Nhân vật nữ với số phận bất hạnh và bi kịch lệ thuộc

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết xuân từ chiều của y ban (Trang 47 - 50)

CHƯƠNG 2 TIỂU THUYẾT XUÂN TỪ CHIỀU – NHỮNG SẮC THÁI CỦA Ý THỨC

2.2.1. Hình tượng nhân vật nữ

2.2.1.2. Nhân vật nữ với số phận bất hạnh và bi kịch lệ thuộc

Theo chiều dài lịch sử, vai trò và vị trí của nam giới ngày càng được củng cố và đề cao. Trong sự đối sánh từ trước đến nay, họ luôn được xem là phái mạnh còn nữ giới luôn là phái yếu, phải chịu sự lệ thuộc vào nam giới. Chính quan niệm ấy đã làm cho cuộc sống của người phụ nữ luôn bị áp chế bởi nam quyền, thậm chí khiến họ bế tắc, không thể tìm được lối thoát. Họ đành chịu số phận bất hạnh và những nỗi bi kịch do nam quyền gây ra.

Ở bất kì thời đại nào, tiếng khóc của những người phụ nữ khóc cho thân phận của họ vẫn khiến người ta không thôi trăn trở, day dứt. Ở những tác phẩm của Y Ban, một hiện thực dễ nhận thấy là chị dành nhiều tâm huyết để xây dựng những nhân vật nữ nhưng phần lớn họ đều có số phận bất hạnh. Cuộc đời họ thường gặp phải những bi kịch và tiểu thuyết Xuân Từ Chiều cũng kể về câu chuyện của những người phụ nữ như vậy.

Tiểu thuyết được trải ra như những câu chuyện về những vấn đề nóng hổi của xã hội mà chúng ta đã và đang sống. Trong đó, chúng ta thấy rõ bóng dáng của những người phụ nữ đang phải vật lộn từng ngày, từng giờ với cuộc sống, với gia đình và với chính mình, mong muốn tìm kiếm một lối thoát. Chúng ta có ba nhân

vật nữ chính, họ lần lượt xuất hiện trong tác phẩm như những chủ đề hấp dẫn trong câu chuyện của những bà, những mẹ trong cái “chợ đời” ấy. Cả ba người phụ nữ ấy đều phải hứng chịu những bi kịch riêng trong cuộc đời làm vợ, làm mẹ của mình.

Nỗi bất hạnh của Xuân có lẽ cũng là nỗi đau của bao nhiêu người phụ nữ trong xã hội chúng ta khi không có cơ hội được làm mẹ. Nói về khát vọng bản năng được làm mẹ của người phụ nữ, Y Ban đã đặt nhân vật của mình trong tình huống trớ trêu của cuộc đời để khắc sâu thêm về những điều đem lại ý nghĩa lớn lao đối với người phụ nữ. Xuân không có con song đã có đến tám lần chị phải đưa Từ đi phá thai. Xuân đã nén lòng giấu đi những giọt nước mắt, không biết bao nhiêu lần cô ao ước “làm sao cấy nó được vào trong bụng chị nhỉ”. Nghe cứ như chuyện đùa mà sao tê tái đến vậy. Một cuộc sống giàu sang, thành đạt, một người chồng đẹp trai và yêu vợ tha thiết, những tưởng Xuân đã có tất cả. Nhưng rốt cuộc, tất cả đều không thể bù đắp cho những khát khao mong mỏi một đứa con của Xuân. Trong cuộc sống hôn nhân, Xuân thực sự đã thất bại khi không thể thực hiện được vai trò của mình. Những tưởng nỗi đau ấy đã quá khó khăn để chấp nhận nhưng còn một sự thật đau đớn hơn thế. Đó là khi cô phát hiện mình bị lừa dối, rằng Tuấn không thể có con, nỗi bất hạnh của Xuân trở thành bi kịch không có cách nào giãi bày cùng ai.

Cô uất nghẹn trong dòng nước mắt đưa tiễn chồng cùng với một tình yêu khiến cô không thể sống nổi hay chính là cô đang khóc thương cho chính số phận của mình?

Bi kịch của Xuân không chỉ là bị người chồng lừa dối mà đau đớn hơn là chịu đựng tất cả sự chỉ trích của gia đình chồng về việc không có con. Trong nỗi bất hạnh chung ấy, người phụ nữ như Xuân vẫn là người phải gánh chịu lỗi lầm và một mình phải chấp nhận sự thiệt thòi khi còn chưa biết rõ nguyên nhân. Bố mẹ chồng vẫn đinh ninh rằng chính Xuân là người có lỗi trong chuyện này. Mọi nghi vấn đều dành cho Xuân mặc dù cô đối xử rất tốt với gia đình nhà chồng. Có thể thấy, trong mọi chuyện, sự nhìn nhận và phán xét của người đời đối với người phụ nữ luôn có phần khắt khe hơn so với những người đàn ông.

Còn đối với Từ, nỗi bất hạnh lại đến trong con đường công danh khi sự nghiệp dang dở, ước mơ thời tuổi trẻ bỗng chốc tan biến cùng với niềm hạnh phúc

hôn nhân. Từ có tài năng và mơ ước tươi đẹp nhưng cuối cùng vẫn phải hy sinh tất cả cho gia đình. Đó cũng là một dạng biểu hiện của bi kịch lệ thuộc vào những quan niệm về số phận của người phụ nữ, một khía cạnh nội dung của ý thức nữ quyền trong văn học. Khi phải chấp nhận hy sinh, người phụ nữ vẫn sẽ là người thực hiện điều đó trước người đàn ông. Ta tưởng chừng thiên chức làm mẹ, làm vợ đã làm cho người phụ nữ dần đánh mất “cái tôi” của mình. Từ đã từng ấp ủ những ước mơ thật đẹp nhưng xã hội thời đó chưa bao giờ nhìn nhận và công nhận tài năng của cô.

Thất vọng liên tiếp khi những đề tài của mình không được chấp nhận, khát khao cống hiến của cô dần trở nên thừa thãi và vô nghĩa đối với xã hội. Từ quay trở về mái ấm của mình, bên chồng và con, thực hiện nghĩa vụ làm một người trụ cột trong gia đình. Cuộc sống cứ trôi đi, bình thường đến mức tẻ nhạt, có những lúc va chạm với cuộc đời, Từ cảm thấy tiếc nuối, đau đớn đến khóc không thành tiếng nhưng vẫn phải sống. Dẫu sao cô vẫn còn may mắn hơn Xuân khi được làm mẹ và còn hạnh phúc hơn Chiều khi được chồng yêu thương hết mực. Tất nhiên chúng ta không thể biết được nỗi bất hạnh nào lớn hơn nhưng có lẽ ở nhân vật Từ, mức độ ấy được thể hiện nhạt hơn chăng?

Người phụ nữ thứ ba đó là Chiều. Nỗi bất hạnh của Chiều khiến người đọc nghẹn ngào vì đó là nỗi đau khổ tột cùng không chỉ của người phụ nữ mà của con người nói chung. Cô đến và đi khỏi thế giới này với nỗi cô đơn đến tê tái trong chính ngôi nhà của mình, bên những người mình thương yêu nhất. Cái chết của cô là lời cảnh báo cho lối sống vô cảm trong xã hội hiện đại đang có khả năng nhấn chìm những giá trị đạo đức, làm mờ đi những tình cảm gia đình để rồi con người rơi vào bế tắc, hoang mang. Cả một cuộc đời hy sinh cho chồng con nhưng đến cả khi chết đi cũng không có được một giọt nước mắt của họ. Người đến viếng rất đông nhưng họ đến vì người sống, vì ông tổng giám đốc chứ đâu phải khóc thương cho Chiều. Đứng phía sau thành công của chồng và chấp nhận trở thành một cái bóng câm lặng là sự lựa chọn không thể khác của Chiều. Và cái chết đến với chị không chỉ là một sự giải thoát mà có lẽ là một sự an ủi. Bởi vì vẫn còn đó lời ai điếu cho cuộc đời Chiều: “Chị ơi, em còn nhớ như in những bữa cơm em được ăn ở nhà chị,

cái lúc thiếu đói ấy mà bữa cơm nhà chị lúc nào cũng tươm tất cho chồng, cho con, cho cả bạn của chồng, chị lúc nào cũng vui vẻ thế mà sao giờ lại đến nông nỗi này hả chị, chị sống khôn chết thiêng chị bắt chết cái lũ ăn ở bạc ác ấy đi” [2,tr.225].

Những câu văn mang hồn vía bởi cái tình chất chứa trong đó, bởi tiếng khóc gào xé ruột của người đọc hay của chính tác giả đang lặng thầm nhỏ xuống trước sự ra đi của chị? Kết thúc bi đát của cuộc đời Chiều là sự lựa chọn đau đớn, là sự bế tắc của tình yêu thương và sự hy sinh của một người phụ nữ. Chính nhà văn Y Ban đã từng tâm sự rằng: “Quả là tôi không tìm được cách nào để cho nhân vật Chiều khỏi chết.

Bảo Chiều đói khổ ư, tôi sẽ mang gạo tiền đến cho Chiều. Bảo Chiều bị chồng con ngược đãi ư, tôi sẽ gọi những nhà chức trách đến giúp… Chiều chỉ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, giữa những người mình yêu thương. Giá như Chiều không còn yêu họ. Tôi sẽ cứu Chiều ra khỏi căn nhà ấy” [10,tr.2]. Như vậy, nếu như Xuân gặp phải bất hạnh vì quá yêu chồng, vì sự ích kỉ của chồng như Tuấn thì ở phía bên kia, Chiều lại phải chịu đựng nỗi bất hạnh vì sự ghẻ lạnh, sự phụ bạc phũ phàng của một người chồng như Chiện. Cả hai người phụ nữ đều mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp: tận tụy hy sinh, nhẫn nhục chịu đựng và luôn luôn cố gắng phấn đấu để có được một gia đình hạnh phúc nhưng cuối cùng họ cùng chung một số phận bất hạnh, oan nghiệt từ chính người thân yêu nhất mang lại. Nỗi đau ấy sẽ còn đau đớn gấp bội, khó có thể tỏ bày cùng ai và cũng không dễ dàng vượt qua. Nỗi đau ấy hiện lên ở mỗi người phụ nữ những gam màu đậm nhạt khác nhau, không ai đi đong đếm nỗi đau nhưng họ đều gặp nhau ở nỗi khổ tâm của người phụ nữ trong xã hội hiện đại, luôn mong muốn có được một mái ấm gia đình hạnh phúc.

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết xuân từ chiều của y ban (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)