CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO NGHỀ CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ
3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo nghề của trường CĐN Cơ điện – Luyện kim Thái Nguyên
3.3.1. Các yếu tố bên ngoài
- Người học nghề : Tâm lý chung của người dân hiện nay vẫn còn nặng nề về vấn đề bằng cấp, họ cho rằng học nghề sẽ khó có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, nên mặc dù không đỗ vào các trường tốp trên họ vẫn tiếp tục ở nhà chờ đợi thi tiếp năm sau hoặc nếu có vào học nghề cũng mang tâm lý là “vào học tạm” nên không chú tâm vào bài học và luyện tay nghề.
- Các trường khác trên địa bàn: Có nhiều trường cùng đào tạo một nhóm ngành nghề nên người học lựa chọn những trường gần nhà hơn hoặc trường có các bạn bè của họ đang học ở đó.
- Xu hướng thị trường lao động: Thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn về tay nghề của người lao động, về khả năng chuyển đổi nghề, hay các kỹ năng mềm của lao động, do đó nhà trường phải không ngừng đổi mới phương pháp đào tạo để có thể đưa ra thị trường những lao động có đủ kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức và khả năng thích ứng nhiệm vụ.
- Doanh nghiệp sử dụng lao động : Các doanh nghiệp đặt ra các tiêu chí lựa chọn lao động theo yêu cầu công nghệ của doanh nghiệp, đòi hỏi nhà trường phải thay đổi phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận công nghệ cụ thể của từng doanh nghiệp.
- Thay đổi xã hội : Sự chuyển dịch cơ cấu lao động dần từ đơn giản sang lao động công nghiệp khiến người dân vẫn chưa bắt kịp với nhịp sống công nghiệp, chưa quen với kỷ luật lao động.
- Sự phát triển của khoa học công nghệ : Các dây chuyền công nghệ mới được các doanh nghiệp đầu tư kéo theo việc phải hướng dẫn lại cho lao động các kiến thức liên quan, đòi hỏi nhà trường cũng phải liên tục cập nhật để theo kịp với phát triển của công nghệ.
- Môi trường kinh tế: Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến người dân không muốn đi học nghề mà đi làm lao động phổ thông ngay khi mới học hết trung học cơ sở, khi được doanh nghiệp cho đi học nghề để nâng cao trình độ thì khả năng tiếp thu của họ rất kém, phải học bổ sung kiến thức văn hóa và nhiều kiến thức xã hội khác.
- Môi trường chính trị và pháp luật: Nền chính trị ổn định với các điều luật về lao động, về dạy nghề được ban hành là hành lang pháp lý giúp nhà trường đi đúng theo định hướng của nhà nước về dạy nghề.
- Nguồn cấp tài chính thường xuyên cho đào tạo nghề: Trường CĐN Cơ điện – Luyện kim Thái Nguyên là trường thuộc Tổng Công ty quản lý nên không được cấp kinh phí thường xuyên từ ngân sách nhà nước trung ương, chỉ có kinh phí hỗ trợ của Tổng Công ty Thép Việt Nam bằng 30% tổng kinh phí chi thường xuyên của nhà trường.
- Nguồn lực bổ sung từ địa phương, doanh nghiệp: Nhà trường đã liên kết đào tạo nghề với nhiều địa phương, doanh nghiệp theo hướng : địa phương, doanh nghiệp chi trả phí đào tạo cho nhà trường thông qua các hợp đồng đào tạo, nhà trường có nghĩa vụ sử dụng nguồn kinh phí đó đúng mục đích và làm nghĩa vụ với ngân sách nhà nước về các khoản thu này.
3.3.2. Các yếu tố bên trong
- Văn hóa nhà trường : Nhà trường có truyền thống lâu đời với hình ảnh đẹp về những người thầy mặc áo xanh đối với nhiều địa phương, doanh nghiệp, người dân; văn hóa ứng xử trong trường chuẩn mực: thầy ra thầy, trò ra trò.
- Cơ cấu tổ chức: Về cơ cấu tổ chức vẫn còn nhiều bất cập, sự sắp xếp cơ cấu nhân sự còn thiếu khách quan và không mang tính tổng quát
- Nhân lực chủ chốt : Sử dụng nhân lực chưa phù hợp, một số người giữ một số vị trí chủ chốt lại không đủ năng lực và uy tín khiến việc điều hành công việc gặp nhiều khó khăn. Một số người có năng lực lại không được đánh giá đúng mức nên đã rời trường đi tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
- Khả năng tìm kiếm, khai thác, sử dụng các nguồn lực : Còn chưa năng động, chưa có một đội ngũ tìm kiếm thị trường có hiệu quả.
- Kinh nghiệm đã có : Dường như kinh nghiệm đã có chỉ là thông qua các hội thi giáo viên giỏi, thi học sinh giỏi nghề, thi thiết bị dạy học tự làm hoặc minh chứng bằng các danh hiệu thi đua khen thưởng các cấp, các huân huy chương mà chưa từng công bố một công trình khoa học nào của thầy và trò nhà trường, chưa có một phong trào nghiên cứu khoa học nào được phát động và duy trì trong toàn trường để tạo niềm say mê hứng thú trong dạy và học nghề.
- Năng lực và hiệu quả hoạt động : Với năng lực đào tạo hiện có (về đội ngũ, cơ sở vật chất, về các điều kiện phục vụ đào tạo,..) nhà trường đã đạt được kết quả theo mục tiêu đặt ra là hàng năm đào tạo nghề cho trên 2.000 người, song kết quả đó không đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nhà trường.
- Danh tiếng thương hiệu : Danh tiếng của nhà trường đã rất nổi tiếng từ thập niên 70, 80 của thế kỷ trước khắp các doanh nghiệp từ Bắc vào Nam, đến nay đã được tăng thêm nhiều lần. Việc gìn giữ truyền thống và khuếch trương thương hiệu là trách nhiệm của mỗi thành viên đang sống và làm việc tại đây.
- Quy mô và địa bàn đào tạo: Quy mô đào tạo của nhà trường hiện nay phụ thuộc phần lớn vào các hợp đồng đặt hàng đào tạo. Với các hợp đồng này nhà trường phải mở rộng địa bàn đào tạo đến khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Đây là bài toán khó về nhân lực mà nhà trường phải giải quyết nhằm đạt được kết quả hoạt động tốt nhất trong điều kiện hiện tại.
- Hợp đồng đào tạo chính yếu : Hiện nhà trường đang thực hiện nhiều hợp đồng đặt hàng đào tạo với các mức kinh phí chi cho đào tạo không thống nhất, cụ thể như:
Hợp đồng của nhà nước mức phí đào tạo là 6,8 triệu đồng/ 1hs/ 1 năm;
Hợp đồng của doanh nghiệp mức phí đào tạo là 6 triệu đồng/ 1 hs/ 1 năm Hợp đồng của địa phương mức phí đào tạo là 4,3 triệu đồng/ 1hs/ 1 năm Ngoài ra còn có các hợp đồng ngắn hạn mức phí 1,8 triệu/ 1hs/ 1khóa - Nguồn lực dự trữ dành cho đào tạo của nhà trường : Nhà trường hầu như không có nguồn dự trữ lưu động, chỉ có tài sản cố định và nhân lực.