Chương 3. ỨNG DỤNG GIS XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
3.3 Đánh giá tiềm năng du lịch Phú Quốc
3.3.2. Định hướng phát triển du lịch huyện Phú Quốc
3.3.2.3. Đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch Phú Quốc
Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách nhà nước
Phú Quốc trong những năm qua đã thực hiện tốt những chính sách nhà nước cũng như những chủ trương, chính sách của địa phương đã góp phần tác động mạnh mẽ đến phát triển du lịch Phú Quốc. Phát huy lợi thế sẵn có, du lịch Phú Quốc cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo mô hình một cửa để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, có chính sách ưu đãi cho đầu tư du lịch, củng cố và kiện toàn bộ máy theo chức năng doanh nghiệp. Cần có chính sách rõ ràng, thống nhất về giá cước, điện thoại, internet trong khách sạn để có những chuẩn mực nhất định, tránh làm khách không hài lòng. Tóm lại, chính sách là những quan điểm của hành động và phải thực hiện một cách sáng tạo trong hoạt động du lịch
Chú trọng hoàn thiện, nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng
Chiến lược phát triển hệ thống giao thông: hoàn tất quy hoạch chi tiết hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại của Phú Quốc, bao gồm giao thông đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Xây dựng thương hiệu cho Phú Quốc để bảo vệ những sản phẩm sẵn có và xây dựng hình ảnh Phú Quốc đến đúng các thị trường và các thị trường mục tiêu:
- Đa dạng hóa nguồn lực, đa dạng hóa các kênh quảng bá
- Tổ chức các hội chợ triển lãm, giới thiệu Phú Quốc đến các thị trường rộng lớn. Chú trọng tiếp thị đến các đối tượng có ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch như các tour du lịch miễn phí ….
- Nâng cao năng lực đội ngũ, tổ chức các hội thảo chuyên đề về marketing du lịch nhằm nghiên cứu thị trường và các hình thức quảng bá du lịch cho cán bộ, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động marketing và du lịch
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng
- Cần khuyến khích mọi tiềm năng trí thức để phát triển sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao với sự đa dạng tối đa và ít bị trùng lập để tránh đối đầu với cuộc cạnh tranh không cân sức và có thể giữ được thế độc quyền tương đối.
- Cần tiến hành điều tra, đánh giá một cách chính xác về hiện trạng các sản phẩm du lịch chủ yếu của tỉnh và những tiềm năng còn chưa được khai thác. Kết quả điều tra là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng kế hoạch có tính khả thi để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng có chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thực hiện việc đánh giá, phân loại và xếp hạng các khách sạn, hệ thống dịch vụ theo tiêu chuẩn của ngành, trên cơ sở đó đề ra những quy định cụ thể về tiện nghi và chất lượng phục vụ trong khách sạn, nhà hàng. Thu hút và khuyến khích đầu tư các điểm, các khu vui chơi giải trí tập trung. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch mở rộng nhiều loại hình du lịch để tạo ra sự đa dạng và hấp dẫn hơn của các sản phẩm du lịch. Cần xây dựng những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, phát triển các làng nghề truyền thống
Phát triển du lịch gắn liền với bền vững môi trường sinh thái
Du lịch phát triển sẽ có nhiều tác động tích cực đến đời sống kinh tế xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Song việc phát triển du lịch cũng như nhiều ngành kinh tế khác, điều đó có tác động đến tài nguyên và môi trường theo hướng tích cực và tiêu cực. Nghiên cứu để có giải pháp khắc phục tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đến tài nguyên môi trường là vấn đề cần thiết và quan trọng để đảm bảo cho du lịch phát triển bền vững.
Đối với môi trường tự nhiên: Cần khắc phục những tác động tiêu cực như tình trạng chất thải của các khu du lịch. Biện pháp cơ bản là tổ chức các hệ thống thu gom, xử lý chất thải cho các khu du lịch, điểm du lịch. Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường của các dự án ứng dụng các công nghệ thích hợp để xử lý, giảm thiểu ô nhiễm. Khắc phục việc làm giảm tính đa dạng sinh học như chặt phá rừng bừa bãi để xây dựng các công trình dịch vụ, săn bắn những loại động vật hoang dã để phục vụ khách du lịch hoặc bản thân khách du lịch thực hiện. Biện pháp khắc phục là thường xuyên tuyên truyền giáo dục về công tác bảo vệ môi trường cho nhân dân trong khu vực dự án, trong vùng đệm của vườn quốc gia. Ngay trong mỗi khu du lịch, xây dựng những nội quy về bảo vệ môi trường cho khu du lịch, điểm du lịch và động viên cư dân bản địa cùng phối hợp tham gia công tác bảo vệ môi trường, ban hành quy chế và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm, làm giảm đa dạng sinh học.
Đối với môi trường nhân văn: Xây dựng bộ phận chuyên quản lý và phát triển về các nguồn tài nguyên du lịch của Phú Quốc. Nhanh chóng lập kế hoạch, phát triển tài nguyên, nâng cấp, trùng tu tôn tạo các kiến trúc, các di tích lịch sử có giá trị văn hóa cao. Có thể mời các chuyên gia du lịch, tổ chức các đề tài nghiên cứu khoa học về môi trường, tài nguyên du lịch của tỉnh nhằm kết hợp hài hòa giữa yêu cầu phát triển với gìn giữ môi trường và tài nguyên.
Không ngừng kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý
Cần phải kiện toàn bộ máy quản lý du lịch địa phương đủ mạnh để làm tốt công tác quản lý nhà nước có hiệu quả, có khả năng giải quyết những vấn đề thực tiễn trên địa bàn đồng thời tham mưu với cấp trên về việc thực thi và ban hành chính sách du lịch đúng đắn và thỏa đáng. Có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa ngành du lịch và các ban ngành khác nhằm mục đích tạo mọi sự dễ dàng và thuận tiện cho hoạt động du lịch nhằm đạt hiệu quả cao về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường… Xây dựng đội ngũ quản lý chuyên
môn trong hoạt động du lịch, đặc biệt là đội ngũ đảm bảo sự công bằng trong quản lý và kiểm định chất lượng các cơ sở kinh doanh du lịch.
Hệ thống tổ chức, quy hoạch, và theo dõi cần có kênh thông tin chung đến với mọi đơn vị, tổ chức liên quan, các tổ chức kinh doanh du lịch, khách du lịch, và cả người dân để mọi người được biết các thông tin về định hướng phát triển chung của Phú Quốc. Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh, sửa đổi ngay những biểu hiện sai trái đi ngược lại những quy định nhà nước trong kinh doanh du lịch. Các bộ phận hướng dẫn viên du lịch và thuyết minh phải làm tốt công tác chuyên môn để góp phần quảng bá cho tài nguyên và sản phẩm du lịch cũng như tạo nên hình ảnh hấp dẫn, thiện cảm nơi du khách.
Đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ lao động ngành du lịch
Đối với lao động trong ngành du lịch tại địa phương chưa qua đào tạo hoăc chưa đạt chuẩn cần: Thực hiện chương trình đào tạo lại ở các trình độ khác nhau, chuyên ngành khác nhau thông qua các lớp học đào tạo chính quy ngắn và dài hạn tại chỗ. Cần gấp rút tiến hành xây dựng một chương trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên mà nhất là hướng dẫn viên du lịch.
Cần quan tâm đến đào tạo lao động là người địa phương bởi vì họ hiểu biết sâu sắc hơn về tự nhiên, văn hóa bản địa cũng như mối quan tâm nhiều hơn tới cộng đồng địa phương.
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về hoạt động du lịch như: mở các lớp lồng ghép giáo dục tài nguyên, môi trường vào chương trình đào tạo các cấp về du lịch. Chú trọng nâng cao nhận thức về môi trường cho đội ngũ cán bộ nhân viên, du khách và cộng đồng dân cư. Việc đào tạo đúng hướng sẽ tao cho đội ngũ cán bộ nhân viên có thái độ đúng, trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với dân tộc. Một đội ngũ cán bộ nhân viên có trình độ nghiệp vụ, có hiểu biết sâu sắc về văn hóa, môi trường là yếu tố quan trọng giữ vai trò quyết định để đảm bảo phát triển du lịch bền vững.