Chương 1. TIỂU THUYẾT TRINH THÁM – KINH DỊ CỦA DI LI
1.1. Cơ sở lí luận của đề tài
1.1.3. Truyện trinh thám – kinh dị trong văn học Việt Nam hiện đại
Ở Việt Nam, truyện trinh thám và truyện kinh dị đã có từ thế kỉ trước với những tác phẩm của tác giả Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Hồ Dzếnh (bút danh Lưu Thị Hạnh), Bùi Huy Phồn, Lê Văn Trương... Nhưng trong thời kì
văn học hậu hiện đại, hai thể tài này hầu như không phát triển. Nhà văn Di Li là người đầu tiên tạo nên hình thức kết hợp giữa trinh thám và kinh dị. Điều đó đã tạo nên những tác phẩm có sức hấp dẫn lớn với độc giả trong và ngoài nước. Cốt truyện hấp dẫn li kì gợi sự tò mò cho độc giả đi tìm kiếm, giải “mật mã” và tìm kết quả cho vụ án. Tiêu biểu là tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ” và “Câu lạc bộ số 7” đã gây được tiếng vang. Truyện trinh thám và truyện kinh dị là hai thể tài riêng biệt trong loại hình tác phẩm tự sự ở mỗi thể tài ấy đều đã có những tác giả tác phẩm xuất sắc trong kho tàng văn học thế giới nói chung và văn học Việt Nam nói riêng. Truyện kinh dị (hay còn gọi là giả tưởng kinh dị) ở phương Tây còn gọi là “tiểu thuyết đen" đã có những tác phẩm xuất sắc Edgar Poe, ở phương Đông đã có Bồ Tùng Linh với Liêu trai chí dị, ở Việt Nam ngay trong kho tàng văn học dân gian đã có những tác phẩm mang sắc màu kinh dị như trong Việt điện u linh, truyện cổ tích Hà ô lôi (cổ tích Nguyễn Đổng Chi), truyện người lấy ma, truyện tinh con chuột hóa thành người chồng gặp gỡ người vợ khi người chồng đi xa.
Những truyện ma quỷ trong văn học dân gian Việt Nam đã mang sắc màu kinh dị. Trong văn học viết có Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, tác phẩm của Thế Lữ như "Vàng và máu", đặc biệt trong “Truyện đường rừng”
của Lan Khai có “Ai hát giữa rừng khuya''…
Truyện trinh thám cũng đạt được những thành tựu xuất sắc. Tác giả tiêu biểu của truyện trinh thám Việt Nam được bạn đọc biết đến nhiều là Phạm Cao Củng với Vết tay trên trần (1936), Cái kho nhà họ Đặng, Ba viên ngọc bích (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người, Nhà sư thọt (1941), Đám cưới Kỳ Phát (1942), Đôi hoa tai của bà chúa (1942)... Các nhà văn khác như Thế Lữ, Lê Văn Trương, Bùi Huy Phồn... đã viết một số tác phẩm có tiếng vang trong văn đàn trước năm 1945.
Nhưng có sự kết hợp hài hòa đặc trưng và những phẩm chất nghệ thuật của cả hai thể tài này để tạo ra một thể tài văn học mới là truyện trình thám và
kinh dị là không nhiều. Di Li là một trong số tác giả đã thành công khi kết hợp những phẩm chất nghệ thuật và sắc thái thẩm mỹ khác nhau để tạo ra những sáng tạo nghệ thuật độc đáo vừa lôi cuốn trí tuệ của người đọc đi tìm lời giải cho những vụ án tồn tại đến những câu đố hóc hiểm vừa pha trộn sắc thái kì ảo ma quái tạo cảm giác hãi hùng cho độc giả. Như vậy, truyện trinh thám và những “câu đố” trí tuệ, truyện kinh dị là những “cú huých” mạnh mẽ đến kinh hoàng cho cảm xúc của tâm hồn. Khi cả hai phẩm chất nghệ thuật ấy được kết hợp lại thì hiệu quả nghệ thuật được nhân đôi…
Trong văn học đương đại Việt Nam, truyện trinh thám và truyện kinh dị có những tác phẩm: Sát thủ online và Có tiếng người trong gió của Nguyễn Xuân Thủy, Phiên bản, Cô mặc sầu và Hồ sơ một tử tù của Nguyễn Đình Tú, Trại Hoa Đỏ, Tầng thứ nhất, Điệu van địa ngục và Câu lạc bộ số 7 của Di Li... Di Li là nhà văn đầu tiên có sự kết hợp hai thể tài trinh thám và kinh dị trong sáng tác của mình.
Tại Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace đã diễn ra buổi tọa đàm “Văn học trinh thám Việt Nam và tiểu thuyết trinh thám của nhà văn Di Li”. Nhà văn nữ ra mắt công chúng tiểu thuyết trinh thám Câu lạc bộ số 7 - tác phẩm mới nhất của cô. Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhiều gương mặt tên tuổi trong giới văn nghệ như: nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà phê bình PGS - TS Văn Giá, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, đạo diễn Quốc Trọng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên…
Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Chúng ta đã đọc văn học trinh thám từ rất lâu. Nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi trả lời câu hỏi như thế nào là trinh thám? Theo tôi khi mà xã hội của chúng ta có nhiều mặt trái, khiến con người ta không phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu thì đó là điều kiện để văn học trinh thám phát triển. Trinh thám không chỉ là câu chuyện về một vụ án, nó còn là câu chuyện nhiều lớp lang, đòi hỏi con người ta phải tư duy logic một cách cao độ".
Dưới con mắt của một nhà phê bình, PGS.TS Văn Giá cho rằng: “Văn học trinh thám có lịch sử từ thế kỷ 19 ở phương Tây và bắt đầu từ những năm 1930 ở Việt Nam. Đó là một thể tài nhằm để chỉ một nội dung mà người ta cố tình giấu đi, cố tình bưng bít. Công việc của các nhà trinh thám là phải lật tẩy chúng. Để xây dựng tiểu thuyết trinh thám người ta có thể đi theo lối kể truyện hình sự, hoặc kinh dị. Từ những năm 1930, Thế Lữ đã viết truyện trinh thám. Nhưng bao giờ ông cũng dùng khoa học để giải thích những câu chuyện của mình. Ngày nay, có nhiều vấn đề mà ngay cả khoa học cũng không giải thích được, đó là một điều kiện để trinh thám phát triển".
Sau một số ý kiến trao đổi, tranh luận, nhà văn Di Li đã có những chia sẻ về cuốn tiểu thuyết Câu Lạc bộ số 7. Sau tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ đến Câu lạc bộ số 7, người đọc tiếp tục theo chân cảnh sát điều tra Phan Đăng Bách đi phá một vụ án giết người liên hoàn vô cùng nghiêm trọng.
Bảy cô gái xinh đẹp liên tục chết vì những lý do bất ngờ. Những cái chết được ngụy trang khéo léo dưới hình thức những vụ tai nạn. Nhưng đằng sau đó là cả một âm mưu man rợ của nhóm người thuộc thể vô tính. Chúng bị ám ảnh bởi một mẫu người hoàn hảo và giết bảy cô gái trẻ để đánh cắp các bộ phận trên người họ nhằm tạo ra những mẫu người hoàn hảo ấy.
Chia sẻ về quá trình sáng tác, Di Li cho rằng đây là tác phẩm quan trong nhất của cô. Câu lạc bộ số 7 được Di Li sáng tác từ năm 2009 cho đến 2015, là cuốn tiểu thuyết tiêu tốn khá nhiều thời gian và bút lực của nhà văn.
Theo chị, trong nền văn học Việt Nam nói riêng và văn học thế giới nói chung, ăn khách nhất là tiểu thuyết lãng mạn chứ không phải là tiểu thuyết trinh thám. Di Li đầu tư viết tiểu thuyết trinh thám bởi nó là thế mạnh của cô và nữ nhà văn đã say mê thể tài tiểu thuyết này từ khi còn nhỏ.