Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nuôi cá lồng trên sông
2.1. Cơ sở lý luận
2.1.1. Một số khái niệm liên quan 2.1.1.1. Khái niệm phát triển
Phát triển là khuynh hướng vận động đã xác định về hướng của sự vật, hướng đi lên từ thấp đến cao, từ kém hoàn thiện đến hoàn thiện hơn... Nhưng nếu hiểu sự vận động phát triển một cách biện chứng toàn diện, sâu sắc thì trong tự bản thân sự vận động phát triển đã bao hàm sự vận động thụt lùi, đi xuống với nghĩa là tiền đề, điều kiện cho sự vận động đi lên, hoàn thiện (Nguyễn Hữu Vui và Nguyễn Ngọc Long, 2005).
Phát triển nông nghiệp thể hiện cả về lượng và về chất. Phát triển nông nghiệp không những bao hàm cả tăng trưởng mà còn phản ánh các thay đổi cơ bản trong cơ cấu của nền nông nghiệp, sự thích ứng của nền nông nghiệp với hoàn cảnh mới, sự tham gia của người dân trong quản lý và sử dụng nguồn lực, sự phân bố của cải và tài nguyên giữa các nhóm dân cư trong nội bộ nông nghiệp và giữa nông nghiệp với các ngành kinh tế. Phát triển nông nghiệp còn bao hàm cả kinh tế, xã hội, tổ chức thể chế và môi trường. Tăng trưởng là điều kiện cho sự phát triển nông nghiệp (Đỗ Kim Chung và cs., 2009).
2.1.1.2. Khái niệm nuôi trồng thủy sản
Thuật ngữ nuôi trồng thủy sản được sử dụng tương đối rộng rãi để chỉ tất cả các hệ thống, phương thức, hình thức nuôi động vật và trồng thực vật ở các môi trường nước ngọt, lợ, mặn. Nuôi trồng thủy sản không bao gồm việc canh tác các loại cây trồng chính trên cạn cũng như nuôi các động vật chủ yếu trên cạn. Thuật ngữ nuôi trồng thủy sản được dùng để chỉ một kiểu hình kỹ thuật hay một hệ thống nuôi trồng nào đó; một đối tượng nào đó; môi trường mà nghề nuôi đang được thực hiện; đặc điểm riêng của môi trường nuôi. Nuôi trồng thủy sản là sự tác động của con người vào ít nhất một giai đoạn trong chu trình sinh trưởng, phát triển của đối tượng nuôi trồng nhằm tăng tỉ lệ sống, tốc độ sinh trưởng để đạt được hiệu quả kinh tế cao.
Nuôi trồng thủy sản là nuôi các thủy sinh vật trong môi trường nước ngọt và lợ/mặn, bao gồm áp dụng các kỹ thuật vào qui trình nuôi nhằm nâng cao năng suất; thuộc sở hữu cá nhân hay tập thể. Một số tác giả khái niệm nuôi thủy sản
đơn giản hơn đó là nuôi hay canh tác động và thực vật dưới nước do xuất xứ từ thật ngữ aqua (nước) + culture (nuôi) (Nguyễn Thanh Phương và cs., 2009).
Nuôi thủy sản nước ngọt là hoạt động kinh tế khai thác con giống trong vùng nước ngọt tự nhiên, sản xuất giống nhân tạo và ương nuôi các loài thuỷ sản (nơi sinh trưởng cuối cùng của chúng là trong nước ngọt) để chúng đạt tới kích cỡ thương phẩm. Ở đây, nước ngọt được hiểu là môi trường nước có độ mặn thấp hơn 0,5‰ (Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).
Nuôi thủy sản nước lợ là hoạt động kinh tế ương, nuôi các loài thuỷ sản trong vùng nước lợ ở vùng cửa sông, ven biển. Ở đây “nước lợ” được hiểu là môi trường có độ mặn dao động mạnh theo mùa (Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).
Nuôi thủy sản nước mặn là hoạt động kinh tế ương nuôi các loài thuỷ sản mà nơi sinh trưởng cuối cùng của chúng là ở biển. Hình thức nuôi chủ yếu là lồng bè hoặc nuôi trên bãi triều. Đối tượng nuôi chính là tôm, tôm hùm, cá biển (cá mú, cá giò, cá hồng, cá cam…), nhuyễn thể như nghêu, sò huyết, ốc hương, trai ngọc…(Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).
2.1.1.3. Khái niệm về phát triển nuôi trồng thủy sản
Phát triển nuôi trồng thủy sản có thể diễn ra theo hai xu hướng là phát triển theo chiều rộng và phát triển theo chiều sâu.
- Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo chiều rộng là nhằm tăng sản lượng thuỷ sản nuôi trồng bằng cách mở rộng diện tích đất đai, mặt nước, với cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thuỷ sản thấp kém, sử dụng những kỹ thuật sản xuất giống giản đơn, kết quả nuôi trồng thuỷ sản đạt được chủ yếu nhờ vào độ phì nhiêu đất đai, thuỷ vực và sự thuận lợi của các điều kiện tự nhiên, hiệu quả sản xuất thấp (Nguyễn Thanh Phương và cs., 2009).
- Phát triển nuôi trồng thuỷ sản theo chiều sâu là tăng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản dựa trên cơ sở đầu tư thêm vốn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới, xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản phù hợp với mỗi hình thức nuôi. Như vậy phát triển nuôi trồng theo chiều sâu là làm tăng sản lượng và hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản trên một đơn vị diện tích bằng cách đầu tư thêm vốn, kỹ thuật và lao động (Nguyễn Thanh Phương và cs., 2009).
Phát triển nuôi trồng thuỷ sản phải thực hiện đồng thời nhiều nội dung khác nhau, trong đó tập trung chủ yếu là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý nuôi trồng thuỷ sản, phương thức khai thác và sử dụng các yếu tố nguồn
lực, tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nuôi trồng thuỷ sản. Do đó khi đánh giá sự phát triển nuôi trồng thuỷ sản chủ yếu tập trung xem xét kết quả tạo ra của quá trình sản xuất như quy mô diện tích nuôi trồng, sản lượng, giá trị sản xuất, doanh thu. Phân tích sự tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ của các yếu tố đó theo thời gian, đồng thời đánh giá chất lượng tăng trưởng bằng các hệ thống chỉ tiêu hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường (Nguyễn Thanh Phương và cs., 2009).
Từ những quan niệm trên, tôi quan niệm rằng phát triển nuôi cá lồng đòi hỏi phải phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, chính là sự tăng trưởng về diện tích, tăng về năng suất, tăng về sản lượng và phát triển mặt cơ cấu giống cá nuôi bằng lồng, nâng cao chất lượng nuôi trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm nuôi trồng thủy sản và nâng cao hiệu quả nuôi trồng. Vì vậy, phát triển nuôi cá lồng phải thực hiện đồng thời nhiều nội dung khác nhau, trong đó cần phải tập trung chủ yếu là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý nuôi, phương thức khai thác và sử dụng các yếu tố nguồn lực, tổ chức các hoạt động dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nuôi cá lồng.
2.1.2. Quy trình nuôi cá lồng
Theo tài liệu tập huấn khuyến nông (2014), nuôi cá lồng bao gồm các quy trình sau:
2.1.2.1. Địa điểm đặt lồng
Nuôi cá lồng trên sông phải có mực nước sâu trên 3m, lưu tốc dòng nước không quá 0,3 – 0,5 m/s; có nguồn nước sạch không bị nhiễm bẩn bởi nước thải sinh hoạt hoặc nước thải công nghiệp.
Môi trường nước phải đảm bảo PH từ 7,5 – 8,5; Oxy hòa tan >5mg/l. Nuôi cá lồng trên sông nên chọn các điểm khuất gió và có nước lưu thông tốt, đáy lông phải cách đáy sông ít nhất 1m. Không đặt lồng gần bờ có nhiều bóng cây, rong cỏ làm cá dễ bị thiếu oxy.
Nếu hộ có nhiều lồng thì phải đặt cách nhau 3- 5m và đặt so le nhau để tăng tốc độ dòng nước qua lồng.
2.1.2.2. Cấu tạo lồng
Lồng nuôi cá có thể tích từ 10 -15 m3, vật liệu làm khung lồng phải nhẵn để không làm cá bị tổn thương, khoảng cách giữa các thanh đảm bảo để không làm cản dòng nước, tăng khả năng lưu thông nước qua lồng và cho phép tất cả các chất thải của cá thoát ra ngoài dễ dàng.
Mặt đáy lồng đóng ván khít để giữ thức ăn trong lồng cho đến khi cá ăn hết.
Mặt trên của lồng phải làm chắc chắn tránh cá thoát ra ngoài.
Lồng phải làm chắc chắn để tăng thời gian sử dụng, giữ cá không bị thất thoát và đủ độ bền chắc để chịu sức nặng toàn bộ lượng cá trong lồng.
Lồng được giữ nổi bằng hệ thống phao hoặc thùng nhựa gắn cố định vào khung lồng.
2.1.2.3. Cá giống và mật độ thả
- Cá giống thả nuôi có kích thước lớn, ít bị dịch bệnh, đồng thời ở giai đoạn này cá có tốc độ phát triển nhanh hơn, đạt kích cỡ cả thương phẩm lớn.
Đối với cá trắm cỏ: kích cỡ cá giống 0,5 – 0,7 kg/con, mật động thả 20 con/m3.
Đối với cá diêu hồng: kích cỡ cá giống trên 25g/con; mật độ thả: 120 – 200 con/m3.
Đối với cá rô phi: kích cõ 5-6 cm; trọng lượng 10 – 15 g/con; mật độ thả:
120 – 200 con/m3.
- Cá giống phải đồng đều về kích cỡ không dị hình và xây xát, cá phải có kích cỡ lớn để không chui lọt vách lồng.
- Cá giống nên thả vào buổi sáng, trời mát, trước khi thả nên tắm cho cá bằng nước muối 2-3% để phòng bệnh (tài liệu tập huấn khuyến nông, 2014).
2.1.2.4. Cho ăn
Thức ăn là vật chất chứa chất dinh dưỡng mà động vật có thể ăn vào, tiêu hóa và hấp thụ để duy trì sự sống, sinh trưởng, phát triển và sản xuất. Do đó để đối tượng nuôi phát triển nhanh cần lựa chọn thức ăn phù hợp với đặc tỉnh của loài.
- Đối với cá trắm cỏ:
Thức ăn: đối với thức ăn tinh cho cá ăn 2 lần/ngày vào các giờ cố định với lượng thức ăn từ 2-3% trọng lượng cá trong lồng và cho thức ăn vào khung cho ăn.
Thức ăn xanh (gồm là chuối, cỏ, lá ngô, rong...) với lượng 30% trọng lượng cá, cho ăn 2 lần/ngày nên cho thức ăn vào lồng từ từ để tránh thất thoát ra ngoài.
- Đối với cá diêu hồng và cá rô phi:
Thức ăn dùng để nuôi đối tượng này là thức ăn chế biến, giai đoạn cá nhỏ dưới 300g có thể cho cá ăn thức ăn tự chế với hàm lượng đạm 22 – 30% hoặc thức ăn công nghiệp. Giai đoạn cá trên 300g nên cho thức ăn công nghiệp vì cá
yêu cầu dinh dưỡng cân bằng. Lượng thức ăn được điều chỉnh theo trọng lượng cá nuôi tránh tình trạng dư thừa ảnh hưởng đền ô nhiễm môi trường cũng như hiệu quả kinh tế.
Đối với thức ăn tự chế phải chế biến có độ kết dính cao, tránh thất thoát khi cho cá ăn bằng cách cho ăn từ từ. Thành phần dinh dưỡng cân đối do các chuyên gia dinh dưỡng thiết kế (tài liệu tập huấn khuyến nông, 2014).
2.1.2.5. Quản lý và chăm sóc
- Thường xuyên làm vệ sinh lồng, chùi rửa sạch sẽ đề phòng bệnh cho cá vì rong tảo, sinh vật bám vào lồng làm phù sa lắng đọng ngăn cản dòng chảy của nước qua lồng là nguyên nhân gây bênh cho cá.
- Khi nước chảy mạnh phải có biện pháp che chắn làm giảm lưu tốc của dòng nước qua lồng hoặc khi cá có hiện tượng thiếu oxy thì phải có biện pháp để tăng lượng nước lưu thông cho lồng.
- Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá, nhất là khi cho cá ăn để xử lý kịp thời và luôn áp dụng các biện pháp phòng bênh cho cá.
- Vào đầu và cuối mùa mưa lũ cần theo dõi dự báo thời tiết để di chuyển lồng về nơi an toàn (tài liệu tập huấn khuyến nông, 2014).
2.1.2.6. Thu hoạch
- Tiến hành thu hoạch cá khi đạt kích cỡ thương phẩm, tùy thuộc vào kích cỡ cá để tiền hàng thu tỉa cá thả bù hoăc thu hoạch toàn bộ: cá diêu hồng 500 – 600g/con; cá rô phi trên 500g/con; cá trắm cỏ 4-5kg/con.
- Nên có kế hoạch thu trước khi mùa mưa lũ đến để giảm thiệt hại.
2.1.3. Vai trò của phát triển nuôi cá lồng
- Cung cấp thực phẩm cho nhân dân: sản phẩm của ngành thuỷ sản rất phong phú và đa dạng, là nguồn thực phẩm có chất lượng có thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho dân cư. Hầu hết các loại thuỷ sản là thực phẩm giàu đạm, dễ tiêu hoá, phù hợp với sinh lý của mọi lứa tuổi (Nguyễn Thanh Phương và cs., 2009).
- Cung cấp thức ăn chăn nuôi, phân bón cho nông nghiệp: phát triển nuôi cá lồng sản cung cấp một phần thức ăn cho chăn nuôi, đặc biệt là cho chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Bột cá và các phế phẩm, phụ phẩm thuỷ sản chế biến là nguồn thức ăn giàu đạm để chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài chức năng dinh dưỡng thông thường, ngày nay một số thực
phẩm thuỷ sản đang được nghiên cứu và sử dụng vào chữa trị một số bệnh cho con người như: Vây cá nhám, bong bóng cá sư, bào ngư... (Nguyễn Quang Linh và cs., 2006)
- Tạo việc làm cho người lao động: phát triển nuôi cá lồng góp phần nâng cao thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Hầu hết các ngư dân ven biển từ chỗ chỉ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, đánh bắt nguồn lợi hải sản ven bờ hiện nay đã vươn ra ngoài khơi, với công cụ kỹ thuật hiện đại và mục tiêu kinh doanh đã mang tính hàng hóa rõ rệt. Bên cạnh đó một bộ phận khá lớn dân cư vùng ven biển biết tận dụng lợi thế vùng nước lợ, nước mặn để phát triển. Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả cao hơn so với sản xuất nông nghiệp và sản xuất khác. Sản xuất tập trung, chuyên môn hoá nuôi cá lồng vùng ven biển đã và đang hình thành, xuất hiện nhiều mô hình trang trại, doanh nghiệp nuôi cá lồng có hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập tạo công ăn việc làm cho người lao động (Nguyễn Thanh Phương và cs., 2009).
- Nuôi cá lồng đóng góp quan trọng trong tăng trưởng của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp nói chung: Nuôi cá lồng có khả năng tạo ra nhiều giá trị gia tăng. Vì vậy phát triển mạnh nuôi cá lồng sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong những năm qua, tỷ trọng đóng góp của khu vực nông, lâm, thuỷ sản vào tốc độ tăng trưởng chung có xu hướng giảm dần và chỉ còn đóng góp trên dưới 10%. Nguyên nhân cơ bản là tỷ trọng của nông, lâm, thuỷ sản trong GDP giảm, từ 24,53% năm 2000 xuống còn 21,65% trong 9 tháng năm 2003. Đây là xu hướng phù hợp với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong khi tỷ trọng đóng góp của ngành nông, lâm, thuỷ sản giảm, thì tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng của ngành thuỷ sản lại tăng lên, từ 11,4% năm 2001 nên 13% năm 2003. Đó là kết quả của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong khu vực nông, lâm, thuỷ sản theo xu hướng tiến bộ để khai thác có hiệu quả thế mạnh mặt nước và nguồn lợi thuỷ sản ở nước ta (Nguyễn Thanh Phương và cs., 2009).
- Tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp: phát triển thủy sản cung cấp nguyên liệu cho các ngành khác như công nghiệp, y dược, công nghiệp quốc phòng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan. Sản phẩm thủy sản làm nguyên liệu cho nhà máy chế biến đông lạnh, nguyên liệu cho xí nghiệp dược phẩm, là dược liệu quý, làm nguyên liệu sản xuất đồ mỹ nghệ; phát triển thủy sản tạo thị trường cho công nghiệp đóng tàu, dệt lưới, động cơ nổ…(Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).
2.1.4. Nội dung nghiên cứu giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông 2.1.4.1. Các giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông
a. Quy hoạch phát triển nuôi cá lồng trên sông
Quy hoạch phát triển là yếu tố rất quan trong quyết đinh tới sự phát triển bền vững. Cơ sở cơ bản để xây dựng được một quy hoạch mang tính khoa học và khả thi là công tác nghiên cứu đánh giá về tiềm năng nguồn lợi và nhu cầu thị trường. Trong phát triển nuôi cá lồng, quy hoạch có vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất phát triển, quy hoạch hợp lý, kịp thời sự tạo ổn định về diện tích mặt sông sử dụng để nuôi cá lồng và các hộ nuôi cá lồng yên tâm hơn, các cơ quan chức năng có thể kiểm soát các hoạt động nuôi các lồng, kiểm soát được môi trường nước khu vực nuôi cá lồng (Vũ Đình Thắng và cs., 2005).
b. Đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nuôi cá lồng trên sông
Cơ sở hạ tầng là yếu tố có tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đảm bảo chất lượng thì việc sản xuất kinh doanh thuận lợi. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển nuôi cá lồng trên sông bao gồm đường đi lại, hệ thống điện, hệ thống cầu cống, hệ thống chợ, lồng bè, nhà nổi, nhà để thức ăn..
Nghiên cứu thực trạng đầu tư cơ sở hạ tầng các vùng nuôi cá lồng trên sông để xác định những khó khăn trong quá trình triển khai giải pháp nhằm làm căn cứ đề xuất giải pháp hoàn thiện hơn trong thời gian tới (Vũ Đình Thắng và cs., 2005).
c. Liên kết trong phát triển nuôi cá lồng trên sông
Trong nền kinh tế thị trường, trước bối cảnh biến động phức tạp về chính trị, kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước, đã ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sản xuất kinh doanh của nước ta. Tình trạng giá đầu vào sản xuất cao, giá sản phẩm bán ra thấp, khó khăn trong tiêu thụ đang diễn ra thì việc liên kết trong sản xuất kinh doanh là hết sức quan trọng và cần thiết. Nó góp phần xóa bỏ tình trạng sản xuất đơn lẻ, phân tán, cắt khúc trong sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu tình hình liên kết trong phát triển nuôi cá lồng trên sông chính là việc tìm hiểu các hoạt động liên kết trong quá trình đưa các yếu tố đầu vào chăn nuôi và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm. Liên kết trong đưa các đầu vào sản xuất là số hộ liên kết với nhau, số doanh nghiệp liên kết, liên kết đầu tư như thế nào, các hộ liên kết như thế nào khi mua giống, thức ăn, thú y...liên kết trong quá trình chăn nuôi như chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp nhau trong quá trình xây dựng mô hình chăn nuôi...(Nguyễn Quang Linh và cs., 2006).