5. Kết cấu của luận văn
3.3. Thực trạng công tác quản lý thu BHXH tại BHXH huyện Phú Bình, giai đoạn 2009 - 2011
3.3.3. Thực trạng công tác quản lý mức thu và quy trình quản lý thu bảo hiểm xã hội ở bảo hiểm xã hội huyện Phú Bình
3.3.3.1. Quản lý mức thu và phương thức thu BHXH ở bảo hiểm xã hội huyện Phú Bình
a. Quản lý mức thu BHXH
Trong hoạt động BHXH thì hệ thống các khoản đóng góp BHXH có vai trò đặc biệt quan trọng. Nguồn thu này là cơ sở để BHXH tồn tại và phát triển. Với tầm quan trọng đó thì BHXH cần phải quản lý mức đóng và phương thức đóng phù hợp.
Trước tiên xác định đúng được mức đóng của từng đối tượng thì mới quản lý tốt. Vậy hiện nay BHXH huyện Phú Bình đang áp dụng mức đóng BHXH đối với NLĐ và NSDLĐ như sau:
BHXH bắt buộc:
Đối với NSDLĐ: Theo quy định tại Điều 92 của luật BHXH thì hàng tháng NSDLĐ đóng trên quỹ tiền lương - tiền công của NLĐ như sau:
11% vào quỹ hưu trí, tử tuất; từ năm 2010 trở đi cứ hai năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 14%; 3% vào quỹ ốm đau, thai sản (trong đó NSDLĐ giữ lại 2% để kịp thời chi trả cho NLĐ) và 1% vào quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp.
Đối với NLĐ: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 91 của luật BHXH thì NLĐ đóng bằng 5% mức tiền lương - tiền công tháng. Từ năm 2010 trở đi cứ 2 năm một lần đóng thêm 1% cho đến khi đạt mức đóng là 8%
.
BHXH tự nguyện: Mức đóng hàng tháng bằng 16% mức thu nhập người lao động lựa chọn đóng BHXH; từ năm 2010 trở đi cứ 2 năm một lần đóng thêm 2% cho đến khi đạt mức đóng là 22%. Mức thu nhập làm cơ sở để tính đóng BHXH được thay đổi tuỳ theo khả năng của người lao động nhưng thấp nhất bằng tiền lương tối thiểu chung và cao nhất bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.
b. Quản lý phương thức thu BHXH
* Phương thức thu BHXH, BHYT bắt buộc:
Hiện nay, cơ quan BHXH huyện Phú Bình đang thực hiện phương thức thu BHXH theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam và nghị định số 152/206/
NĐ - CP của chính phủ ban hành.
Hàng tháng, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng, người SDLĐ đóng BHXH trên quỹ tiền lương, tiền công của những NLĐ tham gia BHXH, đồng thời trích từ tiền lương, tiền công tháng của từng NLĐ theo mức quy định để đóng cùng vào tài khoản chuyên thu của BHXH huyện mở tại Ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước.
Hàng tháng, người SDLĐ giữ lại 2% số phải nộp để chi trả kịp thời hai chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ. Hàng quý thực hiện quyết toán, trường hợp tổng số tiền quyết toán nhỏ hơn số tiền giữ lại thì người SDLĐ phải nộp số chênh lệch này vào tháng đầu quý sau.
Người SDLĐ là các doanh nghiệp sản xuất thuộc ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngu nghiệp, diêm nghiệp thực hiện trả tiền lương, tiền công cho NLĐ theo mùa vụ hoặc theo chu kỳ có thể đóng BHXH theo quý hoặc 6 tháng một lần nhưng phải xuất trình phương án sản xuất và phương thức trả lương cho NLĐ để cơ quan BHXH có căn cứ giải quyết.
Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, cá nhân có thuê mướn trả công cho NLĐ, sử dụng dưới 10 lao động có thể đóng BHXH theo quý nhưng phải đăng ký và được sự chấp thuận của cơ quan BHXH.
NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định đóng BHXH theo quý, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc có thể đóng trước một lần theo thời hạn hợp đồng; người SDLĐ thu, nộp BHXH cho NLĐ và đăng ký phương thức đóng với cơ quan BHXH hoặc NLĐ đóng thông qua người SDLĐ mà NLĐ đã tham gia BHXH trước đó hoặc đóng trực tiếp tại cơ quan BHXH nơi NLĐ cư trú trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
* Phương thức thu BHXH tự nguyện:
Về BHXH tự nguyện, BHXH huyện Phú Bình thực hiện thu bằng tiền mặt và hiện đang thu 6 tháng một lần áp dụng cho tất cả các đối tượng tham gia.
3.3.3.2. Quy trình quản lý thu BHXH ở bảo hiểm xã hội huyện Phú Bình Quy trình quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng ở BHXH huyện Phú Bình theo trình tự các bước cơ bản sau:
1) Đơn vị mới đăng ký tham gia BHXH và đang tham gia BHXH có biến động về lao động, quỹ lương, lập danh sách lao động, quỹ lương để đăng ký với cơ quan BHXH.
2) Căn cứ số liệu ở danh sách lao động, quỹ lương, cơ quan BHXH lập sổ chi tiết số phải thu BHXH (đối với từng đơn vị).
3) Đơn vị chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi chung là BHXH) và thanh toán cho các đối tượng hưởng ốm đau, thai sản. Sau khi nhận được giấy báo có của Ngân hàng về việc đơn vị chuyển tiền nộp BHXH và các chứng từ quyết toán số tiền 2% để lại đơn vị, cơ quan BHXH tiến hành hạch toán vào tài khoản 571 - thu BHXH, BHYT bắt buộc.
4) Căn cứ số liệu từ tài khoản 571, cơ quan BHXH lập sổ chi tiết tiền đóng BHXH (đối với từng đơn vị, cho từng loại nghiệp vụ: BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp).
5) Căn cứ số liệu từ sổ chi tiết số phải thu BHXH và sổ chi tiết tiền đóng BHXH, cơ quan BHXH lập được bảng tính lãi.
6) Căn cứ số liệu từ bảng tính lãi để lập sổ chi tiết tiền lãi.
7) Cơ quan BHXH lập sổ tổng hợp căn cứ số liệu từ sổ chi tiết số phải thu, số chi tiết đóng, số chi tiết tiền lãi.
8) Từ sổ tổng hợp, căn cứ yêu cầu của công tác quản lý thu BHXH, cơ quan lập các báo cáo: Thông báo (8 - TBH) để thông báo số tiền đã đóng BHXH cho các đơn vị tham gia BHXH; Báo cáo các quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; Báo cáo 2% để lại đơn vị;
Báo cáo thu lãi chậm nộp.