PHẦN 4. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.1. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA HUYỆN NẬM NHÙN, TỈNH LAI CHÂU
4.1.2. Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội
Kinh tế có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2016: Nông nghiệp chiếm 30,0%; công nghiệp, xây dựng 38,3%; dịch vụ 37,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 16,0 triệu đồng.
a. Sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
* Trồng trọt:
- Cây lương thực: Năm 2016 tổng diện tích gieo trồng đạt 3.601 ha, bằng 101,7% kế hoạch, giảm 51 ha so với năm 2015; sản lượng ước đạt 10.901 tấn, bằng 104,4% kế hoạch, tăng 344 tấn so với năm 2015.
- Cây công nghiệp ngắn ngày: Năm 2016 tổng diện tích gieo trồng 196,5 ha, trong đó: Cây lạc 90 ha, đạt 100% kế hoạch; cây đậu tương 106,5 ha, bằng 98% kế hoạch.
- Khai hoang: Năm 2016 công tác khai hoang được triển khai tại 10/11 xã, thị trấn với diện tích khai hoang 66,9/60 ha, đạt 112% kế hoạch.
* Chăn nuôi, thú y:
UBND huyện đã chủ động chỉ đạo các xã, thị trấn phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm, tuy nhiên do nhiệt độ xuống thấp, rét hại kèm băng giá ở vùng cao đã làm chết 108 con gia súc, tổng thiệt hại ước tính 1,4 tỷ đồng, huyện đã hỗ trợ 04 triệu đồng/1 con trâu, bò, 02 triệu đồng/1 con dê.
Công tác tiêm phòng vacxin định kỳ trên địa bàn toàn huyện được đảm bảo.
Tổng số liều đã cấp 58.895 liều, tổng số liều tiêm được 56.048 liều, tỷ lệ tiêm phòng đạt 95,2%. Thực hiện phun 334 lít thuốc khử trùng, tiêu độc 465.000 m2 trên địa bàn huyện. Công tác kiểm dịch được thực hiện chủ yếu tại điểm chợ trung tâm huyện.
Tổng đàn gia súc toàn huyện ước đạt 30.697 con, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, bằng 106,4% kế hoạch; đàn gia cầm 123.814 con, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 108% kế hoạch.
* Thủy sản:
Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 49 ha phân tán nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ gia đình, chưa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Công tác quản lý khai thác đánh bắt thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu được thực hiện nghiêm túc, sản lượng đánh bắt tự nhiên hàng tháng trên 15 tấn.
* Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới:
Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng NTM năm 2016; hướng dẫn, đôn đốc Ban Chỉ đạo các xã hoàn thiện việc thành lập Văn phòng điều phối NTM cấp xã; lựa chọn, đăng ký danh mục, phân bổ và triển khai xây dựng NTM từ nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, trong đó tập trung chỉ đạo ưu tiên bố trí lồng ghép các nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới tại xã Mường Mô. Đến nay bình quân toàn huyện đạt 11,8 tiêu chí/1 xã, ước cả năm đạt 12,8 tiêu chí/xã, tăng 1,5 tiêu chí so với cuối năm 2015.
b. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2016 đạt 941 tỷ đồng. Một số sản phẩm công nghiệp chính như: Đá đen 378 nghìn viên, đá xây dựng 74,8 nghìn m3, gạch xi măng 2,6 triệu viên, nước máy sản xuất 273,4 nghìn m3.
Tiếp tục quan tâm phát triển ngành, nghề truyền thống, khuyến khích các hoạt động sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng sẵn có tại địa phương như: Đá các loại, cát các loại, gỗ các loại.
c. Ngành thương mại, dịch vụ
Thành lập đoàn liên ngành kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, không để xảy ra hiện tượng ép giá, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, mất vệ sinh an toàn thực phẩm,... Nhìn chung các mặt hàng thiết yếu cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nhân dân, không có sự biến động lớn về giá cả. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2016 đạt 86,3 tỷ đồng. Các ngành dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch tiếp tục phát triển, chất lượng từng bước được nâng cao, doanh thu ngành vận tải ước đạt 5,1 tỷ đồng.
d. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
Là huyện mới được thành lập trên cơ sở 10 xã nghèo trong Chương trình 135 nên cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội rất thiếu, yếu kém, nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Đến nay, 7/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 60%
(42/70) thôn, bản có đường xe máy đi lại thuận tiện. Nhiều bản vùng cao, biên giới trên địa bàn huyện chưa có đường giao thông để khai thác phát triển. Trên địa bàn huyện có 9/11 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; còn 2 xã chưa có điện lưới quốc gia ( Nậm Chà và Trung Chải); 45% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ phòng học được kiên cố, bán kiên cố đạt 83,30%. Toàn huyện có 02/11 xã, thị trấn có nhà văn hóa (chiếm 18,2%) và 25 nhà văn hóa thôn, bản (chiếm 33,78%) đã được đầu tư; 11/11 xã, thị trấn chưa có khu thể thao xã, thôn, bản. 85%
số hộ khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
4.1.2.2. T hực trạng phát triển một số lĩnh vực văn hóa - xã hội a. Giáo dục và đào tạo
Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên: Trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 96,6%; hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,3%; học sinh công nhận tốt nghiệp THCS 100%, tốt nghiệp THPT 99,7%; 18 học sinh trúng tuyển vào các trường Cao đẳng, Đại học. Duy trì ổn định trường, lớp học theo kế hoạch phát triển giáo dục - đào tạo năm học 2015-2016; học sinh 5 tuổi ra lớp, 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%. Tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học, phổ cập giáo dục Trung học cơ sở 11/11 xã, thị trấn.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện đảm bảo theo kế hoạch. Trong năm, huyện cử 05 công chức tham gia lớp chuyên viên chính, trình thường trực
Tỉnh ủy về việc học Thạc sỹ quản lý kinh tế cho 02 cán bộ; 101 cán bộ, công chức, viên chức học lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên tại huyện.
b. Công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân: Được tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, đã khám chữa bệnh cho trên 40.557 lượt người, đạt 70% kế hoạch, ước thực hiện cả năm 45.000 lượt người đạt 77,5% kế hoạch.
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế: Tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Triển khai chiến dịch phòng, chống sốt rét. Công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở; kiện toàn Ban Chỉ đạo vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm 11/11 xã, thị trấn. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản được quan tâm thường xuyên.
Công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình: Hướng dẫn các xã, thị trấn lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động truyền thông thường xuyên, truyền thông trọng điểm hưởng ứng các sự kiện lớn về dân số. Tổng số buổi tuyên truyền 292 buổi với 10.200 lượt người tham gia.
c. Phát triển văn hóa - thể thao, thông tin và truyền thông
Hoạt động văn hóa - thể dục, thể thao: Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã triển khai sâu rộng tại các xã, bản và khu công sở, trường học. Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa năm 2016 được triển khai rộng khắp. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn, tổ chức thành công ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc và các hoạt động chào mừng các ngày lễ, ngày tết.
Thông tin truyền thông: Công tác thông tin tuyên truyền, cổ động được triển khai thường xuyên thông qua các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai sâu rộng và hiệu quả.
Phát thanh, truyền hình: Số giờ tiếp sóng Đài tiếng nói Việt Nam trên hệ thống loa truyền thanh 1.286 giờ; tiếp và phát chương trình Đài tỉnh 136 giờ. Tiếp, phát sóng truyền hình VTV1 - VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam, HTV7 và kênh LTV của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Lai Châu 16.030 giờ; sản xuất và phát sóng được 24 chương trình truyền hình địa phương với thời lượng 15 giờ 45 phút;
sử dụng 240 tin, bài, phóng sự truyền hình.
d. Giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội, giảm nghèo
Nậm Nhùn có 13.290 lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, chiếm 46,20% dân số. Lao động trong nông, lâm và thủy sản là 10.300 người, chiếm 77,50% tổng lao động đang làm trong các ngành kinh tế; lao động công nghiệp - xây dựng là 690 người, chiếm 5,2%; lao động trong các ngành dịch vụ là 2.300 người, chiếm 17,30% trong tổng số lao động đang làm trong các ngành kinh tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc đạt 31,70%. Số lao động được đào tạo, tập huấn hàng năm đạt trên 350 người. Số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm đạt trên 500 lao động.
Các chính sách của Trung ương và tỉnh hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi được thực hiện có hiệu quả đã góp phần quan trọng cho công tác giảm nghèo và thoát nghèo bền vững;
người nghèo đã có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội, phát triển sản xuất, tạo thu nhập. Tỷ lệ số hộ nghèo theo chuẩn mới giảm khá nhanh, từ 36,30% năm 2014 xuống còn 30,40% năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 5,9%/năm.
e. Công tác dân tộc, tôn giáo
Đoàn kết các dân tộc được giữ vững và phát huy. Chính sách dân tộc được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giáo dục - đào tạo, cử tuyển đào tạo chuyên nghiệp cho con em đồng bào các dân tộc. Chú trọng công tác cán bộ người dân tộc thiểu số. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc được cải thiện, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy. Nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.