5. Kết cấu của luận văn
1.2. Quản lý thu BHXH
1.2.1. Mô hình quản lý thu BHXH của một số nước trên thế giới
Tính đến năm 1993, trên thế giới đã có 163 nước thực hiện chính sách BHXH, trong đó số các nước thực hiện chế độ hưu trí, tai nạn lao động, ốm đau, thai sản là nhiều nhất lên tới 155 nước, chiếm khoảng 95%, ít nhất là chế độ thất nghiệp là có khoảng 63 nước, chiếm 38,6%. Việc thực hiện các chế độ là tuỳ thuộc vào điều kiện tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của mỗi nước.
Tuy nhiên xu hướng chung hiện nay là đang dần thực hiện ngày càng đầy đủ hơn các chế độ. Đối với lịch sử phát triển của quản lý thu BHXH trên thế giới thì BHXH Việt Nam còn rất mới, như vậy chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước.
* Quản lí thu BHXH của Hoa Kỳ
Bộ Y tế và Dịch vụ con người có trách nhiệm thực hiện chương trình bảo hiểm hưu trí, tử tuất và mất sức lao động. Cơ quan quản lý BHXH thuộc Bộ có trách nhiệm quản lý thống nhất ở cấp Trung ương thông qua mạng lưới cơ sở gồm có 11 trung tâm cấp vùng, 6 trung tâm cấp dịch vụ, 1.300 cơ quan quản lý cấp quận và chi nhánh, 37 trung tâm dịch vụ hỏi đáp bằng điện thoại.
Hiện nay có trên 620 nghìn nhân viên làm việc cho SSA, trong đó có 130 nghìn nhân viên làm việc tại trụ sở chính.
Những vấn đề liên quan đến trợ cấp thai sản và ốm đau tại Hoa kỳ đối với người lao động( hoặc người lao động và người sử dụng lao động) được các công ty bảo hiểm tư nhân thực hiện.
Bảo hiểm y tế đối với những người nghỉ hưu từ 65 tuổi trở lên do Bộ Y tế và Dịch vụ con người đảm nhận. Chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo được thực hiện bởi chính quyền các bang( ngân sách bang hỗ trợ nửa chi phí ). Bảo hiểm y tế cho người lao động do các công ty bảo hiểm y tế tư nhân thực hiện.
Bảo hiểm tai nạn lao động do cơ quan lao động từng bang thực hiện, cơ quan này có trách nhiệm quy định mức phí, kiểm tra công tác thu phí, chi trả trợ cấp và giải quyết tranh chấp, khiếu nại. Chương trình bảo hiểm tai nạn lao động của bang được thực hiện tại 6 bang, các bang còn lại do các công ty tư nhân thực hiện. Một vài doanh nghiệp thực hiện chương trình bảo hiểm tai nạn lao động do họ tự xây dựng trên cơ sở có sự chấp thuận của chính quyền.
Bảo hiểm thất nghiệp do cơ quan lao động các bang quản lý, cơ quan này có trách nhiệm xây dựng phương thức quản lý chương trình theo quy định chung do Bộ lao động đưa ra. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp từng bang sẽ được nhập vào tài khoản đặc biệt do Bộ ngân khố lậ ra.
* Quản lý thu BHXH của Cộng hoà Liên bang Đức.
So với các nước trên thế giới, Cộng hoà Liên bang Đức là nước có lịch sử phát triển được coi như sớm nhất. Điều luật BHXH đầu tiên đã ra đời và thực hiện từ những năm 1850. Cho đến nay, chính sách BHXH ở Đức bao gồm 6 chế độ sau:
+ Bảo hiểm thất nghiệp.
+ Bảo hiểm y tế.
+ Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ cho người già và người tàn tật.
+ Bảo hiểm ốm đau.
+ Bảo hiểm tai nạn lao động.
+ Bảo hiểm hưu trí.
Hoạt động thu BHXH của Cộng hoà Liên bang Đức thực hiện theo ba trụ cột chính là:
+ Hệ thống BHXH bắt buộc.
+ Hệ thống BHXH tư nhân.
+ Hệ thống BHXH ở các xí nghiệp.
Trong đó hệ thống thu BHXH bắt buộc được tổ chức theo mô hình tự quản, bảo đảm tài chính theo phương pháp lấy thu bù chi. Hệ thống BHXH tư nhân và hệ thống BHXH ở các xí nghiệp hoạt động theo Bộ luật Lao động của Liên bang. Tự chịu là hình thức quản lí tương đối độc lập với sự chỉ đạo của cơ quan quản lí Nhà nước cao nhất. Có thể hiểu rõ thông qua cơ chế quản lí chung của Quỹ hưu trí sau. Cơ quan quản lí cao nhất là một Hội đồng, hội động này bổ nhiệm Ban điều hành, từ Ban điều hành sẽ điều hành mọi hoạt động của tổ chức. Hoạt động tài chính trong năm của Quỹ hưu trí viên chức Liên bang diễn ra như sau:
Vào mùa hè hàng năm, các chuyên gia của Chính phủ Liên bang, tổ chức BHXH, Tổng cục Thống kê sẽ dự kiến nhu cầu tài chính của năm tới theo phương pháp ước tính. Từ đó đưa ra dự kiến số thu, dự kiến số chi, trên cơ sở này xác định tỉ lệ thu cho năm tới và tiến hành đưa ra bằng một văn bản có hiệu lực pháp luật. Quỹ thu thường là đủ dùng chi trả cho các đối tượng
hưởng chế độ, chi hoạt động của bộ máy quản lí và còn một khoản để dự trữ gọi là khoản dự trữ trần. Do sự ổn định của nền kinh tế mà khoản dự trữ này thường chỉ ở mức đủ chi cho các đối tượng do quỹ đảm bảo trong một tháng, từ năm 2001 đã rút xuống khoản 0,8 tháng. Cách này có những ưu điểm như:
hạn chế được những tác động của môi trường kinh tế, dễ dàng cân đối quỹ, giảm thiểu tình trạng bội chi, không hề gây gánh nặng cho NSNN,... .
Cộng hoà Liên bang Đức không có các tổ chức BHXH thực hiện cùng một lúc nhiều chế độ, mà thông thường mỗi tổ chức chỉ chịu trách nhiệm thu, chi cho một loại chế độ nhất định. Điểm đáng lưu ý ở nước này là những công chức Nhà nước ( những người được đề cử vào bộ máy quản lí Nhà nước) không phải đóng BHXH, nhưng họ được nhận lương hưu khi hết tuổi lao động. Khoản chi này được lấy từ nguồn thu thuế để trả. Có nhiều tổ chức cùng tham gia thực hiện các chế độ BHXH, đặc biệt là sự có mặt của các tổ chức BHXH tư nhân, có thể mang lại sự cạnh tranh giúp cho hoạt động ngày càng hiệu quả.
* Quản lí tài chính BHXH của Trung Quốc.
Ngay sau khi thành lập nước, Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành xây dựng một hệ thống an toàn xã hội, chủ yếu bao gồm BHXH, cứu trợ xã hội, phúc lợi xã hội, trợ giúp xã hội. Trong các chế độ đó BHXH giữ vai trò quan trọng nhất. Đến năm 1994, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Luật Lao động, trong đó chương IX có những quy định cải cách hệ thống BHXH.
Các chế độ BHXH chỉ được áp dụng ở các khu vực thành thị và trong các doanh nghiệp. Tại các địa phương ở Trung Quốc đã cụ thể hoá các chế độ, trong đó hai chế độ là hưu trí và thất nghiệp đã được xây dựng thành Điều lệ, các chế độ khác về cơ bản còn là quy định tạm thời song có hiệu lực khá cao.
Về nguyên tắc mỗi chế độ có một quỹ riêng. Nguồn quỹ gồm hai khoản: Một khoản do chủ sử dụng lao động nộp và một khoản do người lao động đóng. Riêng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động thì chỉ do chủ sử dụng lao động đóng. NSNN sẽ hỗ trợ khi mất cân đối thu chi do các nguyên nhân bất khả kháng, còn các trường hợp khác tự người lao động và người sử dụng lao động bảo đảm. Các quỹ nhìn chung được chia làm hai phần: Phần thứ nhất được đưa vào tài khoản cá nhân gồm toàn bộ số tiền do người lao động đóng và một phần do chủ sử dụng lao động đóng; Phần thứ hai được đưa vào quỹ chi chung trong trường hợp cần thiết là phần đóng góp còn lại của chủ sử dụng lao động. Qua đây chúng ta nhận thấy hiện nay có khá nhiều nước quản lí quỹ theo từng chế độ, đây là phương pháp quản lí mang tính mở dễ thích nghi với nhiều điều kiện của từng khu vực, từng tầng lớp lao động. Đặc biệt việc hình thành tài khoản cá nhân, bản thân người lao động có thể nắm bắt được số dư cũng như họ được hưởng hoàn toàn nên có những sự điều chỉnh tránh tình trạng mất công bằng. Cách quản lí quỹ như vậy đã phân định được rõ trách nhiệm của mỗi bên do vậy tránh tình trạng lẫn lộn giữa các quỹ, sử dụng sai mục đích hay thất thoát.
1.2.2. Quản lý thu BHXH ở Việt Nam
Trước tiên chúng ta cần hiểu khái niệm về quản lý. Quản lý là những hoạt động nhằm tác động một cách có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lý vào một đối tượng quản lý nhất định để điều chỉnh các quá trình xã hội và hành vi của con người từ đó có thể duy trì được tính ổn định của đối tượng. Đối tượng của quản lý ở đây có công tác thu BHXH, thu BHXH là một thuật ngữ thuộc phạm trù tài chính, một khâu tài chính tồn tại độc lập trong hệ thống tài chính BHXH. Công tác thu BHXH tham gia vào quá trình giảm quỹ BHXH, quỹ tài chính này nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động và gia đình họ khi gặp rủi ro từ đó đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội.
Như vậy, nhìn rộng ra thì quản lý thu BHXH là việc sử dụng việc thu BHXH
như một công cụ quản lý xã hội của Nhà nước. Còn hiểu theo nghĩa hẹp thì quản lý thu BHXH là quản lý đối tượng tham gia, quản lý mức đóng, căn cứ đóng và phương thức đóng của các đối tượng khi tham gia BHXH với mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời luôn đặt lên hàng đầu.
Quản lý thu giữ vai trò quan trọng và quyết định đến sự thành công của quá trình thu BHXH, từ đó quyết định đến sức mạnh quỹ BHXH để đảm bảo cho việc chi trả cho các chế độ trợ cấp.
a. Những quy phạm pháp luật chủ yếu điều chỉnh công tác thu BHXH
Thực hiện Nghị quyết đại hội VII và hiến pháp năm 1992, ngày 23/6/1994 Bộ Luật lao động đã Quốc hội thông qua trong đó giành cả chương XII để quy định về BHXH và có quy định “Loại hình tham gia BHXH áp dụng đối với doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên, ở những doanh nghiệp này, người sử dụng lao động, người lao động phải đóng BHXH theo quy định…”; “Người lao động làm việc ở những nơi sử dụng lao động dưới 10 lao động hoặc làm những công việc có thời hạn dưới 3 tháng, theo mùa vụ hoặc làm các công việc tạm thời khác, thì các khoản BHXH được tính vào tiền lương do người sử dụng lao động trả để người lao động tham gia BHXH theo loại hình tự nguyện hoặc tự lo liệu về bảo hiểm”.
Ngày 26/1/1995, Chính phủ ban hành điều lệ BHXH kèm theo Nghị định số 12CP, trong đó quy định rõ về đối tượng tham gia BHXH và tỷ lệ thu BHXH như: Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên thuộc đối tượng phải áp dụng các chế độ BHXH theo quy định. Với tỷ lệ thu BHXH là 20%, trong đó người sự dụng lao động 15% tổng quỹ tiền lương, người lao động 5% tiền lương tháng. Theo đó, Bộ Tài chính có Thông tư số 58/TT-BTC hướng dẫn quy định tạm thời về tài chính BHXH, trong đó quy định cụ thể về đối tượng, quy trình quản lý thu BHXH.
Mặt khác, để phù hợp với tình hình kinh tế phát triển của đất nước Chính phủ tiếp tục quy định đối tượng lao động hợp tác có thời hạn ở nước ngoài theo quy định tại nghị định số 152/2000/NĐ-CP; Các chức danh thuộc xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 09/2008/NĐ-CP ngày 03/01/1998; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa và thể thao theo quy định tại Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999…
Ngày 09/01/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2003/NĐ-CP đã quy định đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc được mở rộng đến các doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, tô hợp tác; người lao động, xã viên làm việc và hưởng tiền công theo hợp đồng lao động từ đủ 03 tháng trở lên trong các hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật hợp tác xã và các ngành sự nghiệp khác; các tổ chức khác có sử dụng lao động.
Đặc biệt, ngày 29/6/2006 Quốc hội khóa 11 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật BHXH. Đây là cơ sở pháp lý cơ bản và hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay để điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh về quản lý thu, nộp BHXH trong hoạt động BHXH Việt Nam.
b. Quy định về công tác quản lý thu BHXH của BHXH Việt Nam
Trên cơ sở các văn bản nêu trên, ngay sau khi được thành lập và bước vào hoạt động, với thẩm quyền của mình BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn việc thực hiện quản lý, theo dõi quá trình thu nộp BHXH của người lao động và người sử dụng lao động nhằm thực hiện có hiệu quả việc quản lý hành chính theo chức năng và nhiệm vụ được giao, cụ thể như:
Công văn số 211/BHXH ngày 26/9/1995 quy định tạm thời về quản lý thu - chi BHXH; Đến năm 1996, BHXH Việt Nam ban hành tiếp Quyết định số 177/BHXH ngày 30/12/1996 quy định về quản lý thu BHXH thuộc hệ thống BHXH Việt Nam; Do yêu cầu công tác quản lý thu BHXH, BHXH Việt Nam ban hành tiếp Quyết định số 2902/1999/QĐ-BHXH ngày 23/11/1999 về việc ban hành quy định quản lý thu BHXH, trong đó quy định cụ thể về đối tượng,
phương pháp, quy trình và quản lý tài chính thu BHXH. Ngoài ra, để phù hợp với việc chuyển giao BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam và công tác quản lý thực hiện thu BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam có công văn hướng dẫn số 251/BHXH-QLT quy định chi tiết về công tác quản lý thu BHXH, BHXH. Mặt khác, để phù hợp với đối tượng của Nghị định số 01/2003/NĐ- CP nêu trên và khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý thu BHXH thời gian trước, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 722/QĐ-BHXH- BT ngày 26/5/2003 về việc quy định quản lý thu BHXH, BHYT bắt buộc. Sau khi có Luật BHXH năm 2006 BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành quyết định 902/QĐ-BHXH ngày 26/6/2007 quy định về quản lý thu BHXH; Quyết định 1333/QĐ-BHXH ngày 21/02/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 902/QĐ-BHXH; Công văn 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009 của BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện thu - chi Bảo hiểm thất nghiệp trong đó có hệ thống mẫu biểu sửa đổi của thu BHXH bắt buộc.
Đối với người lao động để theo dõi, ghi nhận quá trình làm việc có đóng BHXH, BHXH Việt Nam có các văn bản quy định về việc cấp, quản lý và sử dụng sổ BHXH như Quyết định số 113/BHXH- QĐ ngày 22/6/1996 ban hành quy định về cấp và ghi sổ BHXH; Quyết định só 2352/1999/QĐ-BHXH ngày 28/9/1999 về việc ban hành quy định cấp, quản lý và sử dụng sổ BHXH. Cho mãi đến khi Luật BHXH ra đời BHXH Việt Nam ban hành Quyết định 3636/QĐ-BHXH ngày 16/6/2008 quy định về cấp và quản lý sổ BHXH;
Quyết định 555/QĐ-BHXH ngày 13/5/2009 quy định cấp, quản lý và sử dụng sổ BHXH, Quyết định này thay thế Quyết định 3636/QĐ-BHXH.
Như vậy, kể từ khi BHXH Việt Nam được hình thành hệ thống văn bản pháp quy làm hành lang cho công tác quản lý thu BHXH luôn được điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu quản lý.
c. Nội dung quản lý thu BHXH
* Đối tượng tham gia BHXH
Đối tượng tham gia BHXH bao gồm người lao động là công dân Việt Nam và người sử dụng lao động.
Người lao động tham gia BHXH bắt buộc gồm:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
- Người lao động đã tham gia BHXH bắt buộc mà chưa nhận BHXH một lần trước khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (hợp đồng với tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, hợp đồng với doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu, công trình ở nước ngoài, hợp đồng cá nhân”.
Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc gồm:
- Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo luật doanh nghiệp.
- Cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
- Tổ chức, đơn vị hoạt động theo quy định của Pháp luật.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập, hoạt động theo luật hợp tác xã.
- Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
- Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam.
* Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH
Trên cơ sở các văn bản quy định của Nhà nước về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH như: Điều 149 - Bộ luật lao động, Luật BHXH ban hành kèm theo Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ và các Thông tư, văn bản quy định hướng dẫn cụ thể hóa, hoặc giải thích rõ các vấn đề liên quan đến tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động, được quy định cụ thể như sau: