Ngôi kể thứ ba nhưng hoàn toàn sử dụng điểm nhìn bên trong

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết xuân từ chiều của y ban (Trang 59 - 63)

CHƯƠNG 3 TIỂU THUYẾT XUÂN TỪ CHIỀU – MỘT PHONG CÁCH TRẦN THUẬT

3.2. Ngôi kể thứ ba nhưng hoàn toàn sử dụng điểm nhìn bên trong

Khi nghiên cứu nghệ thuật trần thuật của bất kì tác phẩm nào, ngôi kể và điểm nhìn luôn là hai yếu tố đan xen nhau, có khi nhập vào nhau, có khi lại tách ra.

Ở tiểu thuyết này, nhà văn Y Ban lựa chọn kể câu chuyện về cuộc đời, về số phận của ba nhân vật nữ chính bằng ngôi kể thứ ba nhưng lại hoàn toàn sử dụng điểm nhìn bên trong. Đây là một sự lựa chọn không mới nhưng phù hợp để khám phá không những góc khuất trong cuộc sống hiện thực mà cả những vùng mờ ẩn giấu trong thế giới tâm hồn của giới nữ. Một điều dễ nhận thấy là những câu chuyện được kể với ngôi thứ ba sẽ tạo nên tính chất khách quan, khiến người đọc cảm thấy tin tưởng hơn vào câu chuyện được kể. Đồng thời nó cũng tạo điều kiện cho người đọc có thể cùng tham gia bàn luận, nhìn nhận và đánh giá những vấn đề nảy sinh trong tác phẩm. Nhưng sự kết hợp của ngôi kể thứ ba với điểm nhìn bên trong của nhân vật còn giúp nhà văn có khả năng xoáy sâu vào từng số phận của những người phụ nữ để nói lên một cách chân thực và cảm động về họ. Ở cách kể này, tác giả được hòa mình vào các nhân vật, hòa vào từng nhân vật và thế giới riêng của nó, kể về nhân vật bằng ngôn ngữ của nó, bằng tiết tấu của chính nó. Nói như nhà văn Xô Viết Antônôv, người viết tiểu thuyết dường như “trao ngòi bút cho nhân vật, để nhân vật tự viết lấy với giọng điệu riêng của nó” [17,tr.378]. Đây cũng là cách kể của truyện, lối viết của tiểu thuyết mang hơi thở hiện đại. Khi đó, những vấn đề của cuộc sống đời thường trở thành những thông điệp mang đầy tính nhân sinh mà tác giả muốn gửi gắm một cách gián tiếp qua nhân vật của mình. Việc lấy giọng điệu và cách cảm nghĩ của nhân vật để nghĩ và nói còn giúp cho việc khắc họa tính cách, số phận nhân vật trở nên rõ ràng, chân thực, người đọc có cảm giác như được chứng

kiến cuộc đời nhân vật, cùng trải nghiệm và cùng trăn trở với những vấn đề của nhân vật.

Phần đầu câu chuyện được kể lại dưới điểm nhìn của nhân vật Xuân. Xuân là con gái nhà quê, sau khi cưới chồng, cô về sinh sống tại khu tập thể với bố mẹ chồng. Xuất thân từ nông thôn, về làm dâu khi còn rất trẻ, mới 19 tuổi, Xuân dần thích nghi với lối sống ở đây. Những gì Xuân trông thấy, nghe thấy đã khiến Xuân nhiều lúc phải giật mình sợ hãi, cảm thấy hoang mang, ngỡ ngàng. Sự chật chội của khu tập thể cùng với những công việc hàng ngày mà một người phụ nữ phải thực hiện khiến Xuân có cơ hội được chứng kiến hiện thực xã hội với những vấn đề nhức nhối. Không thể phủ nhận đó là một thời kì khó khăn của đất nước ta nhưng những hệ lụy mà nó mang lại thật đáng quan tâm. Dưới cái nhìn của một người phụ nữ, sự nhìn nhận và lý giải cũng rất đời thường nhưng không kém phần sâu sắc. Từ những việc tế nhị nhất như việc đi vệ sinh, sử dụng bao cao su cho đến sự cứng nhắc trong cơ chế bao cấp, những việc làm mất nhân tính như đem chôn những đứa trẻ vô tội, nấu rau bà đẻ cho lợn ăn đều trở thành nỗi băn khoăn của cô. Đến những con người mà cô đã gặp, đặc biệt là người phụ nữ như bà Nuôi, người đàn bà điên ở chợ, cô cũng thấy khó hiểu. Sau những lần cùng Từ đi theo bà Nuôi chôn cất những đứa bé vô tội, Xuân luôn tự hỏi: “Không biết bà Nuôi chôn con búp bê xuống dưới đất làm gì? Rồi lại tự trả lời rằng có lẽ đó là một sự bí mật nào đó của bà Nuôi” [2,tr.11].

Còn với người đàn bà điên, cô dành một tình thương và sự chia sẻ bằng cả tấm lòng nhưng cũng băn khoăn vì sao bà lại “tỉnh được có mấy giây, quỳ xuống, hai tay chắp lạy” khi bà Nuôi đem con bà đi. Đã hai lần Xuân đi tìm câu trả lời: “Một điều lạ là Xuân hiểu rất kỹ con đường xung quanh khu tập thể nhà chồng, còn hơn là hiểu những con người xung quanh cô” [2,tr.15]. Dần dần, Xuân nhận ra rằng những con người không giống như những con đường, chỉ cần đi nhiều là có thể quen được, có thể hiểu được, rằng những con người ở đây có gì đó thật bí ẩn hơn những người ở quê cô. Ngay cả đến người chồng của mình, Xuân cũng còn mơ hồ chưa hiểu hết.

Quen nhau trong một dịp tình cờ ở nhà một cô bạn gái và cưới nhau ba tháng sau đó, Xuân thậm chí còn không biết Tuấn có tốt hay không. Khi đối diện với chính

mình, Xuân hơi chạnh lòng vì chưa được làm mẹ. Nếu như cuộc sống ở khu tập thể nhà chồng khiến cô sợ hãi mỗi lần nhớ đến thì nỗi khao khát được làm mẹ đem lại cho cô nỗi tủi nhục, xót xa. Có thể nhận thấy quá trình nhận thức và tự nhận thức của Xuân đi từ sự khó hiểu đến sự hoài nghi và đến khi biết được sự thật về người chồng của mình, tất cả trở thành bi kịch của cả một đời.

Câu chuyện được mở ra với những suy nghĩ của Xuân nhưng xen lẫn là những chi tiết, những sự kiện của cuộc đời Từ và Chiều. Sự đan cài một cách ngẫu nhiên vô tình ấy đã tạo nên một sự đối sánh giữa họ và rồi họ gặp nhau ở nỗi khổ tâm của người phụ nữ. Mỗi nhân vật đều được Y Ban dành cho cơ hội được nói lên tiếng nói của mình, và nhà văn đặc biệt ưu ái với nhân vật Từ. Đến khoảng một phần tư tiểu thuyết, điểm nhìn được trao lại cho nhân vật Từ khi câu chuyện dần dần chuyển trung tâm về cuộc sống của vợ chồng Từ. Với Từ, chúng ta sẽ đọc được những nghĩ suy trăn trở của một người phụ nữ đồng thời là một trí thức có tài năng về những vấn đề của xã hội. Từ lúc còn là một cô bé, Từ cũng đã “sống chung” với hiện thực ở khu tập thể như Xuân. Từ thông minh, hoạt bát và biết rõ mọi chuyện, biết làm những việc và biết nói những điều khiến Xuân ngỡ ngàng. Khi lập gia đình, Từ may mắn hơn Xuân vì được làm mẹ. Sau khi sinh con, cô cảm thấy sung sướng không chỉ vì đứa con mà còn vì đã “thoát khỏi cơn đau khốn đau nạn, đứng không được mà ngồi cũng không xong, đau không biết điểm nào mà xoa xít, đau bất tận như không bao giờ ngừng lại” [2,tr.40]. Nỗi đau đó được thốt lên một cách chân thật chứ không phải là sự hy sinh vĩ đại như người ta vẫn ca ngợi. Người phụ nữ cảm nhận rõ hơn ai hết nỗi đau đớn và có nhu cầu được giải tỏa nó. Từ đau đến mức không nhớ rằng mình đã sinh con: “Con à? Từ chợt nhớ đến điều bà mẹ chồng nhắc Từ. Ừ nhỉ, thì ra là mình đã có con. Vậy mà từ lúc đẻ con ra đến giờ Từ không hề nhớ đến nó, không hề nghĩ là mình đã có nó” [2,tr.42]. Xuân và Từ thân thiết nhau như hai chị em. Từ rất hiểu và thương cho nỗi lòng của Xuân. Nhiều lúc cô cũng thấy lạ vì sao hai anh chị yêu nhau nhiều đến thế mà lại không có con. Từ tự nhủ:

“Vẫn biết trời chẳng cho không ai cả nhưng mà cái lão trời già còn hay ghen cứ đẩy con người ta vào cảnh trớ trêu” [2,tr.49] Nếu may mắn mỉm cười thì cuộc sống của

Xuân và Tuấn khiến Từ cũng nhiều lúc phải ghen tỵ. Với Từ, tài năng thì có nhưng lại long đong, vất vả trong con đường sự nghiệp. Tốt nghiệp đại học Y nhưng Từ lại từ bỏ trường Y để theo học khoa Xã hội học trường Đại học Tổng hợp. Bởi lẽ cô nhận ra: “Cái xã hội mà cô đang sống đây nó không chỉ có một dòng chảy như con sông kia, mà có rất nhiều dòng chảy ngầm. Và Từ mê đắm cái dòng chảy gọi là cổ tích và một cái dòng chảy gọi là văn học dân gian” [2,tr.56]. Quyết định đó đã đẩy cuộc đời Từ rẽ sang hướng khác nhưng chính cuộc sống hôn nhân mới thực sự chấm dứt ước mơ của Từ. Lấy phải một người chồng vô dụng, sống dựa vào bố mẹ và vợ, một mình Từ phải tìm mọi cách xoay xở và lo toan cho cuộc sống. Nhiều lúc cảm thấy tủi cho phận mình, Từ không ngủ được, nước mắt cứ tuôn ra.

Chiều là nhân vật xuất hiện ít nhất trong bộ ba nhân vật nữ chính của tác phẩm, nhưng thỉnh thoảng khi câu chuyện chuyển hướng về Chiều, Y Ban vẫn trao cái nhìn cho chị tự lên tiếng về thân phận, dù rất ít. Có lẽ bởi chị là nhân vật già dặn nhất, đậm nét truyền thống nên cam chịu hơn và khó mở lòng hơn hai người phụ nữ trí thức hiện đại kia. Nỗi bất hạnh của chị là phải chấp nhận một cuộc sống cô đơn bên cạnh những người thân, ngay trong chính ngôi nhà của mình. Không biết chia sẻ cùng ai, Chiều cứ sống lầm lũi một mình như một cái bóng mờ nhạt bên cuộc đời. Nhà văn đã để cho nhân vật được nói lên tâm trạng cô đơn đến lạc lõng của cô như một sự an ủi. Có những câu văn rất ngắn thể hiện tâm trạng qua lời nói ngọng của Chiều khi Xuân và Từ hỏi thăm về cuộc sống gia đình: “Nhàn nắm, buồn nắm”

hay “Chị buồn nắm, chán nắm, cứ như bị giam nỏng ấy, chả được đi đâu sất”. Là một người phụ nữ thông minh, Chiều cũng muốn đi làm nhưng chồng cô không chịu, lại bảo: “Nuôi người làm việc nhà bây giờ tốn kém hơn nuôi bà” [2,tr.77]. Có thể thấy, Y Ban luôn dành một tấm lòng cảm thông sâu sắc và thể hiện nỗi niềm của những người phụ nữ rất chân thực. Đọc những đoạn văn mà nhân vật tự trải lòng mình hay chính là lời khóc than của chính tác giả cho phận đàn bà muôn đời vẫn chịu nhiều đắng cay?

Có một điều đáng chú ý là ở tác phẩm này, người kể chuyện ngôi thứ ba hoàn toàn tựa điểm nhìn vào các nhân vật, nhưng toàn bộ đều là điểm nhìn của nhân

vật nữ. Chưa một lần người đọc được biết về điểm nhìn của những người đàn ông, và Y Ban cũng không dành một dòng văn nào để diễn tả tâm trạng của nam giới. Họ xuất hiện, hành động nhưng người đọc không hiểu họ suy nghĩ gì và liệu họ có những trăn trở, dằn vặt, băn khoăn về những vấn đề xảy ra trong cuộc sống hôn nhân của mình hay không? Tuấn mặc kệ trước những đàm tiếu về vợ chồng mình, mặc kệ những dằn vặt trách móc bố mẹ mình thường xuyên dành cho vợ. Người đọc nghĩ đấy là tình yêu sâu sắc của anh đối với vợ mình, thậm chí các nhân vật khác cũng nghĩ vậy. Cho đến cuối tác phẩm, người ta mới vỡ lẽ ra tất cả đều là sự ích kỉ của anh. Hay trong cuộc hôn nhân với Cương, người phụ nữ sống bên cạnh anh cũng không hiểu được những hành động của anh, huống hồ là người đọc, khi mà tác giả không hề có ý định trao điểm nhìn để nhân vật giải thích những hành động ấy.

Mãi cho đến gần cuối tác phẩm, Từ mới bắt đầu hiểu đôi chút về người chồng của mình.

Như vậy, mặc dù câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba nhưng ngôn ngữ rõ ràng là ngôn ngữ của nhân vật Xuân, Từ hoặc Chiều. Nhà văn đã trao ngòi bút cho nhân vật để họ tự bộc lộ những nghĩ suy về những vấn đề của chính họ, của giới họ và của xã hội họ đang sống. Lý giải cho điều này, người đọc có thể đặt ra nhiều giả thiết. Lựa chọn cách kể đặc biệt thiên vị nữ giới như thế, nhà văn Y Ban dường như đang dành sự ưu tiên cho nữ giới, và cũng là cách bộc lộ cái nhìn kì thị với nam giới – những kẻ vô tâm vô tình. Hay đơn giản, khi lựa chọn chỉ trao điểm nhìn cho nhân vật nữ, đó như là mong muốn của một nhà văn nữ được thể hiện thế mạnh của giới mình trên trang viết, một sắc thái biểu hiện khá rõ của ý thức nữ quyền. Bởi một điều chắc chắn rằng, các nhà văn nữ sẽ là người hiểu rõ nỗi lòng và tâm sự của người phụ nữ hơn ai hết.

Một phần của tài liệu Ý thức nữ quyền trong tiểu thuyết xuân từ chiều của y ban (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)