TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
2.3 Tổng quan về hệ sinh thái RNM Cần Giờ
- Cần Giờ là một huyện ven biển nằm ở phía Đông Nam của thành phố Hồ Chí Minh, diện tích của huyện là 7.042 km2. Địa hình chia cắt bởi sông, rạch, không có nước ngọt. Về mặt tự nhiên, là một phần của đồng bồi Đồng Nai, có tên là Rừng Sác Gia Định [18].
- RNM Cần Giờ nằm trong khu vực thứ tư theo phân chia của Phan Nguyên Hồng (1988) [4], tiếp giáp với thành phố Hồ Chí Minh. Do vị trí địa lí nên nó có vai trò đặc biệt như một mô hình điển hình về việc quản lý bảo vệ rừng Việt Nam.
- RNM Cần Giờ vốn là khu rừng nguyên sinh xuất hiện cùng với quá trình hình thành bãi bồi vùng cửa sông ven biển với các loài phổ biến như: Đước (Rhizophora apiculata), Dà (Ceriops spp), Vẹt (Bruguiera spp), Đưng (Rhizophora mucronata)…
- Tính đến nay, ở Cần Giờ có 19.096 ha rừng trồng các loại với loài cây chính là Đước đôi (Rhizophora apiculata). Sau khi trồng lại rừng ngập mặn, rừng đã phát huy vai trò lấn biển, tạo điều kiện cho cây rừng tái sinh tự nhiên ngày càng nhiều, 10.820 ha rừng tự nhiên, trong đó loài Mấm trắng (Avicennia alba) và Bần trắng (Sonneratia alba) là loài cây tiên phong chiếm diện tích đáng kể trong số diện tích rừng tự nhiên [10].
- Về thực vật ở Cần Giờ cũng phong phú và đa dạng gồm: thực vật rừng ngập mặn, vùng trên cao, vùng đồi núi (Núi Giồng Chùa), các cồn cát ven biển. Thực vật RNM có 2 nhóm: Thực vật rừng ngập mặn thực sự và thực vật gia nhập rừng ngập mặn. Qua những đợt khảo sát gần đây cho thấy ở Cần Giờ có 36 loài CNM thực sự, trong đó có những loài quý hiếm như Cóc đỏ (Lumnitzera littorea), Đước lai (Rhizophora lamarkii), Ráng đại thanh (Acrostichum speciosium) cần được bảo tồn và phát triển cùng với 53 loài cây gia nhập RNM [10].
- Với hệ thống sông rạch chằng chịt và RNM che phủ là môi trường, nguồn thức ăn, chỗ cư trú và nơi sinh sản thuận lợi cho các loài động vật rừng ngập mặn sinh trưởng và phát triển.
2.3.2 Vai trò của RNM Cần Giờ
Sau khi rừng ngập mặn Cần Giờ được khôi phục lại, nó đã phát huy tích cực vai trò nhiều mặt của mình [11]:
- RNM Cần Giờ là “chiếc cầu nối” giữa biển và đất liền, cụ thể là biển Đông với thành phố Hồ Chí Minh, là cầu nối giữa Thành phồ Hồ Chí Minh với quốc tế thông qua đường thuỷ đi qua rừng ngập mặn Cần Giờ.
- Là “bức tường” che chắn ven biển nhằm cản gió mạnh, hạn chế tác động của bão cũng như bờ kè nhằm bảo vệ bờ sông, hạn chế xói mòn. Rừng ngập mặn cũng
tháng 12/2004 cho thấy những nơi có rừng ngập mặn đã che chắn và hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của.
- RNM Cần Giờ được xem như là “ngôi nhà” ở cho nhiều loài sinh vật, chim, thú, tôm cá là nơi trú ngụ cũng như sinh sản và vườn ươm giống cho các loài thủy sản. Trong vòng đời của một số loài thủy sản ở giai đoạn đầu các ấu trùng được sinh sản từ ngoài biển và bơi vào sống và sinh trưởng trong rừng ngập mặn đến khi trưởng thành lại ra biển để sinh sản, như thế rừng ngập mặn đã đóng vai trò là nơi sống cho các sinh vật rừng ngập mặn.
- Trong RNM Cần Giờ có nhiều loài cây có giá trị làm thuốc để chữa bệnh cho con người. Trong chiến tranh, bộ đội ta ở Cần Giờ đã dùng một số loài cây rừng ngập mặn để chữa bệnh như võ một số loài CNM chứa chất chát (tanin) có tác dụng chữa bệnh tiêu chảy hoặc một số loài cây khác có giá trị làm thuốc như Mấm trắng, Dừa lá, Sơn cúc hai hoa, Ô rô, Quao nước, Cóc kèn, Giá, Ngọc nữ biển, Lức…
- Trước chiến tranh RNM Cần Giờ là nơi cung cấp gỗ để hầm than, xây dựng cho Sài Gòn lúc bấy giờ, sau chiến tranh rừng ngập mặn cũng là nơi cung cấp gỗ củi cho nhân dân địa phương, đặc biệt trong giai đoạn 1986 - 1999 có tỉa thưa rừng đã cung cấp một số lượng gỗ, củi đáng kể đồng thời giải quyết việc làm cho nhân dân địa phương và các tỉnh lân cận.
- Từ lâu nay người ta đã nêu lên vai trò của RNM Cần Giờ như là “lá phổi xanh” của thành phố do làm sạch không khí, cung cấp oxy không những cho Cần Giờ mà còn cho cả thành phố và các tỉnh lân cận.
- RNM Cần Giờ là “quả thận hay một nhà máy xử lí nước thải”, nó nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn và Đồng Nai, nguồn nước trước khi thải ra biển đều đi ngang qua nó và được lọc trước khi đổ ra biển cũng như hạn chế sự lan truyền khi có sự cố tràn dầu.
- Ngoài các chức năng trên, rừng ngập mặn Cần Giờ hay Khu Dự trữ sinh quyển còn có vai trò như “một ngân hàng Carbon”, hấp thụ CO2 làm giảm hiệu ứng nhà kính của trái đất.
- Do vị trí gần thành phố với số lượng học sinh, sinh viên khá đông, rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi cho các em tham quan, học tập, nghiên cứu và thí nghiệm, thực hành nhiều lãnh vực như môi trường, sinh thái, thực vật, động vật, địa chất, thổ nhưỡng… Trong những năm qua rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi nghiên cứu cho nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ và sinh viên làm luận văn tốt nghiệp đại học trong nước. Ngoài ra RNM Cần Giờ cũng là nơi cho các sinh viên nước ngoài đến nghiên cứu và học tập hệ sinh thái rừng ngập mặn và trao đổi kiến thức khoa học chuyên môn về lãnh vực RNM.
- Người ta không phủ nhận vai trò quan trọng của RNM như là “nhà bếp” cung cấp thức ăn không những cho con người mà cho các loài động vật sống trong rừng ngập mặn, thể hiện qua chuỗi thức ăn trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, qua việc cung cấp tôm, cá, mật ong các loài rau như Sơn cúc hai hoa, Lìm kìm, đọt non của Ráng, đọt Chà là. Trong chiến tranh, bộ đội ta đã lấy trái Mấm để ăn thay cơm.
Hàng năm, từ khu RNM Cần Giờ đã cung cấp nhiều nguồn thực phẩm thủy sản như Nghêu, Sò huyết, tôm, cá các loại.
- RNM Cần Giờ được coi là công viên lớn của Thành phố, nơi đây đã góp phần cải thiện sức khoẻ cho con người, nơi vui chơi, giải trí sau nhưng ngày làm việc và học hành căng thẳng, đặc biệt rừng ngập mặn Cần Giờ mang tính xã hội cao, không phân biệt người giàu, kẻ nghèo mọi người đều tự do và bình đẳng đến công viên.
Chương 3