3.3 Hệ sinh thái khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kỹ thuật Việt Nam
3.3.1 Tiềm năng khởi nghiệp của sinh viên khối ngành kỹ thuật Việt Nam
Nếu như năm học 2006 – 2007, tỷ trọng đào tạo nhóm ngành kinh tế - pháp lý chiếm vị trí cao nhất (27%); nhóm ngành kỹ thuật công nghệ chỉ xếp vị trí số hai với 21,9% [42] thì đến năm 2017, số sinh viên khối ngành công nghệ sẽ chiếm vị trí đầu với khoảng 35%, vượt xa so với kế hoạch 31% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch ngành nghề giai đoạn 2013- 2020 [51].
Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2015 (không bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ do thiếu dữ liệu), Việt Nam xếp vị trí thứ 10 trong danh sách các nước có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật nhất, với 100.390 kỹ sư tốt nghiệp mỗi năm (Hình 3.5). Đặc biệt, các nền kinh tế đang phát triển như Indonesia và Việt Nam cũng lọt vào top 10, khi lần lượt đào tạo ra 140.000 và 100.000 sinh viên kỹ thuật mỗi năm
Hình 3.5: Danh sách các nước có nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật nhất (Nguồn: Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 2015)
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, rất nhiều ngành học hướng tới nền kinh tế tri thức và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào đời sống đã ra đời. Các trường đại học có sự điều chỉnh về cơ cấu ngành nghề theo xu hướng đẩy nhanh triển ngành đào tạo tập trung vào mở mới và nâng cao chất lượng các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật là những ngành đem lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ở trong nước cũng như việc dịch chuyển lao động trong khu vực ASEAN. Hình 3.6 cho thấy xét cả các trường công lập và ngoài công lập, khối ngành V liên quan tới kỹ thuật đều có lượt đào tạo cao nhất, theo báo cáo gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo [45].
52
Hình 3.6 Số lượt ngành đào tạo trình độ đại học năm 2017 (Nguồn: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo) [45]
Bên cạnh đó, Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 cũng cho biết thêm, nếu xét riêng và tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học, tính từ đầu năm 2016 đến 31/7/2017, tổng số ngành mở mới ở trình độ đại học là 184 ngành, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và hành vi, Kinh doanh quản lý, Pháp luật [45] (Hình 3.7).
Hình 3.7 Số lượt ngành mở mới năm học 2016-2017 (theo khối ngành) (Nguồn: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo [45]
Cùng với đó là sự quan tâm trở lại của xã hội nói chung đối với các ngành khoa học công nghệ đang là một xu hướng mới trong những năm gần đây. Số liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong Hội nghị tổng kết năm học 2016 - 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017- 2018 các cơ sở giáo dục đại học ngày 11.8.2017 cũng cho thấy phần lớn sinh viên tập trung theo học các ngành thuộc Khối ngành V: Toán và thống kê; Máy tính và công nghệ thông tin; Công
53
nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Sản xuất chế biến, chiếm tới gần 33% trong tổng số sinh viên đại học chính quy năm học 2016-2017 [45] (Hình 3.8).
Hình 3.8: Cơ cấu quy mô sinh viên đại học chính quy theo nhóm ngành năm học 2016 -2017 (Nguồn: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo [45]
Sự điều chỉnh cơ cấu ngành học của các trường đại học theo hướng ưu tiên mở rộng khối ngành khoa học công nghệ và sự quan tâm trở lại của xã hội đối với nhóm ngành kỹ thuật phần lớn xuất phát từ cơ hội nghề nghiệp của Việt Nam đối với khối ngành này. Theo báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2016 của Tổng Cục Thống kê về cơ cấu lao động Việt Nam giai đoạn gần đây, lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp tăng lên theo từng năm. Nếu như năm 2000, cơ cấu lao động trong nhóm ngành công nghiệp chỉ chiếm hơn 10% thì đến năm 2016, con số này là gần 25%, tăng dần đều qua các năm [4] (Bảng 3.4). Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều đang hướng tới là một trong các tác nhân chính hình thành xu thế phát triển của ngành học này.
Bảng 3.4. Cơ cấu lao động của các khu vực kinh tế, thời kỳ 2006-2016 (ĐVT: %) Năm Nông, lâm, thủy sản Công nghiệp & xây dựng Dịch vụ
2006 54.3 18.2 27.6
2007 52.9 18.9 28.1
2008 52.3 19.3 28.4
2009 51.5 20.0 28.4
2010 49.5 21.0 29.5
2011 48.4 21.3 30.3
2012 47.4 21.2 31.4
2013 48.8 21.2 32.0
2014 46.3 21.5 32.2
2015 44.0 22.8 33.2
2016 41.9 24.7 33.4
(Nguồn: 2000-2015: Niên giám Thống kê; 2016: Điều tra lao động và việc làm năm 2016) Như vậy, với số lượng lớn sinh viên khối ngành kỹ thuật, sự rộng mở các ngành nghề đào tạo trong các trường đại học cho khối ngành kỹ thuật và sự quan tâm của toàn xã hội đối với khối ngành này, Việt Nam được coi là quốc gia tiềm năng cho khởi nghiệp sáng tạo bởi sinh viên khối
54
ngành kỹ thuật được coi là nhóm nhân lực nguồn cho các thế hệ khởi nghiệp sáng tạo của xã hội trong tương lai.