CHƯƠNG 2: QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG BỔ TRỢ TƯ PHÁP TRONG LUẬT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI NĂM 2010
2.1 Quy định về bổ trợ tƣ pháp bắt buộc
2.1.1 Tòa án chỉ định, thay đổi Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc
Trong hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, việc thành lập Hội đồng trọng tài là điều tiên quyết. Thành phần Hội đồng trọng tài có một hoặc nhiều Trọng tài viên tùy theo sự thỏa thuận của đương sự, nếu không thỏa thuận thì thành phần Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.
Theo quy định về cách thức thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài, trong trường hợp bị đơn không chọn được Trọng tài viên, hoặc các Trọng tài viên không chọn được người làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài, hoặc các bên không chọn được Trọng tài viên duy nhất, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ là người có nghĩa vụ thực hiện việc chỉ định Trọng tài viên. Tuy nhiên, đối với hình thức Trọng tài vụ việc, làm thế nào giải quyết vấn đề nêu trên khi không có bộ máy quản lý như Trung tâm trọng tài. Để tránh tình trạng bế tắc trong tố tụng (do các bên không chọn được Trọng tài viên), Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (LTTTM 2010) quy định Tòa án là cơ quan hỗ trợ chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc, cụ thể như sau:
- Nếu quá thời hạn luật định, bị đơn không thông báo tên Trọng tài viên mình chọn, nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn; Trường hợp có nhiều bị đơn thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn.9
- Nếu các Trọng tài viên được chọn không bầu được Trọng tài viên làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài, các bên có quyền yêu cầu Tòa án chỉ định Trọng tài viên làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài.10
- Nếu quá thời hạn luật định mà các bên không chọn được Trọng tài viên duy nhất (trong trường hợp các bên thỏa thuận tranh chấp được giải quyết với một Trọng tài
9 Tham khảo khoản 1, 2 Điều 41 LTTTM 2010; Điểm a, b khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
10 Tham khảo khoản 3 Điều 41 LTTTM 2010; Điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
19
viên duy nhất) và không yêu cầu một Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất.11
Về xác định cấp thẩm quyền của Tòa án đối với việc chỉ định Trọng tài viên, LTTTM 2010 và Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP có quy định cụ thể như sau:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của các bên, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phải phân công một Thẩm phán thực hiện việc chỉ định Trọng tài viên. Tòa án có thẩm quyền phải thông báo ngay cho đương sự và các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc về việc thụ lý vụ việc và Thẩm phán được phân công giải quyết.12
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán tiến hành xét đơn chỉ định Trọng tài viên mà không cần mở phiên họp hay triệu tập các bên tranh chấp. Khi xem xét đơn yêu cầu, Thẩm phán phải căn cứ vào tiêu chuẩn Trọng tài viên (quy định tại Điều 20 LTTTM 2010), quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên (quy định tại Điều 21 LTTTM 2010); danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài hoạt động tại Việt Nam (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 LTTTM 2010 và Điều 19 Nghị định 63/2011/NĐ-CP); và một số tài liệu kèm theo.13
Về xác định Tòa án có thẩm quyền theo lãnh thổ, LTTTM 2010 có quy định như sau:
- Trường hợp các bên có thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể, Tòa án có thẩm quyền là Toà án được các bên lựa chọn.14
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của bị đơn nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của bị đơn nếu bị đơn là tổ chức; Nếu có nhiều bị đơn thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của một trong các bị đơn đó; Trong trường hợp bị đơn có nơi cư trú hoặc
11 Tham khảo khoản 4 Điều 41 LTTTM 2010; Điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
12 Tham khảo khoản 5 Điều 41 LTTTM 2010; Khoản 2 Điều 8 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
13 Khoản 3, 4 Điều 8 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
14 Tham khảo khoản 1 Điều 7 LTTTM 2010.
20
trụ sở ở nước ngoài, Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn.15
Như vậy, quy định Tòa án hỗ trợ chỉ định Trọng tài viên đã góp phần hạn chế những bế tắc tồn tại trong quá trình tố tụng trọng tài, giúp việc giải quyết tranh chấp diễn ra suôn sẻ, thuận lợi hơn. Thành lập Hội đồng trọng tài là một trong những điều tiên quyết cần phải thực hiện nếu muốn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Chính vì lẽ đó mà quy định trên là hết sức cần thiết.
b) Thay đổi Trọng tài viên
Để tránh tình trạng tiêu cực trong hoạt động trọng tài như việc Trọng tài viên được phân công có những biểu hiện cho thấy sự không vô tư, khách quan khi giải quyết tranh chấp, LTTTM 2010 đã quy định Trọng tài viên phải từ chối hoặc các bên có đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên giải quyết tranh chấp khi thuộc một trong các trường hợp sau.16
- “Trọng tài viên là người thân thích hoặc đại diện cho một trong các bên”. Điều này là hoàn toàn hợp lý khi căn cứ vào mức độ quan hệ của Trọng tài viên với đương sự để xem xét việc thay đổi Trọng tài viên. Việc Trọng tài viên là người thân thích hoặc đại diện cho một bên là sự bất lợi cho bên còn lại, dù trong trường hợp này Trọng tài viên có vô tư, khách quan hay không thì việc thay đổi trước sẽ ngăn ngừa được những tiêu cực không hay về sau.
- “Trọng tài viên có lợi ích liên quan đến tranh chấp”. Tương tự trường hợp trên, việc Trọng tài viên có lợi ích liên quan đến vụ tranh chấp sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự công tâm trong phán quyết trọng tài. Vì thế, nếu Trọng tài viên rơi vào trường hợp này thì nhất định phải thay đổi.
- “Có căn cứ rõ ràng chứng minh rằng Trọng tài viên không vô tư và khách quan”.
Đây là trường hợp được đánh giá là khá chung chung, gây khó khăn trong việc xác định yếu tố vô tư, khách quan. Căn cứ này mang tính định tính nên khó áp dụng trong thực tế, đòi hỏi phải có minh chứng thực sự cụ thể, rõ ràng thì việc yêu cầu thay đổi mới có thể được chấp nhận.
15 Tham khảo khoản 2 Điều 7 LTTTM 2010.
16 Tham khảo khoản 1 Điều 42 LTTTM 2010.
21
- “Trọng tài viên đã là hòa giải viên, đại diện hoặc luật sư của một bên trước khi tranh chấp được đưa ra trọng tài để giải quyết, trừ trường hợp các bên đồng ý bằng văn bản”. Đây là trường hợp mà trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 (PLTTTM 2003) chưa có quy định và đến Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (LTTTM 2010) ra đời thì trường hợp này mới được bổ sung thêm.
Về thẩm quyền ra quyết định thay đổi Trọng tài viên, đối với hình thức Trọng tài quy chế, người ra quyết định là Chủ tịch Trung tâm trọng tài (nếu Hội đồng trọng tài chưa thành lập) hoặc do các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài quyết định (nếu Hội đồng trọng tài đã thành lập). Còn với hình thức Trọng tài vụ việc thì để thay đổi Trọng tài viên, các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài sẽ cùng nhau đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trong trường hợp các thành viên còn lại của Hội đồng trọng tài không quyết định được hoặc nếu các Trọng tài viên hay Trọng tài viên duy nhất từ chối giải quyết thì khi có đơn yêu cầu, Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền phân công một Thẩm phán quyết định về việc thay đổi Trọng tài viên, quyết định của Tòa án sẽ là quyết định cuối cùng.17 Việc xử lý yêu cầu của Tòa án cũng được quy định cụ thể như sau:
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu bằng văn bản, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phải phân công cho một Thẩm phán giải quyết yêu cầu thay đổi Trọng tài viên. Sau đó, Tòa án có thẩm quyền phải thông báo ngay cho Hội đồng trọng tài, các Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài vụ việc và các bên tranh chấp về việc thụ lý đơn yêu cầu và tên Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc.18
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xét đơn yêu cầu thay đổi Trọng tài viên mà không cần mở phiên họp hoặc triệu tập các bên tranh chấp.19
- Khi xem xét yêu cầu thay đổi Trọng tài viên và ra quyết định, Thẩm phán phải căn cứ vào tiêu chuẩn Trọng tài viên (quy định tại Điều 20 LTTTM 2010), quyền và nghĩa vụ của Trọng tài viên (quy định tại Điều 21 LTTTM 2010); danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài hoạt động tại Việt Nam (quy định tại điểm c khoản
17 Tham khảo khoản 4 Điều 42 LTTTM 2010.
18 Tham khảo khoản 4 Điều 42 LTTTM 2010 và khoản 2 Điều 9 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
19 Tham khảo khoản 4 Điều 42 LTTTM 2010 và khoản 3 Điều 9 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
22
1 Điều 15 LTTTM 2010 và Điều 19 Nghị định 63/2011/NĐ-CP); và một số tài liệu kèm theo.20
Như vậy, ngoài hỗ trợ chỉ định Trọng tài viên, Tòa án còn hỗ trợ trong việc giải quyết yêu cầu thay đổi Trọng tài viên của đương sự, giúp cho hoạt động tố tụng này trở nên khách quan hơn, góp phần hạn chế đi những tiêu cực trong quá trình giải quyết tranh chấp.