Đánh giá chung về thực trạng

Một phần của tài liệu Giải pháp góp phần nâng cao động lực làm việc cho đội ngũ giáo viên THCS huyện cẩm khê tỉnh phú thọ (Trang 69 - 73)

Chương 3 KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Khái quát chung về giáo dục THCS trên địa bàn huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ

3.2.2. Đánh giá chung về thực trạng

Ngành giáo dục của huyện luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện đối với sự nghiệp giáo dục nói chung cũng như giáo dục cấp THCS nói riêng.

Các chính sách của Đảng, Nhà nước, trong những năm gần đây đã có

những thay đổi mang tính tích cực nhằm cải thiện, nâng cao hơn đời sống của giáo viên, như tăng lương, các chính sách về phụ cấp- phụ cấp thâm niên nhà giáo, phụ cấp thu hút... Do vậy nhìn chung thu nhập của đội ngũ giáo viên THCS trong huyện là ổn định hơn so với các ngành nghề khác, giúp họ có thêm động lực để gắn bó với nghề.

Chế độ thưởng được thực hiện đầy đủ, thường xuyên đã có tác dụng khích lệ tích cực tới đội ngũ giáo viên. Các phần thưởng tuy không lớn nhưng là sự ghi nhận của cấp trên và cũng là sự tự khẳng định bản thân, qua đó giáo viên có lý do để tự thúc đẩy hoàn thiện bản thân, nỗ lực đạt các thành tích cao hơn. Rất nhiều phong trào thi đua được phát động tạo ra không khí thi đua sôi nổi, thúc đẩy sự tìm tòi, khám phá của giáo viên, không được ỷ lại, hài lòng với bản thân. Mặt khác vào các dịp quan trọng như các ngày lễ lớn việc được khen thưởng, động viện kịp thời còn thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đối với đội ngũ giáo viên, do vậy đã động viên tinh thần giáo viên rất lớn, để họ có động lực tiếp tục gắn bó với sự nghiệp trồng người đầy khó khăn.

Chính sách phúc lợi đối với đội ngũ giáo viên THCS đã được chú trọng trong những năm gần đây. Các quỹ phúc lợi được Công đoàn ngành giáo dục huyện và Công đoàn cơ sở tại các trường quản lý và vận hành hiệu quả. Phúc lợi về mặt dịch vụ như nhà công vụ, đã và đang được các cấp lãnh đạo huyện quan tâm đầu tư, nhất là khi huyện tiến hành thực hiện từng bước quy hoạch ngành giáo dục huyện và quy hoạch kinh tế xã hội của toàn huyện trong những năm tới. Chắc chắn quy mô nhà công vụ sẽ được tăng lên đáp ứng được đủ nhu cầu của đội ngũ giáo viên. Điều kiện làm việc của họ vì thế mà cũng sẽ dần được cải thiện, tiếp thêm động lực cho họ trên con đường cống hiến vì sự nghiệp giáo dục.

Đội ngũ cán bộ quản lý đã nhận thức tương đối đầy đủ về vấn đề tạo động lực làm việc cho giáo viên. Họ đã xác định tương đối rõ ràng vai trò của mình trong quá trình tạo động lực làm việc cho giáo viên. Quá trình tạo động lực làm việc cho giáo viên đã được cán bộ quản lý xây dựng kế hoạch, tổ

chức thực hiện, chỉ đạo triển khai và kiểm tra đánh giá tương đối toàn diện như các nội dung về phát triển năng lực chuyên môn, về thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của giáo viên, xây dựng môi trường làm việc thuận lợi…

3.2.2.2. Khó khăn

Thứ nhất, thu nhập của đại đa số giáo viên THCS không cao, nhất là các giáo viên trẻ, hệ số lương còn thấp, khó có thể đảm bảo được cuộc sống của bản thân và gia đình.

Thứ hai, các khoản thưởng đối với hầu hết toàn bộ giáo viên chỉ có ý nghĩa động viên, ghi nhận thành tích họ đạt được chứ chưa thật sự tạo tác động khuyến khích vật chất để nhiều người khác cũng phấn đấu. Các phần thưởng, mức thưởng còn mang tính chất cào bằng, chưa tạo ra sự phân biệt rõ ràng nên tính khích lệ chưa cao; Các khoản phúc lợi tự nguyện còn ít về cả loại và mức hưởng chưa thể hiện được sự hỗ trợ, góp phần đảm bảo đời sống vật chất cho giáo viên mà chỉ dừng lại ở ý nghĩa động viên tinh thần.

Thứ 3, công việc của giáo viên THCS còn nhiều, ngoài việc giảng dạy giáo viên còn phải làm nhiều các công việc khác, như sinh hoạt chuyên môn, dự giờ thăm lớp, bồi dưỡng chuyên môn, họp tổ, họp hội đồng sư phạm nhà trường...bên cạnh đó thì chương trình sách giáo khoa cũng tương đối nặng (tuy đã có giảm tải), vì thế chưa tạo được sự hứng thú, trái lại còn gây thêm áp lực cho đội ngũ giáo viên THCS.

Thứ tư, môi trường, điều kiện làm việc của giáo viên vẫn còn nhiều hạn chế, chậm được cái thiện: trang thiết bị ít được cập nhật, nâng cấp, nhất là các trang thiết bị hiện đại như máy chiếu đa năng...; phòng học bộ môn và nhà công vụ còn thiếu nhiều.

Thứ năm, một số cán bộ quản lý chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của mình trong việc tạo động lực làm việc cho giáo viên. Trong quá trình tạo động lực cho giáo viên, một số nội dung được triển khai từ khâu xây dựng kế hoạch cho đến tổ chức thực hiện, chỉ đạo triển khai cũng như kiểm tra đánh giá chưa thực sự hiệu quả; Các hoạt động cụ thể được tổ chức để tạo động lực làm việc cho giáo viên chưa đạt hiệu quả cao.

3.2.2.3. Nguyên nhân

* Về nguyên nhân khách quan:

Một là, cấp ủy, chính quyền một số xã chưa quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của địa phương, chưa chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, chưa làm tốt công tác tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu và ủng hộ các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về giáo dục.

Hai là, mức lương của giáo viên được nhận còn tương đối thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hiện tại.

Ba là, hạn chế về chế độ thưởng và phúc lợi là do nhà trường không có nguồn ổn định dành cho các chế độ này nên mức hưởng thường thấp và không gắn liền với thu nhập của giáo viên.

Bốn là, do có quá nhiều quy định về các đầu công việc mà giáo viên THCS phải hoàn thành mà chưa được tổng hợp và sắp xếp lại cho khoa học, khiến số lượng công việc của họ ngày càng tăng lên cùng với trách nhiệm mà giáo viên và nhà trường phải đảm nhận.

Năm là, đầu tư tài chính cho giáo dục nói chung, cho tạo động lực làm việc cho giáo viên còn hạn chế.

Sáu là, tình hình kinh tế xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển; sự quan tâm đến giáo dục của xã hội đặc biệt là của nhân dân còn ít.

* Về nguyên nhân chủ quan:

Thứ nhất, các tiêu chí xét thưởng quá khắt khe, với nhiều điều kiện, nên rất khó để giáo viên có thể đáp ứng được, làm cho ý nghĩa tạo động lực thông qua tiền thưởng bị giảm đi.

Thứ hai, các nhà trường chưa thực hiện phân tích công việc để đưa ra bản mô tả công việc đối với giáo viên THCS.

Thứ ba, vấn đề xây dựng văn hóa nhà trường cũng như tạo dựng bầu không khí tâm lý tập thể tích cực thì mới chỉ dừng lại ở việc phát động các phong trào, do vậy nên nhiều trường chưa nhận thức được tầm quan trọng, thực hiện qua loa.

Thứ tư, một bộ phận cán bộ quản lý các trường chậm đổi mới trong công tác quản lý tổ chức các hoạt động dạy và học trong nhà trường; chưa tích cực chủ động tham mưu với chính quyền địa phương, chưa xây dựng được tập thể đoàn kết, vi phạm về quản lý tài chính; công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường còn hạn chế; việc tuyên truyền thực hiện chế độ chính sách dân số - kế hoạch hoá gia định ở một số trường học chưa thực hiện tốt (còn nhiều giáo viên vi phạm chính sách dân số bị kỷ luật). Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cuối năm học ở một số đơn vị trường chưa sát với kết quả đạt được của nhà trường, chưa bám sát vào các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân huyện về đánh giá phân loại viên chức cuối năm học.

Một phần của tài liệu Giải pháp góp phần nâng cao động lực làm việc cho đội ngũ giáo viên THCS huyện cẩm khê tỉnh phú thọ (Trang 69 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)