Sáng tác của Di Li trong văn xuôi trẻ Việt Nam đương đại

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết trinh thám kinh dị của di li (Trang 30 - 34)

Chương 1. TIỂU THUYẾT TRINH THÁM – KINH DỊ CỦA DI LI

1.2. Nhà văn Di Li và những sáng tác đặc sắc trong văn xuôi trẻ Việt Nam đương đại

1.2.3 Sáng tác của Di Li trong văn xuôi trẻ Việt Nam đương đại

Trong dòng chảy văn xuôi Việt Nam đương đại, chúng ta thấy xuất hiện hàng loạt những cây bút trẻ xuất sắc, có nhiều cách tân nghệ thuật và những đóng góp đáng ghi nhận vào thành tựu chung của nền văn học nước nhà.

Những cây bút trẻ đã gây được nhiều tiếng vang trên văn đàn có thể kể đến như: Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều, Nguyễn Bình Phương, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân.v.v.. Và trong

đội ngũ ấy, Di Li là một nhà văn trẻ có dấu ấn đặc biệt với phong cách và con đường sáng tạo riêng rất ấn tượng.

Với tinh thần dấn thân, dám tìm tòi, đổi mới, dám thử thách chính mình, văn xuôi trẻ Việt Nam đương đại có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về bút pháp nghệ thuật, có những đóng góp to lớn vào thành tựu chung của nền học đương đại nước nhà. Có thể nói, văn xuôi trẻ đương đại đang có một cuộc bùng nổ với nhiều khuynh hướng sáng tác, nhiều cá tính sáng tạo độc đáo và sự đa dạng về bút pháp nghệ thuật. Nguyễn Bình Phương có hành trình bền bỉ đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm phong phú và phức tạp của con người, đó cũng là một hành trình đi xa nhất vào cõi vô thức của con người. Nguyễn Ngọc Tư da diết, nồng hậu, ám ảnh với không gian văn hóa và cuộc sống miền sông nước Nam Bộ. Đỗ Bích Thúy có một “vùng đất” riêng trong trang văn của mình với không gian văn hóa miền núi cao phía Bắc và những nỗi niềm đau đáu, những vẻ đẹp mời gọi. Nguyễn Đình Tú đầy bạo liệt, thô nhám trước các vấn đề thời sự nóng hổi. Phong Điệp phác dựng bức tranh đô thị, con người đô thị, xung đột nổi bật trong đời sống đô thị Việt Nam đương đại. Uông Triều quay về khai thác và luận giải các vấn đề lịch sử dân tộc, đất nước.v.v..

Mỗi người một dáng vẻ, một giọng điệu, những gương mặt trẻ bước đầu đã tạo được ấn tượng bởi những lạ lẫm trong khám phá hiện thực, bởi những táo bạo trong cách phơi trải tâm hồn, với cách viết đầy ngẫu hứng luôn có sự kết hợp giữa tài năng thiên bẩm và vốn tri thức văn hóa mới mẻ.

Họ được sống trong một môi trường văn hóa có nhiều ưu thế hơn so với các thế hệ đàn anh, với sự giao lưu văn hóa toàn cầu và sự bùng nổ của công nghệ thông tin. Điều đáng ghi nhận ở thế hệ này là ý thức vươn tới những thể nghiệm mới mẻ, lạ hóa cách viết truyền thống. Nhu cầu “viết khác đi”

dường như là nhu cầu chung của thế hệ này, cho dù những thể nghiệm đó có thể là thành công hay thất bại. Tác phẩm của lớp nhà văn này, dù đề cập đến vấn đề gì (cuộc sống chật chội trong những căn phòng ở đô thị hay bản năng gốc của con người) thì cuối cùng cũng là để cho người đọc thấy rằng họ

mang trách nhiệm nói hộ những vấn đề, những câu chuyện của thế hệ mình.

Họ viết về thế hệ của mình với biết bao hoang mang, hoài nghi giằng xé rồi vẫn khát khao hướng thiện vươn lên, chia sẻ trải nghiệm về sự đổ vỡ của một xã hội tiêu dùng và sự lên ngôi của văn hóa đại chúng. Họ làm nên một diện mạo văn xuôi dầy trẻ trung, mới mẻ và đa sắc đa thanh.

Giữa bề bộn những gương mặt tác phẩm đa bút pháp, đa phong cách như thế, Di Li đã khai phá một con đường riêng đầy mới mẻ và độc đáo cho mình – đó là tiểu thuyết trinh thám kinh dị.

Di Li là một trong những cây bút trinh thám hiếm hoi của văn đàn Việt Nam. Khác với nhiều cây bút cùng trang lứa, Di Li bước vào nghiệp sáng tác khá muộn. Thế nhưng chị được xem cây bút sung sức của văn học trẻ đương đại Việt Nam. Giống như tính cách thích tự do, khám phá của mình, người đẹp làng văn cũng không đóng đinh ở bất kỳ thể tài nào. Chị "chu du" từ truyện ngắn, tiểu thuyết sang bút ký, dịch thuật, ký sự chân dung, tản văn...;

từ hài hước, tình cảm lãng mạn đến kinh dị, trinh thám, thiếu nhi và cả phiếm đàm. Trong đó có nhiều cuốn tạo được tiếng vang như Đảo thiên đường, Điệu Valse địa ngục, đặc biệt là Trại Hoa Đỏ - cuốn tiểu thuyết đánh dấu tên tuổi của một nữ nhà văn Việt Nam liều lĩnh thử sức ở thể tài trinh thám, kinh dị và đã thành công. Trại Hoa Đỏ không chỉ đem về cho Di Li giải Ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007 - 2010", mà cuốn sách còn trở thành best-seller, được xuất bản tại nhiều nước trong khu vực và được báo chí Hàn Quốc, Nhật Bản giới thiệu, đánh giá cao.

Có thể nói, ngay từ khi mới xuất hiện với những tác phẩm đầu tiên, Di Li đã để lại một dấu ấn đặc sắc với bạn đọc. Đến nay, với một thể tài độc đáo và hấp dẫn, với một phong cách đã dần được định hình, Di Li đã và đang khẳng định được vị trí cũng như những đóng góp của mình vào văn xuôi đương đại nước nhà. Với những thành tựu ban đầu, con đường văn học trinh thám kinh dị của Di Li sẽ còn đầy rộng mở, hứa hẹn.

Tiểu kết chương 1

Trong đời sống văn xuôi trẻ đương đại, giữa rất nhiều các nhà văn tài năng, giữa nhiều phong cách và con đường sáng tạo, Di Li đã khẳng định được dấu ấn và vị trí của mình khi tìm ra một con đường sáng tạo riêng, đó là tiểu thuyết trinh thám kinh dị.

Truyện trinh thám thực chất là "câu đố" lớn về trí tuệ gắn với vụ án, và truyện kinh dị thực chất là mượn cái kì ảo hoang đường để vừa tượng trưng cho cuộc giao tranh vĩnh hằng giữa cái thiện và cái ác trong xã hội loài người, vừa lấy hiện tượng ma quái huyền ảo ấy làm phương tiện để chuyển tải những thông điệp nhân văn đến bạn đọc. Trong sáng tác của mình, Di Li đã thành công khi kết hợp được những đặc trưng và thế mạnh của hai thể tài văn học ấy, làm nên đặc sắc riêng cho tác phẩm.

Văn học trinh thám kinh dị là một lĩnh vực còn mới mẻ, hấp dẫn và hứa hẹn nhiều triển vọng cho đời sống sáng tác ở Việt Nam. Cho đến nay, chưa có nhiều nhà văn Việt Nam đi theo và thành công trên con đường này. Với các tác phẩm tiểu thuyết trinh thám kinh dị như Trại Hoa ĐỏCâu lạc bộ số 7, Di Li có lẽ là một trong ít những nhà văn đầu tiên đã có sự kết hợp đặc trưng của thể tài trinh thám và kinh dị vào trong thể tài văn học tổng hợp của riêng mình. Đây là một sự mở đường, tiên phong và bước đầu đã có những thành công nhất định.

Chương 2

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết trinh thám kinh dị của di li (Trang 30 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)