Trong giai đoạn 2014 – 2016, tổng diện tích nuôi cá tra trung bình tại hai tỉnh Bến Tre và An Giang là 999 ha, chiếm 20% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước; tổng sản lượng cá tra thu hoạch được là 220.015 tấn, chiếm 19% tổng sản lượng cá tra của cả nước, cụ thể như sau:
2.4.1. Tình hình nuôi cá tra giai đoạn 2014 - 2016 2.4.1.1. Tình hình sản xuất, nuôi cá tra tại tỉnh Bến Tre
- Về nuôi cá tra thương phẩm: Trong các năm 2014 - 2016, diện tích nuôi cá tra ở Bến Tre tăng so với cùng kỳ các năm trước, cụ thể: năm 2014, diện tích nuôi cá tra là là 711 ha, năm 2015 là 730 ha và năm 2016 đạt 760 ha. Cá tra được nuôi tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Lách, Châu Thành, Giồng Trôm và Bình Đại. Về sản lượng, năm 2015 tăng so với 2014 là 6,74% nhưng năm 2016 lại giảm 1,64% so với 2015 cụ thể, sản lượng cá tra năm 2016 toàn tỉnh đạt 167.212 tấn trong khi năm 2015 đạt 170.000 tấn.
- Về sản xuất cá tra giống: Trên địa bàn tỉnh, số cơ sở sản xuất cá tra giống giảm dần qua các năm, từ 2014 với 05 cơ sở, 2015 có 4 cơ sở và 2016 chỉ còn 3 cơ sở sản xuất giống cá tra chất lượng cao để cung ứng cho các vùng nuôi của doanh nghiệp, hộ nuôi. Nguyên nhân là do giá cá tra giống liên tục ở mức thấp trong những năm qua. Mặc dù giống cá tra sản xuất trong tỉnh chỉ đáp ứng 7,6% so với nhu cầu của các khu nuôi trong tỉnh. Vì vậy, phần lớn phải thu mua
con giống từ các tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang,…để thả nuôi.
Các cơ sở nuôi cá tra ở Bến Tre chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư với quy mô lớn. Tính đến hết 2016, toàn tỉnh đã có 33 khu sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo các tiêu chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, AquaGAP), với tổng diện tích mặt nước 243,1 ha. Trong đó có 02 khu sản xuất giống cá tra, với diện tích 12,4 ha và 21 khu nuôi cá tra thâm canh, với diện tích mặt nước 230,7 ha, chiếm khoảng 43%
tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch năm 2017, diện tích nuôi dự kiến là 770 ha với năng suất khoảng 175.000 tấn (Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, 2014; Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, 2015; Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, 2016).
2.4.1.2. Tình hình sản xuất, nuôi cá tra tại tỉnh An Giang
- Về nuôi cá tra thương phẩm: Diện tích nuôi cá tra của An Giang tương đối ổn định qua các năm từ 2014 – 2016, năm 2014: diện tích nuôi là 1218 ha, 2015 tăng 75 ha so với 2014 và 2016 đạt 1281 ha. Cá tra được nuôi ở tất cả các huyện, thị và thành phố thuộc tỉnh An Giang, tập trung chủ yếu ở 5 huyện, gồm:
Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn và Phú Tân. Sản lượng cá tra cao nhất là năm 2014 với 308.425 tấn. Riêng diện tích sản xuất giống cá tra năm 2016 ước đạt 398,36 ha, bằng 85,59% so với cùng kỳ năm 2015, sản lượng con giống cá tra sản xuất năm 2016 ước đạt 385 triệu con, bằng 82,26% (giảm 83 triệu con so với năm 2015). Hiện nay, toàn tỉnh có 28 cơ sở/vùng nuôi và 165,26 ha được chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng GAP (Chi cục Thủy sản An Giang, 2017).
- Về sản xuất cá tra giống: An Giang có 16 cơ sở sản xuất cá tra bột với tổng đàn cá tra bố mẹ là 23.743 con, công suất sản xuất 2.200 triệu cá tra bột/năm cung cấp đủ nhu cầu ương nuôi trong tỉnh và cung cấp số lượng lớn cho các tỉnh lân cận thuộc khu vực ĐBSCL. Đàn cá tra bố mẹ hậu bị được nhập từ Cambodia và 4.000 con từ Viện Nghiên cứu NTTS II (Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, 2014). Năm 2016, tổng đàn cá tra F1 nhận từ Viện Nghiên cứu NTTS II hiện nay còn lại là 3.969 con. Do giá cá giống xuống rất thấp người ương nuôi không có lãi, không tiêu thụ được cá tra giống nên các cơ sở sản xuất cá tra bột tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng để giữ khách hàng, một số cơ sở
thiếu vốn đầu tư nuôi vỗ nên cho cá tra bố mẹ ăn cầm chừng để chờ giá và không thực hiện đúng theo quy trình nuôi vỗ đàn cá tra bố mẹ nên ảnh hưởng đến chất lượng cá tra bột sản xuất (Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, 2016).
2.4.2. Tình hình dịch bệnh trên cá tra giai đoạn 2014 – 2016
Phân tích số liệu về dịch bệnh trên cá tra do các tỉnh báo cáo về Cục Thú y trong giai đoạn 2014 - 2016 cho thấy một số đặc điểm dịch tễ như sau:
Trong các năm 2014 - 2016, dịch bệnh trên cá tra đã xuất hiện tại 71 xã của 21 huyện tại 5 tỉnh: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang và Hậu Giang với tổng diện tích bị thiệt hại là 356,69 ha, số liệu cụ thể được tóm tắt thể hiện ở Bảng :
Bảng 2.4. Tình hình dịch bệnh trên cá tra ở các địa phương giai đoạn 2014 - 2016.
Các thông số theo dõi Năm
2014 2015 2016
Số tỉnh có dịch 5 4 5
Số huyện có dịch 25 24 21
Số xã có dịch 95 89 71
Tổng diện tích thiệt hại (ha)* 1.513,13 550,96 356,69
Ghi chú: Có một số diện tích nuôi bị từ 2 bệnh/nguyên nhân trở lên, do vậy có sự sai khác giữa tổng diện tích bị bệnh theo từng nguyên nhân với tổng diện tích thiệt hại thực tế.
Năm 2016, cả nước có 79,26 ha cá tra bị bệnh gan thận mủ, trong đó tại An Giang 62,66 ha nuôi cá tra thương phẩm và 2,2 ha ương giống; Đồng Tháp là 8,2 ha trong đó có 1,7 ha ương giống, Bến Tre là 1,1 ha, Hậu Giang là 4,5 ha và Tiền Giang có 0,6 ha. Bệnh xuất huyết xảy ra tại 313,21 ha nuôi cá tra, trong đó tại An Giang là 123,10 ha thương phẩm và 7,7 ha ương giống; Đồng Tháp là 81,41 ha (trong đó 26,08 ha ương giống) và Hậu Giang là 01 ha. Bệnh ký sinh trùng được báo cáo xuất hiện trên diện tích 79,89 ha, cụ thể Đồng Tháp có 79,49 ha bị bệnh (gồm 24,53 ha ương giống) và An Giang là 0,4 ha.
Ngoài ra, có một số bệnh xảy ra trên diện hẹp gây thiệt hại không đáng kể như bệnh vàng da đã gây thiệt hại cho 15 ha và bệnh chướng hơi xuất hiện trên 01 ha nuôi cá tra tại tỉnh Đồng Tháp; bệnh trắng gan, trắng mang xuất hiện tại 5,39 ha, trong đó An Giang (5,19 ha) và Đồng Tháp (0,2 ha). Thiệt hại không rõ nguyên nhân được báo cáo trên diện tích 1,26 ha nuôi cá tra thương phẩm tại
Đồng Tháp (0,01 ha) và Bến Tre (1,25 ha). Có 0,4 ha nuôi cá tra thương phẩm tại Hậu Giang bị thiệt hại do các yếu tố môi trường.
Nhận định: So với cùng kỳ năm 2015, diện tích thiệt hại trên cá tra năm 2016 giảm 35,26% về diện tích bị bệnh và phạm vi hẹp hơn 1,25 lần.
2.4.2.1. Phân tích đặc điểm dịch tễ theo không gian
* Tại tỉnh Bến Tre
Trong 3 năm 2014 - 2016 hầu như không có báo cáo về dịch bệnh cá tra tại Bến Tre (duy nhất năm 2016 có thông báo về xuất hiện 01 ổ dịch gan thận mủ ở huyện Bình Đại). Việc không báo cáo dịch bệnh cá tra không phải do tại địa phương không xuất hiện bệnh mà do (1) Chi cục Chăn nuôi và Thú y (trước đây là Chi cục Thú y) mới nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý thú y thủy sản nên việc tiếp cận còn hạn chế; (2) Không bố trí kinh phí cho hoạt động giám sát chủ động, đặc biệt đối với dịch bệnh trên cá tra; (3) Nuôi cá tra ở Bến Tre chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, đầu tư khép kín trong một khu vực riêng và “chưa có thói quen” khai báo dịch bệnh với cơ quan quản lý địa phương.
* Tại tỉnh An Giang
Theo báo cáo tổng hợp từ Chi cục Thú y tỉnh An Giang, từ năm 2014 - 2016 tại An Giang bệnh gan thận mủ xảy ra ở 46 xã, 10 huyện với tổng diện tích 212,87 ha; bệnh xuất huyết xảy ra ở 58 xã thuộc 10 huyện với tổng diện tích 588,35 ha.
2.4.2.2. Phân tích đặc điểm dịch tễ theo thời gian, đối tượng
Do thông tin báo cáo dịch bệnh của tỉnh Bến Tre thiếu nên ở đây chúng tôi chỉ tập trung phân tích đặc điểm dịch tễ của tỉnh An Giang.
Dịch bệnh trên cá tra xuất hiện quanh năm, thường bắt đầu từ lúc thả cá được 2 ngày tuổi (đối với bệnh XH) và 7 ngày tuổi sau thả (đối với bệnh GTM) đến khi thu hoạch (trên 270 ngày tuổi). Tỷ lệ mắc cao nhất là cá ở giai đoạn từ 30 - 60 ngày tuổi.
Bảng 2.5. Tần suất báo cáo bệnh gan thận mủ và xuất huyết tại An Giang từ năm 2014 - 2016.
Huyện
Bệnh gan thận mủ Bệnh xuất huyết Báo cáo Tần suất
(lần/tháng) Báo cáo Tần suất (lần/tháng)
An Phú 34 0,94 32 0,89
Châu Phú 33 0,92 59 1,64
Châu Thành 12 0,33 96 2,67
Chợ Mới 46 1,28 25 0,69
Phú Tân 47 1,31 170 4,72
Thoại Sơn 33 0,92 14 0,39
TP. Châu Đốc 8 0,22 36 1,00
TP. Long Xuyên 2 0,06 60 1,67
TX. Tân Châu 4 0,11 20 0,56
Tổng 219 6,08 512 14,22
Kết quả
Bảng 2.5 cho thấy tần suất xuất hiện bệnh gan thận mủ trong 3 năm từ 2014 - 2016 là 6 lần/tháng, ở các huyện khác nhau tần suất xuất hiện cũng khác nhau, cao nhất ở huyện Phú Tân (An Giang), là một trong hai huyện triển khai đề tài với tỷ lệ 1,31 lần/tháng. Riêng tại huyện Châu Phú, tần suất xuất hiện là 0,92 lần/tháng. Đối với bệnh xuất huyết, tần suất xuất hiện bệnh cao hơn, với tỷ lệ 14,22 lần/tháng, trong đó hai huyện Châu Phú và Phú Tân xuất hiện từ 1,64 - 4,72 lần/tháng.