Chương 3. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT TRINH THÁM- KINH DỊ CỦA DI LI
3.2. Không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết trinh thám kinh dị của Di Li
3.2.1. Không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết trinh thám kinh dị của Di Li
Với tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ, đó là khi nhà văn đưa người đọc đến với lâu đài dòng họ Quách được gọi tên là "Trại Hoa Đỏ", một không gian bí hiểm thường được miêu tả trong bối cảnh đêm tối mờ mịt. Nó là một không gian có những hình ảnh, âm thanh, chuyển động ma quái, ghê rợn hoặc ẩn chứa tai họa, đe dọa con người: đó là bầu trời trăng ma quái; đó là những con
đường hoang vắng, những vực thẳm mờ mịt sương phủ; đó là hình ảnh đôi chó rừng xuất hiện giữa đường rồi biến mất như một ảo giác, những ngôi nhà đá ong xám xịt, những bụi cây bí hiểm trong màn đêm; đó là những tiếng hú kinh hoàng của gã điên, tiếng bé Bảo bỗng bị bóp méo, vọng âm một cách kì lạ trong hang đá... Không gian có tên là Trại Hoa Đỏ ấy vừa là hoàn cảnh xảy ra vụ án, vừa là một hình tượng nghệ thuật ám ảnh làm người đọc không thể không tò mò khám phá vừa sợ hãi, có lúc muốn hét lên kinh hoàng cùng nhân vật.
Trong tiểu thuyết Câu lạc bộ số 7, không gian nghệ thuật là hiện trường xảy ra các vụ án. Đó là những con phố, tòa chung cư, là quán bar sàn nhảy, là câu lạc bộ Undergound, là thị trấn Tháp lớp lớp quan tài sơn đỏ chót xếp bên đường dài hàng cây số, những phướn tang đen làm mẫu phần phật trong gió;
đặc biệt là không gian Hồ Tháp - nơi các thủ phạm của các vụ án tụ họp, nơi sẽ diễn ra cuộc quyết đấu cuối cùng giữa Phan Đăng Bách cùng các chiến sĩ công an với một hội kín bệnh hoạn, biến thái. Những không gian nghệ thuật trong "Câu lạc bộ số 7" mặc dù khác biệt thậm chí đối lập với không gian trong "Trại Hoa Đỏ" (tự nhiên – nhân tạo; làng quê – thành phố), nhưng nó đều giống nhau khi cũng được xây dựng bằng hàng loạt những hình ảnh, màu sắc, âm thanh, chuyển động hoặc ma quái, rùng rợn hoặc ẩn dấu, thấp thoáng sự đe dọa khủng khiếp của cái xấu, cái ác tới cái cao đẹp, cái thiện.
Như vậy, không gian nghệ thuật trong hai tiểu thuyết của Di Li gắn bó chặt chẽ và phục vụ cho việc làm sáng tỏ chủ đề của tác phẩm. Nó được xây dựng bằng cái đan xen, đồng hóa cái ảo và cái thực, cái bình thường và cái thô kệch. Có thê ví von rằng, để miêu tả hồn ma thì không gì bằng đặt chúng vào trong không gian nghĩa địa, nhà cổ có người từng tự tử, hầm mộ... Không gian ở đây cũng mang nghĩa là những hoàn cảnh nghệ thuật đặc biệt, chuẩn bị cho sự xuất hiện hoặc nơi diễn ra sự kinh dị, bí hiểm, vừa như đe dọa con người, vừa khêu gợi con người muốn tò mò khám phá.
Nếu nhìn một các khái quát, xét theo tiêu chí chức năng nghệ thuật của không gian trong tác phẩm, không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết trinh thám - kinh dị của Di Li bao gồm một số kiểu không gian cơ bản: Không gian xảy ra vụ án; Không gian cư trú của thủ phạm; Không gian cư trú của thám tử;
Không gian cư trú của nạn nhân trước khi xảy ra vụ án; Không gian trung gian hay còn gọi là không gian "chiếu nghỉ của cầu thang" (đó là không gian vui chơi, giải trí, làm việc, sinh hoạt đời thường của các nhân vật, có chức năng làm chậm nhịp độ căng thẳng của cốt truyện, tạo cảm giác thư thái cho người đọc trước khi bước vào cao trào giàu kịch tính khác, có thể coi đó là khoảng nghỉ giải lao giữa hai hiệp đấu Quyền Anh, hoặc khoảng trời bỗng thoắt im lặng trước khi xảy ra giông bão); Không gian đối đầu giữa thám tử với thủ phạm gây ra vụ án...
Nhưng chúng tôi muốn xây dựng những mô hình không gian nghẹ thuật có tính đặc thù trong hai tiểu thuyết "Trại Hoa Đỏ" và "Câu lạc bộ số 7" của Di Li với những mô hình không gian có sự gắn kết cả hai yếu tố trinh thám và kinh dị. Đó là những mô hình không gian tiêu biểu sau đây:
3.2.1.1. Không gian “ngôi nhà quỷ ám”
Trong tiểu thuyết "Trại Hoa Đỏ", đây là không gian trung tâm của tác phẩm, nơi giấu kín một xung đột dữ dội, xuất hiện trong quá khứ với những câu chuyện rùng rợn của dòng họ Quách, kéo dài sang hiện tại. Đó là nơi mọi nhân vật tập trung, tranh đấu, va chạm và máu đã chảy, xác chết xuất hiện, đặt ra bao nhiêu câu hỏi nhức nhối phải trả lời. Khu trang trại có tên "Trại Hoa Đỏ" thuộc kiểu không gian khối hay còn gọi là "không gian mặt phẳng" với ba chiều không gian rộng lớn, âm u, có những kiến trúc nhà cổ, tượng đá cụt đầu, hang đá, rừng núi rậm rạp gợi cảm giác không gian huyền bí, rùng rợn, thê lương - một sắc thái kinh dị truyền thống. Với bóng đêm và làn sương bao phủ, tội ác như được cất giấu ở nơi đây. Màu hoa đỏ đã gợi liên tưởng đến màu máu. Những ngôi nhà đá ong xám xịt, tòa lâu đài, hang đá của dòng họ
Quách, cùng lời nguyền khủng khiếp rằng đời nào cũng phải có một người phụ nữ chưa chồng thắt cổ tự tử, tiếng rú man rợ của nhân vật "thằng điên"
trong đêm tối, những "bóng ma" đầy máu đi lại trong đêm... Tất cả tạo ra một hoàn cảnh kinh dị điển hình. Không gian “khối” rộng lớn ấy lại được chia nhỏ thành không gian “điểm” nhỏ bé. Đó là những ngôi nhà kì bí như chủ nhân của nó, những căn nhà ẩn chứa bao bí mật, hang đá có giấu kín từ xa xưa một tội ác khủng khiếp. Con đường kết nối không gian "điểm" ấy rắc rối, bí hiểm như mê cung khiến nhân vật Diên Vĩ và bé Bảo lạc rất nhiều lần, và ngay cả những con người còn sống như nhân vật Ráy, gã điên cũng thoát ẩn, thoắt hiện như những bóng ma. Nhà văn đã miêu tả không gian "Trại Hoa Đỏ" như một "ngôi nhà quỷ ám" với những màu sắc, âm thanh, mùi vị, hình ảnh, chuyển động đều gắn với cái khủng khiếp, rình rập và đe dọa con người.
Những ngôi nhà bên ngoài được miêu tả như một pháo đài. Và đây là hình ảnh pho tượng đá cụt đầu xuất hiện như một dự báo kinh hoàng cho những gì sắp xảy ra, vừa như gợi nhắc về những tội ác và cái chết đã xảy ra ở vùng đất này: phiến đá rất to nhô trên miệng hang núi được hình dung gióng hệt như hình một người cụt đầu, hai tay đỡ lấy phần cổ một cách tuyệt vọng. Nhưng trong không gian đậm sắc thái kinh dị ấy, hàng loạt cái chết diễn ra một cách bí hiểm và khủng khiếp: cái chết của gã điên, Di, A Cách và nhiều người nữa.
Sắc thái trinh thám xuất hiện theo bước chân của nhân vật Phan Đăng Bách cùng hành trình điều tra, phá án của người chiến sĩ công an này. Điều lí thú là có những bí mật được khám phá bằng trí tuệ và nghiệp vụ công an, nhưng có sự tham gia của trực giác, của linh cảm. Trong không gian "Trại Hoa Đỏ" có xây dựng mê cung - tượng trưng cho những bí mật khủng khiếp được cất giấu nơi đây. Nhân vật Bách bằng tâm huyết và tài trí của mình, với sự giúp đỡ của Diên Vĩ - người có trực giác và khả năng đặc biệt, đã khám phá thành công vụ án đậm sắc thái ma quái này. Như vậy, không gian "ngôi nhà quỷ ám" có tên Trại Hoa Đỏ này, nơi có sự gắn kết hai sắc thái trinh thám và kinh dị đã được
xây dựng công phu để hoàn thành xuất sắc vai trò nghệ thuật của nó. Qua đó, chứng tỏ tài năng nghệ thuật và cá tính sáng tạo độc đáo của nhà văn.
Cũng tương tự như thế, trong tiểu thuyết "Câu lạc bộ số 7", chúng ta gặp gỡ với mô hình không gian ''Ngôi nhà quỷ ám'', với vai trò nghệ thuật tương tự với không gian Trại Hoa Đỏ. Đó là không gian câu lạc bộ Undegrount trong lễ hội hóa trang Halloween. Ngôi nhà của câu lạc bộ này trong lễ hội hóa trang đã được trang trí thật ma quái. Có lúc, nhân vật cô gái trẻ Mỹ Anh được miêu tả là cầm tờ giấy.... đang đu đưa trên trần. Trong ngôi nhà này, các hành lang cũng được bố trí ngoắt nghéo như mê cung. Trong ngôi nhà ấy, mọi người đều hóa trang với những trang phục kì dị, những chiếc mặt nạ ma quỷ. Và cũng chính trong ngôi nhà ấy, nạn nhân đầu tiên của vụ án đã nhìn thấy một người hóa trang đặc biệt ghê sợ, đi ủng đen, theo dõi và đi theo cô vào nhà vệ sinh nữ. Và cũng chính con người đó đã sát hại cô giá trong không gian thứ hai là chiếc taxi của hãng Hoa Sen - không gian di động này sẽ còn xuất hiện trong các vụ án tiếp theo. Như vậy, không gian câu lạc bộ Undegrount đã được "kinh dị hóa" nhờ trang trí trong lễ hội hóa trang Halloween, và trở thành không gian đậm sắc màu trinh thám khi khởi đầu cho vụ án đầu tiên, mọi manh mối cũng bắt đầu từ đây. Nếu không gian Trại Hoa Đỏ nằm trong rừng núi nên dễ dàng hơn trong việc tạo ra sắc thái âm u, huyền bí, phảng phất bóng dáng các truyện “Đường rừng” của Lan Khai, thì ở đây - giữa thành phố sôi động, sắc thái kinh dị vẫn đậm nét nhờ tác giả khéo léo đặt ngôi nhà của câu lạc bộ Underground vào không khí của lễ hội Halloween, dù nó thuộc kiểu không gian "điểm".
Cả hai không gian kể trên trong hai tiểu thuyết của Di Li đã kết hợp thành mô hình không gian "Ngôi nhà quỷ ám" - từ đây sẽ tỏa đi mọi không gian khác, dẫn dắt liên kết các nhân vật với nhau, tạo thành các xung đột nghệ thuật căng thẳng, giàu kịch tính, đòi hỏi phải được giải quyết bằng mọi cách.
3.2.1.2. Không gian “hầm mộ” và những biến thể của nó
Di Li đã rất chú trọng xây dựng không gian những căn hầm mộ kì bí, ghê sợ để làm tăng chất trinh thám cũng như màu sắc kinh dị cho tác phẩm của mình. Đồng thời, kiểu không gian này cũng bám sát vào nội dung để góp phần triển khai câu chuyện, vụ án.
Trong tiểu thuyết Trại Hoa Đỏ, tác giả đưa ta đến một căn hầm mộ đầy kinh hãi: “Đây rõ ràng là một mê cung, song là một mê cung trong lòng đất, không giống cái ma trận xanh tươi kiêu hãnh dưới ánh mặt trời trong trang trại. Những vết bùn đất mờ dần. Một thứ mùi kì dị như cô quyện từ hư vô càng ngày càng rõ”[1, tr361]. “Hầm mộ được xây cất bí mật để tránh sự trả thù của những kẻ có nợ máu. Chẳng đã có những cuộc thanh trừng rùng rợn mà kẻ thua cuộc đã bị đào hết mồ mả, xương tàn của tổ tiên họ bị quẳng ra cho voi rừng dày xéo, cho thú dữ rỉa gặm, hoặc bị chính kẻ chiến thắng chặt vụn cho hả giận. Những mảnh vụ bị quăng quật trăm phương tứ hướng để linh hồn người quá cố cũng không thể tụ lại mà siêu thoát”[1, tr364]. Quả là căn hầm mộ đủ sức khiến người đọc khiếp sợ nhưng ngược lại cũng vô cùng tò mò, hồi hộp. Bên cạnh đó, tác giả còn xây dựng thêm một không gian - khu hang động có vách đá nhìn giống như bức tượng cụt đầu rùng rợn kì bí. Tại không gian đó, nhiều phụ nữ của dòng họ Quách với lời nguyền bí ẩn truyền kiếp đã bị giết hại một cách thê thảm. Nó tạo cho người đọc cảm giác đúng như đang vào trong một khu hầm mộ thực sự. “Nơi này sâu thẳm và tăm tối như lối vào địa ngục. Nó còn kinh khủng gấp nhiều lần hầm mộ của dòng họ Quách. Lối đi ngày càng hẹp dần và bị bao bọc bởi những vách núi đá hàng triệu năm tuổi. Nhũ đá đen sì rủ xuống tạo thành những hình thù quái dị”[1, tr461].
Trong tiểu thuyết Câu lạc bộ số 7, tác giả xây dựng và miêu tả câu chuyện trong một khu tháp có hầm mộ, nơi nhóm giáo phái kì quái hoành hành tội ác giết người. “Tháp thờ bị bỏ hoang, phần nữa cũng vì quá cách xa khu dân cư. Dơi, nhện và chuột ung dung ở trong bảo tháp, ăn những món đồ
thảng hoặc có người làng sùng tín mang vào vái lễ”[2, tr478]. “Bách lọt vào căn phòng nhung nhúc gần trăm bóng đen đội mũ trùm đầu tròn ủng như lũ âm binh của thần chết… Những tiếng rì rầm và loạt xoạt lại nổi lên rồi bị dội vang trong căn hầm u tối. Những người truyền tin bỏ mặt nạ và đồng loạt ngồi phệt trên nền đất như cách những tín đồ Hồi giáo chờ đợi ở sân giáo đường”[2, tr489]. Không gian những ngôi hầm mộ như vậy được đặc tả trong hai tác phẩm, khiến câu chuyện càng trở nên ngột ngạt, kinh dị. Phải chăng, không gian hầm mộ này cũng là tượng trưng cho những bí mật khủng khiếp, kích thích sự tò mò, khám phá của người đọc.
3.2.1.3. Không gian “hiện trường vụ án”
Trong thể tài truyện trinh thám truyền thống, không gian “hiện trường vụ án” là nơi xảy ra án mạng, hoặc một sự kiện kinh hoàng nào đó, thủ phạm ít nhiều để lại những dấu vết dù ít ỏi hay mờ nhạt. Thám tử sẽ thể hiện tài năng của mình để tìm ra thủ phạm, sau những cuộc đấu trí hoặc đấu võ thuật với thủ phạm hoặc lũ tay chân của nó. Những tác phẩm trinh thám của nhà văn Arthur Conan Doyle về nhân vật thám tử tìa ba Sherlock Holmes là ví dụ điển hình cho đặc điểm đó. Tiểu thuyết "Trại Hoa Đỏ" và tiểu thuyết "Câu lạc bộ số 7" của Di Li thực chất là tiểu thuyết trinh thám, và sự mới mẻ, hấp dẫn của tác phẩm là do tác giả khéo léo đặt cốt truyện trinh thám ấy vào trong những hoàn cảnh nghệ thuật đậm sắc thái kinh dị. Đó là những hoàn cảnh nghệ thuật bao gồm không gian, thời gian, chi tiết nghệ thuật, tình huống nghệ thuật đậm sắc thái kinh dị.
Với đặc điểm ấy, không gian “hiện trường vụ án” trong tiểu thuyết của Di Li cũng song hành, giao thoa hai sắc thái trinh thám và kinh dị. Trong tiểu thuyết "Trại Hoa Đỏ", hiện trường vụ án chính là không gian của trang trại này; phía sau Trại Hoa Đỏ có một khu rừng, cạnh đó là vực thảm, hang đá sâu thẳm, mọi tiếng gọi, tiếng thét của con người khi rơi vào hang đá đều biến âm thật ghê rợn, và liền kề là một bức tượng đá có dáng hình khủng khiếp. Chính
trong không gian hoang sơ kì bí có sắc thái hắc ám đầy đe dạo này, những cái chết của thằng điên, Di... đã diễn ra một cách bất thường và khủng khiếp.
“Phía mé bên bức tượng hình người cụt đầu cso những mỏm đá nhô ra đủ cho hai người ngồi, và chúng tự xếp thành hình bậc thang như để dành sẵn cho những người có ý định treo cổ tự tự… Bách hít một hơi dài rồi túm lấy đôi chân còn đang lủng lẳng phía trên. Cái xác vẫn còn chút hơi ấm nhưng đã có phần cứng lại”[2, tr204]. Đáng chú ý, những cái chết ấy được tô đậm thêm sắc thái kinh dị bởi hàng loạt chi tiết nghệ thuật mang yếu tố tâm linh thật khó cắt nghĩa rành mạch bằng khoa học. Sau mỗi lần xuất hiện một khúc sáo huyền bí sẽ có một người chết ở nơi đây; những lần ''nhập đồng'' của nhân vật Ráy đều có những lời nói mê sảng tiên đoán về sự xuất hiện của cái chết, sự theo đuổi, rình rập của một bóng ma vô hình nào đó với nhân vật Vĩ; những khả năng đặc biệt nhìn thấy điều đã xảy ra và sắp xáy ra của hai mẹ con Diên Vĩ và bé Bảo. Chính không gian “hiện trường vụ án” thật cổ quái ghê rợn này cùng các chi tiết nghệ thuật kì bí kể trên đã tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt, nơi mà sắc thái trinh thám và sắc thái kinh dị trộn hòa, làm tâng thêm sự khủng khiếp cho câu chuyện. Đồng thời, nó cũng kích thích sự tò mò khám phá của độc giả.
Trong tiểu thuyết "Câu lạc bộ số 7", không gian “hiện trường vụ án”
phức tạp hơn. Đây là một chuỗi không gian kế tiếp nhau, gắn vơi cái chết của bảy nạn nhân đều là những cô gái trẻ. Đó là chiếc taxi của hãng Hoa Sen, nơi diễn ra cái chết của Mỹ Anh. Và sau đó, cũng chính chiếc taxi của hãng này, cô gái tên Lê Hoàng Mai được tìm thấy ở sông Hồng, trên một đỉnh núi, vũ nữ Cẩm Tú được cho là bị trượt chân ngã xuống, căn nhà đã từng xảy ra án mạng trước đây nay lại là nơi diễn ra cái chết của Mai Thủy Lê, phòng trọ - nơi diễn ra cái chết của Linh Đan. Đó là những không gian mà nạn nhân bị sát hại một cách kì lạ, nhìn thoáng qua có vẻ như là những cái chết vô tình, ngẫu nhiên.