CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1.3. Tình hình phát triển du lịch ở Việt Nam và ở Hà Tĩnh
Năm 1995, Việt Nam đón trên 1,3 triệu lượt khách đến năm 2010 là trên 5 triệu lượt khách. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách quốc tế cả giai đoạn 1995-2010 đạt 9,2%. Khách du lịch nội địa cũng tăng nhanh với 6,9 triệu lượt khách vào năm 1995, 11,2 triệu lượt khách vào năm 2000 và lên tới 28 triệu lượt khách vào năm 2010, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,8%. Thu nhập du lịch tăng từ 6,4 nghìn tỷ đồng năm 1995 lên 17,5 nghìn tỷ đồng năm 2000 và trên 96 nghìn tỷ năm 2010, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 19,8%, đứng thứ 5 trong các ngành tạo thu nhập ngoại tệ cho đất nước.
Đến nay, ngành du lịch đã tạo ra việc làm cho trên 1,4 triệu lao động, trong đó có gần 1 triệu lao động gián tiếp, qua đó góp phần tích cực vào nỗ lực xoá đói giảm nghèo trong cả nước, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa nơi có tiềm năng du lịch.
Đồng thời, phát triển du lịch đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế liên quan, đặc biệt là các ngành hàng không, xây dựng, sản xuất thủ công mỹ nghệ, làng nghề… Sự phát triển của du lịch Việt Nam cùng với các hoạt động quảng bá xúc tiến cũng đã góp phần tích cực vào nỗ lực đưa hình ảnh đất nước Việt Nam thân thiện, an toàn và mến khách đến với bạn bè quốc tế,…
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn những tồn tại trong thực hiện các mục tiêu của Quy hoạch tổng thể. Một số chỉ tiêu quan trọng về khách quốc tế, thu nhập du lịch, GDP du lịch chưa đạt so với dự báo. Tỷ trọng GDP du lịch giai đoạn 1995-2010 còn hạn chế, chưa thực sự tương xứng với mục tiêu đặt ra là trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn thấp, còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù, mang đậm bản sắc dân tộc, chất lượng sản phẩm chưa cao… Cùng với đó là tình trạng phát triển tự phát ở nhiều khu, điểm du lịch, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch, tính chuyên nghiệp còn hạn chế, sự gắn kết giữa các địa phương trong phát triển du lịch chưa được phát huy đầy đủ…
Với tiềm năng lớn, từ năm 2001, Du lịch Việt Nam đã được chính phủ quy hoạch, định hướng để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam 2001 - 2010" có vài chỉ tiêu không đạt được, từ năm 2011, "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 30/12/2011 để tiếp nối.
1.3.2. Ở Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ, có toạ độ địa lý từ 17053’50’’ đến 18045’40’’ vĩ độ Bắc và 105005’50’’ đến 106030’20’’kinh độ Đông.
Phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Hà Tĩnh có Thành phố Hà Tĩnh, Thị xã Hồng Lĩnh và 10 huyện: Đức Thọ, Nghi Xuân, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Lộc Hà.
Với vị trí đó cùng các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đã tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
Những năm qua, du lịch Hà Tĩnh đã có những bước phát triển. Tổng lượt khách du lịch hàng năm tăng 25%. Đến nay, toàn tỉnh có 368 di tích được xếp hạng, trong đó có 72 di tích cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể (ca trù) được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại. Hà Tĩnh cũng đã hình thành các khu, điểm du lịch như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con, Nước Sốt, Ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương tích, khu lưu niệm Nguyễn Du, khu lưu niệm Trần Phú… Toàn tỉnh hiện có 120 cơ sở lưu trú với 2.648 phòng với trên 5.000 giường, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 4 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 2 sao, 24 khách sạn 1 sao và 30 cơ sở lưu trú đạt tiêu
chuẩn...Trong 6 tháng đầu năm 2012, Hà Tĩnh đón gần 465 ngàn lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó khách quốc tế đạt gần 10 ngàn lượt khách),doanh thu đạt 218.791 triệu đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái, nộp ngân sách 21.877 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, hoạt động du lịch - dịch vụ còn nhiều yếu kém, công tác tuyên truyền quảng bá du lịch còn hạn chế, đội ngũ nhân viên, những người trực tiếp làm du lịch cũng như đội ngũ quản lý nhà nước trên lĩnh vực này còn nhiều yếu kém, cung cách phục vụ chưa có tính chuyên nghiệp… nên chưa khai thác được tối đa tiềm năng lợi thế, du khách đến, lưu trú và sử dụng dịch vụ chưa nhiều.
Thời gian tới, Hà Tĩnh cần có bước đột phá, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, tập trung nguồn lực để xây dựng khu du lịch biển Thiên Cầm, khu văn hóa - du lịch Nguyễn Du, khu văn hóa du lịch Trần Phú, khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc sớm đạt tiêu chí điểm du lịch quốc gia và trở thành thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, tỉnh cần nâng cao chất lượng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quan tâm đến chất lượng dịch vụ, môi trường, tạo nhiều sản phẩm du lich mang tính đặc trưng của địa phương, tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Tổng cục du lịch sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ Hà Tĩnh, đặc biệt là về quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hà Tĩnh tới du khách trong và ngoài nước.