CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG HUY ĐỘNG VỐN TIỀN GỬI KHÁCH HÀNG CÁ NHÂN TẠI NGÂN HÀNG TMCP CÔNG THƯƠNG VIỆT NAM – CHI NHÁNH KCN TIÊN SƠN
3.3. Kiến nghị với các chủ thể liên quan
3.3.1 Đối với Ngân hàng Nhà nước
NHNN có chức năng quản lý và điều hành hệ thống NHTM, đồng thời là ngân hàng của các ngân hàng. Do đó, NHNN có ảnh hưởng rất lớn đến công tác huy động vốn của VietinBank KCN Tiên Sơn. Chính vì lẽ đó, cần phải xây dựng và hoàn thiện chính sách tiền tệ phù hợp với từng thời kỳ phát triển, nhằm khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp gửi tiền bằng công cụ lãi suất, tỷ giá, thị trường mở. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và khâu thực hiện rõ ràng, chính xác, hạn chế thay đổi trong thời gian ngắn, cần điều hành lãi suất linh hoạt theo từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích cho cả ngân hàng và khách hàng gửi tiền. Luôn cố gắng duy trì mức lãi suất dương, để đảm bảo lợi ích và thu hút người gửi tiền.
Ngoài ra vận hành hiệu quả công cụ tỷ giá của NHNN sẽ góp phần hạn chế sự biến động về tỷ giá, tạo sự an tâm cho người gửi tiền, cũng như tạo điều kiện thuân lợi cho các NHTM nói chung và Vietinbank nói riêng huy động được nguồn vốn ngoại tệ đang nằm trong dân. Trong thời gian tới chính sách tỷ giá của NHNN cần tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở tập trung vào các vấn đề như: Tăng cường hoàn thiện thị trường ngoại hối, thị trường tài chính và tiền tệ; Hình thành các quỹ ngoại tệ tập trung do NHNN trực tiếp quản lý và điều hành nhằm mục đích dự trữ một lượng ngoại tệ mạnh đủ lớn để có thể tham gia vào thị trường một cách hiệu quả khi cần thiết; Điều hành chính sách tỷ giá hướng tới xác thực hơn với quan hệ cung cầu về ngoại tệ trên thị trường vào những thời điểm nhất định...
NHNN nên quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc hợp lý và có biện pháp điều chỉnh thích hợp mỗi khi có sự biến động từ thị trường, không nên quy định tỷ lệ này quá cao vì nó sẽ làm tăng chi phí của nguồn vốn huy động làm ảnh hường đến nguồn cho vay cũng như lợi nhuận của ngân hàng. Mặt khác, tiếp tục cơ cấu lại hệ thống ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động huy động vốn nói riêng.
* Tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách tiền tệ, tín dụng cho các NHTM
Luật NHNN Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 1998, thay thế hai Pháp lệnh Ngân hàng ban hành từ năm 1990. Đến nay đã có hàng chục văn bản dưới luật: Nghị định, Quyết định, Thông tư,... hướng dẫn thi hành hai Luật Ngân hàng đã được ban hành. Song một loạt cơ chế về lãi suất, tỷ giá, quản lý ngoại hối, các quy định về cho vay, thế chấp, bảo lãnh, ngoại tệ,... vẫn còn những vướng mắc, bất cập, không phù hợp với thông lệ quốc tế cản trở việc huy động vốn, mở rộng tíndụng, đáp ứng yêu cầu cả vốn nội tệ và vốn ngoại tệ cho các thành phần kinh tế. Chính vì vậy, trong thời gian tới NHNN cần thay đổi, ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể hoạt động của các NHTM.
* Tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát hoạt động của các NHTM
Thanh tra là giải pháp mạnh mẽ và có ý nghĩa quyết định đối với việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm của tổ chức tín dụng, làm cho các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh và hiệu quả. Nhất là trong thời gian gần đây, tình hình nợ quá hạn của các tổ chức tín dụng ngày càng cao. Việc chấp hành các quy định về tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán, tỷ lệ chuyển hoán vốn của các Ngân hàng chưa được thực hiện đúng.Chính vì vậy cần có sự giám sát của NHNN.
Bên cạnh việc thanh tra, kiểm soát, NHNN yêu cầu các NHTM phải công khai thông tin về tình hình hoạt động của Ngân hàng. Việc công khai thông tin một mặt sẽ giúp cho hoạt động của các NHTM lành mạnh hơn, mặt khác giúp các khách hàng của Ngân hàng theo dõi được hoạt động của NHTM từ đó yên tâm đầu tư.
* Nâng cao hiệu quả hệ thống bảo hiểm tiền gửi
Theo Nghị định của Chính phủ về bảo hiểm tiền gửi ban hành ngày 01 tháng 9 năm 1999 có quy định: Các tổ chức tín dụng và các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng được phép thực hiện một số hoạt động Ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc. Để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hệ thống bảo hiểm tiền gửi, trong thời gian tới cần nâng số tiền bảo hiểm được trả của người gửi tiền (hiện nay tối đa là 50 triệu đồng Việt Nam cho tất cả các khoản tiền gửi của một cá nhân gồm cả gốc và lãi). Đồng thời giảm mức phí phải nộp của những tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.