Chương 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
4.5. Đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển tài nguyên thực vật tại rừng đặc dụng Yên Tử có hiệu quả
Qua những nghiên cứu về tính đa dạng cây gỗ tại rừng đặc dụng Yên Tử, tôi đưa ra một số giải pháp để bảo tồn các loài cây gỗ tại đây như sau:
4.5.1. Giải pháp kỹ thuật
- Làm rõ ranh giới giữa Khu rừng đặc dụng và vùng dân cư sinh sống.
Hiện nay, rừng đặc dụng Yên Tử đang tiến hành dự án nâng cấp rừng đặc dụng Yên Tử thành vườn quốc gia Yên Tử. Sau khi dự án được phê duyệt, Ban quản lý Vườn quốc gia cần đề nghị cho xây dựng vùng đệm để tổ chức các biện pháp quản lý bảo vệ nghiêm ngặt đối với những loài cây gỗ quý hiếm.
- Thực hiện tốt chương trình nghiên cứu khoa học theo hướng chuyên sâu đến các loài cây gỗ, đặc biệt là những loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và trong Nghị định 32 của Chính phủ. Hiện tại, loài Hồng Tùng tại khu vực nghiên cứu số lượng còn khá nhiều nhưng đều là những cá thể đã thành thục, hiện vẫn chưa tìm thấy cây tái sinh tại đây. Một số cá thể đang bị cụt ngọn, rỗng ruột, đổ gãy. Vì vậy, cần có những nghiên cứu bảo tồn loài quý hiếm này. Năm 2009, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có chương trình nghiên cứu bảo tồn loài này nhưng chỉ dừng lại ở bước chăm sóc
bằng cách phun thuốc. Tuy nhiên, ngoài những biện pháp chăm sóc duy trì sinh trưởng nhằm giữ gìn vào bảo tồn cho cây tùng cổ tại Yên Tử cần phải có một chiến lược lâu dài nhằm bảo tồn loài cây quý này. Biện pháp kỹ thuật nhân giống tùng Yên Tử là một hướng đi lâu dài và góp phần vào công tác bảo tồn nguồn giống tùng quý hiếm chỉ có ở nơi đây. Qua nghiên cứu đặc điểm thực vật của tùng Yên Tử bước đầu trung tâm Khoa học và Sản xuất Lâm – Nông nghiệp Quảng Ninh đã nhân giống thành công tạo ra được cây con bằng phương pháp nhân hữu tính và vô tính, tuy nhiên kết quả đạt được này mới ở quy mô thử nghiệm.
Do vậy, cần tập trung tiến hành giâm thử nghiệm loài này tại Trung tâm để sớm tìm ra cách phục hồi loài cây gỗ có giá trị lịch sử này; cần xúc tiến liên hệ với các tổ chức trong và ngoài nước để lập các dự án bảo tồn các loài quý hiếm, bị đe doạ, có nguy cơ bị tuyệt chủng cao.
4.5.2. Giải pháp về kinh tế - xã hội
- Thực tiễn đã cho thấy công tác bảo tồn thiên nhiên muốn có kết quả tốt thì phải gắn với việc phát triển kinh tế vùng đệm, tức là nguyên tắc xã hội hóa trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Do đó, cần quan tâm đến chính sách phát triển kinh tế xã hội cho người dân vùng đệm thông qua các chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng các mô hình vườn rừng vườn quả, trồng cây phân tán, xây dựng cơ sở hạ tầng, cho vay vốn phát triển dịch vụ du lịch. Ngoài ra, có thể triển khai các chương trình, dự án đầu tư cho công tác bảo vệ, khoanh nuôi, trồng rừng... nhằm nâng cao thu nhập, thay thế sản phẩm từ rừng tự nhiên bằng các sản phẩm rừng trồng, giảm áp lực tới tài nguyên rừng trong khu vực nghiên cứu.
- Giúp các hộ gia đình khai thác sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất nông, lâm nghiệp trên địa bàn như: khai hoang, thâm canh tăng vụ, xây dựng phát triển mô hình trang trại nông lâm kết hợp, trú trọng mô hình canh tác trên đất
dốc có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp giao cho hộ gia đình theo Nghị định 02/CP.
- Tập trung xây dựng các mô hình trồng cây năng xuất cao phù hợp với điều kiện, nhận thức của địa phương để chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân. Có thể hướng dẫn người dân thực hiện mô hình nuôi ong mật nhằm khai thác nguồn hoa tự nhiên từ rừng, mô hình nuôi nhím, lợn rừng... để tăng thêm thu nhập. Ngoài ra có thể khuyến khích người dân trồng các loài cây thuốc nam. Tại khu vực Yên Tử dân cư sinh sống chủ yếu là người dân tộc Dao, có nhiều người có những bài thuốc hay, được nhiều người quan tâm.
Trầu một lá và gừng gió ở Yên Tử là vị thuốc quý dùng chữa bong gân, thấp khớp và điều dưỡng khí huyết. Câu chuyện hơn 1.000 năm trước Công nguyên, đạo sỹ An Kỳ Sinh đã lên Yên Tử hái thuốc luyện đan trường sinh, cải lão hoàn đồng không biết hư thực ra sao nhưng cũng cho thấy thảm thực vật nơi đây đã từng tồn tại nhiều loại dược liệu quý. Thời vua Trần Nhân Tông, Yên Tử có am Dược, được coi là xưởng bào chế nhiều loại thảo dược chữa bệnh cho dân khi đại dịch về. Thực vật Yên Tử có thể coi là tài sản vật chất văn hoá, một phần linh hồn của di sản Yên Tử. Thế nhưng hiện nay nhiều loài cây trong đó đang bị xâm hại, có nguy cơ tàn lụi. Nhiều cây Tùng quý có dấu hiệu lão hoá, sâu mục từ trong thân, trong rễ. Rừng Trúc bị khai thác măng quá mức không phát triển được. Hàng đại cổ thụ cũng bị con người chèn ép phần gốc bởi các công trình xây dựng. Còn Mai vàng Yên Tử, Trầu một lá, Gừng gió Yên Tử đang ngày ngày bị săn lùng, đào tận gốc, tận rễ để trở thành cây cảnh, chai thuốc bán ra thị trường... Tất cả những việc làm này cần phải được hạn chế, ngăn chặn để đảm bảo cảnh quan, hương sắc Yên Tử linh thiêng. Để làm được điều đó thì các cơ quan chức năng cần phải khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người dân trồng các loài cây làm thuốc phục vụ cho nhu cầu thị trường để hạn chế sự tác động của người dân vào rừng.
- Cần có các chính sách hỗ trợ về sản xuất cho người dân địa phương bằng cách:
+ Hình thành các quỹ tín dụng tại địa phương. Các quỹ tín dụng cho người dân vay với lãi suất thấp, tạo điều kiện thời gian cho người dân vay lâu dài. Áp dụng thời hạn vay theo chu kỳ kinh doanh, những loài cây, vật nuôi lâu thu hồi vốn sẽ được vay với thời gian dài hạn hơn những loài cây, vật nuôi hàng năm hoặc sớm cho thu hoạch sản phẩm.
+ Chú ý đến thị trường đầu ra của sản phẩm, các tổ chức chính quyền địa phương phải có những chính sách hỗ trợ người dân tìm thị trường đầu ra của sản phẩm; tránh tình trạng sản phẩm làm ra không bán được trên thị trường sẽ làm cho người dân mất lòng tin vào các phương án phát triển sản xuất của Ban quản lý đưa ra. Đời sống không được cải thiện họ sẽ tiếp tục vào rừng chặt phá rừng trái phép.
4.5.3. Giải pháp về cơ chế, chính sách và thu hút nguồn vốn đầu tư
- Quảng bá tiềm năng về đa dạng sinh học, điều kiện kinh tế xã hội vùng dự án đến các tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài đang quan tâm và có chương trình hỗ trợ về lĩnh vực bảo vệ môi trường - bảo tồn đa dạng sinh học, quan tâm đặc biệt tới các loài hạt trần hiện có trong khu vực.
- Quy hoạch vùng du lịch, giới thiệu tiềm năng về du lịch của khu bảo tồn, điều kiện môi trường đầu tư (địa điểm, môi trường kinh doanh, quỹ đất...) để kêu gọi nguồn vốn liên danh liên kết của các tổ chức - cá nhân trong và ngoài nước có năng lực đầu tư vốn cho hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái.
- Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên thông qua việc tổ chức cho cán bộ tham gia các khoá học chuyên ngành dài hạn, ngắn hạn; tăng cường học tập kinh nghiệm ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã làm tốt công tác bảo tồn thiên nhiên.
- Thường xuyên tổ chức những đợt học tập nâng cao nghiệp vụ về công tác quản lý bảo vệ rừng, điều tra đa dạng sinh học, phòng cháy chữa cháy rừng, kỹ năng làm việc với cộng đồng cho các cán bộ Kiểm lâm trực thuộc Ban quản lý và cán bộ Kiểm lâm địa bàn để công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Rừng đặc dụng Yên Tử được thực hiện tốt hơn.
- Cần tăng cường đội ngũ cán bộ kiểm lâm cho Ban quản lý rừng vì hiện nay số lượng cán bộ kiểm lâm tại khu vực còn hạn chế, lại bị phân chia thêm nhân sự cho đội quản lý di tích, hơn nữa, vào mùa lễ hội lực lượng bảo vệ rừng còn phải kiêm thêm công tác đảm bảo trật tự an ninh trong thời gian diễn ra lễ hội cho nên lực lượng bảo vệ rừng rất mỏng, khó đáp ứng được yêu cầu công việc.
- Cần thu hút các đề tài, dự án của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ vào Yên Tử để có thêm quỹ hỗ trợ cho công tác bảo tồn.
- Cập nhật thông tin, đưa các tiến bộ khoa học, các phương tiện hiện đại để phục vụ triển khai thực hiện các chương trình nghiên cứu cơ bản trong khu vực nghiên cứu.
4.5.4. Tăng cường công tác thực thi pháp luật
- Thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục của người dân về lợi ích của rừng, những hậu quả của việc mất rừng và vai trò của khu di tích trong lịch sử dân tộc.Người dân địa phương vừa là đối tượng vừa là chủ thể trong quản lý tài nguyên rừng, vì thế họ là những đối tượng chủ động ra các quyết định quản lý có ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng của địa phương. Chính vì thế mà thực hiện tuyên truyền giáo dục nâng cao năng lực hiểu biết về tài nguyên, quản lý tài nguyên sâu rộng không chỉ cho người dân vùng đệm mà còn cho người dân vùng xung quanh sẽ giúp cho việc quản lý, phát triển tài nguyên được tốt hơn.
- Nâng cao năng lực thừa hành pháp luật cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm rừng đặc dụng, đảm bảo đủ trình độ, năng lực, sức khoẻ thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng.
- Tranh thủ sự chỉ đạo, ủng hộ của các cơ quan cấp tỉnh, cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã và người dân vùng dự án, trong đó, đặc biệt tranh thủ tối đa lực lượng bảo vệ rừng nơi thôn bản và phối hợp tham gia hỗ trợ của các ban ngành liên quan cấp huyện, đặc biệt là các ngành trong khối nội chính trong công tác phối hợp lực lượng tuần tra, kiểm tra rừng, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.
- Tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng kết hợp nghiên cứu để ngăn chặn các hành vi xâm hại tới tài nguyên rừng, xây dựng các phương án bảo vệ và sử dụng rừng bền vững. Xây dựng lực lượng bảo vệ rừng tại chỗ đến từng thôn bản mà lực lượng Kiểm lâm là nòng cốt.
- Cần có chính sách quan tâm hơn đến đời sống vật chất và tinh thần cũng như các chính sách hưởng lợi của các cán bộ bảo vệ rừng để họ yên tâm làm tốt công việc của mình.