Nam Định nằm ở cực Nam châu thổ sông Hồng, ở tọa độ 19°52′ đến 20°30′ độ vĩ bắc, 105°55′ đến 106°35′ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Hà Nam, phía Đông giáp tỉnh Thái Bình, phía Tây giáp tỉnh Ninh Bình, phía Nam giáp biển Đông (vịnh Bắc Bộ). Đến nay, Nam Định có diện tích tự nhiên là 1.652,29 km2 bao gồm 10 đơn vị hành chính, trong đó có 9 huyện và một thành phố loại 1 trực thuộc tỉnh.
Thành phố Nam Định là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của tỉnh. Do chỉ cách Thành phố Hà Nội 90 km về phía Nam theo quốc lộ 1 và quốc lộ 21, cách Cảng Hải Phòng 100 km nên Nam Định có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là các mặt hàng nông sản thực phẩm. Đồng thời Nam Định cũng là nơi tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, cũng như chuyển giao công nghệ từ các địa phương này.
Đường sắt xuyên Việt đi qua tỉnh dài 41,2 km với 6 ga, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách và hàng hoá. Quốc lộ 10, quốc lộ 21 qua tỉnh dài 108 km đã và đang tiếp tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp. Hệ thống sông Hồng, sông Đào, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua địa phận tỉnh với chiều dài trên 251 km, cùng với hệ thống cảng sông Nam Định và cảng biển Thịnh Long thuận tiện cho việc phát triển vận tải thuỷ.
Bên cạnh đó, với 72 km đường bờ biển, tỉnh Nam Định có điều kiện thuận lợi cho khai thác, nuôi trồng thuỷ, hải sản và phát triển dịch vụ du lịch như khu du lịch Thịnh Long (huyện Hải Hậu) và khu du lịch Quất Lâm (huyện Giao Thuỷ). Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (huyện Giao Thuỷ) nằm ở vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển đồng bằng Nam Sông Hồng đã được tổ chức UNESCO
công nhận.
Nam Định nằm trong vùng ảnh hưởng của Tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng và Vành đai kinh tế ven vịnh Bắc Bộ.
Vị trí địa lý như trên tạo điều kiện thuận lợi cho Nam Định không chỉ trong việc phát triển sản xuất hàng hoá quy mô lớn mà còn mở rộng giao lưu kinh tế - xã hội với các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế. Song, đây cũng là một thách thức lớn đối với Nam Định trong điều kiện cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
2.1.1.2. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên
Là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, lại có bờ biển dài, hệ thống sông ngòi dày đặc nên các nguồn tài nguyên thiên nhiên chủ yếu của Nam Định là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên thủy sản, tài nguyên khoáng sản, ngoài ra còn có tài nguyên rừng, tài nguyên du lịch…
- Tài nguyên đất: Đất ở Nam Định được chia làm 2 vùng rõ rệt vùng đất cổ ở
phía Bắc gồm các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và thành phố Nam Định; vùng đất trẻ ở phía Nam, gồm các huyện Trực Ninh, Nam Trực, Xuân Trường, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ và đất ngập mặn ở ven biển. Đất tại tỉnh Nam Định chủ yếu là đất phù sa sông bồi lắng, có độ phì khá, có những nơi hàng năm còn được bồi đắp, nhất là ven biển Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, khả năng giữ nước và giữ chất dinh dưỡng tốt thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng.
- Tài nguyên nước:
Nguồn nước mặt
Nguồn nước mặt tại Nam Định khá phong phú, hệ thống sông ngòi khá dày đặc với ba sông lớn là sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ. Nam Định còn có sông Đào nối liền sông Hồng với sông Đáy chảy qua thành phố Nam Định có giá trị lớn trong nông nghiệp, cung cấp nước tưới tiêu và giao thông trong vùng. Ngoài ra trên lãnh thổ Nam Định còn có rất nhiều ao hồ được phân bố rộng khắp trên địa bàn.
Nước mưa: Lượng mưa bình quân hàng năm lớn (1.700 - 1.800 mm), nhưng phân bố không đều trong năm. Mùa mưa thường gây úng lụt, mùa khô thường thiếu nước cho cây trồng và nhu cầu sinh hoạt, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.
Nguồn nước ngầm
Ngoài nguồn nước mặt dồi dào, Nam Định còn có một trữ lượng nước ngầm khá phong phú. Thấu kính nước nhạt lớn nhất phân bố ở các huyện ven biển Nghĩa Hưng và Hải Hậu với diện tích khoảng 775 km2, thấu kính nước nhạt thứ hai nằm ở phía Nam huyện Ý Yên, Vụ Bản. Lưu lượng nước ngầm tại các giếng khoan từ 30 - 50m3/ngày đêm. Nguồn nước ngầm ở Nam Định nằm chủ yếu trong tầng chứa nước lỗ hổng Plutôxen, hàm lượng Cl < 200 mg/l. Tầng khai thác phổ biến ở độ sâu trung bình từ 40 - 120 m, có thể khai thác phục vụ sinh hoạt. Ngoài ra còn phát hiện một số tầng nước ngầm có độ sâu từ 250 - 350m, nước có chất lượng tốt và trữ lượng lớn có thể khai thác phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân.
- Tài nguyên rừng và hệ sinh thái
Rừng: Theo kết quả tổng kiểm kê đất đai, năm 2010 toàn tỉnh có khoảng 4.240 ha đất lâm nghiệp. Tỷ lệ che phủ đạt 2,6%. Rừng ở Nam Định chủ yếu là rừng phòng hộ, cây trồng chính là sú, vẹt, phi lao, bần. Rừng góp phần làm trong lành không khí cho khu vực.
Hệ sinh thái: Nam Định thuộc hệ sinh thái nhiệt đới và á nhiệt đới khá đa dạng, phong phú. Hệ thực vật chiếm khoảng 50%, hệ động vật chiếm khoảng 40% cả nước. Đặc biệt có khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Cồn Lu, Cồn Ngạn (nay đã được công nhận là Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ), hệ động thực vật ở đây khá đa dạng phong phú.
- Tài nguyên thuỷ sản
Nam Định có nguồn lợi thuỷ sản đa dạng (gồm thuỷ sản nước ngọt, thuỷ sản nước lợ và nước mặn): 65 loài thực vật nổi, 59 loài động vật nổi và giun nhiều tơ thuộc lớp động vật đáy. Mặt nước vùng cửa sông còn có nhiều tảo và thực vật thuỷ sinh, là nguồn thức ăn cho cá, ốc, tôm, cua...
Cá: nhìn chung phong phú về giống loài, nhưng nghèo về mật độ và trữ lượng, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao. Thành phần giữa cá xa bờ và gần bờ, giữa tầng trên và tầng đáy không có sự khác nhau lớn. Trữ lượng ước ính khoảng 20%
tổng trữ lượng cá Vịnh Bắc Bộ. Khả năng cho phép khai thác khoảng 70.000 tấn.
Tôm: đã phát hiện có 45 loài tôm thuộc họ tôm he, trong đó có 9 loài có giá trị kinh tế, tập trung ở cửa Ba Lạt, trữ lượng ước tính khoảng 3.000 tấn, khả năng khai thác cho phép khoảng 1.000 tấn.
Mực: có 20 loài, trữ lượng khoảng 2.000 tấn, khả năng khai thác cho phép 1.000 tấn/năm, trong đó hơn 600 tấn ở độ sâu 30m nước trở vào và trên 400 tấn ở độ sâu 30m nước trở ra.
Ngoài ra còn có các loại khải sản khác như moi, sò huyết, sò lông, bào ngư, cầu gai...
Tổng diện tích mặt nước có thể phát triển nuôi trồng thuỷ sản có khoảng 20.000 ha. Vùng mặt nước ngọt có khoảng 13.500 ha, hiện đã khai thác trên 9.500 ha, thu hoạch khoảng 25.000 tấn cá tôm. Nguồn lợi thủy sản của tỉnh có thể sản xuất và khai thác được quanh năm nhưng do ảnh hưởng của bão hoặc gió mùa Đông Bắc mạnh nên mỗi năm thường chỉ sản xuất và khai thác được từ 240-270 ngày.
- Tài nguyên khoáng sản
Khoáng sản nhiên liệu: Than nâu ở Giao Thuỷ, được phát hiện dưới dạng mỏ nhỏ, nằm sâu dưới lòng đất. Dầu mỏ và khí đốt còn tiềm ẩn ở vùng biển Bắc Bộ.
Khoáng sản ở thể rắn:
+ Sét làm gạch ngói: Nằm rải rác ở các bãi ven sông như Đồng Côi (Nam Trực), trữ lượng khoảng 2 triệu tấn, Sa Cao (Xuân Trường) trữ lượng khoảng 5-10 triệu tấn, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng), Hoành Lâm (Giao Thuỷ), Quỳnh Phương (Hải Hậu)... Tổng trữ lượng toàn tỉnh khoảng 25-30 triệu tấn.
+ Sét làm gốm sứ: Phân bố tại Phương Nhi, trữ lượng không nhiều, chất lượng khá.
+ Sét làm bột màu: Có ở Nam Hồng (Nam Trực), diện tích 1.000m2, dày 0,25- 0,3m, bột màu vàng nghệ, vàng chanh, làm nguyên liệu cho sản xuất gốm sứ.
Nhìn chung các mỏ sét mới được nghiên cứu sơ bộ, chưa đánh giá chính xác về quy mô, trữ lượng để có phương án khai thác, sử dụng.
+ Fenspat: Có ở núi Phương Nhi, núi Gôi, có thể khai thác làm phụ gia sản xuất gốm sứ.
+ Cát xây dựng: Tập trung chủ yếu ở các lòng sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ, sông Đào, trữ lượng không ổn định, hàng năm được bồi lắng tự nhiên, khai thác khoảng 300.000-500.000 m3/năm. Ngoài ra còn có mỏ cát nhỏ ở Quất
Lâm (Giao Thuỷ), dài khoảng 25 km, rộng 50-200m, dày 2,5-3m.
+ Khoáng sản kim loại: có các vành phân tán inmenit, zincon, monazit. Loại này mới chỉ tìm kiếm và phát hiện tại Hải Hậu và Nghĩa Hưng, zincon phân bố dưới dạng "vết", trữ lượng ít.
Khoáng sản ở thể lỏng: Nước khoáng phát hiện tại núi Gôi (Vụ Bản), Hải Sơn (Hải Hậu), có chất lượng khá. Ngoài ra, tại khu vực xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ) cũng xuất hiện nguồn nước khoáng lộ, cần tiếp tục đầu tư khảo sát nghiên cứu trong thời gian tới.
- Tài nguyên du lịch:
Nam Định có nguồn tài nguyên du lịch khá đa dạng phong phú, đặc biệt là tài nguyên du lịch nhân văn.
+ Di tích lịch sử, văn hoá:
Nam Định là một vùng đất địa linh nhân kiệt, sớm phát triển và giàu truyền thống lịch sử, văn hoá. Trên địa bàn tỉnh có 1.655 di tích lịch sử - văn hoá trong đó có 135 di tích đã được Nhà nước xếp hạng bao gồm: đình, chùa, đền, phủ… còn lại 214 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích có giá trị có thể khai thác phục vụ du lịch tiêu biểu như:
quần thể di tích văn hoá lịch sử triều Trần, quần thể di tích Phủ Giầy, chùa Cổ Lễ thờ thiền sư Nguyễn Minh Không, chùa Keo Hành Thiện - một trong 03 ngôi chùa keo của cả nước và là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi, nhà thờ Bùi Chu, đền
thánh Phú Nhai, nhà lưu niệm Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, ngôi nhà số 7 Bến Ngự - một địa chỉ văn hoá quan trọng ở Nam Định. Một số di tích khác như tháp chuông chùa Phổ Minh, Mộ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, Mộ nhà thơ Tú Xương…
Các di tích lịch sử văn hoá và danh thắng tiêu biểu tại Nam Định đều có những nét kiến trúc độc đáo, có sự giao thoa của các kiến trúc cổ và hiện đại, kiến trúc phương Đông và phương Tây. Đặc biệt tại Nam Định các di tích văn hoá lịch sử đều gắn liền với các lễ hội như Lễ khai ấn đền Trần (14/1 âm lịch), lễ hội Cổ Lễ (13-16/9 âm lịch), lễ hội chùa Keo (tháng 9 âm lịch), lễ hội chợ Viềng (8/1 âm lịch), Nam Giang (Nam Trực), lễ hội Phủ Dầy (tháng 3 âm lịch), lễ hội Đền Trần (tháng 8 âm lịch) thu hút hàng vạn khách thập phương về dự.
+ Tài nguyên du lịch tự nhiên, sinh thái
Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển, địa hình khá bằng phẳng, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn với những cánh đồng lúa tốt tươi, những dòng sông lớn, những bãi biển đẹp còn giữ lại vẻ hoang sơ, môi trường tự nhiên khá trong sạch. Nhiều làng quê trù phú với những nét đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trên địa bàn tỉnh, có nhiều cụm, điểm có thể khai thác phục vụ du lịch nhất là vùng cửa sông ven biển nơi có Vườn quốc gia Xuân Thuỷ và bãi biển Thịnh Long, Quất Lâm… các sản phẩm du lịch có thể khai thác ở đây là: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghỉ mát tắm biển, tham quan nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, Nam Định có loài cây Dạ Hương tại huyện Ý Yên, được xem là một trong 2 cây dạ hương quý hiếm còn lại của Việt nam, đã được ghi vào sách đỏ của thế giới.
+ Các làng nghề truyền thống
Nam Định là vùng đất hình thành và phát triển lâu đời, ngày nay nhiều làng nghề truyền thống đặc trưng vẫn tồn tại và phát triển.
Trên địa bàn tỉnh Nam Định có gần 100 làng nghề, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống có khả năng thu hút khách du lịch, tiêu biểu là: Làng nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê, Làng nghề chạm gỗ La Xuyên (Xã Yên Ninh - Huyện Ý Yên), Làng nghề đúc kim loại Tống Xá (xã Yên Xá - huyện Ý Yên), Làng nghề rèn Vân Chàng...
+ Các giá trị văn hoá phi vật thể
Nam Định không những là quê hương của các bậc võ tướng anh hùng, các văn thi hào, danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Bính, Trần Tế Xương (Tú Xương)...
Nam Định còn nổi tiếng với những làn điệu dân ca, với múa rối nước, với các và các văn bia, các tích, truyện cổ về các nhân vật lịch sử.