Tiểu thuyết Xuân Từ Chiều – góc khuất của người phụ nữ trong xã hội hiện đại

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết xuân từ chiều của y ban (Trang 21 - 25)

CHƯƠNG 1 SÁNG TÁC CỦA Y BAN TRONG DÒNG CHẢY VĂN XUÔI NỮ VIỆT

1.2.2. Tiểu thuyết Xuân Từ Chiều – góc khuất của người phụ nữ trong xã hội hiện đại

Xuân Từ Chiều là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Y Ban, được xuất bản vào năm 2008. Tên tác phẩm được ghép từ tên ba nhân vật nữ chính: Xuân, Từ và Chiều. Ba cuộc đời, ba tính cách, ba số phận, ba thế hệ khác nhau nhưng họ gặp nhau ở một điểm chung đó là nỗi khổ tâm của người đàn bà. Có lẽ cũng chính điều này đã làm cho cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt đã khiến cho người đọc phải nhiều lần

trăn trở và day dứt về thân phận con người nói chung và kiếp đàn bà nói riêng.

Trong một cuộc trò chuyện về cuốn tiểu thuyết này, nhà văn Y Ban đã từng chia sẻ: “Thực ra với mỗi một nhân vật đã có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết rồi nhưng tôi đã liên kết họ lại để nói lên được cái điều mình cần nói”. Thật vậy, ba nhân vật – một người một vẻ từ tính cách đến hoàn cảnh gia đình và cuộc sống vợ chồng nhưng dường như họ gặp nhau ở nỗi niềm chung của người phụ nữ để rồi thấm thía nỗi đau của nhau. Cứ thế, câu chuyện về cuộc đời của ba người phụ nữ được nhà văn kể lại đã chạm tới trái tim người đọc và để lại những ám ảnh khôn nguôi.

Trước hết là câu chuyện của Xuân, một cô gái nhà quê lên thành phố làm dâu ở một khu tập thể bệnh viện. Ở đây, cô cùng với Từ theo bà Nuôi làm công việc đi chôn những hài nhi không được làm người, bị cha mẹ ruồng bỏ. Người đọc sẽ còn cảm giác bị ám ảnh với hình ảnh con bé Từ dắt tay Xuân vòng ra phía sau của bệnh viện để tận mắt chứng kiến người ta trao tay bà Nuôi những cái bọc nhỏ để trong làn. Rồi chính tay Từ, Xuân và bà Nuôi lại đào đất chôn những sinh linh bé nhỏ vô tội đã bị tước bỏ quyền làm người khi chưa kịp chào đời. Và có lẽ cũng không thể nào quên được hình ảnh người đàn bà điên đầu ngõ nhà Xuân bị gã đàn ông tỉnh táo khốn nạn làm cho có chửa đến mấy lần, lần nào cũng sinh con một mình trong đau đớn, lần nào cũng chắp tay quỳ gối van xin bà Nuôi đưa con đi. Đó cũng là lúc người đàn bà ấy ở trong trạng thái tỉnh nhất, bà chỉ tỉnh duy nhất có mấy giây đó, khi người ta mang con bà đi. Có thể nói, đó là những cảnh tượng có sức ám ảnh lớn về thân phận của những người phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Trở lại với nhân vật Xuân, nỗi bất hạnh lớn nhất của chị là được làm vợ mà không được làm mẹ. Niềm hạnh phúc lớn lao nhất của người phụ nữ là những đứa con nhưng Xuân lại không có được may mắn đó. Xuân là một người phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp với chức vụ trưởng khoa của trường Đại học. Hạnh phúc tưởng chừng đã mỉm cười với cô khi gặp Tuấn, một người chồng lý tưởng, yêu thương cô hết lòng nhưng trớ trêu thay, tình yêu của họ không thể đơm hoa kết trái. Nỗi đau của Xuân còn lớn hơn khi phát hiện ra sự thật rằng chính chồng cô là nguyên nhân

dẫn đến bi kịch cho cuộc hôn nhân của họ. Sự giấu diếm, sự ích kỉ của người chồng đã làm nên nỗi mất mát không gì bù đắp nổi trong cuộc đời Xuân.

Cũng trong cái chợ đời ấy còn có nhân vật Chiều với nỗi cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vốn là một người phụ nữ thông minh, giỏi giang, thường giải toán giúp chồng mỗi khi chiều về để anh được học hành tử tế và từng bước leo lên từng nấc thang danh vọng, nhưng đến khi cuộc sống đủ đầy, chính những người thân yêu nhất lại quay lưng với chị. Chị cảm giác lạc lõng, cô đơn, bị lãng quên ngay trong mái ấm gia đình mình. Cái chết của chị là tiếng khóc xé lòng cho số kiếp của những người phụ nữ giàu đức hy sinh và chấp nhận cam chịu.

Người phụ nữ thứ ba xuất hiện trong cái chợ đời ấy là Từ. Cô là một trí thức có tài, được học hành đến nơi đến chốn, tốt nghiệp hai trường đại học nhưng cuối cùng vẫn không xin được việc làm, phải ra vỉa hè bán xôi chim kiếm sống. Tài năng không được trọng dụng và còn có nguy cơ bị lãng quên đã khiến cho ước mơ của Từ ngày càng xa vời.

Tiểu thuyết Xuân Từ Chiều có những nét độc đáo và riêng biệt về nghệ thuật chỉ có ở nhà văn Y Ban. Với lối kể chuyện đan xen để cho các nhân vật đồng hiện, tác giả đã đan cài rất có duyên mối quan hệ giữa các nhân vật theo trật tự thời gian.

Cùng với việc lựa chọn cách viết liền mạch không xuống dòng, tác phẩm thực sự gây được chú ý đối với bạn đọc. Thông qua đó, chúng ta không chỉ được lắng nghe câu chuyện về ba mảnh đời, ba số phận, ba bi kịch của ba người phụ nữ trên từng trang văn mà còn thấm thía sâu sắc những bài học nhân sinh từ những câu chuyện rất đỗi bình thường. Vẫn lối viết tưng tửng được thể hiện trong các sáng tác trước đó nhưng với Xuân Từ Chiều, Y Ban đã đẩy lối viết riêng ấy trở nên khác biệt ở kết cấu không xuống dòng. Hơn 250 trang sách được viết ra như một câu chuyện dài hơi được nhà văn kể mãi mà vẫn chưa có hồi kết. Cũng giống như số kiếp con người nói chung và thân phận đa đoan, chua chát, mỏng manh của người phụ nữ vẫn còn mãi vương vấn trong cõi lòng như một niềm trăn trở, day dứt. Bên cạnh đó là việc sử dụng ngôn ngữ bình dân, mộc mạc, không trau chuốt, gọt đẽo nhưng được đặt đúng chỗ nên có sức mạnh tạo nên cơn bão lòng trong tâm thức người đọc. Chân

lí cuộc sống cũng như những cảm nhận, chiêm nghiệm về cuộc đời, về con người vì thế cũng trở nên hết sức tự nhiên, gần gũi hơn bao giờ hết.

Bằng giọng văn trần thuật với lối kể tưng tửng tưởng như lạnh lùng, vô cảm, nhà văn đã từng bước dẫn dắt người đọc vén bức màn hiện thực để cùng chứng kiến những bi kịch cuộc đời của họ.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết xuân từ chiều của y ban (Trang 21 - 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)