1.2. KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM
1.2.2. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, có một thời gian dài nước ta đã có nhận thức chưa đúng về vai trò của sản xuất hàng hoá, của kinh tế thị trường. Chúng ta chưa thấy được quy luật cung cầu và chỉ chú trọng vào xem xét mặt tiêu cực của kinh tế thị trường mà chưa đánh giá hết những giá trị mà kinh tế thị trường mang lại. Tuy nhiên, Đảng và nhân dân ta đã kịp thời nhìn nhận lại và có những sửa đổi nhất định. Sau khi nhìn lại những sai lầm trong quá trình thực hiện cơ chế kinh tế tập trung quan liêu
bao cấp, tại Đại hội Đảng lần thứ VI, Đảng ta thừa nhận đã có những thành kiến đối với nền kinh tế hàng hoá và đề ra chủ trương: quá trình sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn ở nước ta là quá trình chuyển hoá kinh tế còn nhiều tính chất tự cấp, tự túc thành nền kinh tế hàng hoá… việc sử dụng đầy đủ và đúng đắn quan hệ hàng - tiền đòi hỏi nền sản xuất gắn liền với thị trường.
Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình nhận thức, trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Đảng ta đã cụ thể hoá quan niệm về kinh tế thị trường. Đảng ta khẳng định: “thị trường hoàn chỉnh ở nước ta sẽ dần hình thành bao gồm cả thị trường lao động, thị trường vốn và thị trường tiền tệ. Đó sẽ là thị trường thông suốt trong cả nước và thị trường thế giới, thị trường đó sẽ đóng vai trò trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp lựa chọn lĩnh vực hoạt động, mặt hàng, quy mô, công nghệ và hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong môi trường hợp tác và cạnh tranh”. Đến đại hội lần thứ VIII (6/1996) Đảng ta đã xác định rõ hơn về vai trò của kinh tế thị trường: cơ chế thị trường đã phát huy tác dụng tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Nó chẳng những không đối lập mà còn là một nhân tố khách quan, cần thiết của việc xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa” [9, 26]. Như vậy, trải qua quá trình đổi mới, quan niệm về vai trò của kinh tế thị trường đã được khẳng định một cách đúng đắn. Thực tiễn qua 28 năm đổi mới đất nước, ta có thể nhận thấy: quá trình chuyển sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình tất yếu và phải trải qua quá trình đấu tranh phức tạp và gian khổ.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chấp nhận quy luật cạnh tranh nhưng không dã man, tăng trưởng kinh tế luôn đi đôi với công bằng xã hội, khuyến khích làm giàu gắn liền với xoá đói giảm nghèo, gia tăng về mức sống nhưng luôn giữ gìn đạo đức và bản sắc văn hoá dân
tộc, kinh tế thị trường gắn với xã hội chủ nghĩa. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế góp phần tạo ra cơ sở vật chất cho xã hội, tạo nền tảng và điều kiện cần thiết để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, “sánh vai cùng các nước trên thế giới trong nhịp bước khẩn trương của thời đại.
Thứ hai, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường. Hiện nay nước ta gồm có năm thành phần kinh tế. Sự tồn tại các thành phần kinh tế này phù hợp với quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Chúng vừa hợp tác hỗ trợ nhau, vừa cạnh tranh nhau; đây là đòn bẩy để phát triển kinh tế đất nước. Trong đó kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Trong đó, kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế.
Thứ ba, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thực hiện đồng thời với quá trình đẩy mạnh mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo phương châm “đi tắt, đón đầu” [81, 34].
Thứ tư, Cạnh tranh lành mạnh là một trong những đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chống sự thao túng của thị trường và không khoan nhượng đối với các hoạt động phi pháp.
Định hướng xã hội chủ nghĩa chính là tiêu chí nhằm đảm bảo sự an toàn trong các hoạt động kinh tế, nó là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển [81, 34].
Thứ năm, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tồn tại và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và sự quản
lý của nhà nước [81, 34].
Thứ sáu, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được vận dụng theo lý luận về “ Hình thái kinh tế - xã hội” của chủ nghĩa Mác [81, 34].
Thứ bảy, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam luôn đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu [81, 34].
Như vậy chúng ta thấy rằng, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hoạt động trong môi trường đa dạng của các quan hệ sở hữu, chế độ công hữu giữ vai trò quan trọng làm nền tảng của nền kinh tế quốc dân, kinh tế nhà nước là thành phần kinh tế chủ đạo. Cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa là sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích của toàn thể nhân dân lao động. Cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong sự phát triển kinh tế thị trường ở nước ta, vấn đề công bằng xã hội không chỉ là phương tiện mà còn là mục tiêu của xã hội mới. Sự thành công của nền kinh tế không chỉ là tăng trưởng kinh tế mà còn là mức sống của người dân, y tế, giáo dục cũng được phát triển và khoảng cách giàu nghèo ngày càng giảm, mỗi cá nhân ngày càng có điều kiện tốt hơn để phát triển chính mình.
Về vấn đề phân phối, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đảm bảo tốt các vấn đề xã hội. Lợi nhuận kinh doanh sản xuất và vấn đề xã hội luôn đi đôi với nhau, kết hợp chặt chẽ nguyên tắc phân phối của chủ nghĩa xã hội với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, giảm bớt sự chênh lệch giàu nghèo và bảo vệ thu nhập chính đáng của mọi thành viên trong xã hội. Bàn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn những vấn đề làm chúng ta chưa yên
tâm, chưa hài lòng và chúng ta cũng phải đối mặt với một số trở ngại rất lớn đó là:
Một là, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được hình thành chỉ sau một thời gian ngắn của chiến tranh, đất nước bị tàn phá nặng nề, chưu kịp khôi phục. Những hậu quả của chiến tranh vẫn còn để lại dấu ấn sâu đậm [81, 35].
Hai là, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được xây dựng trong điều kiện Việt Nam về cơ bản là nước nông nghiệp còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa có đội ngũ doanh nghiệp có trình độ cao, người Việt Nam chưa quen làm việc theo pháp luật [81, 35].
Ba là, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thực hiện trong quá trình Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ chế độ thực dân nửa phong kiến, vì vậy cùng với sự lạc hậu về khoa học, kỹ thuật bên cạnh đó là những tư tưởng trong chế độ cũ vẫn còn tồn tại [81, 35].
Bốn là, trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa, nhiều sản phẩm phi văn hóa độc hại tràn vào Việt Nam gây lên những hậu quả nghiêm trọng [81, 35].
Tất cả những khó khăn trên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người Việt Nam nói chung và đạo đức của người Việt Nam nói riêng.