Kỹ thuật là việc ứng dụng kiến thức khoa học, kinh tế, xã hội vào thực tiễn để thiết kế, xây dựng, và duy trì các cấu trúc, máy móc, thiết bị, hệ thống, vật liệu, và quá trình. Đây được nhìn nhận là lĩnh vực kiến thức về khoa học tự nhiên và toán học được áp dụng để phát triển các cách thức khai thác một cách kinh tế các vật liệu và năng lực thiên nhiên vì lợi ích của của người.
Ngành kỹ thuật vô cùng rộng, nó bao gồm một loạt các lĩnh vực kỹ thuật đặc thù hơn, mỗi lĩnh vực nhấn mạnh đến những lĩnh vực công nghệ và những kiểu ứng dụng riêng. Theo từ điển American
48
Heritage Dictionary of the English Language, kỹ thuật là sự ứng dụng của các nguyên tắc toán và khoa học khác vào thực tế để thiết kế, chế tạo và vận hành các cấu trúc, máy móc, quá trình, hệ thống một cách kinh tế và hiệu quả. Ủy ban kiểm định Hoa kỳ định nghĩa kỹ thuật là lĩnh vực ở đó kiến thức về khoa học tự nhiên và toán học – có được thông qua học tập, nghiên cứu, thí nghiệm và thực hành - được quyết định để phát triển các cách thức khai thác một cách kinh tế các vật liệu và năng lực thiên nhiên vì lợi ích của con người.
Trong bối cảnh phát triển nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khoa học kỹ thuật đã trở thành yếu tố cốt tử của sự phát triển, là lực lượng sản xuất trực tiếp của nền kinh tế toàn cầu bởi đặc điểm của kinh tế tri thức là vai trò ngày càng to lớn của những đổi mới liên tục về khoa học kỹ thuật trong sản xuất và vai trò chủ đạo của thông tin và tri thức với tư cách là nguồn lực cơ bản tạo nên sự tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, trình độ phát triển kỹ thuật có tính quyết định trong việc phát triển kinh tế quốc gia. Thực tế, cạnh tranh giữa các quốc gia trong thời kỳ công nghiệp 4.0 hiện nay là cuộc chạy đua về khoa học công nghệ và phát triển nền kinh tế tri thức theo hướng tăng nhanh các ngành sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao về thế mạnh khoa học kỹ thuật. Quốc gia càng có chỉ số đổi mới sáng tạo cao sẽ có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Sự phát triển các ngành kỹ thuật có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực có chất lượng cao về kỹ thuật và khoa học công nghệ đã trở thành lợi thế quyết định của mỗi quốc gia.
Do vậy các quốc gia trên thế giới đều đẩy mạnh các chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật, đặc biệt hệ đào tạo bậc cao như hệ đại học. Khối ngành kĩ thuật hệ đại học là nhóm ngành đặc trưng có rất nhiều các chuyên ngành như: kĩ thuật cơ khí, kĩ thuật điên, điện tử, kĩ thuật công trình xây dựng, kiến trúc, điện tử viễn thông, xây dựng cầu đường, kĩ thuật hàng không, dầu mỏ, tự động hóa, kĩ thuật tàu thủy, kĩ thuật hạt nhân, kĩ thuật môi trường,...Trong bất kỳ môi trường hay thời đại nào, khối ngành kỹ thuật cũng là một trong những sự góp mặt không thể thiếu của xã hội.
Cũng chính vì lẽ đó, các ngành thuộc khối công nghệ, kỹ thuật là một trong những ngành thu hút và có nhu cầu về nguồn nhân lực lớn nhất hiện nay và dự tính sẽ tăng cao trong nhiều năm tới; hứa hẹn dành nhiều quan tâm từ những học sinh đang chọn ngành đại học, trường đại học. Hiện xu hướng thế giới đang nghiêng về đào tạo khối ngành kỹ thuật bởi đây là ngành tạo động lực bứt phá cho cả nền kinh tế, đặc biệt trong thời đại phát triển nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Nắm bắt xu hướng đó, nền giáo dục Việt Nam đã có bước chuyển dịch rõ nét về cơ cấu ngành nghề trong đào tạo ở bậc đại học, trong đó tập trung và ưu tiên vào khối ngành kỹ thuật.
Theo thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết năm học 2016-2017, cả nước có hơn 200 trường đại học, học viện với tổng quy mô sinh viên đại học là gần 2 triệu người. Thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm học 2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, danh sách các trường đại học trên toàn quốc được chia thành hai khu vực địa lý gồm (1) Các trường đại học phía Bắc bao gồm các trường đại học, học viện đóng trên địa bàn các tỉnh từ Quảng Trị trở ra và (2) Các trường đại học phía Nam bao gồm các trường đại học, học viện đóng trên địa bàn các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở vào, theo đó khoảng 50% các trường đại học chính quy ở Việt Nam có mã ngành đào tạo kỹ thuật (Bảng 3.2).
49
Bảng 3.2 Số lượng các trường đại học chính quy chuyên ngành kỹ thuật ở Việt Nam Các trường ĐH Phía Bắc Các trường ĐH phía Nam
Số lượng trường 111 Trường 102 Trường
Số lượng trường đào tạo CN kỹ thuật 51 Trường 68 Trường
(Nguồn: Nghiên cứu sinh thống kê dựa trên số liệu tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 BGD&ĐT) Phần lớn sinh viên theo học nhóm ngành V là nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ. Đây là nhóm ngành chiếm tỷ trọng số sinh viên theo học cao nhất, với gần 33% tổng số sinh viên. Tuy nhiên nếu so sánh với một số nước có nền kinh tế phát triển trong khu vực thì số sinh viên theo học các ngành khoa học tự nhiên-kỹ thuật-công nghệ ở nước ta chiếm tỷ lệ rất thấp so với Trung Quốc (56%), Hàn Quốc (46%), Singapore (59%) và Nhật Bản (63%). Ngân hàng Thế giới cũng đã đưa ra khuyến cáo về tình trạng này và cho rằng Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm của các nước này và cần điều chỉnh lại cơ cấu theo hướng tăng dần nhóm ngành kỹ thuật khoa học công nghệ bởi đây là nhóm ngành cốt lõi tạo ra sự đổi mới sáng tạp và tăng trưởng kinh tế [21].
Xét về chất lượng của nhóm sinh viên khối ngành kỹ thuật ở Việt Nam, theo báo cáo cập nhật giáo dục đại học tháng 7/2014 của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) chủ đề “Những quan sát về giáo dục Đại học trong các ngành Khoa Học Nông Nghiệp, Kỹ Thuật Xây Dựng, Khoa Học Máy Tính, Điện - Điện Tử - Viễn Thông, Khoa Học Môi Trường, Vật Lý và Giao Thông Vận Tải tại một số trường Đại học Việt Nam”, kỹ thuật là một trong các nhóm ngành mà sinh viên giỏi Việt Nam thường có xu hướng lựa chọn [40]. Theo báo cáo nguồn nhân lực toàn cầu năm 2015 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố dựa trên số liệu nghiên cứu từ 124 quốc gia trên thế giới, nguồn nhân lực Việt Nam hiện đang xếp ở vị trí thứ 59 với điểm đánh giá 68,48. Với vị trí này, Việt Nam hiện đang đứng sau 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Singapore - vị trí 24, Philippines - vị trí 46, Malaysia - vị trí 52 và Thái Lan - vị trí 57) về chất lượng nguồn nhân lực (Bảng 3.3).
Bảng 3.3 Bảng xếp hạng chất lượng nguồn nhân lực
TT Nước Điểm đánh giá TT Nước Điểm đánh giá
50 Serbia 70.97 56 Qatar 69.04
51 Mông Cổ 70.75 57 Thái Lan 68.78
52 Malaysia 70.24 58 Mexico 68.50
53 Costa Rica 69.75 59 Vietnam 68.48
54 United Arab Emirates 69.39 60 Sri Lanka 68.19
55 Macedenia, FYR 69.31
(Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 2015)
Tuy nhiên sinh viên khối ngành kỹ thuật chưa có cơ hội được thực hành nghề nghiệp nhiều mà chương trình đào tạo còn nặng về lý thuyết. Khảo sát của luận án về cơ hội được tham gia nghiên cứu khoa học của sinh viên cho thấy chỉ khoảng 1/3 sinh viên kỹ thuật ở Việt Nam được tham gia hoạt động này. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí nhóm có trình độ chuyên môn cao có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp.
50
Trong những năm gần đây, mặc dù tình trạng học vấn của lao động ở nước ta không ngừng được cải thiện, hệ thống văn bằng được nâng cao và mở rộng nhưng tình trạng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng chính quy trong cả nước không có việc làm ngày càng nhiều, một bộ phận sau khi tốt nghiệp đại học đảm nhận các công việc không cần bằng cấp, hiện tượng sinh viên sau khi tốt nghiệp làm công nhân hoặc làm các công việc không cần đến trình độ đại học đang dần không còn xa lạ. Theo điều tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2011 cả nước có đến 63%
sinh viên thất nghiệp. Điều đáng báo động là con số sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng thất nghiệp sau khi ra trường vẫn tiếp tục tăng lên qua từng năm: năm 2012 là 402.300 người, năm 2013 là 425.200 người; tỷ lệ lao động trình độ đại học, cao đẳng thất nghiệp năm 2014 tăng 103%
so với năm 2010 (Đức Vượng, 2012). Gần đây nhất, hội thảo “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thống kê Quý I/2016 cả nước có 225.000 người có trình độ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp; 144.000 cử nhân đại học đang phải làm những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp. Số liệu của Bộ Lao động, Thương Binh & Xã hội còn cho thấy nếu xét theo trình độ đào tạo thì nhóm người có trình độ đại học trở lên lại đang dẫn đầu về tỷ lệ thất nghiệp hiện nay. Theo báo cáo năm 2016 của Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), số lao động có trình độ đại học thất nghiệp tại Việt Nam chiếm tới 20% tổng số lao động thất nghiệp trong cả nền kinh tế. Cùng với đó là khoảng 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động mỗi năm và hàng chục triệu người chuyển dịch khu vực lao động từ nông thôn lên thành thị tìm việc làm.
Thông tin từ Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 15 (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Tổng cục Thống kê tổ chức công bố) cho biết trong quý III-2017, cả nước có hơn 1,07 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp. Tỷ lệ SVTN ĐH tìm được việc làm có xu hướng ngày càng giảm và tỷ lệ lao động thất nghiệp có trình độ ĐH lại có xu hướng tăng và cao hơn tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Đó sẽ là những áp lực rất nặng nề đối với nền kinh tế và là một trong những vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Có một điểm đáng lưu ý là, nếu nhìn sâu vào cơ cấu trong nhóm, số lượng người thất nghiệp có chuyên môn kỹ thuật đã tiếp tục tăng cao [2].
Báo cáo về tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp gần đây của các trường đại học Việt Nam nói chung và khối các ngành kỹ thuật nói riêng cho thấy tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp khá cao. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia giáo dục và xã hội, con số này đôi khi không sát với thực tế, bởi chưa có cơ quan nào kiểm nghiệm đánh giá kết quả và số liệu điều tra của các trường đại học đôi khi không tiếp cận hết số sinh viên. Nguồn số liệu thường được điều tra trong ngày sinh viên về Trường nhận bằng tốt nghiệp đại học, trong khi không phải sinh viên nào cũng tham gia sự kiện này. Đấy là còn chưa nói đến chất lượng của việc làm có phù hợp với chuyên ngành đào tạo với sinh viên hay không.
Do vậy tình trạng sinh viên ra trường chưa có việc làm ngay hoặc làm các công việc không cần bằng cấp, không phù hợp với chuyên môn đào tạo là một trong những áp lực đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam phải giải quyết trong ngắn hạn và dài hạn. Giải pháp hiệu quả được nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện là truyền cảm hứng, tinh thần cũng như năng lực khởi nghiệp, từ đó nâng cao nhận thức về khởi nghiệp cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên khối ngành kỹ thuật ngay từ khi các em còn đang ngồi trên ghế các trường đại học, tiến tới là những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai gần.