Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê, NXB Đà Nẵng, trang 148), “Kế hoạch là toàn bộ những điều vạch ra một cách có hệ thống với những công việc dự định làm trong một thời gian nhất định với mục tiêu, cách thức, trình tự, thời hạn tiến hành.”
Theo đó, có thể quan niệm Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề là một kịch bản dự kiến do giáo viên thiết kế bao gồm toàn bộ công việc của thầy và trò trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục của chủ đề nhằm giúp người học đáp ứng các mục tiêu dạy học đã đề ra.
Như vậy, Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề chính là sự hình dung kịch bản lên lớp của mỗi GV với một đối tượng HS cụ thể và một nội dung giáo dục cụ thể (một chủ đề) trong một không gian và thời gian cụ thể cũng như lựa chọn phương pháp, hình thức tổ chức và hình thức đánh giá phù hợp với yêu cầu cần đạt, năng lực, phẩm chất tương ứng trong Chương trình Hoạt động trải nghiệm nói riêng và Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nói chung. Vì thế, Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề là sản phẩm cá nhân. Không nên yêu cầu có một kế hoạch mẫu, chung cho tất cả mọi GV mà chỉ cần thống nhất một số yêu cầu cốt lõi cần có, đó là:
Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề là bản dự tính của giáo viên về : – Những mục tiêu học sinh cần đạt được sau quá trình hoạt động (Yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực).
- Các Hoạt động trải nghiệm sẽ tổ chức cho HS. Mỗi hoạt động bao gồm: Tên hoạt động, mục tiêu hoạt động, những điều cần chuẩn bị, cách thức tiến hành, phương án đánh giá hoạt động
- Phương án đánh giá cuối chủ đề
Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề cụ thể được xây dựng dựa trên Chương trình, sách giáo khoa và Khung Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề của năm học đã được thống nhất trong tổ chuyên môn, được Ban Giám hiệu nhà trường phê duyệt. Kế hoạch cần phù hợp với khả năng học sinh và điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực cụ thể của từng lớp học, địa phương.
2.2. Các nguyên tắc xây dựng Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề
Theo Công văn 5555/ BGDĐT-GDTrH ngày 08 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn về đổi mới PPDH và kiểm tra, đánh giá; tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn của trường trung học/trung tâm GD thường xuyên qua mạng và đặc điểm của Chương trình giáo
dục phổ thông 2018, Chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp chúng tôi đề xuất các nguyên tắc sau:
2.2.1. Nguyên tắc 1: Đảm bảo các yêu cầu cần đạt mà Chương trình Hoạt động trải nghiệm đã ban hành
Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề cụ thể được xây dựng để thực hiện Chương trình Hoạt động trải nghiệm nói riêng và Chương trình giáo dục phổ thông nói chung. Không thể xây dựng Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề cụ thể mà không gắn với một yêu cầu cần đạt nào đó thuộc Chương trình đã được ban hành. Tuy nhiên, khi xây dựng Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giáo viên cần cụ thể hoá các yêu cầu cần đạt của Chương trình thành các mục tiêu của chủ đề một cách rõ ràng, cụ thể.
2.2.2. Nguyên tắc 2: Chủ đề cần đảm bảo chuỗi các hoạt động trải nghiệm của học sinh
Theo Thông tư 32/2018/TT-BGD ĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông thì mỗi bài học bao gồm các giai đoạn Khởi động, hình thành kiến thức mới, luyện tập, vận dụng và tìm tòi mở rộng. Tuy nhiên, Hoạt động trải nghiệm là Hoạt động giáo dục không phải là môn học nên cần có những điều chỉnh phù hợp với đặc thù.
Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề phải thể hiện được các giai đoạn (pha) của tổ chức một chủ đề Hoạt động trải nghiệm bao gồm: Nhận diện – Khám phá, Tìm hiểu – Mở rộng, Thực hành – Vận dụng, Đánh giá – Phát triển. Mỗi giai đoạn (pha), GV có thể chia thành các hoạt động.
2.2.3. Nguyên tắc 3: Chuỗi hoạt động học cần đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nội dung và phương thức được sử dụng.
Nguyên tắc này yêu cầu GV cần tạo được logic của các hoạt động trong một chủ đề hoạt động trải nghiệm cho HS tiểu học
Trước và trong khi thiết kế, giáo viên cần hình dung trong đầu và trả lời được các câu hỏi sau theo một trật tự logic:
– Chủ đề được lựa chọn là gì?
– Mục tiêu, điều kiện và nguồn lực để tiến hành chủ đề ra sao?
– Để đạt được mục tiêu với điều kiện và nguồn lực như vậy cần những hoạt động nào? Hoạt động nào hướng đến mục tiêu nhận thức, hoạt động nào hướng tới mục tiêu hoàn thành kĩ năng hoặc kết hợp cả hai hoạt động? Hoạt động nào khai thác trải nghiệm đã có của HS, hoạt động trải nghiệm mới nào nhằm hình thành KT, kĩ năng, thái độ, giá trị mới (kinh nghiệm mới) và hoạt động sang tạo của HS?
– Lựa chọn PP, HT(phương thức) tổ chức nào phù hợp với mục tiêu và các nội dung, đảm bảo được sự trải nghiệm và sáng tạo của HS?
Sắp xếp trật tự logic các hoạt động trong chủ đề như thế nào để đảm bảo các yêu cầu của học tập trải nghiệm: khai thác kinh nghiệm đã có, phản hồi kinh nghiệm, hình thành kinh nghiệm mới dưới dạng KT mới, thái độ mới, kĩ năng mới, hay các sản phẩm sáng tạo cụ thể…
2.2.4. Nguyên tắc 4: Mỗi nhiệm vụ học tập cần đảm bảo sự rõ ràng về mục tiêu, nội dung, kĩ thuật tổ chức và sản phẩm cần đạt được.
- Mỗi hoạt động cần thể hiện được các nội dung: Tên hoạt động, thời gian thực hiện; mục tiêu của hoạt động, nội dung hoạt động, cách thức tổ chức, dự kiến sản phẩm và cách thức đánh giá.
- Trong cách thức tổ chức từng hoạt động trải nghiệm cần thể hiện được trình tự các hành động: chuyển giao nhiệm vụ; tổ chức học tập; báo cáo kết quả và thảo luận;
đánh giá, xác nhận kết quả.
2.2.5. Nguyên tắc 5: Cần đảm bảo sự phù hợp của thiết bị dạy học và học liệu được sử dụng để tổ chức các hoạt động học của HS.
Để tổ chức chủ đề hoạt động trải nghiệm hiệu quả, GV cần dự tính được các thiết bị dạy học và học liệu phù hợp với từng hoạt động trong chủ đề. Bên cạnh đó, học sinh cũng chủ động trong chuẩn bị đồ dùng, thiết bị, học liệu để tham gia hoạt động. Vì vậy, khi xây dựng Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề, GV cần nêu được bản thân mình cần chuẩn bị những gì và HS cần chuẩn bị những gì. Cũng cần có quan niệm rộng hơn, không phải lúc nào GV cũng yêu cầu HS chuẩn bị đồ dùng (mang tính vật chất) mà còn cần yêu cầu HS chuẩn bị hiểu biết, tâm thế, kinh nghiệm để tham gia chủ đề trải nghiệm.
2.2.6. Nguyên tắc 6: Đảm bảo sự trải nghiệm của HS
– Cách thiết kế, tổ chức hoạt động trải nghiệm cần tạo điều kiện tối đa để người học được trực tiếp tham gia vào các loại hình hoạt động và các mối quan hệ giao lưu phong phú đa dạng trong giờ học một cách tự giác.
– Người học được trải qua các hoạt động thực tiễn, được trực tiếp tham gia hoạt động trong các tình huống dạy học và giáo dục cụ thể.
– Quy trình tổ chức các hoạt động trải nghiệm phải đảm bảo các bước cơ bản của học tập trải nghiệm:
+ Khai thác những trải nghiệm, kinh nghiệm đã có;
+ Thử nghiệm tích cực;
+ Hình thành kinh nghiệm mới (KT, kĩ năng, thái độ, giá trị mới) cho người học.
– Người học được thực hành, luyện tập với các vai trò khác nhau trong các tình huống, hoàn cảnh khác nhau.
– Người học được thử nghiệm, thể nghiệm bản thân trong thực tế giờ học, từ đó hiểu mình hơn, tự phát hiện những khả năng của bản thân cũng như tự rèn luyện bản thân.
– Người học được tương tác, giao tiếp trực tiếp với sự vật hiện tượng, con người (Với con người: bạn, nhóm bạn, tập thể lớp, thầy cô giáo và những người khác.
Với sự vật hiện tượng: các đồ dùng, thiết bị học tập, các PP, hình thức tổ chức giáo dục, môi trường xung quanh…).
– Người học thực sự là một chủ thể tích cực, chủ động, sang tạo khi chiếm lĩnh các tri thức và kĩ năng kĩ xảo hành động. Nếu người học tham gia hoạt động một cách thụ động, bị ép buộc thì không thể có trải nghiệm. Chỉ khi người học tự giác thì họ mới có những thử nghiệm tích cực. Kinh nghiệm chỉ được hình thành khi người học tự giác, có ý thức tham gia hoạt động.
– Trải nghiệm luôn chứa đựng hai yếu tố không thể tách rời, đó là: hành động và xúc cảm, thiếu một trong hai yếu tố đó đều không thể mang lại hiệu quả giáo dục.
– Kết quả của trải nghiệm là hình thành được kinh nghiệm mới (KT – hiểu biết mới, năng lực mới, thái độ, giá trị mới…).
2.2.7. Nguyên tắc 7: Đảm bảo môi trường để học sinh sáng tạo
– Đảm bảo về môi trường tổ chức hoạt động trải nghiệm: phong phú, đa dạng và chứa đựng các thách thức với HS.
– Đảm bảo về bầu không khí tâm lý cởi mở và tin tưởng trong tập thể hoạt động: đó là một môi trường cho sự tự do tư tưởng, tự do tranh luận, khuyến khích việc nảy sinh ý tưởng thông qua hoạt động tương tác giữa các cá nhân với nhau diễn ra trong quá trình học tập hay làm việc cùng nhau.
– Đảm bảo về tính thống nhất giữa việc vạch Kế hoạch giáo dục Hoạt động trải nghiệm và việc thực hiện triển khai Kế hoạch giáo dục Hoạt động trải nghiệm của nhà trường, của GV.
– Đảm bảo phát huy vai trò tự giác, tính tích cực, độc lập nhận thức và hành động của từng HS dưới vai trò hướng dẫn của GV.
– Đảm bảo về sự đánh giá cao và khuyến khích các phong cách thể hiện ý tưởng khác biệt, tư duy phê phán, ra quyết định thực hiện công việc của từng HS.
2.2.8. Nguyên tắc 8: Đảm bảo tính hiện thực và khả thi
Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề phải được xây dựng dựa trên sự phân tích điểm mạnh, điểm yếu về nhân lực, vật lực, đặc điểm học sinh cụ thể của lớp.
Như vậy, có thể thấy, có thể trong cùng một tổ chuyên môn, cùng thực hiện một chủ
đề hoạt động trải nghiệm theo quy định trong kế hoạch của tổ nhưng ở mỗi lớp khác nhau GV có kế hoạch tổ chức chủ đề đó khác nhau.
2.3. Vai trò của Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề
2.3.1. Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giúp giáo viên thành công hơn trong tổ chức hoạt động
Để lập kế hoạch tổ chức chủ đề hoạt động trải nghiệm, giáo viên cần nghiên cứu kĩ Chương trình, sách giáo khoa, khung Kế hoạch hoạt động đã được thống nhất.
Sau đó, căn cứ vào đặc điểm tình hình học sinh lớp mình để lập kế hoạch và tổ chức hoạt động củ chủ đề. Bất kì một chủ đề nào cũng cần thời gian chuẩn bị, ngay cả khi sách giáo khoa hay tài liệu hướng dẫn thực hiện của chủ đề đó đã có sẵn thì lập kế hoạch tổ chức chủ đề hoạt động trải nghiệm cũng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc ứng dụng những nguồn tài liệu ấy vào quá trình tổ chức hoạt động một cách khoa học. Vì vậy, việc lập kế hoạch giúp giáo viên thành công hơn trong tổ chức hoạt động.
2.3.2. Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề giúp giáo viên chủ động, linh hoạt trong tổ chức, điều chỉnh thời gian và ứng phó được với các tình huống không mong muốn
Lập kế hoạch tổ chức chủ đề hoạt động trải nghiệm có một vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó giúp giáo viên quản lí thời gian dành cho mỗi hoạt động được tốt hơn.
Quan trọng hơn, lập kế hoạch tổ chức chủ đề hoạt động trải nghiệm có tác dụng vạch ra rõ ràng các nội dung cần ưu tiên trải nghiệm, các kĩ năng cần dành nhiều thời gian cho học sinh thực hành, vận dụng. Khi xác định được hoạt động trọng tâm cần tổ chức cho học sinh, giáo viên sẽ dễ dàng hơn trong việc điểu chỉnh khung thời gian, làm giảm nội dung hoạt động, đề phòng các trường hợp thiếu, thừa thời gian… Một kế hoạch tốt cung cấp cho giáo viên một hướng đi rõ ràng. Nó như một thời khóa biểu và bản đồ dẫn đường cho hướng đi của chủ đề vậy. Nếu kế hoạch được xây dựng tốt, thì thậm chí trong trường hợp tình huống cần phải thay giáo viên tổ chức, học sinh vẫn có thể đạt được mục tiêu đã đặt ra.
2.3.3. Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề là tài liệu chuyên môn có giá trị để giáo viên xem xét, điều chỉnh lại chủ đề hoạt động trải nghiệm cho học sinh khi cần thiết, hoặc điều chỉnh để thực hiện trên một đối tượng khác. Đồng thời, Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề là hồ sơ chuyên môn góp phần đánh giá chất lượng giáo viên.
2.3.4. Hệ thống các Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề thể hiện sự kết nối hợp lí giữa các chủ đề trong một năm học, từ đó, giáo viên có thể nhìn thấy điểm hợp lí cần phát huy hoặc chưa hợp lí cần điều chỉnh của Khung kế hoạch tổ chức các chủ đề hoạt động trải nghiệm của năm học.
2.4. Định hướng cấu trúc Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề
Các nội dung trong Kế hoạch Hoạt động trải nghiệm theo chủ đề cần cho GV cái nhìn tổng quát về cả quá trình tổ chức hoạt động. Chính vì thế, Kế hoạch cần có các nội dung như sau:
– Những mục tiêu học sinh cần đạt được sau quá trình hoạt động. Cần ghi các yêu cầu, hành động học sinh làm được trong và sau quá trình hoạt động trải nghiệm của chủ đề. Đồng thời, cũng cần ghi rõ những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và năng lực đặc thù sẽ góp phần hình thành cho học sinh.
– Hệ thống và cách tiến hành từng hoạt động mà giáo viên sẽ tổ chức cho học sinh thực hiện trong khoảng thời gian cụ thể của chủ đề để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
– Các phương tiện, đồ dùng cần có.
– Các minh chứng sản phẩm hoạt động cần thu thập được trong quá trình tổ chức.
– Các dự kiến đánh giá kết quả hoạt động.
Hoạt động trải nghiệm ở trường tiểu học có 3 loại hình hoạt động, mỗi loại hình có đặc điểm riêng, vì thế, chúng tôi đề xuất 03 mẫu Kế hoạch Hoạt động giáo dục theo chủ đề đi theo các loại hình trải nghiệm như sau:
Minh hoạ 1: Kế hoạch giáo dục Sinh hoạt dưới cờ Minh hoạ 2: Kế hoạch Hoạt động giáo dục theo chủ đề Minh hoạ 3: Kế hoạch giáo dục Sinh hoạt lớp
Lưu ý: Các Minh hoạ Kế hoạch sau đây là tham thảo, được trình bày theo bảng để GV dễ theo dõi các hoạt động. Các GV có thể trình bày theo hình thức khác, miễn đảm bảo nội dung theo Công văn 2345/BGDĐT-GDTH ngày 7/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.