Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta

Một phần của tài liệu Giáo án chuyên đề ôn thi học sinh giỏi lịch sử 8 (Trang 54 - 57)

A. PHẦN LỊCH SỬ VIỆT NAM

3. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta

- Tại mặt trận Đà Nẵng: Ngay từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu chống trả quân xâm lược, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng, sau đó tích cực thực hiện “vườn không nhà trống” gây cho quân Pháp nhiều khó khăn, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng.

- Tại mặt trận Gia Định: + Khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định, các đội nghĩa binh của nhân dân ngày đêm bám sát, tìm cách bao vây, tiêu diệt địch buộc Pháp phải rút xuống tàu chiến.

+ Không bị động như quân đội triều đình (thủ hiểm trong Đại đồn Chí Hòa không dám tấn công khi lực lượng của địch quá mỏng ở Gia Định), hàng nghìn nghĩa dũng dưới sự chỉ huy của Dương Bình Tâm đã đánh đồn Chợ Rẫy - vị trí quan trọng nhất trên phòng tuyến của địch.

- Tại 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ: + Khi Pháp chiếm Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long, các toán nghĩa quân của Trương Định, Trần Thiện Chính, Lê Huy đã chiến đấu rất anh dũng, lập nhiều chiến công. Ngày 10/12/1861, đội quân của Nguyễn Trung Trực đã đánh chìm tàu chiến của Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông làm nức lòng quân dân ta.

+ Sau khi ký Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), nhà Nguyễn đã ra lệnh giải tán các đội nghĩa binh nhưng phong trào chống Pháp của nhân dân ba tỉnh miền Đông vẫn tiếp diễn. Các sỹ phu yêu nước vẫn bám đất, bám dân, cổ vũ nghĩa binh đánh Pháp và chống phong kiến đầu hàng. Phong trào tị địa diễn ra rất sôi nổi khiến cho Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Các đội nghĩa quân vẫn không chịu hạ vũ khí mà hoạt động mạnh mẽ. Tiêu biểu nhất là cuộc khởi nghãi của Trương Định. Sau Hiệp ước Nhâm Tuất, triều định hạ lệnh cho Trương Định phải bãi binh và điều ông đi nhận chức Lãnh binh ở An Giang rồi Phú Yên. Nhưng nhận được sự ủng hộ của nhân dân, ông đã chống lệnh triều đình, quyết tâm ở lại kháng chiến. Phất cao ngọn cờ “Bình Tây đại nguyên soái”, hoạt động của nghĩa quân đã củng cố niềm tin của dân chúng, khiến bọn cướp nước và bán nước phải run sợ. Năm 1864, cuộc khởi nghĩa bị thất bại.

- Tại ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ: + Khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây, một số nhà nho yêu nước bất hợp tác với giặc, tìm cách vượt biển ra Bình Thuận nhằm mưu cuộc kháng chiến lâu dài.

+ Một số khác ở lại bám đất, bám dân, tiếp tục tiến hành cuộc vũ trang chống Pháp: Trương Quyền phối hợp với Pucômbô chống Pháp; Phan Tôn, Phan Liêm chỉ huy nghĩa quân hoạt động mạnh ở Bến Tre, Vĩnh Long. Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh chiếm và làm chủ Rạch Giá. Khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho….

+ Đấu tranh bằng các tác phẩm văn học tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị…

- Tại Bắc Kỳ: + Khi thực dân Pháp tấn công Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), nhân dân ta vô cùng căm phẫn. Ngay khi Gác-ni-ê ra đến Hà Nội, quân dân ta đã bất hợp tác với Pháp, các giếng nước bị bỏ thuốc độc. Kho thuốc súng của Pháp nhiều lần bị đốt cháy. Khi địch đánh thành Hà Nội, 100 binh sĩ dưới sự chỉ huy của viên Chưởng cơ đã chiến đấu và hi sinh tới người cuối cùng ở ô Thanh Hà.

Trong thành, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương cùng con trai đã chiến đấu quyết liệt và hi sinh. Thành Hà Nội bị giặc chiếm, quân triều đình tan rã nhanh chóng, nhưng nhân dân Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ vẫn tiếp tục chiến đấu. Trận đánh gây tiếng vang lớn nhất lúc bấy giờ là trận phục kích của quân ta tại Cầu Giấy (21/12/1873) giết chết Gác-ni-ê.

+ Khi thực dân Pháp tấn công Hà Nội và các tỉnh Bắc Kỳ lần thứ hai (1882 - 1883): quân dân Hà Nội đã đốt các dãy phố tạo thành các hành rào cản lửa. Khi quân Pháp tấn công vào thành,Hoàng Diệu đã chỉ huy quân sỹ quyết liệt và tự vẫn để khỏi rơi vào tay giặc. Thành Hà Nội rơi vào tay giặc nhưng nhiều văn thân, sỹ phu vẫn tiếp tục tổ chức kháng chiến. Ngày 19/5/1883, quân

ta đã làm nên chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai khiến cho hàng chục tên giặc bị tiêu diệt trong đó có cả Tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ là Rivie.

- Sau các Hiệp ước Hácmăng 1883 và Patơnốt 1884, phong trào vũ trang chống Pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ tiêu biểu là phong trào Cần Vương (1885 - 1896).

* Đặc điểm cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta từ 1858 - 1884 (Nhận xét): - Cuộc kháng chiến diễn ra sôi nổi, quyết liệt và ngày càng lan rộng theo bước tiến xâm lược của thực dân Pháp: từ Đà Nẵng đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ.

- Lực lượng tham gia: một số quan lại triều đình, đông đảo quần chúng nhân dân, một số sỹ phu yêu nước.

- Vai trò lãnh đạo của triều đình phong kiến đối với cuộc kháng chiến đã bị mất dần do thái độ nhu nhược và tư tưởng chủ hòa của một bộ phận quan lại cao cấp, vai trò lãnh đạo đã chuyển sang các sỹ phu, văn thân yêu nước:

+ Tại Đà Nẵng - Gia Định, triều đình lãnh đạo nhân dân chống Pháp, làm thất bại kế hoạch “đánh nhanh thắng nhanh” của Pháp (1858 - 1859)

+ Với việc ký các Hiệp ước 1862, 1874, 1883, 1884, nhà Nguyễn đi từ thỏa hiệp đến đầu hàng thực dân Pháp, bỏ rơi ngọn cờ kháng chiến, phong trào đấu tranh chống Pháp và phong kiến đầu hàng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các sỹ phu phong kiến diễn ra mạnh mẽ.

- Cuộc kháng chiến lôi cuốn đông đảo nông dân tham gia, diễn ra dưới hình thức khởi nghĩa vũ trang là chủ yếu: tiêu biểu như khởi nghĩa Trương Định, Trần Tấn, Đặng Như Mai…

- Mục tiêu kháng chiến là chống Pháp, bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập (từ năm 1874, vừa chống Pháp, vừa chống phong kiến đầu hàng bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập dân tộc)

- Từ năm 1858, cuộc kháng chiến của nhân dân ta phải đương đầu với một kẻ thù mới với sức mạnh của nền kinh tế, quân sự tư bản chủ nghĩa….

- Mặc dù thất bại nhưng đã làm kéo dài cuộc xâm lược của thực dân Pháp, thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất, để lại bài học kinh nghiệm cho các phong trào kháng chiến về sau.

* Nguyên nhân thất bại của phong trào đấu tranh chống Pháp từ 1858 - 1884 - Lực lượng chênh lệch: nhân dân ta đã phải đối mặt với một kẻ thù mới (khác với kẻ thù truyền thống - phong kiến Trung Quốc), hơn hẳn chúng ta một phương thức sản xuất có sức mạnh về kinh tế và quân sự vượt trội. Như trong Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu đã viết lực lượng kháng chiến của ta chủ yếu là “dân ấp, dân lân”, với những vũ khí thô sơ “ngoài cật có manh áo vải, trong tay cầm gậy tầm vông, hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, gươm đeo

dùng bằng lưỡi dao phay”. Còn quân địch tinh nhuệ “thằng Tây có đạn nhỏ, đạn to, có tàu chiến, tàu đồng súng nổ”.

- Vua quan nhà Nguyễn bảo thủ không tiếp nhận tư tưởng cải cách tiến bộ, duy tân đất nước hùng mạnh để chống xâm lược.

- Trong quá trình kháng chiến:

+ Triều Nguyễn không có khả năng và ý muốn tập hợp, đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm. Vì nhiều mâu thuẫn sâu sắc nên triều đình sợ dân hơn sợ giặc. Triều đình bỏ rơi nhân dân, quan lại hèn nhát.

+ Triều Nguyễn nhu nhược, đường lối kháng chiến không đúng đắn, đã không đoàn kết với toàn dân mà còn từ bỏ con đường đấu tranh vũ trang truyền thống của dân tộc mà đi theo con đường thương lượng, thỏa hiệp từng bước để rồi đi đến đầu hàng hoàn toàn (qua các hiệp ước).

- Các phong trào kháng chiến của nhân dân ta vẫn đặt dưới phạm trù phong kiến, thiếu đi sự lãnh đạo chung thống nhất, diễn ra một cách tự phát, lẻ tẻ và rời rạc, chưa kết thành một phong trào rộng lớn trên cả nước.

* Ý nghĩa lịch sử

- Cuộc kháng chiến của nhân dân ta là những biểu hiện cụ thể, sinh động lòng yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất chống ngoại xâm.

- Làm thất bại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của quân Pháp, khiến chúng phải kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược trong gần 30 năm trời.

- Dù thất bại nhưng đã cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân cả nước và để lại những bài học kinh nghiệm quý báu cho các cuộc đấu tranh về sau.

--- ---

A. PHẦN LỊCH SỬ VIỆT NAM

CHỦ ĐỀ 8: VIỆT NAM TỪ 1858 - 1884 (Tiếp theo)

Một phần của tài liệu Giáo án chuyên đề ôn thi học sinh giỏi lịch sử 8 (Trang 54 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(69 trang)
w