Tranh luận tại phiên tòa là một phần quan trọng của phiên tòa hình sự. Khi tranh luận tại phiên tòa, các bên buộc tội, bên bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phát biểu ý kiến, phân tích đánh giá chứng cứ, đề nghị áp dụng luật và giải quyết các vấn đề của vụ án. Trên cơ sở các ý kiến phát
biểu đó, Hội đồng xét xử xem xét, quyết định giải quyết các vấn đề của vụ án một cách khách quan, đúng đắn. Tranh tụng tại phiên tòa là nơi các bên tham gia tố tụng thực hiện các quyền tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Với tư cách là cơ quan phân xử, Hội đồng xét xử không tham gia vào tranh tụng mà chủ tọa phiên tòa chỉ điều khiển phiên tòa để các bên tham gia tranh luận, bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án. Thủ tục tranh luận tại phiên tòa được tiến hành ngay sau khi kết thúc việc xét hỏi theo trình tự được quy định tại Điều 217 BLTTHS, đó là trình tự đối với phần tranh luận mà bị cáo là người đã thành niên. Đối với phần tranh luận trong phiên tòa xét xử mà bị cáo là người chưa thành niên cũng cần dựa trên những yêu cầu đó để đảm bảo tính hợp pháp cũng như quy định tại các Điều 218, 219, 220, 221 BLTTHS. Hội đồng xét xử phải cho phép người chưa thành niên bày tỏ ý kiến, quan điểm, nguyện vọng của mình và phải cân nhắc, xem xét các ý kiến, quan điểm, nguyện vọng đó trước khi ra bản án, quyết định.