Kết quả điều trị viêm phổi do vi khuẩn

Một phần của tài liệu Nguyên nhân và kết quả điều trị viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Trang 77 - 86)

Nghiên cứu kết quả điều trị viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi của chúng tôi cho thấy số trẻ có kết quả điều trị tốt chiếm tỷ lệ cao 149/151 trường hợp (98,7%), trong đó 86,1% trẻ khỏi bệnh và 12,6% trẻ đỡ giảm. Tỷ lệ trẻ có kết quả điều trị không tốt là 1,3%. Hai trường hợp chuyển viện lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị tiếp đều có viêm phổi mức độ nặng, trong đó 01 trẻ có bất thường đường thở (mềm sụn thanh quản). Nghiên cứu của chúng tôi phù hợp với một số nghiên cứu trước đó:

Nghiên cứu của Bùi Tùng Hiệp tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang trên 412 hồ sơ bệnh án trẻ viêm phổi từ 2 tháng đến 5 tuổi cho thấy tình trạng bệnh nhi xuất viện khỏi bệnh và đỡ - giảm chiếm 97,8%, tỷ lệ không thuyên giảm và chuyển viện chỉ là 2,2% [7].

Theo tác giả Phạm Anh Tuân cho biết tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh có 92,9% bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh, số bệnh nhân đỡ chiếm 6,1%, còn lại 1% bệnh nhân không thay đổi hoặc nặng thêm [23].

Nghiên cứu về kết quả điều trị nội trú 151 trẻ mắc viêm prfrfrrehổi từ 1 tháng đến 5 tuổi tại khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn của Tô Văn Hải năm 2003 cho thấy ra viện chiếm tỷ lệ cao 93,38% và chỉ có 3,31% bệnh nhân phải chuyển viện [10].

Nghiên cứu về viêm phổi cộng đồng tại Ethiopia năm 2019 ghi nhận 29/31 trường hợp trẻ viêm phổi do vi khuẩn (chiếm 93,5%) khỏi bệnh và có 2/31 trường hợp trẻ tử vong chiếm 6,4% [52].

Một nghiên cứu của Băng La Đét với 3632 trẻ 2-59 tháng tại 3 bệnh viện chỉ ra tỷ lệ bệnh nhi viêm phổi được xuất viện chiếm đa số 93,5%

(3401/3632 trường hợp), có 63 trẻ tử vong chiếm 2%, tỷ lệ trẻ cần chuyển viện là 1,1% [57].

Một nghiên cứu đa trung tâm của Bennet về viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển ghi nhận 92,5% (372/402 trường hợp) trẻ hồi phục,

3,5% (14/405 trường hợp) trẻ tử vong và 1,7% bệnh nhi viêm phổi cần chuyển viện [28].

Tỷ lệ bệnh nhi khỏi viêm phổi trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn một số nghiên cứu khác như: Kết quả nghiên cứu của Phạm Thùy Linh tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông chỉ ra việc điều trị viêm phổi cộng đồng cho hiệu quả tương đối cao, với tỷ lệ khỏi nói chung là 88,8%, tỷ lệ nhỏ 10,5% bệnh nhi đỡ. Trong 14 trường hợp viêm phổi nặng chỉ ghi nhận 1 trường hợp nặng hơn [14]. Sự khác biệt này có thể được lý giải do sự thay đổi giữa các bệnh viện, khác nhau về tuyến y tế các cấp huyện, tỉnh hay trung ương, thuốc kháng sinh vật tư có sẵn tại các bệnh viện tùy từng thời điểm.

4.4.2. Kết quả điều trị theo mức độ nặng viêm phổi

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ở mức độ viêm phổi, tỷ lệ trẻ khỏi bệnh chiếm 91,8%, trẻ đỡ giảm chiếm 8,2%, không có trẻ nào chuyển viện. Tỷ lệ trẻ viêm phổi nặng có kết quả điều trị khỏi là 75,5%, đỡ giảm là 20,8%, trẻ chuyển viện chiếm 3,8%. Tương tự với một số nghiên cứu trước đó:

Tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, tác giả Phạm Anh Tuân ghi nhận 181 trẻ ở mức độ viêm phổi có 87,3% khỏi bệnh và 5,1% đỡ giảm. Với 13 trường hợp bệnh nhi viêm phổi nặng có ghi nhận 1 trường hợp nặng thêm chiếm 0,5%. Còn 2 trường hợp viêm phổi rất nặng được ghi nhận là đỡ và không thay đổi, gia đình xin chuyển viện lên tuyến trên [23].

Tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai, tác giả Trần Ngọc Hoàng chỉ ra tất cả các bệnh nhi mức độ viêm phổi đều khỏi và đỡ trước khi ra viện với tỷ lệ lần lượt 85,34% và 14,39%, không có trường hợp nào nặng hơn lúc nhập viện. Tuy nhiên, trong 3 trường hợp viêm phổi nặng ghi nhận 1 trường hợp nặng hơn chiếm 33,33% [12].

Theo tác giả Phạm Thùy Linh năm 2018 tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông ghi nhận mức độ viêm phổi có 89,1% trẻ khỏi bệnh và 10,9% trẻ đỡ giảm, không có trường hợp nào nặng hơn. Trong 14 trường hợp viêm phổi nặng ghi nhận 12 trẻ khỏi bệnh (85,8%), 01 trẻ đỡ giảm (7,1%) và 01 trường hợp nặng hơn (7,1%) [14].

Tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, Bùi Thanh Thùy cho thấy hiệu quả điều trị tương đối cao. Tất cả các bệnh nhân đều khỏi và đỡ trước khi ra viện.

Tỷ lệ khỏi bệnh ở nhóm viêm phổi, viêm phổi nặng và viêm phổi rất nặng tương ứng là 61,5%, 64,1% và 60,0%, số trẻ còn lại là đỡ giảm, không có trường hợp nào nặng hơn lúc nhập viện [21].

Theo tác giả Saha nghiên cứu về viêm phổi cho thấy tỷ lệ xuất viện ở nhóm trẻ có mức độ viêm phổi cao hơn nhóm trẻ có viêm phổi nặng (95,2% so với 92,3%), tỷ lệ chuyển viện ở nhóm trẻ viêm phổi nặng cao hơn nhóm viêm phổi (1,3% so với 0,8%) và số trẻ tử vong ở nhóm viêm phổi nặng cũng cao hơn nhóm viêm phổi (2,3% so với 0,8%). Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p = 0,001 (< 0,05) [57].

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trên chỉ ra rằng mức độ viêm phổi càng nặng thì kết quả điều trị càng hạn chế.

Điều này có thể dễ dàng lý giải do mức độ bệnh càng nặng, điều trị càng khó khăn bởi thể trạng bệnh nhân không tốt, đáp ứng với kháng sinh chậm hơn, các biến chứng hay rối loạn chức năng cơ quan mà viêm phổi gây ra.

4.4.3. Kết quả điều trị theo tuổi

Nghiên cứu của chúng tôi cho kết quả tỷ lệ khỏi bệnh tăng dần theo các nhóm tuổi: Nhóm tuổi 2 – 6 tháng tỷ lệ trẻ khỏi bệnh chiếm 71,4%, tỷ lệ trẻ đỡ chiếm 21,4%, tỷ lệ chuyển viện chiếm 7,2%. Nhóm tuổi 6 – 12 tháng tỷ lệ trẻ khỏi bệnh chiếm 87,0%, tỷ lệ trẻ đỡ chiếm 13%. Nhóm tuổi 12 tháng – 5 tuổi

tỷ lệ trẻ khỏi bệnh chiếm 91,3%, tỷ lệ trẻ đỡ chiếm 8,7%, không có trường hợp nào chuyển viện.

Nghiên cứu của Tô Văn Hải tại khoa Nhi Bệnh viện Thanh Nhàn cho thấy lứa tuổi càng nhỏ kết quả điều trị càng hạn chế: trẻ trên 48 tháng đến 60 tháng có tỷ lệ ra viện 100% (khỏi 76,92%, đỡ 23,08%), trẻ trên 36 tháng đến 48 tháng có tỷ lệ ra viện 95% (khỏi 75%, đỡ 20%), trẻ trên 24 tháng đến 36 tháng có tỷ lệ ra viện 95,24% (khỏi 66,67%, đỡ 28,54%), trẻ trên 12 tháng đến 24 tháng có tỷ lệ ra viện 91,67% (khỏi 51,67%, đỡ 40%) và chuyển viện 5%, còn nhóm trẻ từ 1 tháng đến 12 tháng có tỷ lệ ra viện 94,6% (khỏi 45,95%, đỡ 48,65%) và chuyển viện 5,41% [10].

Các kết quả trên chỉ ra rằng lứa tuổi càng nhỏ thì kết quả điều trị càng hạn chế. Nguyên nhân có thể do ở trẻ càng nhỏ các triệu chứng lâm sàng thường kín đáo dễ bị bỏ sót nên khi trẻ nhập viện đã ở trong tình trạng nặng, hoặc do sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện, chức năng các cơ quan gan thận chưa hoàn chỉnh làm đáp ứng kém với điều trị kháng sinh hơn lứa tuổi lớn.

4.4.4. Kết quả điều trị với vi khuẩn gây bệnh

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận viêm phổi do vi khuẩn M. catarrhalis tỷ lệ khỏi bệnh đạt 100%. Viêm phổi do S. aureus tỷ lệ khỏi bệnh chiếm 93,3%, tỷ lệ đỡ giảm chiếm 6,7%. Viêm phổi do vi khuẩn S. pneumoniae tỷ lệ khỏi bệnh chiếm 87,1%, tỷ lệ đỡ chiếm 12,9%. Viêm phổi do H. influenzae tỷ lệ khỏi bệnh chiếm 85,1%, tỷ lệ đỡ chiếm 12,8%, tỷ lệ chuyển viện chiếm 2,1%.

Một nghiên cứu tại Thượng Hải năm 2019 ở 287 trường hợp trẻ viêm phổi do S. pneumoniae được chia làm 2 nhóm viêm phổi mắc phải tại cộng đồng và viêm phổi bệnh viện ghi nhận 100% số trẻ được chữa khỏi [70].

Một nghiên cứu tại Canada năm 2010 về viêm phổi do M. catarrhalis ở trẻ em có tiền sử khỏe mạnh trước đó ghi nhận tất cả các trẻ đều sống sót và không có di chứng nào được mô tả [59].

Kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Hòa năm 2017 về viêm phổi do H.

influenzae ở trẻ em cho thấy tỷ lệ khỏi bệnh là 79,5%, tỷ lệ đỡ giảm là 20,5%, không có trường hợp nào nặng lên hay tử vong [11].

Nghiên cứu của Kang tại Hàn Quốc về nhiễm khuẩn K. pneumoniae ghi nhận kết quả điều trị khá hạn chế: tỷ lệ thất bại trên lâm sàng sau 72 giờ là 104/377 trường hợp chiếm 27,5%, tỷ lệ tử vong sau 7 ngày và sau 30 ngày tương ứng là 14,9% (56/377 trường hợp) và 24,1% (91/377 trường hợp) [47].

Một nghiên cứu ở hai trung tâm chăm sóc lớn tại Hy Lạp trong vòng 8 năm từ 2007 đến 2014 của Doudoulakakis chỉ ra rằng số trẻ tử vong gây ra bởi viêm phổi do S. aureus là 2/41 trẻ chiếm 4,87% [35].

4.4.5. Thời gian điều trị trung bình

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thời gian điều trị trung bình của nghiên cứu là 9,22 ± 2,83 ngày, dao động từ 5 đến 21 ngày. Kết quả này cao hơn một số nghiên cứu khác như: nghiên cứu của Phạm Thùy Linh về điều trị viêm phổi cộng đồng ở trẻ em tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Hà Đông dao động từ 4 đến 18 ngày, trung vị là 6 ngày [14], nghiên cứu của Bennet thời gian điều trị trung bình của hai nhóm viêm phổi không thiếu oxy và viêm phổi có thiếu oxy là từ 5,5 đến 7 ngày [28].

Điều này có thể do có nghiên cứu tiến hành cách nhau đã 10 năm, từ đó đến nay tình hình kháng kháng sinh của vi khuẩn trong bệnh viêm phổi ngày càng tăng làm kéo dài thời gian điều trị. Hơn nữa, khi kết quả kháng sinh đồ của vi khuẩn gây viêm phổi được gửi về khoa lâm sàng (thường sau 3 ngày) cho kết luận kháng với loại kháng sinh lựa chọn ban đầu thì việc sử dụng kháng

sinh ban đầu không còn hiệu quả, cần tiếp tục điều trị bằng cách chuyển loại kháng sinh khác phù hợp cũng làm cho thời gian điều trị dài hơn.

Liệu trình kháng sinh điều trị viêm phổi do vi khuẩn thường kéo dài ít nhất 5 ngày, trung bình là từ 7 – 10 ngày, nếu do tụ cầu có thể phải kéo dài từ 4 – 6 tuần. Thời gian điều trị trung bình trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi là 9 ngày và nằm trong khoảng thời gian điều trị so với hướng dẫn chuẩn, điều này cho thấy đa số các bệnh nhân đều đáp ứng tốt với phác đồ điều trị tại bệnh viện.

4.4.6. Thời gian điều trị trung bình theo mức độ nặng

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra thời gian điều trị trung bình của nhóm viêm phổi nặng cao hơn nhóm viêm phổi (10,23 ± 3,36 ngày so với 8,67 ± 2,34 ngày). Sự khác biệt thời gian điều trị theo mức độ giữa VP và VPN có ý nghĩa thống kê với p = 0,004 (<0,05). Phù hợp với một số nghiên cứu khác:

Tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Phạm Anh Tuân đã chỉ ra thời gian nằm viện và thời gian sử dụng kháng sinh đều tăng theo mức độ nặng của bệnh, cụ thể thời gian nằm viện của bệnh nhi viêm phổi dao động từ 4 đến 24 ngày, trung vị là 7 ngày, còn với bệnh nhi viêm phổi nặng dao động từ 6 đến 25 ngày, trung vị là 8 ngày [23].

Tại khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai, Trần Ngọc Hoàng ghi nhận thời gian điều trị trung bình trong trường hợp viêm phổi nặng cao hơn trong trường hợp viêm phổi (10,33 ± 4,71 ngày so với 6,55 ± 1,75 ngày) [12].

Mức độ bệnh viêm phổi càng nặng thì thời gian điều trị càng kéo dài có thể dễ dàng lý giải do mức độ viêm phổi càng nặng thì đáp ứng của trẻ với điều trị kháng sinh càng chậm, càng cần nhiều thời gian để hồi phục.

4.4.7. Thời gian điều trị trung bình theo tuổi

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy thời gian điều trị trung bình ở nhóm 2-6 tháng tuổi là cao nhất (10,4 ± 3,6 ngày), hai nhóm tuổi còn lại có

thời gian điều trị trung bình tương tự nhau khoảng 8,96 ngày. Không có sự khác biệt về thời gian điều trị trung bình giữa 3 nhóm bệnh nhi theo tuổi với p = 0,061 (> 0,05). Thời gian điều trị trung bình giảm dần theo chiều tăng của lứa tuổi, tương đương với kết quả một số nghiên cứu:

Nghiên cứu của Đào Minh Tuấn và cộng sự tại viện Nhi Trung ương ở 460 trẻ viêm phổi phải nhập viện từ 1 tháng đến 5 tuổi cho thấy: nhóm tuổi < 2 tháng số ngày nằm viện trung bình cao nhất là 18,8 ngày, tiếp đến là nhóm tuổi 2-12 tháng với 14,2 ngày, thấp nhất là nhóm tuổi > 12 tháng với 6,8 ngày, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001 [9].

Nghiên cứu của Phạm Văn Hòa năm 2017 trên 73 trẻ viêm phổi do H.

influenzae cho thấy thời gian điều trị trung bình của nhóm trẻ < 5 tuổi là 8,5 ngày cao hơn nhóm trẻ > 5 tuổi với 8,2 ngày [11].

4.4.8. Thời gian điều trị trung bình theo vi khuẩn

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận nhóm vi khuẩn gram âm có thời gian điều trị trung bình cao hơn nhóm vi khuẩn gram dương (9,47 ngày so với 9,02 ngày), sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Tác giả Đào Minh Tuấn cũng chỉ ra thời gian nằm viện trung bình của 191 trường hợp viêm phổi do vi khuẩn gram dương dài hơn thời gian nằm viện trung bình của 269 trường hợp viêm phổi do vi khuẩn gram âm (16,4 ngày so với 11,2 ngày), khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01 [9].

Vi khuẩn gây bệnh có thời gian điều trị trung bình dài nhất trong nghiên cứu của chúng tôi là S. aureus với 9,9 ngày, H. influenzae 9,49 ngày, S.

pneumoniae 8,84 ngày, và thấp nhất là M. catarrhalis là 8,5 ngày. Nghiên cứu của Phạm Văn Hòa ghi nhận thời gian điều trị trung bình của viêm phổi do vi khuẩn H. influenzae là 8,4 ± 2,6 ngày [11]. Thời gian điều trị trung bình của viêm phổi do vi khuẩn S. pneumoniae theo nghiên cứu tại Thượng Hải năm 2019 là 7 ngày [70], của viêm phổi do vi khuẩn S. aureus theo nghiên cứu tại

Hy Lạp là 23 ngày [35]. Các vi khuẩn khác nhau gây viêm phổi thì có thời gian điều trị khác nhau.

Một phần của tài liệu Nguyên nhân và kết quả điều trị viêm phổi do vi khuẩn ở trẻ dưới 5 tuổi tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (Trang 77 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)