Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển chăn nuôi trâu
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.3. Nội dung nghiên cứu về phát triển chăn nuôi trâu
- Chăn nuôi trâu nông hộ: Chăn nuôi trâu quy mô nông hộ 1-5 con là phổ biến ở nước ta để sử dụng sức kéo trong nông nghiệp và tận dụng phế phụ phẩm nông sản và lao động phụ trong gia đình.
- Chăn nuôi trâu trang trại: Trang trại chăn nuôi trâu cũng phát triển mạnh, nhất là các tỉnh miền nam. Nhiều trang trại chăn nuôi trâu có quy mô từ 100 con trở lên được tập trung ở các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận và các tỉnh miền đông Nam bộ. Các tiến bộ về giống, thức ăn, chuồng trại, quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng đàn trâu được áp dụng trong chăn nuôi trang trại trâu thịt; qua đó góp phần tạo ra trâu hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất đồng thời thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư chăn nuôi trâu. Tuy nhiên trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chưa có loại hình tổ chức này.
Phát triển về quy mô chăn nuôi trâu bao gồm sự gia tăng về số lượng, năng suất và chất lượng đàn trâu thịt, đồng thời là sự biến đổi cơ cấu đàn trâu, cơ cấu giá trị sản phẩm theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững.
Vì vậy, phát triển chăn nuôi trâu phải thực hiện đồng thời nhiều nội dung khác nhau, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu là:
- Tăng quy mô tổng đàn trâu trong vùng (thể hiện tốc độ tăng trưởng) bằng cách nhân giống, mua thêm con giống và mở rộng diện tích chăn thả, áp dụng các hình thức chăn nuôi phù hợp với điều kiện của hộ, của vùng;
- Tăng năng suất, chất lượng trâu bằng cách áp dụng giống mới có tầm vóc to, trọng lượng lớn và tỷ lệ thịt sẻ cao, khả năng chống chịu bệnh tật tốt, thích nghi với điều kiện chăn thả từng vùng hay khu vực.
- Đảm bảo cơ cấu đàn trâu phù hợp với tái sản xuất đàn.
- Tổ chức các phương thức chăn nuôi phù hợp, phát huy có hiệu quả tiềm năng kinh tế và thế mạnh của từng vùng. Áp dụng tốt quy trình kỹ thuật chăn nuôi trâu thịt, công tác chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, tạo ra sản phẩm thịt sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu con người.
- Phát triển chăn nuôi trâu thịt phải cân đối với sự tăng trưởng chung của sản xuất nông nghiệp gắn với tăng trưởng kinh tế của vùng và khu vực, đảm bảo vệ sinh môi trường sống cho con người.
- Trong chăn nuôi trâu thịt, sự phát triển về số lượng và chất lượng có quan hệ hữu cơ với nhau, sự phát triển về chất lượng là nhân tố làm tăng nhanh sự phát triển về số lượng và ngược lại. Với những giống trâu có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng được các điều kiện chăn thả, cùng việc tổ chức chăn nuôi phù hợp là cơ sở cho phát triển nhanh quy mô đàn trâu thịt, tăng lượng sản phẩm thu được. Việc phát triên nhanh quy mô đàn trâu thịt, tăng lượng sản phẩm thu được là điều kiện hiệu quả cao trong chăn nuôi.
Để tạo điều kiện phát triển chăn nuôi trâu thuận lợi, việc phát triển và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ cho chăn nuôi trâu là vấn đề cấp thiết, đặc biệt là hệ thống dịch vụ cung cấp giống, dịch vụ thức ăn gia súc, dịch vụ thú y, hệ thống tiêu thụ sản phẩm như chợ, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến thực phẩm ...
Thực hiện tốt các nội dung trên sẽ dẫn đến hiệu quả sản xuất từ chăn nuôi trâu cao, thu nhập của người chăn nuôi trâu tăng lên, đời sống của người chăn nuôi trâu được cải thiện. Trong chăn nuôi trâu thịt, hiệu quả kinh tế thu được từ phần chênh lệch tiền thu bán sản phẩm trừ đi chi phí trong quá trình nuôi và được đánh giá qua các chỉ tiêu tổng thu nhập của hộ, thu nhập ròng/100 kg thịt tăng, thu nhập ròng/công lao động, thu nhập ròng/đồng vốn bỏ ra, thu nhập ròng/tổng thu nhập từ chăn nuôi trâu thịt.
Phát triển chăn nuôi trâu thịt, không chỉ chú ý các giải pháp tăng trưởng kinh tế của ngành sản xuất này mà còn phải chú ý cả đến các vấn đề nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, trên cơ sở bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái và đảm bảo sức khỏe cho con người.
2.1.3.2. Phát triển nguồn giống cho chăn nuôi trâu
Trong chăn nuôi, vai trò giống giữ vị trí qua trọng trong việc cải tiến di
truyền, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi. Giống trâu có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng thịt.
Để phát triển giống trâu phải chọn lọc theo mục đích sản xuất. Để lấy thịt, giống trâu phải đạt được các yêu cầu về tầm vóc to, tỷ lệ thịt xẻ cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của vùng. Hiện nay các giống trâu đang nuôi dưỡng ở nước ta chủ yếu là giống trâu vàng địa phương (trâu cóc), tuy có những ưu điểm như có khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, khả năng sinh sản cao, khả tăng chống chịu bệnh tật cao,... nhưng tầm vóc bé, tỷ lệ thịt xẻ thấp, trọng lượng nhỏ nên năng suất không cao. Trong cùng điều kiện chăn nuôi, giống trâu nội có năng suất, chất lượng vẫn thấp hơn nhiều so với các giống trâu cao sản trên thế giới hoặc các giống lai, do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ sản phẩm, nhất là tiêu thụ trên thị trường quốc tế. để nâng cao chất lượng giống trong chăn nuôi, một mặt cần cải tạo đàn giống hiện có theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mặt khác phải tiến hành lai tạo để tạo ra giống mới phù hợp có chất lượng tốt hơn và năng suất vượt trội, sử dụng giống có nguồn gen cao sản của thế giới để lai tạo với các giống nội. Vì vậy trong xây dựng định hướng phát triển chăn nuôi trâu cần phải xây dựng một hệ thống quản lý giống vật nuôi để bảo vệ nguồn gen, chọn lọc, lai tạo và nhân giống trâu thịt; cần có kế hoạch cụ thể cho chương trình nâng cao chất lượng giống đạt hiệu quả.
2.1.3.3. Phát triển các nguồn lực cho chăn nuôi trâu - Vốn đầu tư:
Vốn cho sản xuất là một trong những yếu tố hàng đầu trong sản xuất kinh doanh nói chung và trong phát triển chăn nuôi trâu nói riêng. Trong chăn nuôi trâu số lượng vốn cần thiết để xây dựng chuồng trại, mua con giống, nuôi dưỡng, chăm sóc, cho xúc tiến bán sản phẩm, cho tạo dựng các cơ sở chế biến.
Đối với đại đa số hộ nông dân nước ta hiện nay, đây là một khó khăn lớn khi tích luỹ từ thu nhập của họ rất thấp để dành cho đầu tư chăn nuôi, hệ số quay vòng vốn và thời gian nuôi trâu dài nên không phù hợp với tâm lý của người dân, nhất là người nghèo. điều này cũng lý giải tại sao ở vùng miền núi, nơi rất có điều kiện để nuôi trâu theo lối quảng canh, nhưng rất nhiều các hộ nghèo lại không chăn nuôi trâu hoặc chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, giống trâu bị thoái hóa, chăm sóc thú y không tốt, thức ăn sử dụng chủ yếu trong chăn nuôi là cỏ tự nhiên và thức ăn tận dụng khác..., kết quả là số lượng và chất lượng đàn trâu thấp, chưa thực sự trở thành những vùng sản xuất hàng hóa. Với thực trạng trên, nông dân
rất cần sự hỗ trợ về vốn của nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội, ngân hàng và các tổ chức tín dụng để họ được tiếp cận các nguồn vốn kịp thời, giúp hoạt động chăn nuôi được phát triển.
- Thức ăn: Hiện nay, thức ăn cho trâu ở nước ta chủ yếu là các nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp và tận dụng chăn thả tự nhiên. Sức sản xuất, trọng lượng của trâu trước tiên phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng. Mức độ dinh dưỡng cao thì con trâu khỏe, sức vóc lớn và tỷ lệ mỡ và cơ trong thân thịt cao, mô liên kết và xương giảm thấp và ngược lại. Quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng trâu, gồm: đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn về số lượng và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng phát triển của trâu ở các độ tuổi, cung cấp nước uống, tổ chức tiêm phòng bệnh định kỳ, giữ gìn vệ sinh thú y khu vực chăn nuôi. Lượng thức ăn sử dụng trong chăn nuôi trâu lớn, thức ăn chính chủ yếu là cỏ, đặc điểm của loại thức ăn này là giàu chất xơ, nghèo chất dinh dưỡng, sinh trưởng và phát triển mang tính thời vụ (đặc biệt thiếu vào mùa khô). để phát triển chăn nuôi trâu thịt, vấn đề thức ăn cần quan tâm giải quyết về cả số lượng và giá trị dinh dưỡng, cần chế biến và dự trữ thức ăn cho trâu. Tuy nhiên, bãi chăn đang ngày càng bị thu hẹp, nhiều phế phụ phẩm đang còn bị lãng phí chưa được tận thu để nuôi trâu, đặc biệt vào mùa khô, thức ăn cho trâu thiếu trầm trọng.
Thức ăn là cơ sở quan trọng để phát triển chăn nuôi. Năng suất chăn nuôi phụ thuộc vào hai yếu tố chủ yếu: tính năng di truyền và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Thức ăn và giá trị dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của gia súc ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, hiệu quả chăn nuôi và cả sự cảm nhiễm dịch bệnh. Ứng với mỗi giai đoạn, yêu cầu công tác chăm súc nuôi dưỡng khác nhau. Các giai đoạn chăm sóc nuôi dưỡng trâu có tính kế thừa, để chăn nuôi giai đoạn sau hiệu quả thì chăn nuôi ở các giai đoạn trước cần thực hiện tốt.
- Công tác thú y:
Nước ta có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, đây là môi trường thuận lợi cho việc phát triển các loại dịch bệnh, nhất là trong các giai đoạn chuyển mùa và những thời gian có độ ẩm cao. Dịch bệnh không những ảnh hưởng đến sự phát triển về số lượng của đàn gia súc mà còn cả đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe của con người. Trâu thường mắc một số bệnh nguy hiểm như: Bệnh tụ huyết trùng, nhiệt thán, lao, lở mồm long móng. Nhiệm vụ của công tác thú y là đề phòng và chống bệnh dịch cho đàn gia súc, kiểm nghiệm sản phẩm trước khi xuất bán.
Công tác thú y liên quan chặt chẽ đến việc bảo vệ sức khỏe cho vật nuôi và người tiêu dùng, là nhân tố làm hạn chế các rủi ro sảy ra trong quá trình chăn nuôi. Với phương thức chăn nuôi trâu ở nước ta hiện nay thì tổ chức công tác thú y nhằm bảo đảm an toàn cho gia súc là vấn đề hết sức quan trọng, ngoài ra phải đáp ứng nhu cầu kinh phí cho hoạt động của mạng lưới thú y, việc cung ứng thuốc thú y và vắccin phải thường xuyên, cần phải áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, trong đó đặc biệt chú ý các biện pháp phòng bệnh. Tổ chức tốt công tác tiêm phòng và tẩy ký sinh trùng định kỳ cho đàn trâu, khi dịch bệnh xảy ra cần huy động mọi nguồn lực để dập tắt ổ dịch, hạn chế sự lan rộng để bảo vệ sản xuất. Phải làm tốt công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về vai trò, vị trí của công tác thú y trong quy trình chăn nuôi trâu thịt..
2.1.3.4. Đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật cho chăn nuôi trâu
Các hoạt động đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thông tin kinh tế, thị trường nhằm nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh tạo thu nhập cho người nông dân, làm động lực thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Nội dung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong chăn nuôi trâu gồm: Các giống trâu mới, kỹ thuật chăn nuôi mới, công nghệ chăn nuôi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chế biến thức ăn chăn nuôi, kiểm tra và khuyến khích các hộ dân trong công tác vệ sinh thú y, chuồng trại...
Đối với phát triển chăn nuôi trâu thịt, công tác khuyến nông trong những năm qua đã góp phần đưa giống mới cùng các quy trình chăn nuôi tiên tiến đến với người nông dân, thúc đẩy công tác lai tạo giống, giúp cho việc định hướng và xây dựng các vùng chăn nuôi trâu theo hướng sản xuất hàng hoá.
2.1.3.5. Kết quả, hiệu quả của chăn nuôi trâu
Như trong khái niệm phát triển sản xuất, mục đích cuối cùng là tạo ra được nhiều khối lượng hàng hóa có chất lượng, đảm bảo được kết quả và hiệu quả sản xuất. Kết quả sản xuất đó là sự tăng lên về quy mô đàn, khối lượng sản phẩm và tổng giá trị sản xuất. Đa số các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân đều nhằm mục đích thu lợi nhuận, kiếm thêm thu nhập. Người dân chăn nuôi trâu cũng nhằm mục đích đó, họ vừa có thêm thu nhập vừa tận dụng được sức kéo, phân bón phục vụ cho hoạt động sản xuất khác.
Kết quả của quá trình sản xuất chính là khoản thu nhập mà họ kiếm được khi tham gia sản xuất. Nếu chăn nuôi trâu đem lại thu nhập cho hộ nông dân cao
hơn vật nuôi khác thì hộ nông dân sẽ tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi trâu. Việc đánh giá kết quả và hiệu quả sản xuất góp phần giúp cho người dân yên tâm vào phát triển vật nuôi của mình, và có hướng đi phù hợp.
2.1.3.6. Phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, khuyến cáo người dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời không ngừng ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, chăm sóc, thú y. Phát triển hệ thống thông tin thị trường từ huyện đến xã, cung cấp các thông tin về thị trường, giá cả, nhu cầu và tiêu thụ trâu. Về thị trường giữ vững và phát triển thị trường hiện có, thâm nhập và mở rộng thị trường mới. Đa dạng hóa kênh tiêu thụ và thành phần tiêu thụ, khuyến khích người dân phát triển đàn trâu theo hướng hàng hóa.