CHƯƠNG 2. NGUỒN LỰC VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG BẢN TẢ VAN HUYỆN SAPA – TỈNH LÀO CAI
2.2. Tiềm năng du lịch của bản Tả Van Huyện Sapa
2.2.2. Tài nguyên du lịch văn hóa
Tài nguyên du lịch văn hóa là những giá trị quý cho phát triển du lịch. Các tài nguyên này bao gồm những giá trị văn hóa vật thể như di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ, những sản phẩm thủ công truyền thống... Những giá trị văn hóa phi vật thể như văn nghệ dân gian, lễ hội... thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương. Tài nguyên du lịch văn hóa tại bản Tả Van hiện nay bao gồm các loại hình như: Tài nguyên du lịch – lễ hội, tài nguyên du lịch nghề thủ công truyền thống, tài nguyên du lịch kiến trúc nhà ở và tài nguyên ẩm thực. Tả Van là bản có nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống mỗi tộc người lại có nét văn hóa và tín ngưỡng riêng giúp cho tài nguyên văn hóa ở đây trở lên phong phú, đa dạng, đặc sắc,...
− Du lịch lễ hội:
Trong một năm, ở Tả Van có nhiều lễ Tết như: Tết tháng Giêng “đươn xiêng”;
Tết tháng 7; Tết mồng 3/3, 4/4; Rằm tháng 5; Rằm tháng 8; Tháng 9 ăn cơm mới; Tháng 10 làm bánh dày kết thúc mùa vụ; Tháng 11 đón Tết Đông chí và đặc biệt nhất là Lễ hội Xuống đồng “Roóng poọc” tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng. Trong tháng Tết, từ mồng 10 tháng Giêng trở đi chính quyền bàn với người già về ngày xuống đồng, sau khi thống nhất ngày, người ta cử một người già đứng ra chủ trì, rồi họp dân đóng góp để mua một con lợn, 1 đôi gà, 5 cân gạo nếp, 5 lít rượu, 1 cân cá tươi, 5 quả trứng, hương vàng… làm đồ cúng tế, trả thù lao cho thầy mo. Mức đóng góp chia đều cho các hộ gia đình. Tại một cánh đồng trước làng, người ta đặt bàn thờ cúng thần làng chung, còn lại các gia đình đều có mâm cúng riêng. Mâm cúng của gia đình chủ yếu là bánh trái, thịt gà hay cá, trứng. Người ta đặt cột nêu có vòng nhật nguyệt với hình âm dương. Khi xong lễ các cụ bà ném còn tượng trưng, sau đó là người đi lễ hội ném còn sao cho thủng vào vòng nguyệt, tiếp là hạ nêu, trao thưởng người ném chúng, kéo co là kết thúc lễ hội.
− Nghề thủ công truyền thống:
May mặc, đan lát chế tác các vật phẩm bằng kim loại hoặc gỗ, đồ trang sức, làm đồ gốm... là những nghề có ở địa phương, thường thì mỗi tộc người có những bí kíp nghề riêng. Người Mông trồng cây gai, lấy sợi nhuộm màu chàm để dệt thành quần áo mặc. Các tộc người ở đây đều nuôi tằm lấy sợi để thêu thùa. Sợi và vải dệt truyền thống có nhiều ở các chợ phiên như Bắc Hà và Sapa. Tuy nhiên, gần đây do sự phát triển du lịch và nhu cầu mua sắm của du khách tăng cao, nên đã có hiện tượng làm giả thổ cẩm
bằng cách mua hàng dệt sẵn bằng máy bên Trung Quốc rồi về cắt may các sản phẩm để bán cho du khách. Việc này có thể làm mất đi hình ảnh của du lịch Lào Cai.
− Các dân tộc thiểu số sinh sống:
+ Người Giáy:
Người Giáy sống ở bản Tả Van Giáy. Nhà của người Giáy có hơn 140 hộ dân.
Nhà được dựng bên cạnh triền dốc thoai thoải theo ruộng bậc thang. Nhà của người Giáy có cả nhà sàn và nhà đất, với gian giữa là nơi trang nghiêm để đặt bàn thờ tổ tiên và tiếp khách. Ông Hoàng Mục, người cao tuổi trong bản Tả Van, cho biết đến nay người Giáy vẫn sống trong những ngôi nhà truyền thống của dân tộc. Ở Tả Van, những ngôi nhà có tuổi đời từ 80 đến 100 tuổi như nhà ông Hoàng Mục còn rất ít: “Ngày xưa lúc làm cái nhà này tôi chưa được sinh ra, nhà có từ thời bố tôi. Bố tôi sinh năm 1910, năm 1930 ông dựng cái nhà này. Tôi là con út thì lại được ở ngôi nhà này. Ở đây nhà làm mới hết, nhà nào lâu thì chỉ đến 30-40 năm. Nhà người Giáy có chiều cao tính từ nền đất nên xà ngang , ngày xưa người ta chỉ làm 1,8m trở lại. Còn chiều rộng làm khoảng 9-10m. So với người Mông từ nền tới xà xuống rất thấp có nhiều nhà phải đi khom người còn nhà người Giáy thì làm phải đi thoải mái, không chạm đầu. Nhà có 3 gian. Hai gian bên cạnh nhỏ hơn gian giữa. Tiếp khách thì ở gian giữa.”
Phong tục lễ hội của người Giáy:
Người Giáy cũng ăn tết theo âm lịch, trùng với Tết Nguyên Đán. Mỗi năm, sắp đến ngày tết, người Giáy làm các món bánh truyền thống như bánh bổng, bánh khảo để cúng bàn thờ tổ tiên và để ăn trong những ngày đầu năm mới. Từ chiều 30 tết, mọi người tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo mới chuẩn bị đón tết. Hương, nến được thắp lên và giữ liên tục không được tắt cho đến lúc lễ hóa vàng xong. Như nhiều dân tộc khác, người Giáy cũng có tục đón linh hồn tổ tiên về trước giao thừa và cúng lễ hóa vàng (những vật phẩm cúng lễ bằng giấy như quần áo, tiền, vàng mã được đốt đi) để tiễn ông bà về trời.
Tuy nhiên, người Giáy có nhiều dòng họ khác nhau, lễ hóa vàng của mỗi dòng họ cũng có sự khác biệt. Chẳng hạn họ Vương (Vàng) và một số họ khác làm lễ hóa vàng vào chiều mùng 1 tháng giêng, người họ Sầm (Sần) thì phải đến tận ngày mùng 3.
Trang phục:
Trang phục Giáy được chọn chủ yếu là ở trang phục nữ với loại áo ngắn xẻ nách viền cổ trang trí đậm nét. Một số tộc người ở nước ta (phía bắc) có mặc loại áo xẻ nách
Trang 30
(thường là áo dài), số áo ngắn loại này không nhiều như người Nùng... Tuy nhiên đây là loại áo với kỹ thuật "xẻ nách" và phong cách trang trí ở đường viền cổ, tuy không cầu kỳ nhưng là một sắc thái riêng cho loại áo này về kỹ thuật và mỹ thuật.
+ Người H’mong
Phong tục lễ hội, đời sống văn hóa:
Người H’mông có đời sống văn nghệ khá phong phú, đặc biệt là văn học truyền miệng có rất nhiều thể loại, như Truyện thần thoại về anh hùng văn hóa tìm ra loại giống và dạy người H’mông cách trồng ngô, lúa, trồng lanh làm vải mặc… Truyện cổ tích về các con vật chiếm khá nhiều, đặc biệt là truyện về hổ…
Người H’mông say đắm dân ca dân tộc mình, đó là Tiếng hát tình yêu (gầu plềnh), Tiếng hát cưới xin (gầu xuống)… mà họ thường hát khi lao động nương rẫy, trong lúc se sợi dệt vải, trong khi đi chợ, đi hội.
Trang phục:
Tộc người H’Mông sinh sống chủ yếu ở Sapa là người H’Mông Đen do quần áo của họ toàn màu đen nhưng trang phục của họ lại khác hẳn người H’Mông Đen ở nơi khác, vì thế thường được gọi là người H’Mông Sapa. Người đàn ông thường mặc quần màu đen hoặc xanh đen (màu chàm) giống nhau, áo cánh ngắn tay bên ngoài khoác áo không tay kiểu như áo gilê có vạt dài quá mông. Trên đầu đội một cái mũ bé tí, tròn, nông, ôm lấy đỉnh đầu trông như cái mũ của Giáo hoàng, có chiếc đen tuyền, có chiếc còn viền một vòng thêu thổ cẩm. Mũ của đám con trai còn được khâu thêm vào các dải vải màu hoặc các đồng tiền lủng lẳng.
Phụ nữ H’mông Sapa mặc quần ống ngắn và hẹp, áo khoác ngoài kép xẻ ngực cổ cứng thiêu hoa văn. Người phụ nữ Mông không sử dụng quần dài mà thay vào đó là xà cạp được quấn quanh phần bắp chân đến mắt cá chân, lý giải cho việc đó là môt phần tạo nên bộ trang phục thêm phần đặc sắc hơn, cũng là thứ để bảo vệ đôi chân khi leo núi, làm nương không bị xẻ và giữ ấm cho đôi chân.
Văn nghệ dân gian các dân tộc ở Tả Van rất phong phú và đa dạng gồm nhiều truyện cổ tích; câu đố và tục ngữ có nhiều bài vè đố vui, đố cây cỏ, vật dụng trong gia đình, các hiện tượng thiên nhiên… hay những câu tục ngữ để răn dạy con trẻ, đối đáp trao đổi những việc hệ trọng và cũng là tiêu chí ứng xử trong xã hội… Ngoài ra còn hơn 10 bài dân ca đám cưới, trên 300 bài hát giao duyên và 15 bài trong tiệc rượu…