Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông tại huyện nam sách, tỉnh hải dương (Trang 39 - 42)

Phần 3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Đặc điểm địa bàn nghiên cứu

3.1.1. Điều kiện tự nhiên

Huyện Nam sách nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương, cách trung tâm của tỉnh (thành phố Hải Dương) khoảng 6 km và thành phố Hải Phòng 41 km theo quốc lộ 5A. Diện tích tự nhiên của huyện là 111,005 km2 chiếm 6,5% diện tích tự nhiên của tỉnh Hải Dương. Toàn huyện có 18 xã, 1 thị trấn, trong đó bao gồm 102 thôn. Về địa giới hành chính của huyện, cụ thể:

- Phía Bắc giáp thị xã Chí Linh;

- Phía Đông giáp huyện Kinh Môn và huyện Kim Thành;

- Phía Nam giáp huyện Thanh Hà và thành phố Hải Dương;

- Phía Tây giáp huyện Cẩm Giàng và huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh).

Hình 3.1. Bản đồ tỉnh Hải Dương và huyện Nam Sách

Nguồn: Chi cục thống kê huyện Nam Sách (2016)

Nam Sách có vị trí địa lý tương đối thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với các vùng trong và ngoài tỉnh do nằm trên trục giao thông sắt, thuỷ bộ nối liền tam giác kinh tế trọng điểm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh như tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Quốc lộ 5A nối liền từ thủ đô Hà Nội- thành phố cảng Hải Phòng, quốc lộ 37 nối thành phố Hải Dương với huyện Chí Linh là hai khu vực phát triển kinh tế năng động nhất Hải Dương…tạo điều kiện thuận lợi cho huyện tiếp nhận thông tin kinh tế thị trường, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư phát triển sản xuất hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm (UBND huyện Nam Sách, 2016).

Địa hình tương đối bằng phẳng cùng với đặc trưng thổ nhưỡng là đất phù sa, thuận lợi cho việc thâm canh cây lúa nước, cây ăn quả và các loại rau màu thực phẩm khác. Khí hậu Nam Sách thuận lợi cho phát triển một hệ sinh thái đa dạng và bền vững, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nói chung. Khí hậu và số giờ nắng trong năm tương đối thích hợp cho việc canh tác 3 vụ trong năm tạo cho huyện có lợi thế về phát triển nông nghiệp thâm canh, năng suất cao.

Trên địa bàn huyện có nhiều vùng đất trũng, điều kiện thuỷ văn tương đối thuận lợi, tạo kiện nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi cá lồng trên sông.

Nam Sách nằm dọc quốc lộ 37 nối quốc lộ 5 và tỉnh lộ 390. Những thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sông tạo điều kiện cho huyện giao lưu kinh tế - văn hoá với bên ngoài.

3.1.1.2. Thời tiết và khí hậu

- Nhiệt độ: huyện Nam Sách nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc trưng nóng ẩm, mưa vào mùa hè và hanh khô vào mùa đông, cuối mùa thường có gió bão gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Mùa đông khô lạnh, có những ngày nhiệt độ xuống thấp xuất hiện sương muối gây tác động tới sản xuất nông nghiệp, cuối mùa đông có mưa phùn, độ ẩm không khí cao. Nhiệt độ trung bình khoảng 23,9oC. Sự thay đổi nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá lớn. Nhiệt độ tháng nóng nhất (tháng 6, 7, 8) có ngày lên đến 36-37oC, trong khi đó nhiệt độ tháng lạnh nhất (tháng 12,1) có ngày xuống tới 6-7oC. Tổng lượng nhiệt cả năm khoảng 8.500oC.

- Lượng mưa: tổng lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 1.770 mm, năm cao nhất lên tới 2.311 mm và năm thấp nhất là 1.264 mm và phân bố không đều theo thời gian. Lượng mưa tập trung chủ yếu vào các tháng 5, 6, 7, 8 (tháng 8 có

lượng mưa cao nhất 476mm) nên thường gây ra tình trạng úng lụt vào những tháng này. Trong khi đó, tháng 2, 3 có lượng mưa khá thấp, chỉ đạt 14 mm, cá biệt có những năm chỉ đạt 6mm (UBND huyện Nam Sách, 2016).

- Nguồn nước mặt: trên địa bàn huyện Nam Sách có Sông Thái Bình và một nhánh của sông Thái Bình là sông Kinh Thầy chảy qua, bao bọc lấy ba mặt chính: Tây, Bắc và Đông của huyện. Hàng năm lưu lượng chảy của hai con sông này đạt 700 - 800 triệu m3 nước, mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho huyện, cung cấp nước tưới cho hàng ngàn ha đất canh tác, bồi đắp phù sa cho đồng ruộng và là các tuyến đường thuỷ quan trọng của tỉnh. Nam Sách nằm ngoài khu vực trị thuỷ sông Hồng, lại ảnh hưởng của thuỷ triều, do đó mực nước của 2 con sông Thái Bình và sông Kinh Thầy dâng lên cao vào những tháng 7, 8, làm cho chênh lệch giữa Phả Lại (đầu nguồn) và Bá Nha (cuối nguồn) cao, xấp xỉ 3 mét. Tuy nhiên, mưa lớn và tập trung vào vài tháng trong năm tạo ra mất cân đối nước cục bộ theo thời gian, gây ra tình trạng úng lụt và hiện tượng lở ở một số đoạn sông. Các tháng 7, 8, 9 mưa nhiều, cường độ lớn gây ngập úng ở một số xã vùng trũng và ven sông, ảnh hưởng nhiều đến sản xuất vụ mùa. Điều này đặt ra nhiệm vụ cho huyện phải thường xuyên đối phó với nguy cơ úng lụt.

Ngoài nguồn nước mặt của 2 con sông, Nam Sách còn có hàng trăm km sông trung thủy nông và đều bắt nguồn từ các cống hoặc trạm bơm góp phần điều tiết chế độ tưới tiêu cho hàng ngàn ha đất nông nghiệp của huyện và khoảng trên 1.000 ha ao hồ, đầm các loại với trữ lượng nước khá lớn, không chỉ phục vụ cho các nhu cầu nước tại chỗ mà còn có ý nghĩa lớn đối với phát triển, nuôi trồng thuỷ sản.

- Nguồn nước ngầm: theo kết quả khảo sát sơ bộ, nước ngầm có trữ lượng lớn, phân bố ở độ sâu 15-25m, song chất lượng không được tốt vì có nhiều tạp chất nhất là sắt, magiê, mangan... Chất lượng nước ở các xã phía Bắc như Quốc Tuấn, Hợp Tiến, Hiệp Cát, Nam Hưng, Nam Tân có chất lượng tốt hơn, tổng độ khoáng cao, hàm lượng các ion: Na+ 1,64; Cl- 2,19, nước lợ, tanh, độ cứng cao, cần phải có quy trình xử lý chặt chẽ trước khi đưa vào cho sản xuất và sinh hoạt..

Theo một tài liệu địa chất, nếu khai thác nước ở tầng chứa nước cuội sỏi Pleixtoxen và tầng chứa nước Plioxen (N2) thì có thể đáp ứng nước với trữ lượng 20.000 m3/ngày đêm (UBND huyện Nam Sách, 2016).

Nhìn chung, lượng nước ngầm của huyện tương đối dồi dào, đủ cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đây là nguồn nước dự trữ trong tương lai của huyện cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho phát triển công nghiệp.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển nuôi cá lồng trên sông tại huyện nam sách, tỉnh hải dương (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)