2.1.1 Tích cực
Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định một chương riêng quy định đường lối đối với người chưa thành niên phạm tội. Quy định này dựa trên cơ sở phân tích về tâm, sinh lý của người chưa thành niên. Đây là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về nhận thức cũng như điều kiện sống...nên dễ bị lôi kéo, dụ dỗ...dẫn đến có những hành vi thành niên. Những nguyên tắc này có những điểm tích cực nhất định như:
Đối với quy định về người tiến hành tố tụng tại Khoản 1, Điều 302 BLTTHS thì “... Thẩm phán tiến hành tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải là những người có hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như hoạt động về đấu tranh phòng chống tội phạm là người chưa thành niên”. Đây là quy định hoàn toàn phù hợp đối với việc xét xử những vụ án do người chưa thành niên thực hiện. Bởi lẽ, có những người hiểu biết về tâm lý học, khoa học giáo dục, cũng như hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm là người chưa thành niên thì mới có thể xác định chính xác những vấn đề cần chứng minh trong vụ án, đặc biệt là những vấn đề quy định tại Khoản 2, điều 302 BLTTHS.
Bên cạnh đó, thành phần Hội đồng xét xử có Hội thẩm là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn – đây cũng là những người có hiểu biết về tâm lý của người chưa thành niên. Từ đó, Hội đồng xét xử sẽ có thể đưa ra được bản án hoặc quyết định có tính răn đe nhưng cũng góp phần giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xử kín (Điều 307 BLTTHS). Theo nguyên tắc xét xử chung, việc xét xử của Tòa án phải được tiến hành công khai, trừ trường hợp đảm bảo bí mật Nhà nước hoặc đạo đức xã hội Tòa án có thể xử kín. Nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với bị cáo là người chưa thành niên, nhằm tránh ảnh hưởng tới tương lai của họ, đây là một quy định thể hiện rõ tính nhân đạo của nhà nước ta.
Trong BLTTHS cũng có những quy định nhằm đảm bảo một cách tốt nhất quyền bào chữa cho bị cáo là người chưa thành niên, hạn chế một cách tối đa các biện pháp cưỡng chế, hạn chế một cách thấp nhất những tác động không thể tránh khỏi về tâm lý đối với bị can, bị cáo là người chưa thành niên do hoạt động tố tụng gây ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc làm rõ những nguyên nhân, điều kiện phạm tội của họ để Tòa án có thể xét xử và tuyên bản án có tác động tích cực nhất đến tâm lý của đối tượng này.
Tóm lại, từ những quy định trên cho thấy chính sách Hình sự của nước ta đối với bị cáo là người chưa thành niên thể hiện tính nhân đạo rõ nét, quy định theo hướng bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, về mức độ trách nhiệm hình sự của họ cũng được giảm nhẹ hơn những bị cáo là người thành niên.
2.1.2 Hạn chế
Mặc dù BLTTHS năm 2003 quy định về các thủ tục đặc biệt như sự tham gia của người bào chữa, của gia đình và các tổ chức xã hội, về thành phần Hội đồng xét xử, hình thức xét xử… rất cụ thể đối với bị cáo chưa thành niên nhưng việc áp dụng vào thực tiễn đã bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, thiếu hiệu quả. Điều này dẫn đến chất lượng giải quyết các vụ án không cao.Cạnh đó, tình trạng các cơ quan tiến hành tố tụng lạm quyền, vi phạm các quy định của BLTTHS, không tôn trọng quyền lợi của người chưa thành niên vẫn xảy ra dẫn đến một số trường hợp oan sai.