Chương 2: ẢNH HƯỞNG CỦA KINH TẾ THỊ TRƯỜNG VỚI ĐẠO ĐỨC VÀ VAI TRÒ CỦA ĐẠO ĐỨC TRONG NỀN
2.1. ẢNH HƯỞNG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỐI VỚI ĐẠO ĐỨC
Đến nay thì chưa có chế độ kinh tế nào có hiệu quả tăng trưởng hơn nền kinh tế này. Trong chế độ xã hội chủ nghĩa vẫn tồn tại nền kinh tế thị trường, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta đã chứng minh cho điều đó. Xây dựng nền kinh tế thị trường là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới toàn đất nước đã làm thay đổi tổng thể mối quan hệ giữa người với người trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và hợp tác quốc tế. Từ khi thực hiện kinh tế thị trường, tất cả mọi người đều thấy nó đã có sự tác động mạnh mẽ đến tất cả các mặt của đời sống xã hội, nhất là vấn đề đạo đức. Sự tác động của kinh tế thị trường đến đạo đức diễn ra như thế nào. Hiện nay, đây đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Chính vì vậy, bàn về ảnh hưởng của nó đến sự phát triển của đạo đức xã hội có nhiều quan điểm khác nhau.
Do đó những ảnh hưởng của kinh tế thị trường đối với đạo đức trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở những quan điểm chủ yếu đó là: Quan điểm phủ nhận ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường; quan điểm khẳng định ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường và quan điểm cho rằng kinh tế thị trường có tác động hai mặt (tích cực và tiêu cực) đối với đạo đức.
Thứ nhất, quan điểm phủ nhận ảnh hưởng tích cực của kinh tế thị trường đối với đạo đức.
Đối với quan điểm này, kinh tế thị trường về bản chất là xung khắc, bài xích đạo đức. Sự phát triển kinh tế thị trường luôn được trả giá bằng cái ác của sự suy đồi luân lý đạo đức. Theo họ: “ Kinh tế thị trường với tư cách là một trong những hình thức trao đổi vật chất của con người, đã ném con người vào một thứ cờ bạc... hợp tác thủ đoạn, cạnh tranh là mục đích...kinh tế thị trường và đạo đức bài xích nhau” [74,149 -152 ].
Những người theo thuyết “trượt dốc” cho rằng, việc chuyển sang kinh tế thị trường đã gây ra sự trượt dốc về luân lý đạo đức xã hội, biểu hiện sự sinh sôi nảy nở những hiện tượng tiêu cực xã hội như: hàng rởm, lừa đảo, mại dâm, tham nhũng, sống chết mặc bay... [36, 176].
Bên cạnh đó còn có quan điểm cho rằng, kinh tế thị trường với đạo đức ít hoặc không có liên quan gì với nhau. Khi quan niệm như vậy, những người theo quan điểm này cho hành vi đạo đức không bị chi phối bởi hành vi kinh tế và họ đòi phân biệt rạch ròi hai loại hành vi này.
Bàn về hành vi đạo đức, họ cho rằng một hành vi đạo đức gồm có động cơ và mục đích. Tính chất của hành vi đạo đức gồm: tính tự đủ về động cơ, tính tự đủ về động cơ xuất phát từ bên trong bản thân chủ thể, chủ thể tự thấy đủ động cơ để thực hiện hành vi đạo đức của mình. Khi chủ thể có đủ động cơ từ bên trong sẽ có tính tự chủ của quyết định, tức là chủ thể đó sẽ có hành vi tự nguyện, tự giác và tự quyết. Trong hành vi đạo đức luôn có tính mục đích, tính mục đích này của hành vi đạo đức thể hiện ở ba mặt là mục đích tự nó, cho nó và của nó. Hành vi không tách rời khỏi mục đích.
Biểu hiện ra bên ngoài của ba tính chất này là tính lợi tha của kết quả - kết quả của hành vi mang lại lợi ích cho người khác. Khi có đầy đủ cả tính chủ động về động cơ, tính tự chủ của quyết định, tính mục đích của hành vi và
tính lợi tha của kết quả thì khi đó hành vi mới trở thành hành vi đạo đức. Lợi ích cá nhân của từng người cụ thể với tính cách là những thành viên của xã hội, nếu không có sự đối lập với lợi ích của xã hội thì đó luôn là những động cơ của hành vi đạo đức chân chính. Đối với những người theo quan điểm này tính lợi tha của hành vi là rất quan trọng, một hành vi đạo đức phải là hành vi có lợi cho người khác. Hành vi đạo đức cao thượng là hành vi mà chủ thể đạo đức tiết chế hoặc hi sinh những lợi ích của cá nhân mình để đảm bảo được lợi ích của tập thể, của xã hội. Khi bàn về hành vi kinh tế, họ đã lập luận rằng, trong kinh tế thị trường là kinh tế hiệu quả, sản xuất thu lợi nhuận là chủ yếu.
Mục đích cao nhất của kinh tế thị trường là thu lợi nhuận, vì vậy, những người làm kinh tế, mục đích lớn nhất của họ là biến người khác thành điều kiện hay phương tiện để thu lợi nhuận và thu lợi càng nhiều càng tốt. Hành vi đó của những nhà kinh tế là hành vi hợp pháp nhưng lại không phải là hành vi đạo đức hay nói cách khác đó là hành vi ngoài đạo đức. Quan điểm này đem phân biệt rạch ròi hành vi đạo đức và hành vi kinh tế như vậy nên họ thấy rằng hầu như không có quan hệ gì giữa chúng. Vậy nên, về cơ bản kinh tế thị trường không mang lại giá trị tích cực cho đạo đức.
Quan niệm này có cơ sở là lý thuyết về sự phân biệt và đem đối lập tự luật với tha luật trong đạo đức. Một hành vi đạo đức luôn có sự thúc đẩy của lương tâm chủ thể và do tác động của ngoại cảnh. Tự luật: là các luật của hành vi xuất phát từ nhu cầu và động cơ bên trong chủ thể. Còn tha luật là các luật của hành vi do bị chế ước bởi các quan hệ và điều kiện bên ngoài chủ thể. Dựa trên lý thuyết này, họ đã đưa ra những lập luận sau:
Kinh tế thị trường không liên hệ hữu cơ với đạo đức, họ không cho rằng giữa kinh tế thị trường và đạo đức có liên quan mật thiết với nhau, không có ràng buộc gì. Vì vậy, kinh tế thị trường không có ảnh hưởng tích cực đến đạo đức mà nó chỉ có tác động tiêu cực đến đạo đức. Những người
ủng hộ quan điểm này, họ coi kinh tế thị trường chỉ là những quy tắc không có gì liên quan đến đạo đức. Họ cho rằng, kinh tế thị trường chỉ có mục đích chính là lợi nhuận nên hành vi của họ không cần quan tâm là có đạo đức hay không mà chỉ việc làm thế nào sinh ra thật nhiều lợi nhuận. Những quy tắc mà chủ thể thực hiện khi làm kinh tế không cần phải tuân theo những chuẩn mực của quy tắc đạo đức. Còn những người phản đối quan điểm này họ cho rằng kinh tế thị trường và đạo đức liên quan chặt chẽ với nhau, chi phối lẫn nhau. Nên họ đòi hòi chủ thể hành vi trong kinh tế thị trường phải thực hiện các quy tắc đạo đức cùng với quá trình thực hiện hành vi kinh tế của mình.
Quy tắc của kinh tế thị trường là một khế ước giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Chủ thể hoạt động trong kinh tế thị trường được hưởng quyền lợi là mục đích của khế ước. Tức là quy tắc trong kinh tế thị trường luôn có hai yếu tố cơ bản song hành với nhau đó là quyền lợi và nghĩa vụ, quyền lợi và nghĩa vụ gắn chặt với nhau. Mục đích của khế ước kinh tế thị trường mang lại cho chủ thể hoạt động những lợi ích mà họ được hưởng. Nhưng bên cạnh đó cũng đặt ra những nghĩa vụ mà chủ thể phải tuân theo, đó là cái giá mà họ phải trả khi được hưởng những quyền lợi trên. Khế ước trong kinh tế thị trường chỉ quan tâm đến những quyền lợi và nghĩa vụ mà chủ thể phải tuân theo, họ không cho rằng khi chủ thể thực hiện khế ước đó phải quan tâm đến là việc làm của mình có đảm bảo đạo đức hay không. Trái lại, những người phản đối quan niệm này, họ đòi hỏi khế ước kinh tế thị trường phải lấy việc duy trì đạo đức làm mục đích của hoạt động và đạo đức đó phải thật vô tư.
Những người này đòi hỏi chủ thể hành vi trong kinh tế thị trường thực hiện những hành vi của mình cần đảm bảo có đạo đức. Lấy đạo đức làm mục đích và tuân thủ những chuẩn mực của đạo đức xã hội.
Quy tắc kinh tế thị trường khuyến khích con người lợi kỷ, kích thích tuyệt đối hóa giá trị thị trường, lấy giá trị thị trường làm thước đo giá trị con
người nói chung. Thị trường là cơ chế phù hợp với lợi ích, lấy lợi nhuận làm mục đích cao nhất. Hiệu quả kinh tế là thước đo trong kinh tế thị trường, vì vậy, cơ chế thị trường quá đề cao trách nhiệm cá nhân, gắn liền động cơ và hiệu quả như là một chuẩn mực trong hoạt động của con người, trong nhân cách mỗi con người. Chính điều này khi được tuyệt đối hóa sẽ khuyến khích con người cá nhân chạy theo lợi nhuận mà dẫn đến lợi kỷ. Kinh tế thị trường đã đưa tới khuynh hướng làm cho con người coi giá trị thị trường là giá trị chân thực duy nhất dùng để đo các giá trị khác. Kinh tế thị trường đã kéo theo lối sống “tiền trao cháo múc”, lạnh lùng và tàn nhẫn, làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, thuần phong mĩ tục, tấn công vào nền đạo đức của từng gia đình, từng người. Từ chỗ coi trọng các giá trị chính tri, xã hội sang coi trọng các giá trị kinh tế. Từ chỗ lấy con người tập thể, con người xã hội làm chuẩn mực đạo đức cao nhất sang tuyệt đối hóa con người cá nhân, thậm chí là cá nhân ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa. Do đó, kinh tế thị trường cũng cản trở không nhỏ đến xu hướng con người ngày càng vươn tới những giá trị tinh thần ngày càng cao đẹp hơn.
Từ mối quan hệ giữa kinh tế và đạo đức, ở Việt Nam hiện nay, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ chế thị trường và hội nhập vào thế giới đương đại, bên cạnh những tác động tích cực, cũng đã bộc lộ mặt trái của nó, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức.
Sự tính toán đơn thuần về đồng tiền và lợi nhuận lắm lúc gạt bỏ những điều lương thiện, chân chính và đạo nghĩa. Khi tiền được sùng bái và tôn thờ thì nó sẽ trở thành một lực lượng có tác dụng xuyên tạc phổ biến những cá tính và những liên hệ xã hội. Tiền càng được tôn sùng bao nhiêu thì sức mạnh xuyên tạc bản chất con người của nó càng trở nên vô hạn, khó lường và đáng sợ bấy nhiêu. Nó làm lẫn lộn và thay đổi mọi sự vật.
Đại thi hào Anh Uyliam Sếcxpia đã viết trong vở kịch “Ti –môn ở Aten” rằng:
Ở đây có vàng là đủ để làm đen thành trắng, Xấu thành đẹp, mọi tội lỗi thành công lý, Mọi cái thấp hèn thành cao quý,
Kẻ hèn nhát thành dũng sĩ Và người già thành trẻ và tươi.
Sống trong một xã hội kinh tế hàng hoá chưa phát triển, đại thi hào Việt Nam Nguyễn Du cũng đã nhạy cảm thấy trước:
Trong tay sẵn có đồng tiền
Dẫu lòng đổi trắng thay đen khó gì.
Do đó, xét từ góc độ đạo đức, kinh tế thị trường có sự tác động tiêu cực đến đạo đức được thể hiện ở những khía cạnh sau.
Một là, kinh tế thị trường xô đẩy con người hướng đến giá trị trước mắt trội hơn các giá trị tương lai, coi trọng lợi ích cá nhân, bộ phận, địa phương hơn lợi ích tập thể, cộng đồng và toàn xã hội.
Cơ chế kinh tế thị trường với sự tồn tại khách quan của kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, của các hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất chủ yếu, các hình thức phân phối ngày càng trở lên đa dạng hơn. Theo đó, hình thành những giá trị đạo đức khác nhau của con người Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được nảy sinh từ các thành phần kinh tế và mâu thuẫn với những giá trị đạo đức mới – xã hội chủ nghĩa [ 98,134].
Cơ chế kinh tế thị trường lấy cạnh tranh và lợi ích làm nguyên tắc cơ bản. Việc quá đề cao các giá trị, hiệu quả và lợi ích kinh tế dễ làm cho con người tuyệt đối hóa giá trị vật chất, lợi ích cá nhân đối lập lợi ích xã hội và giá trị tinh thần chân chính. Để đạt được lợi ích cá nhân vị kỷ, nhiều người đã quay lưng lại, thậm chí chà đạp lên lợi ích tập thể, lợi ích xã hội; làm đảo
lộn các giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, biểu hiện ở sự xuống cấp đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Hiện tượng đó xâm nhập vào cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, bộ máy nhà nước. Trong văn kiện của Đảng đã chỉ rõ: “ Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên giảm sút ý chí, kém ý thức tổ chức kỷ luật, sa đọa về đạo đức và lối sống” [65, 137].
Dưới tác động của cơ chế kinh tế thị trường, nhiều giá trị, chuẩn mực đạo đức truyền thống đã trở thành nếp sống văn hóa gia đình, xã hội nay đang có những biến đổi phức tạp. Bên cạnh những giá trị, chuẩn mực đạo đức mới, nếp sống văn hóa lành mạnh gắn liền với quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, còn xuất hiện nhiều hiện tượng phi văn hóa, phản giá trị đạo đức truyền thống; ở nhiều nơi, nhất là các đô thị lớn, khu công nghiệp và trong nhiều gia đình đang có dấu hiệu khủng hoảng. Tỷ lệ ly hôn, ly thân tăng nhanh tới mức đáng báo động. Theo thống kê của Tòa án nhân dân Tối cao, “số liệu giải quyết án sơ thẩm về hôn nhân gia đình của ngành tòa án đã tăng 30.000 vụ trong 3 năm trở lại đây, từ năm 2011 đến năm 2013” [ 59, 1].
Từ sự biến đổi trong quan niệm sống, đề cao giá trị vật chất, coi nhẹ giá trị tinh thần, chỉ thấy cái lợi trước mắt, không thấy cái lợi lâu dài dẫn đến hiện tượng trong mỗi gia đình, tập thể, xóm làng xuất hiện sự xung đột tâm lý mà nguyên nhân mâu thuẫn chủ yếu vẫn là lợi ích. Ở nhiều đại phương đã xuất hiện sự tranh chấp lợi ích (ruộng, vườn, tài sản...), va chạm xô xát, án mạng xảy ra làm mất đi tình làng, nghĩa xóm, để lại những hậu quả nặng nề về tâm lý, sức khỏe, tinh thần cho gia đình và xã hội [ 98, 140].
Hai là, kinh tế thị trường khuyến khích lối sống thực dụng, sùng ngoại, đề cao giá trị vật chất, sùng bái đồng tiền dễ làm cho con người lãng quên các giá trị, đạo đức truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc.
Trong đời sống xã hội nước ta từ khi chuyển sang nền kinh tế thi trường đã xuất hiện những biểu hiện coi nhẹ giá trị truyền thống, chạy theo thị hiếu không lành mạnh. Đáng chú ý là. tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, không ít trường hợp vì đồng tiền và danh lợi mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp, buôn lậu và tham nhũng phát triển. Ma túy mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng.
“Theo thống kê của Ban Nội chính Trung ương, trong năm 2013, các cơ quan chức năng đã thụ lý 774 vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng với 1.974 bị can, 707 vụ đã kết thúc điều tra chuyển sang truy tố với 1.594 đối tượng. Trong kỳ báo cáo và qua kiểm tra, giám sát, số lượng các vụ án tham nhũng được phát hiện, khởi tố, điều tra bình quân hàng năm là 310 vụ/790 bị can. Số liệu này so với những năm gần đây cho thấy, số lượng vụ án, đối tượng phạm tội tham nhũng bị phát hiện tăng lên. [102, 2].
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, năm 2013, tình hình kinh tế - xã hội đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động, làm gia tăng các loại tội phạm và các vụ án cũng có tính chất nghiêm trọng hơn. “Số vụ án khởi tố mới tăng 1,23% so với năm 2012. Hoạt động của các băng nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn giáp ranh ở một số địa phương.
Các tội xâm phạm trật tự, quản lý kinh tế tăng 5,19% về số vụ, 7,53% về số bị can so với năm 2012, nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Từ những dẫn chứng sát thực trên cho thấy mặc dù chúng ta đang tiến hành đổi mới, mở cửa, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ hợp tác với các nước khác nhau trên thế giới, đó là con đường tất yếu của sự phát triển.