CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ HOẠT ĐỘNG HUY ĐỘNG VỐN TIỀN GỬI TẠI NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.4 Bài học kinh nghiệm về huy động vốn tiền gửi
1.4.1 Kinh nghiệm huy động vốn từ Ngân hàng Standard Chartered
Standard Chartered Bank cung cấp cho khách hàng hàng loạt sự lựa chọn về sản phẩm tiết kiệm với lãi suất cạnh tranh. Khách hàng sẽ nhận thêm sự thuận tiện từ hệ thống thanh toán quốc tế của Standard Chartered Bank. Khách hàng dễ dàng truy cập tài khoản tiết kiệm của mình khi đang ở nước ngoài. Một số sản phẩm tiết kiệm của Standard Chartered Bank:
My Dream account: Đây là tài khoản tiết kiệm đặc biệt nhằm tiết kiệm cho con em của khách hàng. Khách hàng có thể dễ dàng quản lý tài khoản này.
Pay roll account: Tài khoản này giúp công ty cải thiện chính sách chi lương của họ. Nó mang lại nhiều lợi ích thiết thực và thuận tiện cho khách hàng.
Women’s account: Tài khoản này được thiết kế một cách đặc biệt để đáp ứng nhu cầu quản lý tài chính trong gia đình của chị em phụ nữ.
E$aving account: Quản lý tiền của khách hàng mọi lúc mọi nơi. Tiền trong tài khoản của khách hàng ngày càng nhiều hơn do được hưởng lãi suất cạnh tranh của từ ngân hàng.
1.4.2 Kinh nghiệm huy động vốn từ Ngân hàng Jinbun
Năm 2008, tại Nhật Bản, Jinbun Bank chính thức đi vào hoạt động. Jinbun Bank là ngân hàng liên doanh giữa Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ và công ty viễn thông KDDI, cung cấp đầy đủ các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng chỉ trên điện thoại di động. Nhật bản là nước đầu tiên trên thế giới phát triển thiết bị di động 3G và 90% thiết bị viễn thông trên nền tảng 3G. Ở Nhật bản, gần 100% khách hàng đã sử dụng dịch vụ ngân hàng di động. Nguyên nhân của sự phát triển về công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng ở Nhật Bản là nhờ vào sự phát triển của hạ tầng viễn thông ở nước này, cho phép ứng dụng công nghệ 3G – chuẩn viễn thông di động tiên tiến, hỗ trợ truyền dữ liệu tốc độ cao kết hợp nhận dạng giọng nói. Hiệu quả đem lại từ việc phát triển sản phẩm ngân hàng di động rất lớn: đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng, tiết kiệm thời gian và chi chí cho các bên có liên quan, giúp ngân hàng thu hút được ngày càng nhiều khách hàng, thông qua đó phổ biến hoạt động ngân hàng đến đông đảo khách hàng, tạo điều kiện cho hoạt động huy động vốn tiền gửi nói riêng cũng như gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung của ngân hàng.
Jibun Bank là ngân hàng đầu tiên trên thế giới cung cấp dịch vụ tài chính nhiều sản phẩm – dịch vụ tài chính thông qua điện thoại thông minh – như một kênh phân phối tương tác trực tiếp với khách hàng. Ở đó, khách hàng có thể sử dụng điện thoại thông minh để mở một tài khoản vãng lai trực tuyến. Ngoài ra, Jibun Bank còn đẩy mạnh phát triển kênh phân phối điện tử qua điện thoại với phương châm “cung cấp dịch vụ ngân hàng bất kỳ nơi đâu và bất kỳ thời gian nào” với nhiều dịch vụ tích hợp như : chuyển tiền, thanh toán, mua sắm online…Và kết quả sau 8 tháng, số lượng khách hàng đăng ký mới tăng hơn 500.000 người.
1.4.3 Kinh nghiệm huy động vốn từ Ngân hàng ANZ
Trong giai đoạn những năm 2001-2004 là giai đoạn khó khăn của ngành ngân hàng thế giới : suy giảm kinh tế thế giới, áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và quốc tế, giá cả trên thị trường cũng không ổn định, sự kiện chiến tranh tại Irac,.. Tất cả những yếu tố trên đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các hệ thống ngân hàng trên thế giới. ANZ bank cũng không tránh khỏi ảnh hưởng xấu của tình hình trên.
Cũng trong giai đoạn này, sự sụt giảm của lãi suất thế giới dưới tác động của Cục dự trữ liên bang Mỹ với trên 11 lần cắt giảm lãi suất nhằm ngăn chặn đà suy thoái của nền kinh tế đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động huy động vốn của ANZ Bank nói riêng và hệ thống ngân hàng thế giới nói chung. Điều này đã khiến ANZ Bank phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngoại tệ. Trong bối cảnh tỷ giá đola Mỹ so với đồng đola Australia tương đối ổn định, ANZ đã nhận định rằng giảm lãi suất tất yếu sẽ kéo theo giảm nguồn vốn huy động ngoại tệ. Trong khi đó, cạnh tranh trên thị trường ngân hàng Australia nói riêng và thị trường thế giới nói chung lại hết sức gay gắt, khiến cho chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra bị thu hẹp. Để đối phó với những khó khăn này, ANZ đã đẩy mạnh việc đa dạng hóa các loại hình huy động vốn cũng như phát triển, bổ sung nhiều tiện ích đi kèm cho khách hàng gửi tiền.
Việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi đôla Mỹ của ANZ Bank hoàn toàn phụ thuộc vào diễn biến cung cầu ngoại tệ trên thị trường trên cơ sở đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh cũng như duy trì được lợi nhuận của ngân hàng.
Không chỉ trên hoạt động HĐV, sự cạnh tranh giữa các ngân hàng trên thế giới rất mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Nhận thấy những thế mạnh của các ngân hàng khác về quy mô hoạt động toàn cầu, về vốn, công nghệ thông tin, các sản phẩm dịch vụ tài chính đa dạng,.. đã và đang chứng tỏ sẽ là đối thủ cạnh tranh của ANZ trong hiện tại và tương lai. Để đối phó với những khó khăn, thách thức trên, ANZ đã đề ra các chiến lược kinh doanh tức thì, điển hình là chiến lược tái cơ cấu ANZ Bank đến năm 2010 và được thực hiện ngay khi chiến lược được thông qua. Ngoài ra, ANZ cũng không ngừng nghiên cứu đưa ra các sản phẩm dịch vụ mới.
Vị thế vững chắc của ANZ như hiện nay là minh chứng cho những nỗ lực trên. Qua đó cho ta thấy, trong thời kỳ khó khăn và cạnh tranh mạnh mẽ, ngân hàng nào có chiến lược đúng đắn, biết tận dụng cơ hội và biết cách đối phó với những thách thức sẽ thắng cuộc.
1.4.4 Bài học kinh nghiệm rút ra về huy động vốn cho các ngân hàng thương mại
Những kinh nghiệm huy động vốn của các ngân hàng nước ngoài nổi tiếng chính là thực tế mà các NHTM Việt Nam cần phải học hỏi nhiều hơn nữa như sau:
- Phân cấp khách hàng: Các NHTM nước ngoài đã thực hiện chính sách này từ rất lâu. Qua việc phân cấp khách hàng sẽ có các chính sách sao cho thật phù hợp với đặc điểm và tính cách của từng nhóm khách hàng. Đối với từng nhóm khách hàng họ sẽ chú trọng tập trung vào một số dịch vụ chủ yếu và khai thác hầu hết ở những dịch vụ đó. Để có được những chương trình phù hợp cho từng khách hàng thì bản thân các NHTM phải thực hiện nghiên cứu rất sâu sắc về từng nhóm khách hàng. Đây chính là tài nguyên chất xám của mỗi ngân hàng vì mỗi một ngân hàng sở hữu rất nhiều khách hàng khác nhau nhưng tuỳ theo mục đích huy động mà mỗi ngân hàng sẽ có những khác biệt với các ngân hàng khác.
- Đa dạng hoá sản phẩm: Qua nghiên cứu và phân cấp khách hàng, mỗi ngân hàng sẽ đưa ra các loại sản phẩm khác nhau để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng nên việc đa dạng hoá sản phẩm là yếu tố tất nhiên. Đa dạng hoá sản phẩm sẽ giúp ngân hàng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng hơn và phục vụ được nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng. Để giữ chân được khách hàng và thu hút ngày càng nhiều khách hàng hơn nữa thì việc đưa ra nhiều sản phẩm với nhiều tính năng sẽ giúp khách hàng thấy thoả mãn và hài lòng – đây chính là mục tiêu hướng tới của mỗi nhà cung cấp không chỉ có hệ thống ngân hàng.
- Nâng cao chất lượng công nghệ: Với ngân hàng hệ thống công nghệ góp phần không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống. Với số lượng khách hàng ngày càng nhiều và số lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng đa dạng nếu không có công nghệ hỗ trợ thì ngân hàng sẽ không thể phát triển đi lên được. Với sự hỗ trợ của công nghệ
sẽ giúp ngân hàng giảm được rất nhiều công việc, bản thân những nhà quản lý và nhân viên sẽ được giải phóng khỏi những công việc tỷ mỷ, máy móc để đầu tư thời gian cho phân tích và tìm kiếm khách hàng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Trong chương 1 đề cập đến các khái niệm, đặc điểm, hình thức, vai trò và khả năng huy động vốn tiền gửi. Bên cạnh đó, chương 1 còn nêu ra các nhân tố chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn tiền gửi của NHTM, những bài học kinh nghiệm về HĐVTG từ các NHTM. Qua đó, đề tài đưa ra một cái nhìn tổng quan về khả năng huy động vốn tiền gửi tại NHTM. Trên cơ sở lý luận này, chương 2 ta sẽ tiền hành phân tích thực trạng HĐVTG tại BIDV Đồng Nai và các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng HĐVTG của BIDV Đồng Nai.