CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN VỀ QUẢN TRỊ KÊNH PHÂN PHỐI TRONG KINH DOANH KHÁCH SẠN
1.3 Các nhân tố môi trường ảnh hưởng đến quản trị kênh phân phối sản phẩm dịch vụ trong kinh doanh khách sạn
1.3.1 Nhân tố môi trường vĩ mô
Môi trường kinh tế: Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi tham gia vào kinh doanh cũng phải quan tâm đến yếu tố kinh tế của quốc gia nơi mình tham gia kinh doanh bởi các chỉ tiêu về kinh tế của một quốc gia sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội cũng như những khó khăn tiềm tàng trong tương lai. Nếu là một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ổn định thì đó chính là tín hiệu tốt cho việc kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng vậy, khi nền kinh tế tăng trưởng sẽ làm cho đời sống của người tiêu dùng được cải thiện, nhu cầu về khách sạn du lịch tăng lên. Do đó, các yếu tố kinh tế như lạm phát, suy thoái kinh tế, tỷ giá hối đoái, lãi suất, chính sách kinh tế… sẽ ảnh hưởng đến đến các kênh phân phối, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động quản trị kênh phân phối của doanh nghiệp.
Môi trường văn hóa – xã hội: Văn hóa xã hội tác động sâu động đến thói quen, thị hiếu của khách hàng. Nắm bắt được yếu tố này thì doanh nghiệp mới có thể cung cấp được các sản phẩm phù hợp với văn hóa quốc gia đó, vùng miền đó để nhằm có thể thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu cũng như có được sự tin dùng của khách hàng. Một số yếu tố của môi trường văn hóa xã hội ảnh hưởng đến hoạt động quản trị kênh: sự thay đổi về dân số vùng, phân bổ địa lý dân cư, cấu trúc gia đình, tỷ lệ giới tính, tuổi tác,…
Môi trường luật pháp, chính trị: Luật pháp là yếu tố chi phối trực tiếp đến các hành vi kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn nào cũng cần phải quan tâm đến yếu tố này. Bởi chính sách pháp luật của nhà nước hỗ trợ hay làm hạn chế việc kinh doanh sẽ có những ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Với những hệ thống pháp luật chặt chẽ thủ tục hành chính linh hoạt sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh khách
sạn. Ngoài ra, có thể thấy rằng, một quốc gia có nền chính tri ổn định sẽ là một thị trường ổn định và an toàn hơn là một quốc gia có nền chính trị bất ổn.
Môi trường công nghệ - kỹ thuật: Công nghệ đang thay đổi liên tục và mạnh mẽ, tạo ra những nhu cầu và điều kiện mới, nhất là ở những quốc gia đã hoặc đang phát triển nghiệp hóa. Sự biến đổi đó là những yếu tố tác động thường xuyên đến các thành viên trong kênh, buộc nhà quản trị phải thường xuyên theo dõi và phân tích mức độ ảnh hưởng của các yếu tố này để có những điều chỉnh các chiến lược quản trị kênh phân phối cho phù hợp.
1.3.2. Nhân tố môi trường ngành kinh doanh
Khi tham gia vào thị trường kinh doanh khách sạn, bất kể các doanh nghiệp nào cũng đều phải quan tâm đến môi trường ngành. Bởi môi trường ngành là môi trường cạnh tranh trực tiếp chứa đựng những yếu tố có tác động tương đối trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, từ đó sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp. Để phân tích những tác động ảnh hưởng của môi trường ngành đến doanh nghiệp, Michael Porter đã đưa ra mô hình 5 áp lực cạnh tranh cơ bản:
Đối thủ cạnh tranh tiềm năng: Nguy cơ xâm nhập vào một ngành phụ thuộc vào các rào cản xâm nhập thể hiện qua phản ứng của đối thủ cạnh tranh hiện thời mà các đối thủ mới có thể dự đoán được. Theo Michael Porter, có 6 nguồn rào cản xâm nhập chủ yếu là: lợi thế kinh tế theo quy mô, sự khác biệt của sản phẩm, các đòi hỏi về vốn, chi phí chuyển đổi, khả năng tiếp cận với kênh phân phối và những bất lợi không liên quan đến quy mô.
Đối thủ hiện tại: Tính chất và cường độ của cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện tại trong ngành phụ thuộc vào các yếu tố sau: Số lượng các đối thủ cạnh tranh đông đúc; Tốc độ tăng trưởng ngành; Chi phí cố định và chi phí lưu kho cao; Sự nghèo nàn về tính khác biệt của sản phẩm và các chi phí chuyển đổi; Ngành có năng lực dư thừa; Tính đa dạng của ngành; Sự tham gia của ngành cao; Các rào cản rút lui.
Sản phẩm thay thế: Do các loại sản phẩm có tính thay thế cao, cho nên dẫn đến sự cạnh tranh trên thị trường. Khi giá của sản phẩm chính hãng tăng thì sẽ khuyến khích xu hướng tiêu dùng các sản phẩm thay thế và ngược lại. Do đó, việc phân biệt sản phẩm là chính hay sản phẩm thay thế chỉ mang tính chất tương đối.
Khách hàng: Chủ yếu có hai dạng, là đòi hỏi giảm giá hay mặc cả để có chất lượng phục vụ tốt hơn, chính điều này làm cho các đối thủ cạnh tranh với nhau, dẫn tới
tổn hao mức lợi nhuận của ngành. Áp lực từ khách hàng xuất phát từ các điều kiện sau:
Khi số lượng người mua là nhỏ; Khi người mua mua một lượng lớn sản phẩm và tập trung; Khi người mua chiếm một tỷ trọng lớn trong sản lượng của người bán; Các sản phẩm không có tính khác biệt và là các sản phẩm cơ bản; Khách hàng đe dọa hội nhập từ phía sau; Sản phẩm ngành là không quan trọng đối với chất lượng sản phẩm của người mua; Khách hàng có đầy đủ thông tin.
Nhà cung ứng: Nhà cung ứng có thể khẳng định quyền lực của họ bằng cách đe dọa tăng giá hay giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung ứng. Do đó, nhà cung ứng có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của một ngành khi ngành đó không có khả năng bù đắp chi phí tăng lên trong giá thành sản xuất. Những điều kiện làm tăng áp lực từ nhà cung ứng tăng lên: Chỉ có một số ít nhà cung ứng; Khi các sản phẩm của nhà cung ứng là yếu tố đầu vào quan trọng đối với hoạt động của khách hàng; Khi các sản phẩm thay thế không có sẵn; Khi các sản phẩm của nhà cung ứng có tính khác biệt được đánh giá cao bởi các đối thủ của người mua; Khi người mua phải gánh chịu một chi phí cao do thay đổi nhà cung ứng; Khi các nhà cung ứng đe dọa hội nhập về phía trước.
1.3.3. Nhân tố môi trường bên trong doanh nghiệp
Nguồn vật lực và tài chính: Bao gồm khả năng tài chính của doanh nghiệp, máy móc thiết bị, công nghệ, hệ thống mạng lưới phân phối của doanh nghiệp.
– Tài chính: là yếu tố rất quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, bởi đầu tư cho việc duy trì và phát triển hệ thống thống phân phối rộng rãi đòi hỏi doanh nghiệp đó phải có một nguồn lực tài chính tốt. Ngoài ra, việc đầu tư vào các chiến lược phát triển sản phẩm, quảng bá sản phẩm cũng đòi hỏi một nguồn tài chính dồi dào. Khi có tài chính mạnh, dễ dàng huy động sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hệ thống phân phối tiêu thụ cho sản phẩm của doanh nghiệp.
– Máy móc thiết bị và công nghệ: Tình trạng của máy móc thiết bị và công nghệ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Nó là yếu tố vật chất quan trọng bậc nhất thể hiện năng lực sản xuất của mỗi doanh nghiệp và tác động trực tiếp đến chất lượng sản phẩm, đến giá thành và giá bán sản phẩm.
Nhân sự: Con người luôn luôn là yếu tố quan trọng nhất trong mỗi tổ chức doanh nghiệp. Nhất là với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, yếu tố con người còn quyết định đến hình hảnh, văn hóa công ty, ấn tượng trong tâm trí người tiêu dùng.
Nếu doanh nghiệp sở hữu một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp với chuyên môn hóa và
kinh nghiệm tốt, thái độ phục vụ hài lòng khách hàng thì chắc chắn hệ thống phân phối của doanh nghiệp sẽ phát triển hiệu quả hơn.