Tính kháng kháng sinh của vi khuẩn gây viêm phổi

Một phần của tài liệu Nguyên nhân và kết quả điều trị viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Trang 74 - 77)

Qua phân tích kết quả kháng sinh đồ của vi khuẩn trong nghiên cứu của chúng tôi cho thấy:

* S. pneumoniae kháng nhiều loại kháng sinh thông thường: Tỷ lệ đề kháng cao đối với erythromycin, clindamycin, TMP-SMZ, tetracycline tương ứng 98,6%, 95,8%, 90,3%, 90,3%, tiếp đến là chloramphenicol 62,5%, cefotaxim 41,7%, ceftriaxone 29,2%. Tương đồng với nghiên cứu trên 196 bệnh nhi viêm phổi tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ năm 2014, S. pneumoniae đề kháng cao erythromycin với tỷ lệ 100% [15].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cao hơn so với nghiên cứu của Đỗ Thị Thanh Xuân (2000) tỷ lệ S. pneumoniae kháng với chloramphenicol chỉ là 21,2% [25], nghiên cứu của tác giả Ngô Thị Thi (2003) tại viện Nhi Trung ương tỷ lệ S. pneumoniae kháng erythromycin, cefotaxim lần lượt là 82,5%, 2,5% và các chủng S. pneumoniae còn nhạy cảm tốt với các kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin với tỷ lệ 95-100% [16].

So sánh với nghiên cứu của Đào Minh Tuấn (2012) về sự kháng kháng sinh của S. pneumoniae cho thấy tính kháng kháng sinh của phế cầu đã tăng lên, đối với chloramphenicol tăng từ 43,5% lên 62,5%, cefotaxim tăng từ 0%

lên 41,7%, ceftriaxone tăng từ 0% lên 29,2% [9].

Theo nghiên cứu đa trung tâm tại 10 bệnh viện nhi ở Trung Quốc năm 2016, tình trạng kháng kháng sinh đối với các chủng S. pneumoniae được xác định từ các bệnh nhi. Tỷ lệ kháng của S. pneumoniae với clindamycin,

erythromycin, tetracycline và trimethoprim / sulfamethoxazole lần lượt là 95,8%, 95,2%, 93,6% và 66,7%. Tỷ lệ kháng của S. pneumoniae với penicillin là 86,9%, trong khi tỷ lệ kháng ceftriaxone là 8,2% [62].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, S. pneumoniae còn tương đối nhạy cảm với kháng sinh mới ceftriaxone, levofloxacin, vancomycin, còn nhạy cảm 100% với linezonid. Tỷ lệ đề kháng kháng sinh nhóm cephalosporin của phế cầu có xu hướng tăng lên.

Sự đề kháng với kháng sinh đường uống như erythromycin, TMP-SMZ rất cao có thể được lý giải do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ. Tại Việt Nam, tình trạng sử dụng thuốc không cần kê đơn đã trở thành hiện tượng vô cùng phổ biến và chưa được kiểm soát. Đặc biệt, kháng sinh là loại thuốc nằm trong danh mục thuốc kê đơn nhưng vẫn được gia đình trẻ tự mua tại các nhà thuốc, quầy thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.

S. pneumoniae là VK đứng đầu trong các nguyên nhân gây viêm phổi trẻ em tại cộng đồng. Càng ngày sự đề kháng kháng sinh của S. pneumoniae càng tăng nhất là đối với chloramphenicol, erythromycin, TMP-SMZ. Đây là những kháng sinh đầu tay dùng để điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên hiện nay do tính kháng thuốc của vi khuẩn với các kháng sinh này càng lớn nên lựa chọn ban đầu của bác sĩ trong những nghiên cứu gần đây là các cephalosporin, kể cả các cephalosporin thế hệ 3. Mặc dù trước đây, các cephalosporin thế hệ 3 chủ yếu được dùng khi các kháng sinh thông thường không hiệu quả.

* Tính kháng kháng sinh của H. influenzae chỉ ra rằng H. influenzae đề kháng kháng sinh rất cao với nhiều loại kháng sinh: augmentin, ampicillin, ceftriaxone, ceftazidim với tỷ lệ kháng 95,8%; cefotaxim, TMP-SMZ là 93,8%, tiếp đến là azithromycin với 54,2%. H. influenzae cũng đề kháng với các kháng

sinh thế hệ cao như meronem với tỷ lệ 50% và cũng đã có 10,4% vi khuẩn H.

influenzae kháng với ciprofloxacin.

Kết quả này cho thấy tính kháng kháng sinh của H. influenzae có xu hướng tăng hơn so với một số nghiên cứu trước đó: theo tác giả Đào Minh Tuấn (2012), H. influenzae kháng ampicillin tăng từ 69,7% lên 95,8%, imipenem tăng từ 2,5% lên 37,5%, meronem tăng từ 2,5% lên 50%; cả hai nghiên cứu đều chỉ ra tỷ lệ H. influenzae kháng augmentin rất cao 95,8% và 100%. So với nghiên cứu của Ngô Thị Tuyết Lan và cộng sự năm 2013, H. influenzae kháng ampicillin cũng tăng từ 78,6% lên 95,8%, kháng cefotaxim từ 21,4% tăng lên 95,8%, kháng imipenem tăng từ 0% lên 37,5% [17].

Tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai năm 2009, tác giả Nguyễn Văn Bàng nhận thấy tỷ lệ kháng kháng sinh của H. influenzae cao (100% kháng với các cephalosporin thế hệ 3, chloramphenicol và TMP-SMZ; 66,7% kháng ampicillin và cefuroxim) [2].

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương năm 2017, Phạm Văn Hòa đã chỉ ra vi khuẩn H. influenzae đề kháng tỷ lệ rất cao với các kháng sinh như cefuroxim 94,52%, ampicillin 91,78%, co-trimoxazol 90,28%; còn nhạy cảm với imipenem 89,04%, meronem 83,02%, ciprofloxacin 93,15% [11].

Kết quả của các nghiên cứu có sự thay đổi so với chúng tôi là do sự kháng kháng sinh của H. influenzae ở các bệnh viện khác nhau. Nếu so sánh theo thời gian qua các kết quả trên với nhau cho chúng ta thấy tỷ lệ kháng cao và ngày càng gia tăng của H. influenzae từ năm 2009 đến 2020 với các kháng sinh như ampicillin từ 66,7% lên 95,8%, imipenem từ 0% lên đến 37,5%. Đặc biệt, tỷ lệ kháng với nhóm betalactam của H. influenzae tăng rất nhanh và đang được cảnh báo có nguy cơ mất kiểm soát như cefotaxime từ 21,4% lên 95,8%, cetriaxone từ 35,7% lên 93,8%. Tình hình sử dụng kháng sinh trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra có đến 74,8% trẻ đã sử dụng kháng sinh trước khi nhập

viện. Việc gia đình dễ dàng mua được thuốc kháng sinh tại các quầy thuốc mà không cần có đơn của bác sĩ làm cho vấn đề uống kháng sinh không đúng chỉ định trở nên phổ biến gia tăng tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ em.

* Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra S. aureus đã kháng 100% với penicillin, tỷ lệ kháng rất cao 86,7% đối với các kháng sinh cefotaxim, ceftriaxone, ceftazidim, oxacillin, kể cả với kháng sinh mạnh meronem và vancomycin tỷ lệ kháng lần lượt là 73,3%, 20%, với clindamycin là 66,7%.

Tỷ lệ kháng kháng sinh của S. aureus với penicillin, oxacillin, clindamycin trong nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với nghiên cứu của Quách Ngọc Ngân lần lượt là 100%, 71,4%, 100%; S. aureus còn nhạy 100% với vancomycin [15], nhưng trong nghiên cứu của chúng tôi tỷ lệ kháng với vancomycin tăng lên 20%.

Tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, Bùi Tùng Hiệp ghi nhận S. aureus kháng penicillin 100%, ceftazidim 85,7%, cefotaxim 52,9%, oxacillin 45,8%. Imipenem - nhóm carbapenem là kháng sinh phổ rộng còn nhạy cảm với nhiều loại vi khuẩn nhưng đã đề kháng cao với S. aureus với tỷ lệ 50%. Tụ cầu vàng chỉ có 2,5% đề kháng với vancomycin [7].

Tình trạng này thực sự là thách thức đối với các bác sĩ lâm sàng trong việc lựa chọn kháng sinh ban đầu phù hợp mà đa số bệnh nhi được điều trị theo kinh nghiệm và kết quả kháng sinh đồ thường về muộn ít nhất 3 ngày từ khi trẻ nhập viện.

Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng các kháng sinh nhóm cephalosporin có tỷ lệ kháng rất cao từ 29,2% đến 95,8%. Hiện nay, chỉ nhóm carbapenem và quinolon còn tương đối hiệu quả.

Một phần của tài liệu Nguyên nhân và kết quả điều trị viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)