Căn cứ đưa ra giải pháp

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện vị xuyên, tỉnh hà giang (Trang 94 - 97)

Phần 4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.3. Giải pháp phát triển chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện Vị Xuyên

4.3.1. Căn cứ đưa ra giải pháp

4.3.1.1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

Phát triển chăn nuôi trâu theo hướng sản xuất hàng hoá trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý và có hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, đưa chăn nuôi trâu thịt thành một ngành kinh tế có tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp của huyện nhằm các mục tiêu:

Tăng nhanh số lượng và chất lượng các sản phẩm thịt trâu và nghé, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân trong vùng và các vùng lân cận.

Xác định trâu làm vật nuôi chính để giúp nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi của huyện lên bằng hoặc vượt mức đề ra của tỉnh là mức tăng trưởng đạt 10 % và đạt 35 % tổng giá trị ngành nông nghiệp vào năm 2016 và đến năm 2020 sẽ đạt 50 %.

Phát triển quy mô chăn nuôi trâu thịt một cách hợp lý, tùy theo điều kiện chăn nuôi của hộ và điều kiện cụ thể ở mỗi vùng sinh thái. Hình thành các trang trại chăn nuôi trâu ở những nơi có điều kiện, tập trung chủ yếu ở vùng giữa, vùng cao.

Tăng nhanh tốc độ cải tạo đàn trâu, phấn đấu đến năm 2020 đạt mức 50 %.

Thực hiện phương thức chăn nuôi hợp lý với các vùng sinh thái, đối với vùng thấp phát triển phương thức chăn nuôi theo hướng thâm canh và bán thâm canh, nâng tỷ lệ này lên 65 % đến năm 2020; Vùng cao và vùng giữa có thể kết hợp phương thức chăn nuôi quảng canh và bán thâm canh và dần chuyển hướng nuôi thâm canh.

Giải quyết tốt các vấn đề về thức ăn và chế độ chăm sóc nuôi dưỡng, tất cả các hộ nuôi trâu đều biết cách xử lý chế biến thức ăn gia súc nhằm tận dụng tối ưu các nguồn phụ phẩm sẵn có cho chăn nuôi. Khoảng 65% số hộ chăn nuôi có

thể sử dụng được các kỹ thuật nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng của các thức ăn hiện có và trồng cỏ để giải quyết đủ thức ăn và nâng cao quy mô chăn nuôi trâu của hộ.

Làm tốt công tác thú y và phòng trừ dịch bệnh, 100 % số trâu được tiêm phòng định kỳ hàng năm, thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y để đảm bảo an toàn về dịch bệnh và sức khỏe cho đàn trâu. Tất cả các hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển chăn nuôi trâu đều được giúp đỡ. Tăng cường hoạt động của hệ thống khuyến nông, đảm bảo 60 % số hộ nuôi trâu được tham dự các lớp tập huấn và tư vấn về kỹ thuật nhằm phát triển chăn nuôi trâu.

Tăng cường các hoạt động về tổ chức quản lý và các hình thức hợp tác để phát triển chăn nuôi tốt hơn, phấn đấu 50 % số xã xây dựng được các nhóm sở thích nuôi trâu và hoạt động có hiệu quả. Từ đó, tăng thu nhập cho người nông dân, tạo công ăn việc làm và cải thiện điều kiện sống của họ, tăng tích lũy ngày càng cao để đầu tư phát triển kinh tế gia đình và góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện.

4.3.1.2. Định hướng phát triển

Khuyến khích các xã trên địa bàn huyện tập chung phát triển chăn nuôi trâu theo hướng sản xuất hàng hóa. Hỗ trợ nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi nhằm nhanh chóng chuyển đổi từ lối chăn nuôi theo kinh nghiệm là chính sang chăn nuôi có kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho người lao động. Giải quyết tốt các vấn đề về dinh dưỡng và thức ăn cho chăn nuôi trâu.

Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ nhằm cải tạo chất lượng giống trâu để tăng năng suất chăn nuôi. Chuyển dần phương thức chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi theo hướng bán thâm canh và thâm canh, nhưng cần khai thác triệt để phương thức chăn nuôi tận dụng ở những nơi chưa có điều kiện thâm canh để sử dụng các tiềm năng sẵn có tại địa phương. Tiến hành qui hoạch một số vùng có điều kiện thuận lợi, từng bước hình thành các trang trại có qui mô chăn nuôi hợp lý, có đầu tư kỹ thuật và công nghệ để phát triển chăn nuôi trâu.

Tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật về giống, thức ăn và thú y, tích cực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao năng lực và xây dựng hệ thống khuyến nông rộng khắp các địa bàn, đồng thời hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho nông dân để phát triển chăn nuôi trâu nhằm góp phần thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo ở địa phương

4.3.1.3. Căn cứ đưa ra giải pháp

Căn cứ vào quan điểm và định hướng phát triển chăn nuôi trâu thịt theo hướng sản xuất hàng hóa của huyện, với mục tiêu xác định trâu thịt làm vật nuôi chính để giúp nâng tỷ trọng giá trị sản phẩm ngành chăn nuôi của huyện đạt 35 % tổng giá trị ngành nông nghiệp đến năm 2020 sẽ đạt 50 %. Huyện sẽ có chính sách đầu tư, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi nhằm khuyến khích các hộ nông dân tham gia phát triển chăn nuôi trâu thịt có quy mô ngày lớn hơn, chất lượng ngày càng cao hơn.

Căn cứ vào kết quả phân tích thực trạng phát triển chăn nuôi trâu thịt tại huyện cho thấy:

Thứ nhất: Công tác quy hoạch vùng chăn nuôi trâu thịt chưa được triển khai, dẫn đến quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất mang tính tự phát, gây khó khăn trong việc đầu tư, phổ biến chuyển giao và áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi, khó kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như hoạt động tiêu thụ.

Thứ hai: Công tác giống còn yếu kém, chất lượng giống trâu chưa đảm bảo, số lượng con giống và trâu đực tốt còn thiếu, nên làm chậm tốc độ cải tạo đàn trâu địa phương.

Thứ ba: Nhiều nguồn thức ăn sẵn có cho chăn nuôi trâu sử dụng lãng phí, phần lớn các hộ chăn nuôi chưa biết kỹ thuật chế biến thức ăn gia súc, do đó tình trạng thiếu thức ăn cho trâu vẫn xảy ra (đặc biệt vào vụ đông), giá trị dinh dưỡng của các thức ăn hiện có cho trâu thấp.

Thứ tư: Việc chăm sóc và nuôi dưỡng trâu hiện nay của hộ nông dân còn nhiều hạn chế, dẫn đến trâu sinh trưởng và phát triển chậm, năng suất và chất lượng trâu không cao.

Thứ năm: Hệ thống khuyến nông của huyện chưa thực sự hoạt động có hiệu quả, nên việc phổ biến, chuyển giao kiến thức kỹ thuật chăn nuôi cho hộ nông còn rất hạn chế.

Thứ sáu: Hình thức tổ chức sản xuất chăn nuôi trâu thịt chưa được đa dạng hóa, chủ yếu là chăn nuôi gia đình nhỏ lẻ, thiếu các hình thức chăn nuôi có quy mô lớn tập trung như: trang trại lớn, nông trường chăn nuôi, các hợp tác xã chăn nuôi.

Thứ bảy: Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trâu thịt trên trị trường ngày càng cao nhưng hoạt động tiêu thụ trâu thịt của huyện còn nhiều khó khăn, yếu kém và chưa thể đảm bảo ổn định đầu ra của sản phẩm khi quy mô chăn nuôi tăng lên.

Thứ tám: Một số chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu thịt của huyện và tỉnh chậm triển khai hoặc đã triển khai nhưng không hiệu quả, làm cho việc quy hoạch vùng chăn nuôi, hoạt động đầu tư, hỗ trợ cho người chăn nuôi chậm thực thi.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển chăn nuôi trâu trên địa bàn huyện vị xuyên, tỉnh hà giang (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)