trình thủy lợi, hồ đập;
- Tăng cường năng lực cho các tổ chức cơ sở thông qua mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cộng đồng quản lý công trình thủy lợi;
- Khai thác nguồn lợi hồ chứa từ nuôi trồng thủy sản lòng hồ phục vụ công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, hồ đập;
- Qui định và hướng dẫn các tổ chức cộng đồng xây dựng và thực hiện công tác đảm bảo an toàn hồ đập;
+ Các vấn đề tồn tại:
- Có nhiều hình thức tổ chức cộng đồng quản lý khai thác công trình thủy lợi, hồ đập nhưng hiện nay chỉ có 2 mô hình có thể đáp ứng theo qui định của Luật thủy lợi đó là hình thức hợp tác xã và tổ hợp tác;
- Số lượng thành viên sử dụng nước tham gia tổ chức cộng đồng còn hạn chế không đáp ứng được yêu cầu 100% thành viên như qui định của Luật thủy lợi;
- Từ khi nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ, miễn giảm thủy lợi phí, các tổ chức cộng đồng quản lý hồ đập hầu như không đóng góp kinh phí hoạt động thường xuyên (phí thủy lợi nội đồng), hoạt động đóng góp chủ yếu bằng công lao động để duy tu, nạo vét kênh mương;
- Kinh phí hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí cho các tổ chức thủy lợi cơ sở được thực hiện chưa đúng mục đích, ở một số địa phương sử dụng tỷ trọng lớn nguồn kinh phí này cho kiên cố hóa kênh mương hoặc đầu tư nâng cấp công trình thủy lợi;
- Nguồn thu từ nuôi trồng thủy sản lòng hồ chưa phục vụ trực tiếp cho công tác quản lý khai thác công trình và chưa có cơ chế quản lý sử dụng hợp lý kinh phí này;
- Thiếu cơ chế khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác kinh doanh du lịch, dịch vụ từ lòng hồ hoặc chuyển đổi cây trồng hàng hóa;
- Cùng một qui mô công trình hồ đập, kinh phí cấp bù cho hoạt động quản lý khai thác được thực hiện theo chính sách cấp bù của nhà nước. Công ty quản lý khai thác công trình chỉ quản lý, vận hành duy tu bảo dưỡng đến cống đầu kênh trong khi cộng đồng lại thực hiện đến tận mặt ruộng;
60
- Trình độ hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu về học vấn và ít được đào tạo, hướng dẫn thường xuyên;
- Thiếu qui chế phối hợp giữa công ty và các tổ chức quản lý vận hành công trình thủy lợi đối với các công trình hồ đập thuộc trách nhiệm của công ty quản lý;
- Mức hỗ trợ cấp bù thủy lợi phí là nguồn thu chủ yếu cho hoạt động quản lý khai thác công trình thủy lợi chỉ được áp dụng cho lúa và rau màu vốn là loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp điều này không khuyến khích được các tổ chức cộng đồng và người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập để tái đầu tư vào hoạt động quản lý khai thác công trình;
Như vậy trên cơ sở đánh giá thực trạng đầu tư xây dựng và quản lý hồ đập vùng MNPB cho thấy, việc đầu tư xây dựng công trình hồ đập hầu hết được thực hiện bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, trong khi đó đối với quản lý khai thác thì các tổ chức này lại chủ yếu hoạt động dựa vào nguồn cấp bù thủy lợi phí của nhà nước. Mức độ xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình thủy lợi vùng MNPB mới chỉ đạt được một số yếu tố như sau:
+ Về đầu tư xây dựng: Khả năng xã hội hóa đầu tư xây dựng đối với vùng MNPB mới có thể thực hiện được đối với các loại hình ao chứa nhỏ có qui mô dung tích từ 3.000- 5.000 m3. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp phải có vùng diện tích sản xuất đủ lớn để phát triển cây trồng hàng hóa.
+ Về quản lý khai thác: Các chính sách về phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi, thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở góp phần nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi. Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức thủy lợi cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật thủy lợi.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, đối với khu vực MNPB cần tập trung theo hướng xã hội hóa quản lý hồ đập nhỏ, thông qua việc thành lập/củng cố các tổ chức cơ sở theo Luật thủy lợi đồng thời tìm kiếm các giải pháp gia tăng nguồn thu cho hoạt động của các tổ chức này.
61