CHƯƠNG 3: CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TỈNH THÁI NGUYÊN
3.3. Giải pháp kỹ thuật để quản lý và bảo vệ môi trường
3.3.1. Bố trí lại một số cơ sở sản xuất công nghiệp để giảm nguồn thải xen kẽ trong các khu dân cư và định hướng phát triển hợp lý các khu công nghiệp cũ
Theo quan điểm môi trường thì quy hoạch các khu công nghiệp phân tán, xen kẽ trong khu dân cư hoặc đầu hướng gió chủ đạo của đô thị là không hợp lý.
Những tính toán cho thấy rằng cùng một tổng diện tích như nhau, nếu phân tán thành hai khu công nghiệp tập trung thì phạm vi tác động ô nhiễm tăng lên 1,4 lần so với phương án tập trung thành một khu công nghiệp. Nếu phân tán thành
ba khu công nghiệp tập trung thì phạm vi tác động ô nhiễm tăng lên 1,7 lần, nếu phân tán thành bốn thì phạm vi tác động ô nhiễm tăng lên 2 lần.
3.3.2. Khuyến khích đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn
Nhìn chung các xí nghiệp cũ, công nghệ sản xuất lạc hậu là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra ô nhiễm môi trường ở Thái nguyên. Vì vậy, các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trước hết là công nghiệp khai thác và các nhà máy, xí nghiệp có sử dụng lò đốt nhiên liệu cần nhanh chóng đổi mới công nghệ sản xuất, công nghệ đốt nhiên liệu, áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu, giảm khí thải, tái sử dụng chất thải.
3.3.3. Các biện pháp bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải
- Với các điều kiện tự nhiên của tỉnh Thái nguyên việc lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đòi hỏi phải hợp lý. Các trạm xử lý nước thải phải được thiết lập và hoạt động thống nhất trong hệ thống thoát nước chung của đô thị - công nghiệp. Vì vậy, nguyên tắc thiết kế các trạm xử lý nước thải như sau:
+ Mức độ xử lý nước thải của từng trạm phải được xác định trên cơ sở khả năng tự làm sạch (pha loãng nước thải với nước sông hồ, chuyển hóa chất bẩn hữu cơ, lắng đọng…)
+ Các công trình xử lý nước thải phải có hiệu quả làm sạch cao, có khả năng hợp khối, tiết kiệm diện tích xây dựng, dễ quản lý vận hành, có thể thi công lắp đặt được và không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh, nhất thiết phải có đánh giá tác động môi trường đối với các dự án xây dựng các trạm xử lý nước thải
+ Khi thiết kế các trạm xử lý nước thải phải tính đến khả năng sử dụng nước thải cho mục đích nông nghiệp, chăn nuôi, sử dụng bùn làm phân bón ở các khu vực ngoại thành
- Xây dựng thêm các hố lắng cát trước các họng xả nước trước khi cho nước chảy vào hồ, nguồn nước mặt.
3.3.4. Giảm thiểu ô nhiễm môi trường chất thải rắn
- Nghiên cứu cải tiến các phương tiện thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt, công nghiệp. Nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn của Công ty Môi trường đô thị nhằm giảm bớt tối đa lượng rác thải tự do đổ vào các hệ thống thoát nước
- Tiếp thu các quy trình công nghệ xử lý rác thải bằng các phương pháp hợp lý như ủ sinh học, ủ hiếu khí… để sản phẩm rác sau khi xử lý có thể phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp
- Xây dựng các bãi rác thải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm an toàn môi trường cho các khu vực xung quanh. Có thể quy định vùng an toàn môi trường tại các bãi chôn lấp chất thải rắn có bán kính nhất định
3.3.4.1. Quản lý chất thải rắn công nghiệp
Đối với chất thải rắn của từng nhà máy, xí nghiệp cụ thể cần có biện pháp thích hợp. Giải pháp giảm thiểu chất thải rắn được đề nghị là:
- Đầu tư đổi mới trang thiết bị đối với các nhà máy cũ nhằm giảm thiểu các chất thải rắn được thải ra, tận dụng hết khả năng nguyên vật liệu
- Tái sử dụng tối đa các chất thải rắn, khuyến khích và có các chính sách ưu đãi đối với các loại hình công nghệ tái sử dụng các chất thải rắn của các ngành công nghiệp khác
- Xây dựng quy chế kiểm tra định kỳ, bất thường về môi trường đối với các nhà máy, xí nghiệp. Xây dựng chế độ thưởng phạt về môi trường
- Quản lý việc thi công xây dựng các công trình theo quy hoạch của tỉnh, ngăn chặn đổ thải các chất thải rắn bừa bãi.
3.3.4.2. Quản lý chất thải rắn tại các phường xã
- Quản lý chất thải rắn hai bên bờ sông mương. Nguồn gây ô nhiễm chính cho hệ thống sông mương là rác thải ở hai bên bờ kênh, mương, rãnh bị trôi chảy xuống hệ thống thoát nước. Việc quản lý chất thải rắn hai bên bờ kênh mương đồng thời với việc tạo hành lang xanh, trồng hoa cây cảnh hai bên bờ kênh tạo cảnh quan môi trường tốt cho đô thị
- Biện pháp thu gom xử lý chất thải rắn cần được tăng cường. Công ty Môi trường đô thị cần đặt thêm các điểm thu gom rác tập trung sau đó vận chuyển đến bãi rác. Đối với rác đường phố cần phải nhập các loại xe chuyên dụng loại nhỏ để có thể thu gom rác từ nhà dân.
- Khuyến khích các hộ dân trong đô thị sử dụng hố xí tự hoại
- Đối với rác xây dựng phải có quy định cụ thể đối với các chủ công trình, trong các luận chứng kinh tế của công trình phải tính đến chi phí cho việc thu gom và quản lý chất thải rắn do công trình gây nên.
3.3.5. Biện pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí
- Ô nhiễm bụi trong không khí là trầm trọng và có tính phổ biến ở Thái nguyên, vì vậy cần phải kết hợp giữa vận động, khuyến khích và cưỡng chế tất cả các cơ sở có nguồn phát thải bụi phải tiến hành công nghệ hoặc lắp đặt thiết bị
lọc khói bụi đạt tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, luyện kim và tuyển quặng…
- Bê tông hoá hoặc nhựa hóa tất cả các tuyến đường trong đô thị
- Trồng cây xanh trong hàng rào nhà máy, công trình công cộng, hai bên đường và dọc các kênh mương trong đô thị.