Chương 3. THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TẠI CÁC CƠ SỞ DẠY NGHỀ THÀNH PHỐ BẮC NINH
3.3. Quy trình và phương pháp đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề của thành phố Bắc Ninh
3.3.1. Quy trình đào tạo nghề
Năm 2010, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành thông tư số 19/2010/TT - BLĐTBXH quy định hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các cơ sở ĐTN. Tại điều 4 của thong tư này quy định các tiêu chí kiểm định như: mục tiêu và nhiệm vụ, tổ chức và quản lý, hoạt động dạy học, giáo viên và cán bộ quản lý, chương trình, giáo trình, thư viện, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dung dạy học, quản lý tài chính, các dịch vụ cho người học nghề.
Dựa trên các tiêu chí tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở ĐTN của thành phố Bắc Ninh đã xây dựng quy trình đào tạo nghề, xác định các yếu tố đầu vào, quá trình, đầu ra phù hợp với các cơ sở ĐTN.
Đầu vào Quá trình đào tạo Đầu ra
- Học viên
- Giáo viên và cán bộ quản lý
- Chương trình đào tạo - Thư viện
- Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học
- Tài chính
- Tổ chức và quản lý - Hoạt động dạy và học - Các dịch vụ cho người học nghề
- Năng lực của học viên tốt nghiệp - Hiệu quả đào tạo
Các quy trình quản lý đầu vào
Các quy trình quản lý quá trình đào tạo
Các quy trình quản lý đầu ra
Hình 3.1. Quy trình đào tạo nghề tại các cơ sở đào tạo nghề của TP. Bắc Ninh
* Các tiêu chí đánh giá chất lượng quy trình đầu vào:
- Học viên: có năng lực, hành vi tiếp thu các kiến thức, kĩ năng được đào tạo.
- Giáo viên và cán bộ quản lý: CBQL phải đạt chuẩn chức danh. Đội ngũ GV phải đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu nghề đào tạo và đạt chuẩn theo quy định đáp ứng yêu cầu giảng dạy của các cơ sở ĐTN. Có kế hoạch, chính sách khuyến khích CBQL và GV học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn sư phạm và kỹ năng nghề.
- Chương trình đào tạo: Có đủ chương trình dạy nghề đang đào tạo;
từng chương trình dạy nghề có mục tiêu rõ ràng, qui định cụ thể chuẩn kiến thức, kĩ năng, cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả học tập; được xây dựng, điều chỉnh phù hợp có sự tham gia của GV và cán bộ kĩ thuật.
- Thư viện: Có đủ chương trình, giáo trình; có sách báo, tạp chí phù hợp với các nghề đào tạo và có các sách chuyên môn hoặc báo, tạp chí chuyên ngành cho tất cả các nghề đào tạo và đào tạo lại.
- Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học: Hệ thống phòng học, xưởng thực hành và hạ tầng kỹ thuật đáp ứng các hoạt động dạy học, thực hành theo nghề, quy mô đào tạo của các cơ sở ĐTN. Có đầy đủ nội qui, qui định về an toàn vệ sinh lao động phòng chống cháy nổ, trang thiết bị được bố trí ngăn nắp hợp lí; Đảm bảo chủng loại, số lượng thiết bị cho thực hành.
- Quản lí tài chính: Có các nguồn tài chính ổn định; Có kế hoạch quản lí tài chính đúng theo qui định của nhà nước, công khai, minh bạch; Đánh giá hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính; Chấp hành chế độ thanh, kiểm tra và kiểm toán tài chính.
* Các tiêu chí đánh giá chất lượng quy trình quản lý đào tạo:
- Tổ chức và quản lí: Các cơ sở ĐTN có hệ thống các văn bản qui định về tổ chức, quản lí và được rà soát, đánh giá, bổ sung, điều chỉnh; Có cơ cấu tổ chức hợp lí, phù hợp với qui định của nhà nước cũng như các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của các cơ sở ĐTN.
- Hoạt động dạy học: Có kế hoạch đào tạo, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện kế hoạch đào tạo đúng tiến độ, có hiệu quả và tổ chức dạy nghề theo mục tiêu, nội dung chương trình dạy nghề đã được phê duyệt; Có đủ hệ thống sổ sách, biểu mẫu theo dõi kết quả học tập của người học được ghi chép và lưu trữ an toàn. Định kì báo cáo đầy đủ cho cấp quản lí trực tiếp và các cơ quan quản lí nhà nước.
- Các dịch vụ phục vụ cho người học nghề: Đảm bảo mọi người học được thông tin đầy đủ về nghề đào tạo, chương trình, kế hoạch đào tạo, quy chế tuyển sinh, quy chế thi, kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp, các điều kiện ăn, ở, học tập và các nội quy, quy định của các cơ sở ĐTN. Thông tin về nghề nghiệp, thị trường lao động và việc làm, trợ giúp tìm việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.
* Các tiêu chí đánh giá chất lượng quy trình đầu ra:
- Năng lực học viên tốt nghiệp: được đánh giá thông qua kiến thức, kĩ năng thực hành nghề cơ bản và thái độ nghề nghiệp đạt trình độ theo mục tiêu đào tạo hoặc chuẩn đầu ra của các cơ sở dạy nghề. Khả năng học viên ứng dụng kiến thức, kĩ năng nghề đã học để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Khả năng tự lập của học viên sau tốt nghiệp và có thể học lên trình độ đào tạo cao hơn.
- Hiệu quả đào tạo của các cơ sở dạy nghề: đối với khách hàng bên ngoài được đánh giá thong qua việc đáp ứng nhu cầu học nghề và khả năng giải quyết việc làm cho HV sau tốt nghiệp. Việc góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và địa phương. Đối với khách hàng bên trong được đánh giá thong qua chế độ đãi ngộ, nâng cao thu nhập, trình độ chuyên môn nhằm thu hút ngày càng nhiều CBQL và GV làm việc ở các cơ sở đào tạo nghề.
3.3.2. Phương pháp đào tạo nghề
Phương pháp giáo dục nghề nghiệp phải kết hợp rèn luyện kỹ năng thực hành với giảng dạy lý thuyết để giúp người học có khả năng hành nghề và phát triền nghề nghiệp theo yêu cầu của từng công việc. Phương pháp dạy học gồm 4 nhóm:
- Phương pháp dạy học thuyết trình.
- Phương pháp dạy học trực quan.
- Phương pháp thực hành.
- Phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học sinh.
Tùy từng trình độ đào tạo nghề các cơ sở đào tạo nghề sẽ lựa chọn phương pháp đào tạo phù hợp với các trình độ đó như:
- Cao đẳng nghề: Phương pháp dạy nghề trình độ cao đẳng phải kết hợp rèn luyện năng lực thực hành nghề với trang bị kiến thức chuyên môn và phát huy tính tích cực, tự giác, năng động, khả năng tổ chức làm việc theo nhóm.
- Trung cấp nghề: Phương pháp dạy nghề trình độ trung cấp phải kết hợp rèn luyện năng lực thực hành nghề với trang bị kiến thức chuyên môn và phát huy tính tích cực, tự giác, khả năng làm việc độc lập của người học nghề.
- Sơ cấp nghề: Phương pháp dạy nghề trình độ sơ cấp phải chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành nghề và phát huy tính tích cực, tự giác của người học nghề.
- Dạy nghề thường xuyên: Phương pháp dạy nghề thường xuyên phải phát huy vai trò chủ động, năng lực tự học và kinh nghiệm của người học nghề.
Hiện nay, phần lớn trường dạy nghề đang thực hiện hình thức đào tạo tại trường, một số trường thực hiện đào tạo liên kết với doanh nghiệp. Phương pháp đào tạo chủ yếu vẫn là định hướng nội dung cho các học viên. Phương pháp học này chú trọng việc truyền thụ hệ thống tri thức khoa học theo các môn học đã được quy định trong chương trình học, trang bị cho học viên hệ thống tri thức khoa học khách quan về nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng chưa chú trọng đến người học cũng như khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Tri thức thay đổi và bị lạc hậu nhanh chóng, việc quy định cứng nhắc những nội dung chi tiết trong chương trình dạy học dẫn đến tình trạng nội dụng chương trình dạy học nhanh bị lạc hậu so với tri thức hiện đại. Mặt khác, nhiều giáo viên không sáng tạo, không thay đổi phương pháp dạy học, phương pháp dạy học mang tính thụ động, chỉ dạy nhiều lý thuyết, ít thực hành mà đặc điểm của đào tạo nghề là thực hành nhiều hơn lý thuyết. Vì vậy, kết quả đào tạo không cao, các học viên chỉ nắm nội dung chung chung, khi làm việc thực tế gặp nhiều lỗi, gây khó khăn trong quá trình đào tạo. Do đó, các cơ sở ĐTN phải đổi mới phương pháp dạy nghề.