Như vậy, ước lượng tuổi dựa vào Asp ngà răng có xu hướng đánh giá cao tuổi thật ở độ tuổi dưới 40 và đánh giá thấp tuổi thật ở độ tuổi trên 40, trong khi ước lượng tuổi dựa vào TCA có xu hướng đánh giá thấp tuổi thật trên tất cả các nhóm tuổi (Bảng 3-16, 3-17, 3-26, 3-27).
Ở nhóm tuổi dưới 40, sai lệch của phương pháp ước lượng tuổi dựa vào TCA (khoảng 4 năm) ít hơn so với phương pháp dựa vào Asp (khoảng 6 năm).
Ở nhóm tuổi trên 40, sai lệch của phương pháp ước lượng tuổi dựa vào Asp (khoảng 6 năm) ít hơn so với phương pháp dựa vào TCA (hơn 10 năm).
(Bảng 3-35)
Nói cách khác, ở độ tuổi dưới 40, ước lượng tuổi dựa vào TCA ít sai lệch hơn nhưng ở độ tuổi trên 40, ước lượng tuổi dựa vào Asp chính xác hơn.
Một điều cần lưu ý là sai lệch tuyệt đối của nhóm Asp ngà răng đều ổn định khoảng 6 năm ở tất cả độ tuổi, trong khi sai lệch ở nhóm TCA khoảng 4 năm ở độ tuổi dưới 40 nhưng lại sai lệch đến 10 năm ở nhóm trên 40 tuổi. Như vậy, sai lệch tuyệt đối của phương pháp ước lượng tuổi dựa vào TCA bị ảnh hưởng ở độ tuổi trên hay dưới 40 tuổi, trong khi đó phương pháp dựa vào Asp ngà răng không bị ảnh hưởng bởi độ tuổi.
Ngoài ra, tất cả sai lệch của nhóm Asp ngà răng đều dưới 15 năm, chỉ có 15 mẫu (18,8%) có sai lệch từ 10-15 năm (Bảng 3-19).
Trong khi đó, ở nhóm TCA có đến 24 mẫu (30,1%) có sai lệch trên 10 năm, 11 mẫu (13,8 %) có sai lệch trên 15 năm, và sai lệch cao nhất đến 23 tuổi (đối với TCA +10) và 24 tuổi (đối với TCA +11) (Bảng 3-29).
Thêm vào đó, có một ưu điểm của phương pháp ước lượng tuổi dựa vào quá trình triệt quang Asp so với phương pháp dựa vào TCA chính trong đặc điểm của
từng phương pháp. Ước lượng tuổi dựa vào quá trình triệt quang có thể tính được số lẻ còn ước lượng tuổi dựa vào số vòng xê măng cho ra con số nguyên theo từng năm một.
4.4.2 Cơ chế
Cơ chế của quá trình triệt quang đã được nghiên cứu thấu đáo, ước lượng tuổi dựa vào quá trình triệt quang Asp đạt được sự tin cậy gần như tuyệt đối của các nhóm nghiên cứu khác nhau.
Trong khi đó, cơ chế hình thành các vòng xê măng vẫn chưa được biết rõ, vẫn còn chưa có sự đồng thuận giữa các nhà nghiên cứu về cơ chế hình thành các vòng xê măng, quy trình xử lý mẫu và cả phương pháp đếm số vòng xê măng. Các tác giả không chắc chắn rằng một đường sáng và một đường tối cùng nhau đại diện cho một năm. Không thể loại trừ khả năng có hiện tượng hình thành nhiều hoặc ít hơn một vòng xê măng mỗi năm. Hiện tại vẫn không rõ khi nào và lý do tại sao điều này xảy ra, và do đó rất khó để ước tính độ tuổi chính xác. Và các nhà nghiên cứu vẫn tranh cãi về những yếu tố tác động lên quá trình hình thành TCA [46] [49] [93].
Thêm vào đó, một số tác giả cho rằng kỹ thuật này không áp dụng được cho mọi ca, một số cá thể vị thành niên có cấu trúc phát triển xê măng không hoàn chỉnh hay bị thiếu. Khoảng 9% trường hợp (theo Codon và cs (1986) [19]) hay 15-20%
trường hợp (theo Jankauskas và cs (2001) [40]) không thể xác định được các vòng.
Theo chúng tôi, cần tiến hành nghiên cứu trên những quần thể dân cư khác nhau để đưa ra kết quả phù hợp nhất.
4.4.3 Phương pháp phân tích mẫu
Phương pháp ước lượng tuổi dựa vào TCA có một hạn chế lớn, đó là ảnh hưởng tính chủ quan. Phương pháp này có nhiều giai đoạn kỹ thuật như làm tiêu bản, đọc kết quả,… Hầu như giai đoạn nào cũng phải cần các kỹ thuật viên được đào tạo chuyên sâu, do đó, kết quả mang tính chủ quan rất nhiều. Ngay cả quy trình làm tiêu bản cũng chưa thống nhất giữa các nhóm nghiên cứu.
Hiện tại vẫn chưa có sự đồng thuận trong các bước thực hiện phương pháp này. Phương pháp ước lượng tuổi dựa vào TCA được các nhóm nghiên cứu khác nhau đưa ra và mỗi nhóm có các bước chuẩn bị và nghiên cứu riêng của họ.
Từ giai đoạn chuẩn bị mẫu, mặc dù cho đến nay, cắt mẫu theo chiều ngang được đa số nghiên cứu chấp nhận nhất nhưng không có sự đồng thuận về cách chia cắt (theo chiều dọc hoặc ngang) và độ dày lý tưởng cho một lát cắt cũng chưa được xác định, dao động từ 35 μm đến 500 μm, trung bình từ 70-80 μm. Và tại sao nghiên cứu chọn một độ dày nhất định nào đó cho lát cắt cũng chưa được lý giải [46] [49].
Ví dụ: Maat và cs (2006) [49] sử dụng lát cắt dày 50 μm, Wittwer-Backofen và cs (2004) [93] đề nghị cắt răng thành những lớp dày khoảng 70-80m.
Mặc dù các nghiên cứu thống nhất lấy các mẫu phần ba giữa của chân răng là đại diện tốt nhất cho phương pháp ước lượng tuổi dựa vào TCA. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh rằng phần ba giữa của chân răng thực sự là phần tốt nhất cho lát cắt.
Giai đoạn đếm của phương pháp TCA cũng khác nhau giữa một số nhóm nghiên cứu. Tính chủ quan trong giai đoạn đếm có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của độ tuổi. Người quan sát có thể nhận định các hình ảnh TCA khác nhau. Hình ảnh kết vòng xê măng có mức độ nhỏ ở micromet, đồng thời, đôi khi rất khó để phân biệt các vòng khác nhau. Vì vậy, người quan sát khác nhau có thể đưa ra các ước tính độ tuổi khác nhau.
Để cải thiện hình ảnh trong TCA, việc xử lý hình ảnh có thể đem lại giá trị lớn. Tuy nhiên, hình ảnh được xử lý dù muốn hay không đã khác với bản gốc. Thay đổi thông tin luôn luôn có mất mát một số thông tin ban đầu. Trong hình ảnh TCA, một số phương pháp xử lý hình ảnh làm cho các đường vòng biến mất hoặc xuất hiện. Và câu hỏi xử lý hình ảnh đến mức độ như thế nào để bảo đảm sự chính xác và tính hợp lệ các thông tin trong hình ảnh vẫn chưa được trả lời.
Trong khi đó, so với phương pháp TCA và các phương pháp dựa vào hình thái khác, phương pháp ước lượng tuổi dựa vào quá trình triệt quang Asp không cần phải đánh giá sự sai biệt giữa các quan sát viên vì nó dựa trên sự đánh giá khách quan và vì vậy không đòi hỏi huấn luyện định chuẩn và kinh nghiệm của người đánh giá. Sự chính xác của phương pháp này theo nhiều nghiên cứu có thể nói là ưu việt, nếu tiến hành cẩn trọng, tuổi ước lượng có thể chỉ có sai biệt ± 3 năm so với tuổi thực sự của cá thể [90].
Ước lượng tuổi dựa vào quá trình triệt quang Asp gần như chỉ lệ thuộc vào yếu tố kỹ thuật (chính xác của máy móc), người đánh giá không cần được huấn luyện nên giảm được tính chủ quan rất nhiều. Quy trình lấy mẫu dần được chuẩn hóa, đạt được sự đồng thuận giữa các nhóm nghiên cứu [90].
Nhưng cũng vì phương pháp ước lượng tuổi dựa vào thành phần Asp lệ thuộc hoàn toàn vào thiết bị nên trong thời điểm hiện tại tại Việt nam, không có nhiều phòng thí nghiệm thực hiện được kỹ thuật này. Trong khi phương pháp ước lượng tuổi dựa vào TCA đơn giản, dễ thực hiện đối với các phòng thí nghiệm mô phôi. Do đó nếu đầy đủ trang thiết bị, phương pháp ước lượng tuổi dựa vào thành phần Asp sẽ là phương pháp ưu việt vì tính khách quan trong quá trình phân tích mẫu.
Một hạn chế của phương pháp ước lượng tuổi dựa vào triệt quang Asp đó là phương pháp phá hủy mẫu, mô ngà thu được rất ít nên hạn chế số lần thực hiện lại nếu cần. Trong khi đó, ước lượng tuổi theo phương pháp TCA, mẫu lưu trữ có thể thực hiện lại được nhiều lát cắt nếu có yêu cầu.
Tóm lại, hiện nay, phương pháp ước lượng tuổi dựa trên quá trình triệt quang của Asp trong ngà răng được hầu hết các nhà nghiên cứu công nhận là một phương pháp chính xác nhất để định tuổi. Còn phương pháp ước lượng tuổi dựa vào TCA dù được coi là phương pháp có tiềm năng trong pháp y nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận giữa các nhóm nghiên cứu, cần có một quy trình chuẩn để có thể so sánh, tái thực hiện và xác minh. Đa số các nhà nghiên cứu cho rằng phương pháp
ước lượng tuổi dựa vào TCA chỉ nên sử dụng như một phương pháp ước lượng tuổi kết hợp với các phương pháp ước lượng khác để tăng giá trị ước lượng.