Chương 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
1.4. Các lý thuyết áp dụng
1.4.1. Lý thuyết trung gian về vai trò-tập hợp của Robert Merton
Robert Merton (1910-2003) nhà xã hội học người Mỹ, ông đã nêu ra các ý tưởng về thuyết trung gian năm 1947 và áp dụng để đưa ra lý thuyết về vai trò-tập hợp trong bài viết đăng trên tạp chí The British Journal of Sociology năm 1957.
Trong tập sách bàn về xã hội học lý thuyết xuất bản lần thứ ba năm 1967, Merton đã phân tích thuyết vai trò-tập hợp (role-set, còn gọi là hệ vai trò) để làm rõ quan niệm của ông về lý thuyết trung gian trong xã hội học. Thuyết vai trò-tập hợp xuất phát từ câu hỏi nghiên cứu là: vị thế xã hội được hình thành như thế nào trong một cấu trúc xã hội4. Thuyết này ra đời khi thuyết hành vi về vị thế-vai trò do Linton đề xuất đã trở nên phổ biến trong xã hội học. Thuyết vai trò-tập hợp của Merton khác với thuyết vị thế-vai trò của Linton ở một chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng sau đây:
theo Linton, một cá nhân trong xã hội tất yếu nắm giữ nhiều vị thế và mỗi một vị thế có một vai trò kèm theo, nhưng theo Merton, mỗi một vị thế đòi hỏi không chỉ một vai trò mà hàng loạt vai trò mà ông gọi là vai trò-tập hợp (role-set).
28
Merton đã xuất phát từ một thực tế là một vị thế không chỉ có một vai trò mà một loạt vai trò gắn với vị thế của người đó trong mối tương tác với những người khác để đưa ra khái niệm vai trò-tập hợp xã hội học về vị thế và vai trò xã hội.
Vận dụng lý thuyết của Merton vào nghiên cứu cho chúng ta thấy rõ hơn vị thế, vai trò của mỗi CBCC trong hệ thống chính trị. Merton đã chỉ ra rằng mỗi CBCC phải thực hiện nhiều vai trò khác nhau, ở mỗi vị thế xã hội có những vai trò khác nhau mà người công chức phải thực hiện nó. Đánh giá chất lượng của công chức cần phải xem xét vị thế, vai trò của công chức trong tổ chức, chất lượng của công chức cần phải tương xứng và đáp ứng được vị thế và vai trò trong tổ chức.
Chất lượng của công chức cần phải được phân tích những điều kiện, nhân tố tác động, ảnh hưởng đến chất lượng công chức. Có những ảnh hưởng tích cực cần phải phát huy nhưng cũng có những ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng của cán bộ công chức và việc thực hiện vai trò của họ trong tổ chức. Phát hiện ra những vấn đề này để có giải pháp cải thiện, nâng cao chất lượng CBCC.
1.4.2. Lý thuyết tổ chức nhiệm sở của Max Weber
Max Weber (1864-1920) là một nhà xã hội học nổi tiếng người Đức, ông đã có những cống hiến kiệt xuất đối với lý luận quản lý cổ điển phương Tây. Trong quá trình duy lý hóa của xã hội tư bản ở Phương tây tổ chức xã hội cũng biến đổi và phát triển thành kiểu tổ chức đặc biệt mà Weber gọi đó là bộ máy nhiệm sở (bộ máy quan liêu) và tổ chức nhiệm sở. Ông xây dựng một điển hình lý tưởng về bộ máy quan liêu và quan tâm đến bộ máy quan liêu như là một cấu trúc của một tổ chức hợp lý và hiệu quả. Theo ông bộ máy quan liêu như là một phần của sự thống trị hợp pháp và ông nhấn mạnh rằng bộ máy quan liêu sẽ không có hiệu quả khi việc giải quyết công việc không có tính khách quan mà lại có tính đến hoàn cảnh riêng của mỗi cá nhân.
Theo Weber tổ chức có những quy tắc và hoạt động quản lý được quy định, khi tổ chức phát triển và hoạt động thì đòi hỏi cán bộ, công chức phải phát huy hết khả năng của mình vì cán bộ, công chức là một bộ phận trong tổ chức do vậy chất lượng cán bộ, công chức được quyết định bởi tổ chức. Để tổ chức hoạt động thì mỗi
29
công chức phải tuân thủ theo nguyên tắc của tổ chức và nỗ lực hết mình vì tổ chức và tổ chức chính là nơi sử dụng, đào tạo công chức để hoạt động của tổ chức đạt được hiệu quả.
Theo Weber thì khi đánh giá chất lượng của công chức cần phải xem xét đánh giá từng mặt của công chức như bản thân công chức, trình độ, năng lực...trong tổng thể bộ máy tổ chức để thấy rõ hiệu quả thực thi công vụ của công chức từ đó thấy được hiệu quả hoạt động của tổ chức, đồng thời chỉ ra những mặt mạnh, yếu của công chức và những yêu cầu cần thiết của tổ chức để đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ, công chức.
Tiểu kết chương 1
Ở chương này, học viên đã đi sâu nghiên cứu và hệ thống hoá những vấn đề cơ bản về cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng và nhà nước; khái niệm về cán bộ, công chức, khái niệm về chất lượng và chất lượng cán bộ, công chức; đưa ra khái niệm và các tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, các nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới chất lượng CBCC làm tiền đề cho việc đánh giá thực trạng chất lượng CBCC huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương ở chương 2 và đưa ra một số giải pháp ở chương 3.
30