Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3.2. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Một là, tổ chức bộ máy quản lý
Số lượng cán bộ viên chức bố trí tại phòng quản lý thu chưa đáp ứng với khối lượng công việc thực tế tại của đơn vị.
Nhân lực phục vụ công tác quản lý thu không ổn định đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý thu.
Năng lực của một số cán bộ tại bộ phận quản lý thu còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện.
Hai là, quản lý đối tượng tham gia
Số người tham gia BHXH trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến 2016 tăng không đáng kể (từ 240.404 người năm 2012 tăng lên 135.332 người năm 2016) trong đó số người tham gia chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức và lao động thuộc các cơ quan Đảng, đoàn thể, HCSN. Số người tham gia BHXH tăng nhanh về tỷ lệ ở nhóm doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Ba là, quy trình và tổ chức thu
Phần mềm quản lý thu chưa được nâng cấp, chỉnh sửa theo các quy định mới gây khó khăn cho công tác quản lý thu.
Quy định về việc nộp hồ sơ bắt buộc phải thực hiện qua giao dịch điện tử hoặc dịch vụ Bưu chính còn cứng nhắc.
Bốn là, quản lý các khoản thu
Tình trạng thất thoát nguồn thu vẫn còn tồn tại, phổ biến vẫn là việc kê khai không đủ số lao động thuộc diện đóng BHXH bắt buộc; kê khai tiền công tháng đóng BHXH thấp hơn so với tiền công thực lĩnh trong khi vẫn khai báo với cơ quan thuế về số lao động và quỹ lương lớn để được giảm trừ chi phí đầu vào.
Theo kết quả điều tra tình hình điều chỉnh tăng, giảm lao động, thay đổi căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ do tác giả tiến hành tại thời điểm tháng 6/2017 đối với 100 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Kết quả điều tra cho thấy có tới 38/100 đơn vị (chiếm 38%) chưa thực hiện điều chỉnh lao động và căn cứ đóng BHXH, trong đó:
Số lao động chưa báo tăng: 150 người;
Số lao động chưa báo giảm: 30 người;
Số lao động chưa điều chỉnh căn cứ đóng BHXH: 277 người;
Số lao động sai chức danh nghề: 155 người.
Tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN tại các đơn vị HCSN vẫn còn tiếp diễn. Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tình trạng nợ BHXH có dấu hiệu kéo dài và gia tăng.
Năm là, công tác kiểm tra
Hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, số đơn vị được kiểm tra còn ít và hầu hết là mới chỉ kiểm tra các đơn vị HCSN dấu hiệu vi phạm về thời gian đóng nộp BHXH và chậm điều chỉnh tăng, giảm lao động, căn cứ đóng BHXH mà chưa kiểm tra nhiều đối với các doanh nghiệp đặc biệt là đối với doanh nghiệp chưa tham gia BHXH.
3.3.2.2. Nguyên nhân hạn chế
Thứ nhất, tổ chức bộ máy quản lý
Do số lượng cán bộ viên chức của Phòng Quản lý thu ít trong khi khối lượng công việc của ngành BHXH ngày càng tăng nên việc bố trí số lượng nhân lực tại Phòng quản lý thu chưa phù hợp. Hiện tại bộ phận quản lý thu đang quản lý 135.332 người tham gia BHXH bắt buộc tại 7.348 đơn vị; quản lý thu 1.105,8 tỷ đồng, tính bình quân mỗi cán bộ thu BHXH tỉnh phải quản lý khoảng 11.277 người và thu 92,15 tỷ đồng trong năm. Với khối lượng công việc phát sinh trong ngày nhiều, tính bình quân mỗi cán bộ thu đang phải làm việc từ 11 - 12 giờ trong ngày mới đảm bảo tiến độ công việc.
Tại BHXH tỉnh, cán bộ làm công tác quản lý thu trong những năm qua hầu hết là nữ. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản cho mỗi lần sinh con là 06 tháng, trong thời gian nuôi con nhỏ do bị chi phối trong việc chăm sóc con và gia đình nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác.
Thứ hai, quản lý đối tượng tham gia
Tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH diễn ra phổ biến là do các nguyên nhân sau:
Hoạt động sản xuất kinh doanh, SDLĐ của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa được quản lý chặt chẽ. Hầu hết các doanh nghiệp không thực hiện việc đăng ký số lao động và tiền lương với Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh nên cơ quan BHXH thiếu thông tin về doanh nghiệp để vận động, tuyên truyền.
Nhận thức của chủ SDLĐ về đảm bảo quyền lợi cho NLĐ chưa cao, chưa thấy được tầm quan trọng trong việc tham gia BHXH cho NLĐ để đến khi xảy ra tai nạn đáng tiếc gây thiệt hại cho cả chủ sử dụng và NLĐ.
Nhận thức của NLĐ về quyền lợi tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn hạn chế, chưa mạnh dạn đấu tranh đòi quyền lợi cho bản thân. Một phần do thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc bị sức ép về việc làm và đời sống nên chấp nhận và tiếp tay cho chủ SDLĐ tước bỏ quyền lợi của mình.
Vai trò của tổ chức công đoàn chưa phát huy hiệu quả, hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa thành lập tổ chức công đoàn nên không có người đứng ra bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.
Số người tham gia BHXH còn hạn chế là do các nguyên nhân sau:
Công tác tuyên truyền của BHXH huyện chưa hiệu quả, nhiều chủ trương, chính sách mới chưa đến được với NLĐ và tầng lớp nhân dân, cách tuyên truyền chưa khoa học, chưa làm cho NLĐ và nhân dân hiểu được lợi ích của việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH, BHYT. Nhận thức của một số lãnh đạo các phòng, ban, ngành trong tỉnh về cơ quan BHXH còn sai lệch, còn cho rằng ngành BHXH là đơn vị kinh
doanh, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT là công việc của ngành BHXH.
Thứ ba, quy trình và tổ chức thu
Hệ thống văn bản và các biểu mẫu phục vụ cho công tác thu thường xuyên thay đổi (từ năm 2012 đến 2016 hệ thống mẫu biểu đã thay đổi 3 lần) dẫn đến phần mềm quản lý chưa đáp ứng kịp.
Nhằm cải cách thủ tục hành chính và phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2016 cắt giảm số giờ thực hiện thủ tục xuống còn 49,5 giờ tương đương với mức bình quân các nước ASEAN 6, ngành Bảo hiểm Xã hội quy định đối với các hồ sơ thuộc lĩnh vực tham gia BHXH, BHYT, BHTN, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT phải thực hiện qua giao dịch điện tử và đối với các hồ sơ giấy thuộc lĩnh vực khác phải thực hiện thông qua dịch vụ Bưu chính. Đây là một quy định còn cứng nhắc, bởi đối với những đơn vị có số lao động ít (dưới 10 lao động) việc thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác thu rất ít trong khi đó để giao dịch hồ sơ điện tử, các đơn vị phải mua chữ ký số và phần mềm hỗ trợ. Đối với một số lĩnh vực thực hiện bằng hồ sơ giấy, do tính chất phức tạp đòi hỏi người tiếp nhận hồ sơ phải có kinh nghiệm trong khi đó nhân viên Bưu điện lại không có kinh nghệm dẫn đến nhiều hồ sơ khi tiếp nhận về vẫn phải bổ sung, nhiều hồ sơ phải trả lại do không đủ điều kiện thực hiện.
Thứ tư, quản lý các khoản thu
Ý thức chấp hành của một số đơn vị SDLĐ trong việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia còn kém, một số chủ SDLĐ chưa quan tâm đến công tác BHXH, còn phó mặc cho kế toán trong khi đó trình độ, năng lực của một số cán bộ kế toán còn hạn chế, chưa nhiệt tình trong công tác dẫn đến tình trạng chậm đóng BHXH, chậm điều chỉnh lao động và căn cứ đóng cho NLĐ.
Thứ năm, công tác kiểm tra
Thanh Hóa là nơi có địa bàn rộng, các đơn vị nằm rải rác trong khi lực lượng làm công tác quản lý thu ít, khối lượng công việc ngày càng nhiều, cán bộ thu chưa được tập huấn về nghiệp vụ kiểm tra nên chất lượng công tác kiểm tra chưa cao.
Hoạt động kiểm tra đối với các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH rất khó do thiếu thông tin từ phía cơ quan quản lý và chưa có sự vào cuộc của các cấp, các ngành cũng chính quyền địa phương.