Chương 3. THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TẠI CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ THÀNH PHỐ BẮC NINH
3.1. Tổng quan chung về thành phố Bắc Ninh
3.1.2. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo của tỉnh Bắc Ninh
Kể từ sau khi được thành lập, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư trên địa bàn của tỉnh. Hiện nay, tỉnh là một trong những địa phương có lượng vốn đầu tư lớn nhất cả nước. Các dự án đầu tư tăng lên kèm theo đó là nhu cầu nhân lực cho các dự án cũng rất lớn. Năm 2003, khi số doanh nghiệp trong các KCN đi vào hoạt động chưa nhiều mới thu hút được 2.931 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương. Đến hết năm 2007, các KCN đã giải quyết việc làm cho 19.476 lao động, trong đó lao động địa phương chiếm 42,4%. Tốc độ tăng trưởng lao động làm việc bình quân giai đoạn 2003-2007 là 64,68%. Đến nay, các KCN đã tạo việc làm cho gần 146.900 lao động, lao động địa phương chiếm tỷ trọng 33,1%, tốc độ tăng trưởng về số lượng lao động bình quân giai đoạn 2008-2013 là 40,4%.
Cùng với việc tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống, người lao động còn được đào tạo, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của các KCN là 100% do khi tuyển dụng một bộ phận lao động đã được đào tạo và bộ phận lao động tốt nghiệp phổ thông được doanh nghiệp đào tạo tay nghề sau khi tuyển dụng. Hiện tỷ lệ lao động của các KCN chiếm gần 20% nguồn lao động toàn tỉnh, tương đương tỷ lệ lao động có tay nghề do các KCN cung cấp đạt gần 20% tổng số lao động toàn tỉnh. Dự kiến đến năm 2020 tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của các KCN sẽ chiếm khoảng 40% tổng số lao động toàn tỉnh. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu về chất lượng lao động cho các KCN, các trường, trung tâm đào tạo nghề trên địa bàn cũng phát triển đáng kể, hiện đã có hơn 50 cơ sở đào tạo nghề được phép, trong đó có 30 cơ sở đang hoạt động.
Với 15 KCN được quy hoạch, 8 KCN đã đi vào hoạt động thu hút 687 dự án đầu tư, đã có 358 dự án đi vào hoạt động, dự báo năm 2015 nhu cầu lao động của các KCN khoảng 180.000 người (do các dự án đã được cấp phép triển khai xây dựng và nhiều dự án lớn đi vào hoạt động như Nokia, SEV2, SEV3 của Samsung…) và tiếp tục tăng vào những năm tiếp theo. Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quyết định sự thành công và hiệu quả hoạt động của dự án cũng như việc thu hút các dự án đầu tư vào các KCN. Do vậy, nhân tố con người được xác định có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển, đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực được đặt lên hàng đầu.
* Quy mô dân số và lực lượng lao động nông thôn tỉnh Bắc Ninh
Bắc Ninh là tỉnh có tốc độ tăng dân số tương đối thấp so với cả nước, mật độ dân số cao. Dân số nông thôn Bắc Ninh tương đối ổn định và chiếm tỷ trọng lớn trong dân số toàn tỉnh.
- Năm 2009, dân số Bắc Ninh là 1.024.472 người, chỉ chiếm 1,21% dân số cả nước và đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố, trong đó nam 502.925 người và nữ 521.547 người. Khu vực thành thị 240.987 người, chiếm 23,5% dân số toàn tỉnh và khu vực nông thôn 783.485 người, chiếm 76,5%.
- Năm 2010, dân số Bắc Ninh là 1.041.200. Mật độ dân số lên tới 1,262 người/km2, gần gấp 5 lần mật độ dân số bình quân của cả nước và là địa phương có mật độ dân số cao thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố, chỉ thấp hơn mật độ dân số của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
- Năm 2011, dân số Bắc Ninh là 1.060.300 người, mật độ dân số 1289 người/km2, vẫn là tỉnh có mật độ dân số cao thứ 3 cả nước.
- Năm 2012 dân số Bắc Ninh đạt 1.114.000 người, mật độ đạt 1354 người/km2.
Bắc Ninh có một dân số trẻ với nhóm tuổi lao động từ 15 đến 60 là 665.236 người, chiếm 64,93% tổng dân số. Đây chính là lực lượng dân số nằm trong lứa tuổi lao động tạo nên nguồn lao động dồi dào cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhóm tuổi dưới 15 có 258.780 người, chiếm 25,26%
tổng dân số còn nhóm người trên 60 tuổi có 100.456 người, tức chiếm 9,8%.
Sự tăng lên của dân số nói chung là cơ sở cho sự gia tăng của nguồn lao động, số lao động làm việc trong các ngành kinh tế cũng tăng lên nhanh chóng.
* Chất lượng của lực lượng lao động nông thôn tỉnh Bắc Ninh
Chất lượng của lực lượng lao động có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng, nhất là trong thời kì hội nhập. Chất lượng của lực lượng lao động được đánh giá thông qua nhiều tiêu chí, trong đó có hai tiêu chỉ thường dung để đánh giá là trình độ học vấn và trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động.
Về trình độ học vấn:
Bảng 3.1. Trình độ học vấn lao động nông thôn Bắc Ninh
ĐVT: %
Năm Chƣa tốt nghiệp tiểu học
Đã tốt nghiệp tiểu học
Đã tốt nghiệp THCS
Đã tốt nghiệp THPT
2011 3,01 34,28 45,33 17,38
2012 2,76 34,31 45,56 17,37
2013 2,25 34,36 45,65 17,74
(Nguồn: Số liệu điều tra lao động việc làm tỉnh Bắc Ninh)
Qua bảng số liệu ta thấy trình độ học vấn của lực lượng lao động nông thôn ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ người chưa tốt nghiệp tiểu học giảm xuống. Tỷ lệ người tốt nghiệp THCS và THPT tăng lên. Những so với khu vực thành thị thì trình độ học vấn của lao động nông thôn thấp hơn. Do vậy lao động nông thôn thường là lao động chân tay, không đáp ứng được các công việc đòi hỏi trình độ cao.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật:
Bảng 3.2. Trình độ chuyên môn kỹ thuật của nông thôn Bắc Ninh ĐVT:%
Năm 2011 2012 2013
Chưa qua đào tạo 63, 36 61,75 60,18
Đã qua đào tạo nghề và tương đương 25,21 25,54 26,45
Tốt nghiệp TCCN 7,02 7,73 8,03
Tốt nghiệp CĐ, ĐH trở lên 4, 41 4,98 5,34
(Nguồn: Số liệu điều tra lao động việc làm tỉnh Bắc Ninh)
Qua bảng số liệu ta thấy lực lượng lao động qua đào tạo tăng lên đáng kể, những vẫn khiêm tốn so với số lao động chưa qua đào tạo. Thực trạng này cho thấy chất lượng của nguồn nhân lực nông thôn tỉnh Bắc Ninh mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yếu cầu sản xuất trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Sự thiếu văng đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đã hạn chế khả năng tạo việc làm phi nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu và phân công lao động, tiếp nhận chuyển giao khoa học - công nghệ để có thể thúc đẩy sự phát triển trong nền kinh tế nông thôn.
Trong khi chất lượng của nguồn nhân lực còn rất thấp thì lao động đã được đào tạo cũng chưa được sử dụng có hiệu quả, thể hiện ở tỷ lệ thất nghiệp của lao động đã qua đào tạo vẫn ở mức cao trên 15,5%. Trong khi khu vực nông thôn đang thiếu nhiều những cán bộ có trình độ chuyên môn kỹ thuật thì ở thành thị số lao động thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học tăng bình quân 12,3%. Sự mất cân đối giữa cung và cầu thị trường lao động kỹ thuật đòi hỏi phải có những chính sách hữu hiệu để cải thiện tình hình này.
* Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp
Các KCN của Bắc Ninh bắt đầu được hình thành và phát triển từ năm 1998. Hiện nay tại các KCN trên địa bàn tỉnh đã có 125 doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu trong các ngành nghề: cơ khí chế tạo, vật liệu xây dựng, điện, điện tử, nông sản thực phẩm, may mặc, đồ gỗ,… thu hút khoảng 21.341 lao động.
Kết quả khảo sát tại 31/125 doanh nghiệp tại KCN Bắc Ninh cho thấy, các doanh nghiệp đang sử dụng 4.391 nhân lực, trong đó nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ ở trình độ đại học, cao đẳng chiếm 12,7%; có tay nghề (đã qua đào tạo trước khi tuyển dụng) chiếm 43,6%; còn lại 43,7% là chưa qua đào tạo. Song, số nhân lực đã qua đào tạo cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và đạt chuẩn "nhân lực có chất lượng".
Hiện nay, các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn hoạt động tại các KCN Bắc Ninh có nhu cầu rất lớn về đội ngũ công nhân lành nghề, nguồn nhân lực có chất lượng cao, đặc biệt là nguồn nhân lực cao cấp có chuyên môn kỹ thuật và trình độ ngoại ngữ tốt. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu, còn lại phải tuyển dụng từ các tỉnh ngoài về, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% so với nhu cầu. Trước thực tế này, các doanh nghiệp đã phải chọn giải pháp "nhập khẩu" nhân lực có chất lượng cao từ nước ngoài với chi phí cao.
Theo thống kê của Ban quản lý các KCN Bắc Ninh, tính đến hết Quý I/2008, nguồn nhân lực chuyên môn, kỹ thuật, quản lý trên địa bàn chiếm 20%, còn lại khoảng 82% là nhân lực chưa qua đào tạo, mới chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên, đa số họ xuất thân từ nông thôn, chưa có điều kiện học nghề.
Để đạt được những mục tiêu đề ra trong đề án Quy hoạch phát triển các KCN Bắc Ninh đến năm 2020, dự kiến các KCN sẽ thu hút được khoảng 145- 150 nghìn lao động. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các KCN Bắc Ninh trong thời gian tới sẽ là rất nặng nề, đó là đảm bảo số lượng, đồng thời đặc biệt trú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yếu cầu phát triển các KCN, phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH.
Hiện nay, nguồn nhân lực của các KCN Việt Nam nói chung và nguồn nhân lực của KCN Bắc Ninh nói riêng đang trong tình trạng vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cụ thể:
- Đối với nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng: đa số sinh viên khi tốt nghiệp chỉ nặng về lý thuyết, khả năng sáng tạo còn hạn chế, kỹ năng thực hành còn thiếu, trình độ ngoại ngữ, tin học còn thấp,… nên khả năng tiếp cận công việc chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
- Đối với nhân lực „sơ cấp"-lao động phổ thông: đây là bộ phận chủ yếu từ lao động nông nghiệp chuyển sang, chưa qua đào tạo, chưa có tác phong công nghiệp, còn mang nặng thói quen và tập quán sinh hoạt nông thôn, kỷ luật lao động lỏng lẻo, phần lớn chưa có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, chưa có sự phối hợp với các đồng nghiệp và phần lớn là không biết ngoại ngữ… Với thời gian đào tạo rất ngắn thì số nhận lực này chưa hội tụ đủ điều kiện để trở thành nhân lực có chất lượng.
Yêu cầu đặt ra đối với nhân lực tại các KCN Bắc Ninh hiện nay là: có trình độ văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, có kỹ năng thực hiện công việc theo nhiều cấp trình độ khác nhau,… bổ sung các kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ tối thiểu ở trình độ A. Ngoài ra, cần hiểu biết tin học để đáp ứng quá trình CNH-HĐH…