CHƯƠNG 2 TIỂU THUYẾT XUÂN TỪ CHIỀU – NHỮNG SẮC THÁI CỦA Ý THỨC
2.1.1. Đề tài thế sự - đời tư trong bề sâu cảm xúc và chiêm nghiệm
Cảm hứng thế sự, đời tư là loại cảm hứng mô tả đời sống nhằm mục đích nhận thức nó trong tất cả các trạng thái nhân thế phức tạp vốn có. Cảm hứng sáng tạo này thường xuất hiện khi con người phải đối mặt với một hiện thực “méo mó, bất toàn”, do đó, nó thường đi cùng với tinh thần phê phán trên cơ sở ý thức hướng tới một môi trường xã hội nhân văn, tiến bộ. Với khao khát “nhìn thẳng vào sự thật”, “nói rõ sự thật”, nhà văn trực diện hướng ngòi bút vào các chủ đề xã hội, đặt lên hàng đầu những suy nghĩ và chủ kiến cá nhân để phản ánh, lý giải hiện thực một cách triệt để.
Do hoàn cảnh lịch sử - chính trị có tính đặc thù, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 chủ yếu bị chi phối bởi cảm hứng sử thi. Cảm hứng thế sự, đời tư mới chỉ thực sự trỗi dậy mạnh mẽ vào quãng giữa những năm 80, đặc biệt là từ sau thời kì đổi mới với xu thế dân chủ hóa về mọi mặt và những quan niệm nhân sinh – thẩm mĩ tiến bộ, cởi mở. Khi ấy văn học mới từng bước thoát ra khỏi áp lực của “chủ nghĩa đề tài”, khai phá các vùng hiện thực mới, đưa ra cách nhìn mới mẻ đối với những hiện thực vốn đã quen thuộc. Từ hiện thực của các sự kiện, biến cố lịch sử đến hiện thực về con người, từ cái nhìn một chiều đến cái nhìn nhiều chiều, biên độ hiện thực đã được mở rộng, khả năng chiếm lĩnh đời sống của văn xuôi tăng lên.
Cũng từ sau thời kì đổi mới, các nhà văn nữ bắt đầu khai mở cái tôi cá nhân của mình nhằm khẳng định ý thức nữ quyền một cách trực diện, mạnh mẽ. Họ muốn tự hát lên để ca ngợi, để khẳng định vẻ đẹp, vai trò, thiên chức của mình và của tất cả những người phụ nữ như mình. Họ muốn tạo cho mình và văn mình một giọng điệu, một nhan sắc riêng. Tiểu thuyết Việt Nam từ sau đổi mới, đặc biệt là tiểu thuyết của các nhà văn nữ không chỉ đi sâu vào thân phận con người mà còn đề cập tới khát vọng sống, về hạnh phúc cá nhân, về tình yêu đôi lứa. Các nhà văn nữ chú ý
khai thác con người tự nhiên trước nhu cầu của hạnh phúc đời thường, của cuộc sống riêng tư. Cuộc sống rộng lớn đa chiều đã được họ nhận thức rõ ràng trên từng trang giấy, những vui buồn âu lo, những niềm tin hi vọng, những đau đớn tủi hờn của bản thân cũng như của đồng loại đều được trải ra dưới ngòi bút của họ.
Dưới góc nhìn của người phụ nữ, đề tài thế sự - đời tư đã có được một tiếng nói riêng, nhẹ nhàng đằm thắm nhưng không kém phần sâu sắc, thậm chí táo bạo. Ý thức nữ quyền như một bản năng sẵn có trong trái tim và khối óc của các nhà văn nữ và ở mảng đề tài thế sự - đời tư nó đã có dịp lên tiếng. Ở đây, xin chỉ rõ sự khác biệt trong cách khai thác mảng đề tài này của các nhà văn nữ trong sự đổi mới chung của nền văn học đương đại.
Trước hết, có thể nhận thấy, hầu hết các sáng tác của các nhà văn nữ thường lấy đề tài trực tiếp từ đời sống hiện tại. Điểm tựa cho kết cấu không phải là các biến cố lịch sử mà là những chuyện hàng ngày, những quan hệ nhân sinh muôn thuở, những ứng xử có tính phổ biến hay đột biến của con người. Mỗi tình huống, mỗi hành động, mỗi tâm trạng sẽ được soi chiếu bằng nỗi khắc khoải của người phụ nữ trên hành trình tự hoàn thiện mình.
Hơn nữa, phụ nữ thường có ít mối quan tâm đến thế sự hơn nam giới, nếu có quan tâm thì cũng chỉ là những vấn đề thiết thân nhất, liên quan nhất đến mình và những người yêu thương xung quanh mình. Họ thẳng thắn bóc tách những mặt trái của xã hội và cũng mạnh dạn bóc tách chính tâm hồn cuộc đời của mình. Đối với các nhà văn nữ thì mối quan tâm lớn nhất trong tác phẩm của họ là giá trị của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Họ vẫn mong muốn sáng tác những tác phẩm hay mà ở đó tiếng nói về thân phận người phụ nữ được quan tâm và thấu hiểu.
Ở tiểu thuyết Xuân Từ Chiều, Y Ban tỏ ra sắc sảo khi tiếp cận và khai thác đề tài thế sự - đời tư dưới góc nhìn nữ giới. Cách tiếp cận mảng đề tài này ở Y Ban hết sức phụ nữ ở chỗ, vấn đề chính mà nhà văn quan tâm không phải là những vấn đề lớn như miêu tả cuộc sống xã hội Việt Nam thời bao cấp, mà đấy chỉ như cái nền để nhà văn nổi bật lên những số phận phụ nữ riêng. Mảng thế sự chỉ phơn phớt lướt qua trong những câu chuyện phiếm và sẽ được nhấn mạnh nếu vấn đề đấy liên quan
trực tiếp đến những nhân vật nữ của nhà văn. Mảng đời tư thì ngược lại, nhà văn tập trung đi sâu khám phá đến tận cùng những ngóc ngách thầm kín, những bí ẩn riêng tư trong cuộc đời và tâm hồn người phụ nữ.
Trước hết tác giả đề cập đến những vấn đề của một thời kì khó khăn mà đất nước đã trải qua đó là thời bao cấp. Sau chiến tranh, chủ trương đổi mới với những mặt tích cực tiến bộ đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó. Là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một người làm báo nên Y Ban tỏ ra rất nhạy bén và sắc nhọn trong việc phát hiện và phản ánh kịp thời những ung nhọt trong xã hội. Bối cảnh của tác phẩm là khoảng thời gian bao cấp, thời gian mà đất nước đang đổi mới một cách “ác liệt”. Đó cũng là thời kì đất nước gặp phải khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Gia đình Xuân và Từ sống trong một khu tập thể chật chội, không gian sống vỏn vẹn chỉ có một gian rưỡi phòng. Vì thế đến sự đi vệ sinh cũng là một điều xấu hổ vì lối vào bé tẹo, lại đông người.
Trong xã hội đó, mọi thứ đều phải phân phối, người dân luôn phải vật lộn với cái ăn, bụng lúc nào cũng thấy đói, miệng lúc nào cũng thèm ăn. Từ nói: “Bữa cơm thời bao cấp thật đơn giản, nay độn mì mai độn khoai, thi thoảng mới có trứng rán, còn thì là đậu phụ, lạc rang, chứ thịt thì đếm trên đầu ngón tay, một năm được mấy bữa”
[2,tr.13]. Những câu chuyện ngoài giờ mà Từ cùng đồng nghiệp thường đưa ra để trao đổi, tranh luận ở cơ quan như việc đất rừng của nhà nước ở Sóc Sơn bị cắt đem bán bất hợp pháp với giá hàng tỷ đồng, việc tổng biên tập một tờ báo nhờ quan hệ quen biết mới xin được quyết định đi hộ đê để đuổi dân chiếm đất, rồi chuyện người ta mở những lớp luyện thi cho các cháu chuẩn bị vào lớp một của trường điểm, chuyện đầu tư cải tạo đường thoát nước ở Hà Nội nhưng lụt vẫn hoàn lụt, đến những chuyện về văn hóa tốc độ, văn hóa ứng xử, xã hội xe máy…cũng được đưa ra luận bàn. Tất cả được kể dưới dạng những câu chuyện phiếm nhưng thật sự nó lại là những vấn đề bất cập mà hàng ngày, hàng giờ, chúng ta vẫn chứng kiến, có hàng trăm câu chuyện như thế hoặc tương tự như thế vẫn xảy ra.
Cơ chế bao cấp sống bằng tem phiếu đã bộc lộ sự lạc hậu và cứng nhắc đến nỗi “người chết muốn liệm phải có phiếu vải mới mua được vải, muốn mua ván
phải chạy mãi mới có giấy giới thiệu của công an” [2,tr.16]. Cô Từ kiếm việc làm khó khăn trong thời buổi giảm biên chế, muốn ra vỉa hè bán hàng thì cũng phải đút tiền cho mấy quan đi phạt người lấn chiếm lề đường. Chồng Từ sang nước ngoài không được vì cái kiểu dân mình cấm vận dân mình, đến chuyện xin cho con đi học cũng đầy trắc trở. Không dừng lại ở đó, đất nước chưa có chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực dẫn đến tình trạng đội ngũ trí thức thiếu trình độ chuyên môn cần thiết. Đào tạo cán bộ một cách qua loa như trường hợp của mẹ chồng Xuân chỉ học sáu tháng đã trở thành y sĩ nên khi đỡ ca đẻ khó đã mắc phải sai lầm chết người.
Trong khi đó một trí thức có tài năng thực sự như Từ lại không một lần được xã hội công nhận và trân trọng, thậm chí còn bị vùi dập. Đó là một nghịch lý vẫn tồn tại trong xã hội thời kì đó. Những tệ nạn xã hội như tệ đánh đề, nạo phá thai, sử dụng văn hóa đồi trụy… ngày càng nhức nhối.
Nạn nhân của những mặt trái đó có lẽ không ai đáng thương bằng người phụ nữ và trẻ em. Thời đó, những đứa trẻ không có gì để chơi đến mức phải vớt bao cao su từ cống nước lên để thổi bong bóng làm trò tiêu khiển. Đó còn là nơi mà người ta sinh con không thành hoặc việc nạo thai trở nên bình thường, trẻ em bị đưa đi chôn và trở thành “búp bê”. Cho dù là vì bất cứ lý do gì thì đó cũng là việc làm mất nhân tính. Đọc những chi tiết này, người đọc cảm thấy rùng mình sợ hãi trước sự đi xuống nghiêm trọng của đạo đức, của nhân tính con người. Hay cuộc đời cô đơn và cái chết của Chiều lại là cái giá phải trả cho thói ích kỷ, sự vô cảm của chính những người thân trong gia đình cô. Tiền bạc không thay thế được tình người. Chiều cô đơn lạc lõng ngay trong chính ngôi biệt thự to đẹp của mình bởi chẳng ai nhớ tới sự có mặt của cô. Cuộc sống giàu sang ấy đã làm cho chồng cô quên mất ngày xưa, cái thời bên giếng nước hôm nào anh ta còn bẽn lẽn “này để tớ bế con cho, về giải cho tớ bài toán” [2,tr.25]. Người đến viếng rất đông nhưng người ta đến viếng vì người sống, đó là “những kẻ đã lạnh lòng trước một tâm hồn từng ấm nóng thương chồng yêu con”. Y Ban đã nhìn thấy sự vô tình bạc bẽo, sự tha hóa vô cảm trong mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Từ lối sống này đến mất nhân tính, tha hóa, trở nên thú tính chỉ còn là ranh giới mỏng manh. Chính vì thế, nhà văn không ngồi
yên để trăn trở, lo lắng mà sẵn sàng lao thẳng vào nó để mổ xẻ, phanh phui. Đưa ra những tiêu cực này phải nhận thấy rằng Y Ban thực sự đã có cái nhìn không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác. Chị là một trong những nhà văn luôn có ý thức và có khả năng phản ánh chân xác về hiện thực và con người, nhìn nhận vấn đề theo tất cả các chiều kích của nó. Những vấn đề cuộc sống hôm nay được chị trải ra trên trang văn của mình, vẫn còn đó những câu hỏi chưa tìm được lời giải đáp.
Bên cạnh những vấn đề thế sự nhức nhối, tiểu thuyết đi sâu vào đề tài số phận riêng của nhân vật nữ. Cũng như nhiều nhà văn nữ khác, thế mạnh của Y Ban vẫn là viết về nỗi đau, về thân phận của những người phụ nữ. Dễ nhận thấy một điều, hầu hết những người phụ nữ trong tác phẩm của chị đều là những người phụ nữ bất hạnh. Họ không khổ về vật chất thì cũng khổ về tinh thần. Không khổ trong tình yêu cũng khổ trong gia đình. Không khổ vì những người đàn ông thì khổ vì sự cầu toàn của bản thân. Không chống chếnh chênh vênh bởi những sự lựa chọn, giữa trách nhiệm bổn phận và khao khát của bản thân thì lại chìm ngập trong những đớn đau, mất mát, thiệt thòi.
Đến với tiểu thuyết Xuân Từ Chiều, chúng ta sẽ được lắng nghe câu chuyện về cuộc đời của ba người phụ nữ như những mảnh ghép sinh động của một hiện thực cuộc sống chứa đựng nhiều nguy cơ và thử thách. Ba nhân vật Xuân, Từ, Chiều ghép lại làm nên tên của tác phẩm thiết nghĩ cũng là một dụng ý nghệ thuật của Y Ban. Khi đọc và cảm nhận tác phẩm, mỗi người sẽ có những phát hiện riêng nhưng có lẽ sẽ không thể không day dứt về số phận của ba người phụ nữ hiện lên trên từng trang tiểu thuyết. Y Ban đã để cho ngòi bút của mình đi sâu vào phản ánh những nỗi niềm rất riêng, những âu lo rất đỗi bình dị nơi những người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Đó là cuộc đời của những người mẹ, người vợ với những gam màu rất riêng biệt, khiến chúng ta tưởng như quen thuộc gần gũi nhưng lại sâu sắc và xúc động đến bất ngờ. Ở tiểu thuyết này, nhà văn Y Ban trao cho chúng ta cơ hội được đến gần hơn với cảnh ngộ của từng người phụ nữ để từ đó có thể thấu hiểu và cảm thông với họ. Có thể nói, bức chân dung về những người phụ nữ được Y Ban khắc họa bằng những nét vẽ rất tự nhiên, có thể dễ dàng bắt gặp khuôn mẫu của họ
trong xã hội mà chúng ta đang sống. Sự đan dệt câu chuyện giữa ba người phụ nữ tạo nên một mạch truyện tự nhiên, lôi cuốn bạn đọc. Mỗi nhân vật là một thân phận, một cuộc đời riêng không thể trộn lẫn, tất cả tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc.
Nhân vật Xuân là một người phụ nữ hạnh phúc trong tình yêu nhưng lại gặp phải bi kịch trong hôn nhân khi không có được thiên chức làm mẹ. Những tưởng một tình yêu đẹp như giấc mộng với Tuấn sẽ giúp Xuân có được một hạnh phúc trọn vẹn, một gia đình êm ấm. Nhưng có những nghịch lí vẫn thường tồn tại đó là Xuân bị nhà chồng trách oan trong một thời gian dài vì không thể sinh con. Và khi nỗi oan đó được giải tỏa cũng là lúc Xuân đau đớn đến nghẹn ngào khi biết được sự thật về người chồng của mình. Do một lần vướng mìn, Tuấn bị mất bộ phận sinh dục, phải phẫu thuật lại nên mất khả năng sinh con. Sự ích kỉ của Tuấn đã khiến Xuân phải chịu đựng nỗi đau khổ, tủi nhục trong tuyệt vọng sau đó lại vỡ òa trong tột cùng đau đớn khi nhận ra một sự thật chưa bao giờ nghĩ đến. Tiếc nuối với quá khứ cũng đã quá muộn, nỗi đau sau khi chồng chết như tăng lên gấp bội, Xuân trở thành một góa phụ khi tuổi đời còn rất trẻ. Phải chăng Xuân đang sống trong một thời kì mà xã hội dạy ta rằng: kẻ nào biết che giấu cảm xúc thật của mình thì đó là kẻ anh hùng. Còn người nào đói lại gào lên tôi đói, yêu lại gào lên tôi yêu…thì là những kẻ hèn nhát, là những kẻ bỏ đi. Và rõ ràng có một nghịch lí trong xã hội một thời quan niệm rằng: người chân chính, người có đạo đức là người không dám và không được nói sự thật. Đó là những vấn đề cần suy nghĩ trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.
Còn đối với nhân vật Từ, cô may mắn hơn Xuân vì có được hạnh phúc làm mẹ nhưng lại long đong trong sự nghiệp. Tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm, Từ phải lăn lộn ra vỉa hè kiếm sống, bán xôi chim để nuôi con và một ông chồng nghệ sĩ thất nghiệp.Với Từ, một ngày hạnh phúc là đủ tiền mua cho con hộp sữa, đủ ăn và đánh một con số đề. Những dằn vặt lo toan của cuộc sống hàng ngày biến cô từ một người trí thức nhạy cảm thành một con người ở tầng lớp bình dân với những lo toan đời thường, không thiết tha quan tâm tới những vấn đề thời sự, xã hội. Sau khi được Xuân xin vào làm việc tại một trung tâm nghiên cứu xã hội học,
Từ cũng không có cơ hội phát huy năng lực vì những đề tài cô đưa ra đều bị gạt đi do bị đánh giá là quá nhạy cảm. Cuộc đời cô đều đều trôi qua với nhiều lần nạo thai do không đủ tiền sinh và nuôi con. Lối sống tẻ nhạt, sống cho qua ngày là cuộc sống mà Từ và bao nhiêu người phụ nữ khác đã và đang phải chịu đựng.
Người phụ nữ thứ ba xuất hiện trong tác phẩm là Chiều. Cô là một người vợ, người mẹ hết lòng yêu thương và hy sinh cho gia đình nhưng cũng rơi vào bế tắc vì chính gia đình đó. Xuất thân là một người phụ nữ nông thôn, Chiều là một người phụ nữ đảm đang và hết mực yêu chồng, thương con. Thế nhưng, cô lại lâm vào cảnh sống bị hờ hững và ghẻ lạnh sau khi ông chồng gặp thời, có chức quyền và nhà cao cửa rộng. Từ chỗ luôn đỡ đần, thậm chí giải cả toán hộ chồng, cô dần trở thành cái bóng câm lặng và vô nghĩa ngay trong chính ngôi nhà của mình. Không tình yêu, không hơi ấm quan tâm, không sự nghiệp, không tiền bạc, Chiều dần đánh mất vai trò làm chủ gia đình, sống lặng lẽ như một người giúp việc. Trong ngôi biệt thự sang trọng ấy, Chiều như một cái bóng âm thầm trong sự ghẻ lạnh của chồng con.
Đến cái việc chơi với cháu, Chiều cũng không có quyền vì chồng con chị sợ nó
“học theo cái giọng nói của bà thì quê mùa”, đến cả việc nấu cơm Chiều cũng không được nấu vì chồng con chị bảo “nấu kiểu quê không ăn được”. Cả ngày Chiều sống lủi thủi, không một lời hỏi thăm của chồng, của con trai, con dâu, về đến nhà là “ai về buồng nấy”. Nỗi cô đơn, lạc lõng đã làm nên bi kịch cuộc đời Chiều và dẫn đến cái chết của chị. Ngỡ như đó là sự giải thoát nhưng chúng ta cảm nhận rõ sự bế tắc, nỗi đau đớn đã đến tận cùng của chị. Một cái chết của một người phụ nữ cô đơn có rất đông người đến viếng nhưng đó là vì người sống, vì những mục đích cá nhân của họ chứ không phải vì lòng thương tiếc. Thông qua cái chết của Chiều, nhà văn Y Ban muốn cảnh báo một thực tế của xã hội hiện đại đó là việc những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như tình nghĩa vợ chồng, tình cha con đang có nguy cơ rạn nứt, đổ vỡ.
Ngoài ra trong tác phẩm này, người đọc còn thấy thấp thoáng số phận của nhiều người phụ nữ khác. Người vô lo, không suy tư về chuyện gia đình, lấy việc kiếm tiền làm thú vui như Yến, bạn Từ, một chủ đề và chủ hụi. Người làm quần