Hình tượng những nhân vật nam bất toàn

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết xuân từ chiều của y ban (Trang 50 - 54)

CHƯƠNG 2 TIỂU THUYẾT XUÂN TỪ CHIỀU – NHỮNG SẮC THÁI CỦA Ý THỨC

2.2.2. Hình tượng những nhân vật nam bất toàn

Để khẳng định nữ quyền, khi xây dựng nhân vật nam, các nhà văn nữ thể hiện một cái nhìn về những người đàn ông không toàn vẹn, những người đàn ông có những khiếm khuyết về ngoại hình hay tính cách. Theo đó, người đàn ông trong tác phẩm của các nhà văn nữ thường hiện lên ở các mặt hạn chế, nhược điểm. Thiết nghĩ, đó cũng là cách thức xây dựng nhân vật phù hợp với tiếng nói mạnh mẽ của ý thức nữ quyền đang trỗi dậy trong dòng văn xuôi nữ đương đại.

Cần phải nói thêm, hình tượng những nhân vật nam trong sáng tác của nữ giới được xây dựng thông qua các mối quan hệ tình yêu, gia đình và các mối quan hệ thường nhật mà ở đó bản chất của họ được thể hiện rõ nhất. Sự khác biệt có lẽ là ở cách nhìn và cách phản ánh chân dung của họ qua ngòi bút của các nhà văn nữ khi phơi bày những thói hư tật xấu, những mặt không hoàn hảo mà người đời vẫn nghĩ chỉ có ở người phụ nữ. Sự bất toàn ấy ở những người đàn ông đã dẫn đến sự vỡ mộng ở nữ giới. Người phụ nữ cảm thấy thất vọng trước những người đàn ông không hoàn hảo, lý tưởng của xã hội. Dần dần, họ còn có cảm giác cô đơn khi phải sống trong một thế giới thiếu vắng những người đàn ông chân chính. Thực sự, ý thức về giới đã giúp nữ giới có được cái nhìn mới mẻ và bình đẳng hơn về những người đàn ông.

Trong các sáng tác của mình, nhà văn Y Ban chia sẻ: “Tôi viết bằng những gì tôi trải nghiệm từ đời sống. Và dấu ấn xã hội, dấu ấn thời đại luôn ở trong tác phẩm của nhà văn là lẽ đương nhiên, không cần phải bàn cãi. Tôi không cần phải hạ thấp nhân vật nam của mình thì mới có thể yêu thương được nhân vật nữ” [21,tr.3].

Không chủ trương hạ thấp vai trò của nhân vật nam, chị chỉ muốn nhìn thẳng vào sự thật rằng trong xã hội này không thiếu những người đàn ông bất toàn.

Người đàn ông cũng gặp phải bất hạnh trong tình yêu và hôn nhân như trường hợp của Tuấn, chồng của Xuân. Trở về cuộc sống đời thường, Tuấn mang theo nỗi mất mát do chiến tranh mang lại đó là nỗi đau của một người đàn ông không còn lành lặn. Có thể đó là một may mắn so với những ai đã hy sinh ở chiến trường.

Nhưng Tuấn lại trở thành nạn nhân của những trái ngang mà chiến tranh để lại. Là một người đàn ông đẹp trai, thành đạt trong cuộc sống thời bình và là người đàn ông rất yêu vợ. Nhưng anh không thể mang đến cho Xuân - vợ anh cái hạnh phúc được làm mẹ cũng như bản thân anh niềm vui được làm bố. Bởi vì trong thời gian đóng quân ở Lào Cai do một lần vướng mìn, anh đã bị mất đi bộ phận sinh dục, đã phẫu thuật tái tạo lại nhưng anh đã không còn khả năng sinh con nữa. Nỗi bất hạnh giờ đây không chỉ còn là của riêng Tuấn mà đã nhân đôi lên trong quan hệ vợ chồng với Xuân. Rõ ràng chiến tranh không chỉ hiện hình nơi tiền tuyến, không chỉ gây ra những hậu quả trước mắt

mà còn để lại những di chứng lâu dài. Không cứ phải là những trận đánh quyết liệt, không cứ phải là bom rơi đạn nổ, là chết chóc đổ máu mới là nói về chiến tranh.

Chiến tranh kết thúc nhưng những tổn thương, đau đớn do nó gây ra đâu phải đã dừng lại. Vì vậy nói về tâm thế của những người lính bước ra từ cuộc chiến, về những khó khăn khi hòa nhập với cuộc sống hiện thực của họ, nói về nỗi cô đơn, về khát khao hạnh phúc trong khắc khoải đợi chờ của những người vợ, người mẹ cũng là cách nhìn nhận đa chiều và đi đến tận cùng sự tàn khốc của chiến tranh. Tuấn là một người đàn ông không may mắn và trở nên bất lực trong cuộc sống hôn nhân của mình. Đó là một sự thật không thể che giấu.

Không dừng lại ở đó, Y Ban còn khắc họa chân dung người đàn ông có học nhưng lại ích kỉ, vô dụng và phụ bạc đến tàn nhẫn với chính người vợ của mình.

Chúng ta cảm thấy phẫn nộ trước sự ích kỉ của Tuấn khi lừa dối Xuân, im lặng để một mình Xuân chịu đựng tất cả nỗi oan ức. Và rồi chúng ta bắt gặp Cương, chồng của Từ, một người đàn ông vô dụng. Là một họa sĩ nhưng niềm đam mê của Cương không đem lại một cuộc sống đủ đầy cho vợ con. Suốt ngày, anh chỉ biết chui ra chui vào cái lều vịt, vẽ vời một cái gì đó rồi ngáy khò khò. Tất cả mọi lo toan của cuộc sống gia đình, anh để một mình Từ gánh vác, lo toan. Những lúc Từ cần Cương nhất: lúc sinh con, lúc quyết định phá thai, lúc Từ đau đớn vì những lần phá thai nhiều lần, Cương đã ở đâu? Càng xót thương cho những người phụ nữ bao nhiêu càng cảm thấy bất bình, căm giận với những người đàn ông đang dần đánh mất vị trí của mình.

Có lẽ trong tác phẩm, nhân vật Chiện, người chồng thứ ba xuất hiện cũng không làm cho bức tranh về thế giới đàn ông bớt đi vẻ ảm đạm. Ở một bình diện khác, Chiện đại diện cho sự tha hóa và đi xuống về mặt đạo đức bởi đồng tiền ở phạm vi cá nhân trong xã hội. Nhưng điều cần nói ở đây là sự phụ bạc đến mức tàn nhẫn của Chiện dành cho người vợ của mình. Lấy được Chiều làm vợ là niềm may mắn lớn nhất của cuộc đời Chiện. Ấy vậy mà anh không những không biết trân trọng mà ngược lại còn phản bội lại tất cả. Bản chất ích kỉ, bội bạc của người đàn ông hiện lên rất rõ ở nhân vật này. Chính Chiều là người đã giúp Chiện từng bước leo lên

những nấc thang trong sự nghiệp, để trở thành một người giàu có. Nhưng từ khi đạt được mục đích của mình, Chiện trở nên vô tâm với Chiều, anh cảm thấy xấu hổ về Chiều và tìm mọi cách lảng tránh, khinh thường vợ mình. Không một lời hỏi han quan tâm, Chiện trở nên vô cảm, vô tình đến mức phủ định sự có mặt của Chiều, chỉ sống cho mình.

Bên cạnh hình ảnh của ba người chồng của ba nhân vật nữ chính, người đọc còn nhận ra được bóng dáng của một gã đàn ông khốn nạn đã gây ra đau khổ cho người đàn bà điên ở khu tập thể. Người đàn bà ấy không quần không áo, sống trong nghèo đói và luôn ở trong trạng thái điên loạn. Nhưng thật đau đớn thay, người đàn bà ấy vẫn bị một gã đàn ông lợi dụng hết lần này đến lần khác. Sau những lần tắm rửa sạch sẽ cho bà, người đàn ông lại mang bà đi để thỏa mãn dục vọng của mình và cuối cùng bỏ rơi bà một mình gánh chịu nỗi đau mang thai. Và mỗi lần đứa con được sinh ra, bà lại chắp tay lạy bà Nuôi đem con bà đi trong niềm xót xa, đau đớn. Bà Nuôi bảo bà ấy chỉ tỉnh táo được mấy giây đó thôi, nhưng có người tỉnh táo vẫn tàn nhẫn để lại những vết thương cho bà.

Như vậy, người đàn ông luôn là kẻ gây ra nỗi đau và sự bất hạnh, kẻ phản bội lại lý tưởng về tình yêu, về đời sống của người phụ nữ. Họ là hình tượng bất toàn trong một thế giới bất toàn. Bi kịch người phụ nữ vỡ mộng trong một thế giới bất toàn này được lặp đi lặp lại, trở thành điểm tương đồng trong cách thức tái hiện và quan niệm, lý giải đời sống trong sáng tác của các nhà văn nữ. Trên hành trình tìm kiếm chính mình, người phụ nữ thông qua sự phủ định nam giới để khẳng định bản thể của họ. Như vậy, xây dựng hình tượng nhân vật nam bất toàn là một trong những phương thức nghệ thuật để các nhà văn nữ thể hiện nội dung tư tưởng, bộc lộ một thế giới quan nữ tính từ góc nhìn của giới mình.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết xuân từ chiều của y ban (Trang 50 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)