CHƯƠNG 3. ĐỊNH HUỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở HUYỆN ĐỨC THỌ, HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020
3.1. Định hướng phát triển du lịch huyện Đức Thọ đến năm 2020
3.1.1. Cơ sở cho việc định hướng
- Dựa vào mục tiêu chiến lược quốc gia về phát triển du lịch
Việt Nam là nước có nền kinh tế phát triển nhanh và ổn định, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, nhu cầu du lịch cũng dần trở thành một nhu cầu phổ biến của người dân. Mặt khác, Việt Nam là quốc gia có chế độ chính trị ổn định, ngày càng được đầu tư về cơ sở vật chất tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng du lịch của đất nước. Cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước hơn 20 năm qua và sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 2001 - 2010, ngành du lịch đã có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Xu hướng hội nhập, hợp tác, cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong nền kinh tế tri thức trên thế giới đang tạo những cơ hội to lớn đồng thời cũng là thách thức đối với phát triển du lịch. Trước bối cảnh và xu hướng đó, Việt Nam cần phải có Chiến lược phát triển du lịch với quan điểm phát triển đột phá đáp ứng được những yêu cầu mới của thời đại về tính chuyên nghiệp, tính hiện đại, hội nhập, hiệu quả và bền vững tương xứng với tiềm năng của đất nước, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Ngày 30/12/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2473/QĐ - TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030". Nội dung chủ yếu của Chiến lược bao gồm quan điểm, mục tiêu, giải pháp và chương trình hành động. Với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được chính phủ thông qua tháng 12/2011 đã xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm trọng điểm, theo chiều sâu, có hệ thống cơ sở vật chất kĩ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.
Về mục tiêu tổng quát, đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển.
Mục tiêu cụ thể: Tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch bình quân thời kỳ 2011 - 2020 đạt 11,5 - 12%/năm. Năm 2015: Việt Nam đón 7 - 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36 - 37 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 10 - 11 tỷ USD, đóng góp 5,5 - 6% vào GDP cả nước, có tổng số 390.000 buồng lưu trú với 30 - 35% đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao, tạo ra 2,2 triệu việc làm trong đó có 620.000 lao động trực tiếp du lịch. Năm 2020: Việt Nam đón 10 - 10,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 47 - 48 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 18 - 19 tỷ USD, đóng góp 6,5 - 7% GDP cả nước, có tổng số 580.000 buồng lưu trú với 35 - 40%
đạt chuẩn từ 3 đến 5, tạo ra 3 triệu việc làm trong đó có 870.000 lao động trực tiếp du lịch. Năm 2030: Tổng thu từ khách du lịch tăng gấp 2 lần năm 2020.
- Dựa vào chiến lược phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh
Thế kỷ 21 là thế kỷ với những biến đổi sâu sắc về văn hóa, xã hội cùng những bước nhảy vọt về khoa học và công nghệ và toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, chiến tranh và nạn khủng bố đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhu cầu đi du lịch của người dân tăng nhanh, đặc biệt, khách du lịch quốc tế đang hướng tới những khu vực có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển và có xu thế chuyển dần sang khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, những nơi có nền kinh tế phát triển năng động và nền chính trị hòa bình ổn định trong đó có Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục phát huy có hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển. Với chế độ chính trị ổn định, an ninh đảm bảo, là điểm du lịch còn mới trên bản đồ du lịch thế giới với tiềm năng tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, con người Việt Nam luôn mến khách... là những điều kiện đặc biệt quan trọng để du lịch Việt Nam phát triển.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã rất quan tâm chú trọng phát triển ngành kinh tế đối ngoại, thương mại - dịch vụ, du lịch và đã có những đầu tư thích đáng cho phát triển du lịch. Nền kinh tế Hà Tĩnh phát triển tương đối nhanh và ổn định, năm 2010 thu ngân sách nhà nước đạt trên 1700 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang được đầu tư nâng cấp, phát triển. Hơn 60 dự án đã được cấp giấy phép đầu tư trong đó có nhiều dự án kinh tế có quy mô lớn như: mỏ sắt Thạch khê, Nhà máy cán thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng, Nhà máy lọc hoá dầu ở khu kinh tế Vũng Áng, vv.. .
Nằm ở vị trí giao nhau giữa hai hành lang phát triển kinh tế là hành lang Đông - Tây (theo quốc lộ 8) và hành lang Bắc - Nam (theo quốc lộ 1A, và đường Hồ Chí Minh), Hà Tĩnh có vị trí rất thuận lợi trong giao lưu kinh tế, thương mại và du lịch.
Mặt khác, Hà Tĩnh còn nằm trên tuyến du lịch Xuyên Việt và tuyến du lịch Con đường di sản Miền Trung.
Sở hữu một tài nguyên du lịch phong phú về tự nhiên và văn hóa với những danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, với hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, với hệ thống chùa chiền có giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh mang đậm dấu ấn của người Việt, Hà Tĩnh có cơ hội và tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch biển - loại hình du lịch đang phổ biến và được ưa chuộng hiện nay.
Xuất phát từ tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước, trong tỉnh, trên cơ sở điều kiện phát triển du lịch Hà Tĩnh trong thời gian qua và những năm sắp tới, có thể nêu phương hướng phát triển du lịch Hà Tĩnh là: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, phấn đấu đưa du lịch Hà Tĩnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 - 2025, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế Hà Tĩnh nói riêng và đất nước nói chung. Phát triển du lịch phải đảm bảo hiệu quả bền vững, đảm bảo giữ gìn môi trường tự nhiên và xã hội. Khai thác các tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch và các yếu tố khác để phát triển du lịch toàn diện, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa số lượng, trước hết chú trọng phát triển du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái. Phát triển đồng thời cả
du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Trong những năm tới, cần đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa, đồng thời chú ý phát triển du lịch quốc tế là một hướng chiến lược.
- Dựa vào tiềm năng du lịch và thực trạng hoạt động du lịch huyện Đức Thọ.
Trong những năm gần đây, Đức Thọ là một trong những huyện của tỉnh Hà Tĩnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã và đang được được đầu tư nâng cấp, phát triển. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Đây là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy ngành du lịch huyện Đức Thọ phát triển.
Mặt khác Đức Thọ có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu kinh tế, thương mại và du lịch. Với một địa phương có nhiều tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú cả về tự nhiên và nhân văn.
Dựa trên những lợi thế đó, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện rất chú trọng phát triển ngành du lịch. Huyện đã có nhiều chính sách đầu tư để phát triển ngành du lịch huyện nhà. Tuy nhiên sự phát triển của ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của mình. Để du lịch huyện Đức Thọ vẫn đang còn nằm ở dạng tiềm năng, chưa khai thác có hiệu quả.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, mang nội dung văn hoá sâu sắc và tính xã hội cao. Vì vậy, phát triển du lịch là nhiệm vụ thường xuyên và trách nhiệm của các ngành, các cấp, đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế - xã hội và cộng đồng dân cư.
Từ những vấn đề trên, việc phát triển du lịch của huyện cần có những bước đi và biện pháp đúng đắn trong thời gian sắp tới.