1.1. CÁC QUAN ĐIỂM VỀ ĐẠO ĐỨC TRONG LỊCH SỬ
1.1.2. Quan điểm của triết học Mác – Lênin về đạo đức
“Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, là tổng hợp những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử
của con người trong quan hệ với nhau và quan hệ với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội”[55;8]
Như đã nghiên cứu ở trên, chúng ta có thể khẳng định các quan điểm về đạo đức trước chủ nghĩa Mác đều coi đạo đức là một hiện tượng vĩnh cửu của mọi dân tộc, mọi giai cấp, nó mang bản chất trừu tượng. Quan niệm mácxít cho rằng, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, một chế định xã hội thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đạo đức, sự cần thiết xã hội, những nhu cầu, lợi ích của xã hội hoặc của các giai cấp biểu hiện dưới hình thức những quy định và những sự đánh giá được mọi người thừa nhận, thành hình một cách tự phát, được củng cố bằng sức mạnh của tấm gương quần chúng, của những thói quen, phong tục và dư luận xã hội. Chính vì vậy, những yêu cầu của đạo đức mang hình thức là bổn phận phải thực hiện của không riêng ai, như nhau đối với tất cả mọi người và cũng không chịu sự ra lệnh của ai cả.
Quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đạo đức xuất phát từ phương thức sản xuất, gắn quan hệ đạo đức với đời sống hiện thực của con người trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những tri thức của nhân loại. Từ cơ sở thực tiễn và những lý luận về đạo đức trong lịch sử phát triển của nhân loại, những nhà kinh điển chủ nghĩa Mác đã đi đến xây dựng một phương pháp luận khoa học - trên quan điểm duy vật lịch sử và duy vật biện chứng nhằm khắc phục những sai lầm và hạn chế của các quan điểm trước.
“Bản chất con người không phải là cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa của những quan hệ xã hội”[1, 83]. Cùng với việc tổng hợp và hiện thực hóa những quan niệm về đạo đức có trước, Mác đã gắn đạo đức với phương thức sản xuất và cho rằng khi các phương thức sản xuất thay đổi thì các quan
niệm về đạo đức cũng thay đổi theo và phát triển cùng với sự phát triển của loài người. Khi con người tiến hành lao động nhằm thỏa mãn nhu cầu sống và lợi ích của mình đã làm nảy sinh các biểu hiện của đạo đức. Mác viết trong lời tựa của tác phẩm góp phần phê phán khoa kinh tế - chính trị như sau “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức con người quyết định ý thức của họ”[4;13]. Chính luận điểm này đã nhận thức đạo đức xuất phát từ lao động, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội. Quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin về đạo đức mang tính khoa học triệt để, xuất phát từ quan hệ đạo đức của con người trong đời sống xã hội, xem con người là chủ thể của đạo đức. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa ra những nhận thức đúng đắn sự phát triển của con người trong đời sống đạo đức và hướng con người tự giác cải tạo chính đời sống đạo đức của mình. Họ đã đặt sự vận động của đạo đức trong sự vận động chung của toàn bộ đời sống xã hội.
Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin thì đạo đức là tổng hợp những nguyên tắc, những quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình vì lợi ích xã hội, hạnh phúc của con người, giữa cá nhân và tập thể hay toàn xã hội.
Về nguồn gốc của đạo đức
Khi bàn về nguồn gốc của đạo đức, các quan niệm trước chủ nghĩa Mác chưa có cách nhìn nhận toàn diện. Như với Hêghen: “Cội nguồn là cơ sở của tất cả những hiện tượng tự nhiên và xã hội là một bản nguyên tinh thần…”, “đạo đức bắt nguồn từ ý niệm pháp lý, còn ý niệm pháp lý là một biểu hiện của ý niệm tuyệt đối” [17, 65]. Hay như những nhà duy vật trước Mác đi tìm nguồn gốc xã hội trong xã hội và trong quan hệ giữa người với người, mặc dù họ đã chưa thấy được sự chi phối của quan hệ kinh tế đối với đạo đức nhưng họ đã tách rời đạo đức với các quan hệ xã hội khác. Nhìn
chung quan niệm về đạo đức của các nhà tư tưởng trước Mác đều coi đạo đức là một sức mạnh vốn có của con người và tồn tại bên ngoài ý thức của con người.
Chủ nghĩa Mác khẳng định, đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, hình thành và phát triển cùng với tồn tại xã hội và phản ánh tồn tại xã hội. Vì vậy, đạo đức có quá trình phát triển lịch sử lâu dài và nội dung của nó thay đổi theo sự thay đổi của tồn tại xã hội. Đạo đức và tồn tại xã hội có mối quan hệ biện chứng với nhau. Các quan niệm trước Mác đều chưa nhìn thấy được sự quy định của nhân tố kinh tế đối với sự vận động của xã hội nói chung và của đạo đức nói riêng. Đến chủ nghĩa Mác, đã khắc phục được hạn chế đó và điều đặc biệt là Mác đã thấy được nguồn gốc của đạo đức là từ lao động. Quá trình lao động đã hình thành nên những giá trị đạo đức của con người, điều kiện cơ bản đầu tiên của đời sống con người chính là lao động. “Lao động không chỉ sáng tạo ra con người sinh vật, nghĩa là làm phát triển bộ não, hoàn thiện các quan năng. Cùng với điều đó và quan trọng hơn là lao động đã sáng tạo ra con người, với tư cách là con người xã hội có các năng lực, các phẩm chất như: nhận thức, thẩm mỹ, đạo đức…”
[17, 68]. Như vậy, theo quan niệm của chủ nghĩa Mác thì đạo đức có nguồn gốc từ lao động, là sản phẩm của điều kiện sinh hoạt vật chất xã hội và sự chi phối của kinh tế.
Về bản chất của đạo đức
Đạo đức phản ánh tồn tại xã hội nên mang bản chất xã hội. Nội dung của đạo đức do hoạt đông của thực tiễn quy định. Bàn về bản chất của đạo đức Mác - Ăngghen chú trọng đến tính giai cấp của đạo đức, trong Chống Duyrinh Ăngghen nói: cho đến nay, xã hội đã vận động trong những sự đối lập giai cấp cho nên đạo đức cũng luôn là đạo đức giai cấp. Đạo đức mang bản chất giai cấp nhưng nó không đối lập tuyệt đối với những tính toán của
xã hội, đạo đức cách mạng là đạo đức triệt để nhất vì mục đích của giai cấp vô sản là giải phóng xã hội xây dựng nên những nguyên tắc đạo đức mới.
Về chức năng của đạo đức
Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội đặc thù, góp phần xây dựng quan hệ giữa người với người, giữa cá nhân với xã hội. Chức năng của đạo đức là giúp cho con người nhận thức, điều chỉnh hành vi và giáo dục đạo đức phù hợp với yêu cầu của xã hội. Đạo đức có những chức năng cơ bản là chức năng nhận thức, chức năng điều chỉnh hành vi và chức năng giáo dục.
Chức năng nhận thức (chức năng phán ánh): Đạo đức là sự phản ánh tồn tại xã hội, phản ánh hiện thực của đời sống đạo đức xã hội. Nên đạo đức giúp con người nhận thức xã hội về phương diện đạo đức và lĩnh hội những tri thức đạo đức.
Chức năng điều chỉnh hành vi: Trong lịch sử nhân loại, con người đã sáng tạo ra nhiều phương thức như phong tục, tập quán, tôn giáo, pháp luật, đạo đức nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội.
Tất cả những phương thức ấy đều chỉ ra giới hạn được phép và không được phép trong hành vi của cá nhân tạo nên lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Đạo đức điều chỉnh hành vi của con người bằng dư luận xã hội và lương tâm đòi hỏi từ tối thiếu đến tối đa hành vi con người. Việc điều chỉnh hành vi này của đạo đức thực hiện bằng hai hình thức chủ yếu là: một là, xã hội và tập thể tạo dư luận xã hội để khen cái thiện, phê phán điều ác; hai là, bản thân chủ thể đạo đức tự giác điều chỉnh hành vi của mình trên cơ sở những chuẩn mực đạo đức xã hội.
Chức năng giáo dục: Giáo dục đạo đức chính là làm giàu thêm tính người trong mỗi con người. Chức năng giáo dục được thực hiện thông qua môi trường đạo đức. Môi trường lành mạnh sẽ tạo sự thuận lợi cho việc giáo dục, môi trường đạo đức sẽ tác động đến đạo đức cá nhân bằng nhận thức
đạo đức và thực tiễn đạo đức. Khi xem xét nhân cách của một con người, người ta coi trọng cả đạo đức và năng lực, hay còn gọi là cái tài và cái đức luôn là hai mặt cơ bản tạo thành nhân cách của một con người. Đạo đức là cái gốc của nhân cách, tiên học lễ, hậu học văn hay người thành đạt trong học thức mà không thành đạt trong đạo đức thì coi như không thành đạt.
Những tri thức đạo đức và những phẩm chất đạo đức tiến bộ không tự nhiên mà có, mà phải thông qua quá trình giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện trong lao động trong đấu tranh. Những chức năng của đạo đức không tác động tách rời nhau mà luôn có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Về vai trò của đạo đức
Đạo đức có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, đạo đức là vấn đề thường xuyên được đặt ra và luôn được tìm cách giải quyết nhằm đảm bảo cho sự tồn tại và hình thành nhân cách của cá nhân. Bằng những luận chứng khoa học, chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội là hoàn thiện con người và nhân đạo hóa xã hội loài người.
Sự ra đời của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung và quan niệm về đạo đức nói riêng đã tạo thành bước ngoặt quan trọng trong lịch sử tư tưởng, có giá trị làm ngọn đuốc soi đường cho đạo đức của nhân loại.