Chương 4: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TẠI BỆNH VIỆN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA - ĐHTN
4.2. Một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại Bệnh viện trường ĐH Y Khoa
Thực tế cho thấy, Bệnh viện chỉ có thể tối ưu hóa lợi ích kinh tế nếu công tác quản lý tài chính được hoàn thiện. Bản luận văn sẽ cung cấp các giải pháp có thể triển khai áp dụng trong điều kiện hiện tại, nhằm đạt được mục tiêu này.
4.2.1 Giải pháp về cơ chế
- Thực hiện khoán định mức hoàn thành công việc đối với các khoa lâm sàng và cận lâm sàng, đối với khối phòng ban có thể thực hiện khoán chi phí để gắn thu nhập của người lao động trong Bệnh viện với hiệu quả làm việc.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích vật chất để phát triển một số kỹ thuật mũi nhọn để tạo lợi thế cạnh tranh của Bệnh viện.
4.2.2. Giải pháp về tổ chức và xây dựng bộ máy quản lý tài chính:
- Hiện tại tỷ lệ nữ của đội ngũ kế toán viên chiếm 67%, với những hạn chế như đã phân tích ở như đã phân tích ở mục 3.2.4.1, lao động nữ, nhất là làm việc trong lĩnh vực tài chính kế toán sẽ có những hạn chế nhất định. Trong tương lai khi có tuyển dụng mới kế toán viên, Bệnh viện nên có hướng để cân bằng tỷ lệ trên.
- Bố trí các vị trí làm việc kết hợp đan xen giữa các độ tuổi nghề để có sự hỗ trợ nhau về kinh nghiệm trong công việc.
- Tăng cường đào tạo và đào tạo lại, chú trọng đào tạo tại chỗ và các hình thức tập huấn theo chuyên đề . Thực tế là hầu hết các lãnh đạo bệnh viện đều làm chuyên môn y - dược là chính, kiến thức về quản lý tài chính có nhiều hạn chế nên việc đào tạo kỹ năng quản lý tài chính đối với các chức danh quản lý của Bệnh viện là hết sức cần thiết. Có thể mời các chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy hoặc dưới hình thức học hỏi kinh nghiệm của đơn vị bạn.
- Có chính sách thu hút đội ngũ kế toán viên có kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, nhất là các ứng viên đã có thời gian làm việc tại các bệnh viện.
4.2.3. Giải pháp về quản lý tài chính
* Các giải pháp khai thác nguồn thu:
- Nguồn thu NSNN vẫn hết sức quan trọng đối nhu cầu về nguồn lực cho phát triển Bệnh viện. Cần tận dụng triệt để sự hỗ trợ của Nhà nước để nâng cao năng lực chuyên môn.
- Mở rộng các hình thức xã hội hóa, đối tác công - tư (TPP) mà Nhà nước đang khuyến khích để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Đây vẫn là một kênh huy động nguồn lực hết sức quan trọng trong điều kiện NSNN dành cho y tế còn hạn hẹp.
- Bệnh viện nên sớm triển khai một số dịch vụ điều trị trọn gói, điều trị theo yêu cầu với mức giá dịch vụ tính đủ chi phí và có tích lũy, nhằm thu hút kinh phí từ một bộ phận dân cư có nhu cầu được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao và cũng có khả năng chi trả. Đối với hình thức khám chữa bệnh tại nhà cần thiết xây dựng giá dịch vụ, cơ chế chi trả cho người tham gia để áp dụng thí điểm trước khi triển khai rộng.
* Các giải pháp quản lý các khoản chi phí:
- Tăng cường chi cho đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển nhanh như hiện nay, đơn vị nào đi chậm trong việc chuyển giao kỹ thuật mới đồng nghĩa với việc đánh mất lợi thế của mình.
- Tỷ trọng chi phí tiền thuốc so với tổng thu khám bệnh chữa bệnh trong các năm 2015-2017 lần lượt là: 30%, 26% và 24% . Như vậy chi phí sử dụng thuốc có thể nói là tương đối thấp và có xu hướng giảm dần. Trong thời gian tới nên duy trì ở mức tỷ trọng từ 28% đến 32% tổng thu dịch vụ y tế, vì thực tế có mối quan hệ nhất định giữa chi phí sử dụng thuốc với kết quả điều trị bệnh. Điều này là yếu tố quyết định đến việc thu hút sự lựa chọn của người dân đến với Bệnh viện.
- Tăng chi cho các hoạt động quảng bá hình ảnh của Bệnh viện, có thể lồng ghép với các chương trình truyền thông về phòng bệnh để nhiều người dân được biết đến;
- Chủ động ký kết các hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện đầu ngành để tranh thủ việc chuyển giao những kỹ thuật mới. Chi phí đào tạo và chuyển giao kỹ thuật mới của Bệnh viện trong nhiều năm ở mức dưới 1%
tổng chi phí là quá thấp, khuyến cáo nên duy trì ở mức 2% - 3% tổng chi thường xuyên, ngoài ra cần giành phần kinh phí tự chủ để khuyến khích vật chất nhằm giữ chân nguồn nhân lực đã được đào tạo bài bản, tránh hiện tượng chảy máu chất xám.